12/18/21

TẤT CẢ MỌI SỰ VIỆC ĐỀU CÓ SỰ AN BÀI KỲ DIỆU

Nhớ thời học bậc trung học, đọc được hai câu kệ:

“Vận đạt hựu như hà, vô phi bán thế hư danh nhất trường đại mộng
Thọ cao nhưng bất miễn, đáo để thanh minh tế vũ trùng cửu tà dương” 
(運達又如何,無非半世虚名一場大夢; 壽高仍不免,到底清明細雨重九斜陽). 

Thành đạt rồi thì sao, chẳng qua chỉ là giấc mộng ảo hư danh, tuổi thọ cho dẫu trăm năm chung cùng cũng phải nằm chịu mưa dầm thanh minh nắng xế trùng cửu.

Lúc còn trẻ, khi đọc hai câu kệ trên, chỉ hiểu mơ hồ đó là lời dạy về triết lý nhân sinh. Sau này khi thực sự bước chân vào đời mới thấm thía cuộc đời đầy gian truân thử thách, đồng thời ý thức được đời người vô thường. Nhưng có bao nhiêu người thực sự hiểu thấu sinh diệt tịnh tịch, phù vân thoáng chuyển.

Hôm qua, rảnh rỗi ngồi soạn lại những tấm hình cũ, trong lòng đột nhiên dồn dập vô thường. Nhìn lại căn nhà cũ mà trước đây tôi đã gởi thân trong đó nhiều năm và sau nhà là khu vườn xanh tươi mơn mởn, tất cả những kỷ niệm đã hoàn toàn xóa mất, thay vào đó, nay trở thành khu dân cư đông đúc. Bạn bè thuở trước nay đã tản lạc mỗi người một phương, có người đi mất, có người bay xa, có người sa sút, có người vẫn còn lăn lóc bon chen, nổi chìm theo dòng đời.

Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, vật thể trong hình là ấn chứng của định luật vô thường.

Khi xem lại những hình ảnh cũ, trong đó ghi dấu những cảnh vật của một thời, đọ lại bây giờ biết bao thay đổi - thương hải tang điền, nhân diện đào hoa, tụ tụ tan tan, ly ly hợp hợp, bùi ngùi trước dòng thời gian thật vô tình chẳng chờ chẳng đợi ai.

Chợt nhớ hai câu "lai thị ngẫu nhiên, khứ thị tất nhiên" (來是偶然, 去是必然). Tình cờ mà đến, thì sự ra đi cũng là lẽ tất nhiên.

"Nhân sinh bất như ý sự thập thường bát cửu", những chuyện không vừa ý chiếm đa phần trong cuộc sống của chúng ta - tình người quá nhạt, được mất quá nhanh, một đời người quá ngắn. Bản chất của kiếp sống là vô thường, nếu cứ mãi ôm những đau khổ, những chấp chước thì cuộc đời có nghĩa lý gì?

Cuộc đời là một chuỗi dài của sự tỉnh giấc, hôm qua vẫn còn hờn giận, hôm nay đã biết dung thứ; hôm qua không thể thỏa hiệp, hôm nay đã biết nhường nhịn. Sự cọ sát và điêu luyện trong cuộc sống giúp ta kiên cường trưởng thành. Hoa sen phải phấn đấu trui lên từ vũng bùn, ngào ngạt tỏa hương.

Đức Phật có dạy: “Bất luận người nào gắn kết trong đời sống của mình đều có cơ duyên, chứ không phải ngẫu nhiên và sẽ có bài học hữu ích cho bản ngã”.

Thực vậy, tất cả những sự cố, dù vui hay buồn, dù tốt hay xấu đều nằm trong cơ cấu thuận nghịch, định luật nhân quả, cuối cùng cũng đều có đáp án và kết số. Điều quan trọng là chúng ta phải biết kiên nhẫn chờ đợi và giữ vững lòng tin.

Năm 1972, vì làm ăn thua lỗ, gia đình của một người bạn phải thanh lý tài sản để trang trải nợ nần, vì vậy, cuộc sống trở nên cơ cực. Đến năm 1975, lịch sử sang trang, chính quyền mới áp đặt các thương gia được gọi là "tư bản", đưa vào vùng "kinh tế mới". Bàn dân vô tội trở thành vật hy sinh cho kẻ chiến thắng. Gia đình của bạn tôi lại may mắn thoát nạn vì sự thất bại trong kinh doanh, trở nên vô sản ba năm về trước. Câu chuyện "tái ông thất mã" phản ảnh triết lý được mất - mất được trong cuộc đời.

Xin kể thêm câu chuyện dưới đây:

Quốc vương của một nước nọ có sở thích săn bắn, mỗi lần xuất hành thường có sự tháp tùng của vị thừa tướng. Một hôm vào rừng, một con báo đốm bị quốc vương bắn hạ, mừng quá, quốc vương vội tiếp cận chiến lợi phẩm của mình, khi đang kiểm tra, bỗng báo đốm lấy hết sức tàn hơi vùng lên vồ mất lóng tay út của quốc vương.

Về cung dưỡng thương một thời gian, một hôm quốc vương cho gọi thừa tướng vào cùng chén rượu giải sầu. Qua vài tuần rượu, để tỏ sự quan tâm tới vết thương của vua, thừa tướng tâu: "Bẩm xin bệ hạ hãy xem cuộc săn bắn hôm trước cũng như mọi sự việc xảy ra trong đời, âu cũng là một sự sắp đặt đã được an bài."

