Hoàng Ngọc Nguyên
Chủ nhật song bát 8-8 làm chúng ta nhớ đến Daniel Boone với “Beautiful Sunday” - một ngày vui với tin Thế Vận Hội Mùa Hè 2020 Tokyo đã bế mạc và nước Mỹ “của chúng ta” (nhiều người Mỹ da trắng hẳn bĩu môi, hỏi ngược lại “Của ai?”) cuối cùng đã qua mặt Tàu dẫn đầu số huy chương – kể cả vàng. Mấy hôm nay, thấy mặt ông Tập Cận Bình cứ vênh lên, không chịu được. Không phải là chuyện “bài Hoa”, nhưng là chuyện “ăn cây nào, rào cây ấy”. Cuối cùng, Mỹ đã được 113 huy chương (vàng bạc đồng) trong khi Trung Quốc 88. Và người ta cứ tưởng Mỹ sẽ thua Tàu về số huy chương vàng, nhưng cuối cùng (lại cuối cùng) Mỹ được 39 trong khi Trung Quốc theo sát nút 38. Có thế chứ!
Thứ ba là Nhật Bản với 58 huy chương, và thứ tư là Anh, tuy có 65 huy chương, nhưng thua Nhật về số huy chương vàng (Nhật 27, Anh 22). Tương tự, Ủy ban Thế vận Nga (ROC) chỉ được xếp hạng 5 cho dù tổng số huy chương là 71, vì chỉ có 20 huy chương vàng. Úc hạng 6, với 46 huy chương. Việt Nam “đất nước anh hùng” 98 huy chương giấy. Tại sao ROC mà không phải là Liên bang Nga? Vì Thế Vận Hội năm nay đặc biệt cấm cửa nước Nga về vụ tai tiếng dùng ma túy mà do chính nhà nước bảo trợ!!! Cho nên, Ủy ban TVH quyết định không cho Nga tham dự với tính cách một nước, không quốc ca, không quốc kỳ. Putin lần đầu tiên tỏ ra bất lực, không thể đem sức mạnh vũ khí hóa học hay không lực ra đe dọa được.
Làm sao Mỹ có thể dẫn đầu thế gìới về số huy chương cho dù đến ngày áp chót vẫn còn thua Trung Quốc? Ngay cả đội tuyển bóng đá Mỹ vốn là vô địch thế giới từ bao đời nay lại đứng hạng ba – xui xẻo thua đội Canada láng giềng 0-1 vì cú phạt đền giàu trí tưởng tượng của bà trọng tài đã mãn kinh, nhưng xứng đáng vì những nữ cầu thủ Mỹ đã quá hạn mà cứ phải chạy nhảy nhọc nhằn trên sân cỏ. Theo tổng kết của tờ USA Today, Mỹ được như thế tất cả là nhờ chị em đã vùng lên vào giờ phút chót. Tính ra, phái nữ của Mỹ đã đạt được đến 66 huy chương. Có nghĩa là mấy ông chỉ được 47 huy chương. Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái: Cái nợ này bao giờ mới trả xong.
Theo bà Sarah Hirshland, tổng giám đốc của Ủy ban Thế vận và Tiểu Thế vận Hoa Kỳ: “Căn bản vấn đề chính là phụ nữ trong đất nước chúng ta đã có cơ hội đến với thể thao dễ dàng hơn, đến mức cao chuyên nghiệp và chúng ta may mắn đạt được nhiều tiến bộ... Khả năng đạt được mức cao nhất trong nhiều môn chơi và nhiều bộ môn khác nhau đã nói nhiều về những nỗ lực nhiều người đã ra sức... và bắt đầu có kết quả”.
Đội nữ bóng rổ đoạt huy chương vàng lần thứ bảy liên tiếp, trong khi đội bóng nước huy chuơng vàng lần thứ ba và đội bóng chuyền huy chương vàng đầu tiên. Cô Sunisa Lee, cô gái Mỹ gốc Hmong, là nhà vô địch thứ năm trong môn thể dục toàn năng và cũng là người Mỹ thứ tư liên tiếp đoạt được huy chương vàng này. Allyson Felix giành huy chương thứ 11 trong sự nghiệp với huy chương vàng môn điền kinh tiếp sức nữ 4x400 mét. Cô gái da màu này trở thành nữ vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử điền kinh Olympic khi cô giành huy chương đồng ngày thứ sáu. Cô vượt qua nhân vật lịch sử Carl Lewis giành danh hiệu vận động viên đoạt nhiều huy chương điền kinh nhất so với bất cứ vận động viên nào của Mỹ. Trong số 11 huy chương của cô, bảy huy chương là vàng. Chúng ta cũng có thể thấy tính chủng tộc đa dạng nổi bật trong những chiến thắng của nước Mỹ, có thể giúp trả lời những câu hỏi: sức mạnh của nước Mỹ ở đâu ra?
