8/17/21

BÀI HỌC KHÓ QUÊN

HÀN SĨ PHAN

Theo dõi tình hình Afghanistan
giống như đang đọc lại hồi ký của
chính mình : bi thảm, đau thương, phũ phàng…


BÀI HỌC KHÓ QUÊN

Lại một lần nữa, Mỹ buông tay,
“Ai chết mặc ai”, kệ chúng mầy.
Chẳng còn lợi ích thì Mỹ “vọt”…
Phận nghèo nhược tiểu: ngậm đắng cay!!!

Vũ khí hiện đại, kỹ thuật cao,
Đối phương theo kịp, chắc còn lâu.
Nhưng “Du kích chiến”: Mỹ hạng bét !
Nên không sứt trán cũng bể đầu .

Gần nửa thế kỷ không khá hơn,
Mở đầu hùng hổ, kết cục chuồn.
Đánh du kích vẫn… non kinh nghiệm,
Chắc giàu, cao ngạo, chẳng học khôn ?!

Nước nhỏ khắc ghi để nhớ đời,
Theo Mỹ phải biết học cách chơi :
Thế chiến chung vai, cùng phòng tuyến,
Nội bộ nên tự giải quyết thôi.

Thế nhân dè bỉu bọn Tàu, Nga .
Nhưng với đàn em chúng mặn mà,
Bảo bọc từ đầu cho đến cuối,
Nửa chừng “không phụ bạc phe ta”.

Cứ xem Việt Cộng, Sy-Ri- A,
Biết chọn đúng xếp làm đại ca,
Yểm trợ đàn em chơi tới bến…
Không như đầu sỏ xứ Cờ Hoa !

Đừng xem thường hậu duệ cáo Hồ,
“Lẳng lơ” với Mỹ cốt moi đô.
Nhưng lòng một mực theo Tàu cộng,
Vì ôm chân Mỹ dễ xuống mồ !!!

Tình yêu của Mỹ : “tình ma cô”,
Rất là hào phóng lúc xáp vô,
Nhưng rồi sau đó đều ruồng bỏ,
Hai chữ thủy chung : một chữ NO !!!

8/14/21

VIỆN DƯỠNG LÃO


BS Trần Công Bảo 

Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi.

Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về "Viện Dưỡng Lão" để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về "Viện Dưỡng Lão" vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão, và cũng đã là "Giám Đốc Y Tế" (Medical Director) của nhiều "Viện Dưỡng Lão" trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về "Viện Dưỡng Lão".

Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home... Nói chung, "Viện Dưỡng Lão" là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ... nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu... hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được.

Khi nói tới "Viện Dưỡng Lão" người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người "trẻ" nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là "Viện Dưỡng Lão"?
"Viện Dưỡng Lão" là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những "Viện Dưỡng Lão" khác nhau:

1- Skilled Nursing Facility (SKF):

là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu... Thường thường tại Skilled Nursing Facility có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim)… cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình.

2- Intermediate care facility (ICF):

cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care).

3- Assisted living facility (ALF):

Thường thường những người vào Assisted living facility vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào "độc lập".

4- "Viện Dưỡng Lão"

cho những người quá lú lẫn (Alzheimer facility): có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những "Viện Dưỡng Lão" dành riêng cho những bệnh nhân này, thường là "locked facilty", cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài. Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.

NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI "VIỆN DƯỠNG LÃO":

Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết:
1- Phòng ngủ.
2- Ăn uống
3- Theo dõi thuốc men
4- Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân...
5- 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp.
6- Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo...
7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau:
a. Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã...
b. Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này.
c. Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn.

AI TRẢ TIỀN CHO VDL?

Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau:
1- Medicare
2- Medicaid (ở California là Medi-Cal).
3- Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho "Viện Dưỡng Lão".
4- Tiền để dành của người bệnh (personal funds).

MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi khả năng tại một Skilled Nursing Facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương... cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care.

MEDICAID là do qũy liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang. Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care.

BẢO HIỂM TƯ: thì tùy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế.

Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 "Viện Dưỡng Lão". Các "Viện Dưỡng Lão" này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) giám sát. Hàng năm các "Viện Dưỡng Lão" đều phải trải qua một cuộc kiểm soát rất gắt gao (survey) của CMS. "Viện Dưỡng Lão" nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích thanh tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại "Viện Dưỡng Lão" được săn sóc an toàn, đầy đủ với phẩm chất cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi "Viện Dưỡng Lão" đều có lưu trữ hồ sơ kiểm soát cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc thanh sát này. Tất cả các "Viện Dưỡng Lão" đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa.

Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của "Viện Dưỡng Lão". Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những "Viện Dưỡng Lão".

Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là “không muốn vào "Viện Dưỡng Lão"". Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay.

Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái "bất hiếu", bỏ bố mẹ, ông bà vào "Viện Dưỡng Lão" rồi không đoái hoài tới. Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào "Viện Dưỡng Lão" một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa! Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì "cũng tốt thôi".

NHỮNG "BỆNH" CÓ THỂ DO "VIỆN DƯỠNG LÃO" GÂY RA:

1- Lo lắng (anxiety):

Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm "Viện Dưỡng Lão" tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen "nước mắm, thịt kho"..., làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm!

2- Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions):

Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau:

a. Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón... Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc.
b. Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc.
c. Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay.

3- Ngã té (fall):

Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay...). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã.

4- Da bị lở loét (decubitus ulcers):

Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại.

5- Nhiễm trùng (infection): như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu... nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)…

6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration): Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác "ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.

VẬY CÓ NÊN VÀO VDL KHÔNG?

Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi:

1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ...

2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.

3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ...Thường thì rẻ hơn tùy từng group.

4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào "Viện Dưỡng Lão" thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"?

a. Làm sao để lựa chọn "Viện Dưỡng Lão":
* Vào internet để xem ranking của "Viện Dưỡng Lão" (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C...)

* Mỗi "Viện Dưỡng Lão" đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc thanh tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của "Viện Dưỡng Lão". Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho.

* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó.

* Quan sát bên trong và ngoài của "Viện Dưỡng Lão": xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân.

* Nếu có thể thì tìm một "Viện Dưỡng Lão" có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt.

b. Nếu đã quyết định chọn "Viện Dưỡng Lão" cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?

* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà còn cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt.

* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào...

* Nên làm một cuốn sổ "thông tin" (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân...

* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi "Viện Dưỡng Lão" để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa...

* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí.

* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa đầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe.
* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu qủa: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của "Viện Dưỡng Lão":

- Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống... để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn. Người mình vẫn nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau").

Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của "Viện Dưỡng Lão" để được giải quyết. Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan.

Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.

Bác sĩ Trần Công Bảo
(Source Internet)

Bà xã

Thiên Vu 
 

8/10/21

DÂN CHỦ THOÁI TRÀO

Hoàng Ngọc Nguyên


Giới chính luận trong thời gian gần đây đã bàn nhiều về “hiện tượng” dân chủ suy thoái đến mức nguy hiểm ở Mỹ. Và ý kiến của nhiều người khi tìm hiểu hay nhận định về nguyên nhân chú mục về sự suy yếu của truyền thông trong sự tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Trong cuộc chiến phá hoại dân chủ này nổi lên “người hùng” NPD Donald Trump!

Dân chủ hàm xúc một ý nghĩa rộng lớn khi ta nói về những giá trị dân chủ, chính trị dân chủ, cơ chế, định chế dân chủ, pháp luật dân chủ, quyền dân chủ... Nhưng thông thường, khi nói đến những giá trị hay nguyên tắc dân chủ, ta nói về một chính phủ dân cử (một chính phủ của dân, do dân, vì dân – do đó ngưòi dân vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đi bầu); một cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) có khả năng kiểm soát qua lại (checks and balance) để tránh sự lạm dụng; một hệ thống nhà nước pháp trị (rule of law) để tránh sự độc tài hay lạm quyền; sự bình đẳng của con người trong xã hội (equality) và trước pháp luật; quyền tự do cá nhân về phát biểu, hội họp...