Nghe xong nhà vua không bằng lòng với lối diễn đạt lập luận trên, nhà vua nghiêm sắc mặt, nặng lời: "nếu như mọi sự việc xảy ra đều do sự an bài tiền định, thì giả sử ngay bây giờ trẩm hạ ngục khanh tức thời thì đó cũng là sự an bài trước hay sao?"

Thừa tướng đâu dám chạm lòng vua: "nếu tình hình xảy ra như thế, thì thần đành chịu tuân hành."

Câu chuyện diễn tiến quá bất ngờ, hành động hạ ngục trở nên sự thật giữa bàn tiệc.

Một thời gian sau, khi vết thương đã lành hẳn, nhà vua lại xuất ngoại vi hành. Lần này người vào sâu đến một vùng xa xôi, lạc vào lãnh địa của bộ tộc ở đó. Một khẩu lệnh hô vang, đám thổ dân tràn đến vây kín bắt lấy nhà vua, rồi áp giải về bộ lạc.

Bộ lạc này chưa khai hóa nên có những nghi lễ cầu kỳ mê muội, họ có tục lệ là phải cúng tế nữ thần mặt trăng vào đêm trăng tròn. Thấy nhà vua khôi ngô tròn trịa, là vật tế lý tưởng. khi trăng vừa ló dạng, họ chuẩn bị tống nhà vua vào giàn lửa để thiêu sống. Ngay lúc nhà vua thất thần tuyệt vọng, chợt có một tiếng hô to át cả mọi âm thanh, vị thầy tế hiên ngang xuất hiện, tuyên bố đình chỉ cuộc cúng tế, vì thầy tế phát hiện nhà vua thiếu mất một lóng tay. Tế phẩm không được trọn vẹn sẽ khiến nữ thần nổi cơn thịnh nộ, thế là nhà vua được cởi trói và phóng thích.

Về đến cung sau khi đã an định tinh thần, nhà vua nhớ lại lời linh ứng của thừa tướng, ngài đích thân đến đón và mở bàn tiệc khoản đãi. Trong lúc kể lại câu chuyện kinh hoàng vừa qua, như có phần áy náy trong hành động tống giam thừa tướng, nhà vua hỏi: "khanh có oán trẩm trong thời gian bị giam trong ngục thất không?"

Thừa tướng ung dung trả lời: "Bẩm bệ hạ, nếu vừa qua thần không ở trong nhà ngục, thần chắc đã tháp tùng ngài trong chuyến vi hành và cũng cùng mất nạn với bệ hạ. Khi thầy tế phát hiện bệ hạ không thích hợp làm vật tế nữa, thế chẳng phải đến phiên thần hay sao?"

Nghe xong quốc vương phát lên một tràng cười: "chí lý, chí lý, mọi sự việc trong đời đều có sự an bài kỳ diệu."

Mọi hành động, mọi sự việc đều có sự phản hồi, như khi ta vào rừng hét to, sẽ có hồi âm vọng về, cái quả là tất yếu của nhân duyên.

Không cần vội vàng mà muốn cuộc sống cho ta biết ngay câu trả lời, thời gian sẽ có đáp án, cuộc đời chắc chắn mở cho chúng ta một lối đi.

Ý nghĩa của cuộc sống không phải là cần có một tay bài tốt, mà phải biết đánh tốt tay bài xấu. Vì vậy, ảnh hưởng nỗi lòng không phải là sự đau khổ, mà là thái độ khi đương đầu với nó. Chúng ta không thể lựa chọn cuộc sống theo ý muốn của mình, nhưng có thể quyết định cách sống thế nào cho hoàn mỹ và có ý nghĩa. Phải chăng đó là:

“Sống dịu dàng để ta luôn cố gắng,
Buông chữ đời để không nặng chữ tâm”.

Khi ông trời đóng một cánh cửa nào đó, đồng thời ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác. Sách có câu: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (山重水複疑無路,柳暗花明又一村). Núi thẳm nước cùng ngờ hết nẻo, liễu lòa hoa tươi một thôn làng.

Giữa vùng núi trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng chừng không còn lối đi nào nữa. Hãy rán vững bước, cố gắng tìm tòi, rồi sẽ phát hiện trong bóng liễu râm râm mịt mờ, lại thấy một thôn làng đầy hoa tươi sặc sỡ muôn sắc màu.

Người sáng suốt không phải lúc nào cũng xông vào chiến địa đạn lửa, mà là giữ lòng bình thản khi gặp khó khăn đau khổ rồi tìm ra giải pháp thích hợp để ứng phó, đừng chạnh lòng khi đương đầu với nghịch cảnh trước mắt, giữ vững lòng tin và kiên nhẫn, đời sẽ có hy vọng.

Tất cả kho khăn, trở ngại, thử thách và nghịch cảnh đều là tạm thời, giao phó mọi sự cho thời gian, rồi chúng ta sẽ cảm nhận, mọi sự đều có sự an bài kỳ diệu.

“Thế gian họa phước luân hồi
Thành bại được mất đến rồi lại đi
Bỏ qua những chuyện thi phi
Sầu bi phiền não chỉ vì vô minh.

Sống cho trọn nghĩa trọn tình
Từ bi đạm bạc chẳng cầu chẳng mong
Giữ cho thanh tịnh cõi lòng
Thảnh thơi giải thoát khỏi dòng trầm luân”.

Trường
12-15-2021

Đọc thêm: bản tiếng Trung

No comments:

Post a Comment