Tuy nhiên, suy cho cùng, mục đích của TVH không phải là tranh tài hơn thua – đó chỉ là cơ hội. Ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban TV Quốc tế, đã nói với các vận động viên: “Các bạn đã tạo cảm hứng cho chúng tôi bằng cách thể hiện năng lực của thể thao tạo sự đoàn kết. Điều này còn đáng kể hơn nữa khi chúng ta nhìn đến nhiều thách đố các bạn đã phải đối đầu bởi vì đại dịch. Các bạn đã cho thế giới này món quà quí giá nhất, đó chính là hy vọng”. Không phát biểu nào có thể hàm xúc hơn thế vào thời đại dịch này. Trong mùa đại dịch này người ta vẫn có thể đến với nhau. Váo một thời nhân tâm toàn cầu xao xuyến vì mất niềm tin cộng hưởng, chính quyền Nhật Bản vẫn quyết tâm thúc đẩy TVH đi tới. Có động thái nào văn minh hơn thế?
TVH lẽ ra được tổ chức trong năm 2020, nhưng vì đại dịch phải chuyển qua năm nay. Người ta cứ bán tin bán nghi: Tokyo dám tổ chức không? Các nước có dám tham dự không? Các vận động viên dám chơi không? Thế nhưng từ bao đời chúng ta đã biết những dịp TVH như thế thật là hiếm hoi để cho con người có thể đến với nhau – nhất là trong một thời mà chính trị trở thành trò chơi gieo rắc thù hận, oán ghét. Và cả những lối lý luận ngu xuẩn, điên rồ. TVH Tokyo đã cho thấy người ta đã chấp nhận sự thách đố của đại dịch, nhất là trong giai đoạn biến thể bùng phát hiện nay, để đến với nhau cho dù bất đồng ngôn ngữ, dị biệt chủng tộc, khác biệt văn hóa.
Nhưng chúng ta không thể quên đại dịch được. Và người ta hẳn nói trong tình hình biến thể Delta đang hoành hành như thế thì vui nỗi gì?
Đương nhiên, chúng ta chẳng thể ngờ được người Mỹ có thể điên đến thế khi không chịu đi chích ngừa, không chịu đeo mạng, chẳng lường được sự nguy hiểm chết người của biến thể Delta. Chẳng lẽ người ta chẳng biết đến nay đã có gần 650.000 người Mỹ chết vì đại dịch, hơn 40 triệu đã nhiễm bệnh trong một năm rưỡi qua, và nay lứa tuổi dưới 64 chẳng an toàn gì. Sự ngu xuẩn, điên rồ không chỉ của cựu tổng thống mà còn của cả một số thống đốc, thượng nghị sĩ, dân biểu đương nhiệm trong đảng Cộng Hòa. Hãy xem một thí dụ mà thôi: Florida đang đứng đầu nước Mỹ về đại dịch, dân số tròm trèm 21 triệu, đã có hơn 40.000 người chết, và 2.7 triệu người nhiễm, chích ngừa đầy đủ chỉ mới 50%... Nay giữa tháng tám, đã đến lúc trẻ trở lại trường, và nhiều trường cùng thầy cô lo sợ, muốn học trò phài đeo mạng. Thực tế là các bệnh viện nhi đồng ở Florida đang đầy ắp trẻ. Như thế mà thống đốc Ron DeSantis, người đang có tham vọng được ông Trump chọn đứng chung liên danh ra tranh cử tổng thống năm 2024, đã nói “Nhà trường không được bắt học sinh đeo mạng. Đó là quyền, là sự lựa chọn của phụ huynh học sinh”.
Quyết định cấm nhà trường bắt học sinh đeo mạng là một quyết định sát nhân, bởi vì chỉ cần một học sinh mang bệnh mà không đeo mạng vào trường cũng có thể ảnh hưởng lây lan đến bao nhiêu học sinh khác. Sát nhân như chuyện hơn năm trước đây, ông tổng thống quyết định chẳng làm gì cả để ngăn chận COVID-19 vì sợ “rúng động nhân tâm”, cho nên chỉ sau hơn hai tháng bùng phát đã có hơn 65.000 người chết. Đến nay, tuy đã rút về Maralego, Florida, và “xin nhận nơi này làm quê hương”, xem chừng ông chẳng lo lắng gì đến mối đe dọa đại dịch với hàng triệu người “đồng hương mới” ở tiểu bang này. Đồng thời, nhiều phần tử Cộng Hòa “phản ứng” (thay vì dùng chữ phản động) vì quyền tự do cá nhân (như chuyện có súng, hay tự do ngôn luận, tự do tư tưởng...) mà phủ nhận quyền bảo vệ lợi ích tập thể có tính sống còn của một nhà trường có trách nhiệm với biết bao người trong đó. DeSantis sẽ làm gì để kiểm soát đại dịch ở Florida hay đổ thừa tất cả cho Tổng thống Joe Biden bất lực và chẳng chịu ngăn chận di dân? Hay ông ta sẽ nói tình hình ở khắp nước Mỹ đều xấu, chẳng riêng gì ở Florida, và tiểu bang anh hùng của ông ta sẽ vượt qua thử thách này?