Và cũng đương nhiên, khi nói về dân chủ đặc biệt ở Mỹ, chúng ta cũng phải nói đến vai trò và trách nhiệm của truyền thông chính lưu (truyền hình, báo chí...) trong việc cung cấp những thông tin, phản ảnh những đường lối chính sách của chính phủ (bao gồm cả ba ngành) cùng nhận định, tranh luận, phê phán... những đường lối chính sách đó. Không có vai trò tích cực đó, người dân sẽ bị “mù” (chẳng hiểu nhà nước đang làm gì, nhằm mục đích gì), bị “điếc” (không nghe được gì), và bị “câm” (không nói lên được ý kiến của mình). Chỉ có báo chí tự do mới có đối lập thực sự - vốn là nền tảng của một nền dân chủ pháp trị.

Nước Mỹ vẫn tự hào có một nền dân chủ hàng đầu trên thế giới. Ngọn đuốc sáng về dân chủ cho toàn cầu. Và đó cũng là một trong những lý do Mỹ vẫn được xem là nước lãnh đạo Thế giới Tự do trong chiến tranh lạnh chống cộng sản quốc tế kéo dài hơn 40 năm - nếu không nói chống độc tài, phát xít trong hai thế chiến đệ nhất và đệ nhị. Nước Mỹ trẻ trung này vẫn có một hiến pháp dân chủ lâu đời nhất thế giới (có lẽ vì vậy mà người ta không muốn tu sửa, như gìn giữ một món đồ cổ?) nhấn mạnh ở tính dân cử của chính quyền và dân quyền của công dân. Dân chủ của Mỹ cũng có ý thức cảnh giác cao độ về sự lạm dụng của quyền lực, của thế đa số. Bởi thế cơ chế chính trị liên bang và tiểu bang khá phức tạp (chẳng thế thì đã chẳng có Nội Chiến 1861), và chính trị của Mỹ cũng phức tạp theo đó. Ví dụ như Đảng Dân Chủ nhân danh “của dân, do dân, vi dân” nên chủ trương tăng cường khả năng (ngân sách) chính phủ lo cho dân bằng cách đòi hỏi giới lợi tức cao phải đóng góp thêm, trong khi đảng Cộng Hòa vốn chủ trương “kềm chế chính quyền” để chống sự lạm dụng dân quyền cho nên chống việc tăng thuế nhắm vào lớp trên, đồng thời tìm cách bó tay chính phủ chi cho lớp dưới bằng quyền chuẩn chi ngân sách...

Nói về sự suy đồi dân chủ, điều này thực ra đang diễn ra nơi nơi từ lâu nay. Những mong đợi lạc quan một thời thế kỷ 21 sẽ mở ra một chương mới cho dân chủ toàn cầu nay đã trở thành thất vọng chán ngán. Sự cáo chung của chiến tranh lạnh đã mở ra một chương mới, như mở nắp hộp Pandora, bao nhiêu thế lực ma quỉ nổi lên. Nga, Tàu và cả Hồi giáo đều muốn giành quyền viết lại trật tự thế giới mới, trong khi Mỹ cứ loay hoay không xác định được lối đi: duy trì trật tự cũ hay xây dựng trật tự mới? Cựu Tổng thống Donald Trump là một sản phẩm rất thích hợp của thời thế nhiễu nhương. Nhiều nhà phân tích chính trị đã chỉ ra rằng Trump muốn đi vào lịch sử như một người lãnh đạo độc tài đầu tiên của nước Mỹ - tương ứng và tương xứng với Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Tàu, cho dù ông ta đương nhiên chẳng hề đọc “Tam Quốc Chí” để hiểu rằng Ngụy, Ngô, Thục cuối cùng cũng rã đám. Cứ xem cách ông hành động và lôi kéo khối quần chúng cử tri da trắng thượng đẳng đi theo ông trong bốn năm 2017-2020 thì chúng ta có thể thấy rõ điều này.

Sự vô hiệu của nền dân chủ Mỹ trong việc xây dựng một chế độ chính trị lành mạnh, tạo được sự đoàn kết, hợp tác của toàn dân để giải quyết những vấn đề của đất nước - ngắn hạn cũng như lâu dài – đã nổi bật khi tình hình tệ hại đến mức không thể xấu hơn được dưới thời Trump: biên giới Mỹ Mễ dài cả 3.200 cây số, Trump wall chỉ xây được vài chục kilômét làm kiểng trong khi hàng ngàn trẻ em bị mất cha mất mẹ; chủng tộc ngày càng phân hóa bởi vì chủ nghĩa Ku-Klux-Klan đang sống dậy trong hàng ngũ những người da trắng “rác rưởi” (white trash), đến mức nay người da vàng có lý do để sợ bị nhầm là người Hoa khi ra đường; bạo lực súng đạn và nạn xả súng vào đám đông (mass shootings) là “chuyện thường ngày ở huyện”, cùng với sự bạo hành của cảnh sát da trắng thường nhắm vào người da đen; và Trump là tổng thống Cộng Hòa đầu tiên chưa hề nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ và tạo ra tình trạng cắt chiếu giữa hai chính đảng... Sự lạm quyền, lạm dụng dân chủ của Trump thể hiện rõ qua cách ông để cho Putin lấn át Mỹ trên trường quốc tế và xóa bỏ trật tự quốc tế mà Mỹ đã bao đời xây dựng. Ông cũng là tổng thống đầu tiên chỉ trong một nhiệm kỳ chịu ba lần luận tội truất bãi của Quốc Hội. Sự bao che, dung túng tội phạm của đảng Công Hòa tại lưỡng viện đã nói rõ dân chủ của Mỹ què quặt thế nào!

Thực ra, khi một người như Trump nhất quyết ém nhẹm hồ sơ thuế của mình được bầu làm tổng thống mặc dù ông ta thua bà Clinton rõ ràng ở số phiếu phổ thông, giới thức giả hẳn phải ưu tư, lo lắng cho dân chủ Mỹ! Cử tri Mỹ đang có vấn đề gì? Cơ chế chính trị của Mỹ hỏng đến mức nào? Ông cũng là tổng thống độc nhất vô nhị của nước Mỹ khi gọi thẳng mặt báo giới là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people), biện minh cho việc ông từ nhỏ đến lớn không hề đọc báo. Ông vẫn xem báo giới chính lưu là kẻ thù của ông, bởi vì chuyện đương nhiên không tờ báo nào để yên cho ông nói dối, nói phét, lừa phỉnh, khích động người dân liên tục, với lý luận đơn giản, quái đản một cách nguy hiểm: nói dối mãi, người ta rồi cũng tin, hay cũng chấp nhận. Để truyền đạt với quần chúng da trắng thượng đẳng theo ông, ông tweet mỗi sáng sớm thay cho đánh răng, súc miệng. Sau này ông bị Facebook, Twitter, cấm cửa với hai lý do: bịa đặt và nguy hiểm. Đó chính là mối hận ngàn thu của ông.

Trước bầu cử năm 2020, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, đã cảnh báo: Nếu dân Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho Trump, đất nước này chỉ có chết. Hoàng thiên hữu nhãn, đại dịch COVID-19 đã lật đổ một người bao giờ cũng tự nhận là “Thiên tử” (God’s son). Và bởi vì là con trời, cho nên ông tin rằng chẳng ai làm gì ông được, và ngược lại, ông muốn làm gì, nói gì cũng được, vì đó là ý trời. Và vì những gì ông làm là ý trời, cho nên người dân cũng phải thuận theo, trở thành ý dân. Cách lý luận đó đương nhiên là quái đản và ngày càng nguy hiểm, bởi vì nó có tính “thuyết phục” ở quần chúng da trắng thượng đẳng ngày nay. Đó chính là chuyện thời thế cho nên câu chuyện chưa ngừng ở đó. Chưa ngừng ở ngày 3-11-2020. Dân chủ Mỹ không tái hoạt dễ dàng như Bolton tưởng. Hay như nhiều người tưởng.

Ngay từ đầu Trump cứ cho rằng mình đã tái đắc cử, kết quả có khác đi chỉ là vì “bầu cử gian lận”, cho nên gần cả 10 tháng sau ông ta vẫn không chịu nhận mình đã thất cử. Ngay cả trong bầu cử năm 2016 mà ông thắng cử, ông cũng cho rằng có bầu cử gian lận, nếu không thì ông đã không thua 3 triệu phiếu phố thông. Từ lâu, người ta đã nói ông ta có “bệnh” – bệnh nặng không chữa được. Bệnh NPD (Narcissistic Personality Disorder) tức cứ cho mình hơn người và mọi người phải phủ phục trước mình như thần dân trước “thiên tử”. Tính ông ta là thế: Trên đầu chẳng có ai (bởi thế đã tìm cách hất Obama xuống bằng mọi giá), dưới thì ông ta xem như cỏ rác, ai làm ông không vừa lòng một tí là “You’re fired!” Người ta nói để chữa bệnh “Rối loạn Nhân cách Tự tôn Tự kỷ”, bệnh nhân phải biết im lặng tập nghe (speech therapy), nhưng hơn 70 năm qua, Trump chỉ quen nói chứ không biết nghe! Vì cái bệnh này, nói tóm tắt, là bệnh khùng. Giới chuyên môn đã nhiều lần đề nghị phải tìm cách trị liệu kịp thời cho ông, không chỉ vì ông mà chủ yếu vì sự an toàn của đất nước. Nhưng thời nay, nói ai nghe?

Trong cả hai tháng 11 và 12 năm ngoái, Tổng thống Trump chỉ có mỗi một việc: tìm cách tạo áp lực để thay đổi kết quả bầu cử. Cụ thể ông nhắm vào Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa mà ông nghĩ rằng ông không thể thua được. Trump muốn từ “kinh nghiệm thành công” của Georgia, việc tái kiểm phiếu sẽ được thực hiện ở vài tiểu bang khác nữa, như Arizona, Michigan, Wisconsin, New Hampshire... để ông ta thu ngắn cách biệt 7 triệu phiếu với Biden và tìm cách thắng cử tri đoàn như năm 2016. Nhưng dù cho Trump tạo sức ép đến thế mấy, chỉ xin kiếm giùm ông 13.000 phiếu, thống đốc và bộ trưởng bang vụ của Georgia khẳng định “chẳng kiếm đâu ra”, “không có sai lầm trong kiểm phiếu”. Bộ trưởng Tư pháp của Trump, William Barr, cũng xác nhận không có vấn đề gì trong kiểm phiếu, và từ chức một ngày trưóc Lễ Giáng Sinh để phủi tay với Trump. Tức thì, Trump lại tạo sức ép lên lãnh đạo mới của Bộ Tư pháp, yêu cầu ông quyền bộ trưởng hay thứ trưởng tuyên bố “có bầu cử gian lận”, sau đó mọi việc cứ để Trump và một số dân biểu gia nô lo hết. Sau khi tìm mọi cách phá kết quả bầu cử mà không làm được gì, Trump chỉ còn kỳ hạn chót, là ngày 6-1, lưỡng viện Quốc Hội sẽ họp để nghe chính Phó Tổng thống (Mike Pence) xác nhận kết quả bầu cử. Bởi vậy mới có chuyện Trump ra đứng trước hàng rào Tòa Bạch Ốc “có hẹn nên gặp” hàng ngàn người cuồng Trump đến từ khắp nơi trên nước Mỹ để nghe Trump xúi giục họ tiến đến tòa nhà Quốc Hội (Capitol Hill) gây ra biến cố bạo loạn ngày 6-1 để hủy bỏ cuộc kiểm phiếu này.

Biến cố này là không tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ. Cuộc họp ngày hôm đó tại Quốc Hội để tổng kết số phiếu và xác nhận kết quả bầu cử (phiếu phổ thông và phiếu cử tri đoàn) là một sự kiện dân chủ tiêu biểu của chính trị Mỹ. Trong khi đó, cuộc bạo loạn mà Trump ngầm tổ chức, đạo diễn, thúc giục... chính là hành động khủng bố, phá hoại dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trump muốn với sự tràn ngập của bạo loạn trong Capitol Hill, người ta phải “ngưng đếm phiếu” và “xóa bài làm lại”. Ông ta còn muốn đám bạo loạn này trị tội một số phần tử thuộc cả hai đảng đã không đi theo ông ta. Ông ta bất kể sẽ có những người đương nhiên có thể bị đánh đập, có thể phải chết khi đám bạo loạn này tìm ra những nhà dân cử đang họp trong đó. May mà chúng chẳng tìm ra ai!

Bởi vậy, giới quan sát, bình luận chính lưu hầu như nhất trí trong nhận định về Donald Trump. Jamelle Bouie, một ký mục gia quen thuộc trên tờ The New York Times, trong bài xã luận đầu tháng tám, đã “cảnh báo”: “Trump quái đản và nguy hiểm” (Yes, Trump is ridiculous. He’s also dangerous). Chữ “ridiculous” cũng có thể hiểu là dị hợm, điên rồ, kỳ cục... Nói chung, ông ta ngu xuẩn một cách đáng sợ. Chuyện quái đản gì cũng có thể nghĩ ra và nghĩ là làm, không cần đắn đo, suy tính hơn thiệt, làm có thể thành công hay không, làm có hợp pháp hay không, hậu quả có thể có là sao...

Như chúng ta càng ngày càng rõ, Trump thực sự âm mưu cuộc bạo loạn 6-1 sẽ ngưng tiến trình dân chủ bao đời này, là công bố kết quả bầu cử tổng thống. Sau đó, Trump còn tưởng có thể vận động, thúc ép các tướng lãnh đạo quân đội ban hành thiết quân luật (bắn bỏ người xuống đường), rồi tổ chức bầu cử lại. Mỹ là một nước có truyền thống dân chủ lâu đời, nhưng Trump cứ mơ tưởng những chuyện lạc hậu, bạo chúa, độc tài... Bởi vậy mới có tiến trình luận tội, truất bãi Trump hồi tháng giêng tại Hạ Viện, và nay Hạ Viện cũng đang tiến hành điều tra về cuộc bạo loạn này sau khi hơn 500 người đã bị bắt. Thế nhưng Trump vẫn nói cuộc điều tra này nhằm triệt hạ uy tín của ông ta, vì những người tham gia rất ôn hòa và hòa nhã! (peaceful and loving).

Điều lạ lùng khiến chúng ta có lý do chính đáng lo ngại cho nền dân chủ Mỹ không phải chỉ là Trump – ông ta dù sao cũng chỉ là một cá nhân. Trừ phi ông ta là Hitler, là người từng được ông ca tụng. Mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ Mỹ chính là đảng Cộng Hòa, cho dù không phải 100% người Cộng Hòa đều bịt mắt bưng tai trước sự thật là Donald Trump âm mưu đảo chánh. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chỉ có hai đảng, và chỉ một trong hai đảng đi vào con đường bất chính, bất lương, không thấy được lẽ phải, không ý thức được những giá trị, nguyên tắc đạo đức chính trị căn bản phải bảo vệ, thì dân chủ nước Mỹ cũng bị dồn đến bờ vực. Dân chủ Mỹ mong manh chính là ở chỗ đó! Trước bao nhiêu chuyện hiển nhiên của Trump chà đạp dân chủ như những quan hệ với Nga, với Ukraine, với Trung Quốc... có tính phản dân hại nước (treasonous), đảng Cộng Hòa đã nhắm mắt làm ngơ. Trong vụ bạo loạn ngày 6-1, nạn nhân không chỉ là nền dân chủ Mỹ. Những nhà dân cử cả hai đảng đã may mắn thoát khỏi nhờ khéo trốn, nhưng nay phần lớn người Cộng Hòa vẫn không đủ can đảm để nhìn nhận và lên án. Tất cả chẳng qua chỉ là vì lá phiếu của cử tri theo Trump trong bầu cử 2022 và 2024. Bởi thế mà những nhà dân cử Cộng Hòa vẫn phải tung hô “hoàng thượng vạn vạn tuế” không ngượng miệng. Và bởi thế, suy cho cùng, chúng ta cũng phải đủ can đảm nói rằng mối đe dọa then chốt, chủ lực cho dân chủ Mỹ chính là khối cử tri cả 70 triệu người bỏ phiếu cho Trump ngày 3-11 năm ngoái!!!

Đó chính là những lý do thực sự khiến Trump “đếch sợ” (ngôn ngữ của Trump) bao cuộc điều tra về vụ bạo loạn. Thậm chí đối với lệnh của Bộ Tư Pháp của Joe Biden buộc cơ quan thuế IRS chuyển hồ sơ thuế của ông ta cho Hạ Viện đang điều tra ông ta, Trump đã kiện Bộ Tư Pháp để chống lại lệnh này mà Trump cho rằng do thù ghét chính trị. Thậm chí cuộc điều tra nhắm vào việc làm ăn gian dối “trốn sưu lậu thuế” của Trump Organization. Như chúng ta có thể đoán, tất cả mọi vụ đều có thể đưa lên Tối cao Pháp viện, nơi có 6/9 thẩm phán gốc Cộng Hòa, và 3/6 người này do chính Trump cài vào. Vả lại, ông thiếu gì tiền để mướn luật sư kiện tụng. Bao nhiêu tiền của cử tri cuồng Trump ủng hộ, ông đều có cách bỏ vào túi riêng dành cho “quỹ pháp lý của Trump” (khoang 100 triệu đô-la).

Sự thực chính là ở chỗ Trump vẫn tập họp một đám quần chúng điên rồ không đeo mạng để nói chuyện “bầu cử gian lận” và nói xấu ông Biden (“người dân không tin Biden cho nên không chích ngừa, không đeo mạng, không đi làm...”). Thậm chí một vài người như ông chủ “My Pillow” hay các luật sư của Trump như Rudy Giuliani hay Sidney Powell nói rằng Biden sẽ bàn giao quyền lực cho Trump vào ngày 13-8 tới đây. Một người từng là bác sĩ của Bush, Obama, Trump tại Nhà Trắng, nay được bầu vào Hạ Viện, cũng đòi “chẩn đoán tinh thần và năng lực của Biden”. Thậm chí Trump vẫn tìm cách phá chính quyền Biden đương nhiệm trong chuyện di dân, chống COVID bằng cách ngầm xúi giục dân chúng không chích ngừa, không mang khẩu trang, không đi làm để cho Biden phải cấp dưỡng đến ngoài mức chịu đựng của ngân sách... Trong khi đó, các tiểu bang đỏ bất kể nạn dịch COVID đang tràn lan, đang dồn sức vào tu chính luật bầu cử để loại trừ thành phần cử tri “bất hảo” - người “da màu” mà người da trắng chưa hề thực sự nhìn nhận về quyền sống và quyền bình đẳng của họ - trong việc bỏ phiếu.

Điều rõ rệt nhất là đảng Cộng Hòa nay đã chính thức nhìn nhận Trump là lãnh đạo đảng, là điều lâu nay chưa có nhân vật Cộng Hòa nao được vinh dự đó. Những người đang ra tranh cử Hạ Viện hay Thượng viên năm 2022 và 2024 đều đang chạy chọt xin Trump ban phước.Và Trump còn đó thì chẳng ai trong đảng dám nói chuyện ra tranh cử tổng thống ba năm tới.

Câu chuyện chưa ngừng ở ngày 3-11. Câu chuyện cũng chưa ngừng ở ngày 6-1. Bao giờ câu chuyện chấm dứt thật khó nói vì Trump còn đó, đảng Cộng Hòa còn đó, bầu cử năm 2022 trước mắt, bầu cử năm 2024 chẳng phải là xa xôi... Trong khi cuộc sống của một đất nước vẫn có tính hữu hạn mà một ngày nào đó chúng ta sẽ phải cảm nhận. Và nếu cứ mãi nội chiến, dân chủ chẳng những sẽ suy sụp mà đất nước cũng không có cách nào vươn lên...