CNN hôm chủ nhật 8-8 nêu ra năm điềm xấu của đại dịch hiện nay, một thảm trạng phần lớn do chủ nghĩa “dân quyền Cộng Hòa”: không chích ngừa, không mang mạng.
1. Kể từ đầu tháng bảy đến nay, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng đến chín lần, phần lớn từ những tiểu bang có số chích ngừa thấp.
2. Số người nằm viện cao nhất kể từ tháng hai đến nay.
3. Số trường hợp trẻ em và thiếu niên tăng 84% trong một tuần.
4. Biến thể Delta chiếm đến 93% trường hợp COVID-19.
5. Phần lớn người Mỹ (97%) sống trong khu vực COBVID-19 dễ lây lan.
Tin lành duy nhất: người ta dường như đã bắt đầu biết sợ. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn cho tập thể cùng duy trì hoạt động sản xuất, nhịp độ tăng trưởng, đã ra lệnh nhân viên phải chích ngửa, nếu không cứ tự động ở nhà, không ăn lương. Chính quyển liên bang cũng như quân đội đã có lệnh bắt buộc công chức và quân nhân đều phải chích ngừa. Một tin tích cực khác là Dick Farrell, một ngưòi dẫn chương trình phát thanh cực hữu ở Florida (lại Florida), vẫn chửi bới bác sĩ Anthony Fauci hàng ngày vì “ông ta bịa chuyện đại dịch để bắt chúng ta chích ngừa để làm giàu cho các công ty Pfizer, Moderna, Johnson Johnson...”, hôm 4-8 đã chết trong bệnh viện sau ba tuần chạy chữa COVID-19. Ông lên tiếng trăn trối: Xin các bạn của tôi đừng nghe lời tôi nói trước đây. Hãy đi chích ngừa ngay đi!” Đương nhiên, thực sự thì mấy ai chờ ông ta nhắc!
Con số chích ngừa hàng ngày đã đạt mức 464.700, là mức trung bình cao nhất trong hai tháng 6 và 7 và tăng 19% so với tuần cuối tháng 7. Những tiểu bang đỏ phía nam nay cũng đã biết sợ. Khoảng 58.5% dân Mỹ đã được chích ngừa ít nhất một mũi; 50.1 % (164 triệu người) chích ngừa đầy đủ. Và cuối cùng, mục tiêu của ông Biden đã đạt được, tuy có chậm một tháng: 70% người có thể chích ngừa (eligible) - tức không phải trẻ em dưới 12 - đã được chích ngửa. Cũng theo CNN, hơn 99.99% những người đã được chích ngừa đầy đủ đã không phải chịu nhiễm bệnh đột phá khiến phải nằm viện hay chịu tử vong. Chưa đến 0.001% những người này – 1,507 - thiệt mạng, chưa đến 0.005% (7,106) phải nhập viện.
Chúng ta đều hiểu rằng chính trị chưa bao giờ dơ bẩn như thời nay trước sự vô hiệu của dân chủ bởi vì truyền thông xã hội với nhiều người đội lốt “thức giả” (“giáo sư”) đang đầu độc dư luận nghiêm trọng trong khi truyền thông chính lưu ngày càng ngoài tầm của độc giả “bình dân”. Cho nên, không ít người vẫn mong đại dịch này sẽ làm cho ông Biden “biết mặt”, vì nếu mức nhiễm lên cao, số người tử vong và số người nằm viện tăng vọt, thì chắc chắn Tổng thống Mỹ phải khốn đốn vì kinh tế suy thoái trở lại. Người ta không hiểu nếu suy thoái trở lại, ông Biden khốn đốn 1, người dân khốn đốn đến 10. Và nếu đại dịch phát tác, xin hãy nghĩ đến những người bất hạnh đã lìa trần trong cô đơn, và tấn thảm kịch để lại cho biết bao gia đình khi người ta nhìn đến những mất mát, trống vắng không làm sao có thể lấp đầy, chuộc lại được. Hãy nghĩ đến những người bất hạnh - nghĩ đến những tấn thảm kịch để biết im lặng một cách con người!
Tin vui thực sự có thể ghi lại cuối tuần qua là ở một vài con số về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo thêm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, và sự cải thiện trong mức sống của người nghèo.
Trước hết là con số tăng trưởng giá trị Tổng sản lượng Nội địa (Gross Domestic Product – GDP) 6.5% có tính thuyết phục. Kinh tế lên hay xuống là ở con số này vì GDP nói chung là thước đo về hoạt động kinh tế của một đất nước, là tổng giá trị về tiêu thụ của người dân, đầu tư của giới kinh doanh, ngoại thương xuất nhập và chi tiêu chính phủ. Con số này có nghĩa là Tổng giá trị trong quí 2 là quí gần nhất (tháng 4-5-6) đã tăng 6.5% so với quí 1 trước đó. Trước đó, quí 1 là 6.3%, quí 4 của năm ngoái tăng 4.5%, quí 3 tăng đến 33.8% sau khi quí 2 kinh tế suy thoái với mức giảm 31.2% vì đại dịch. Với mức tăng trưởng 6.5% này sau khi tính yếu tố lạm phát, GDP đã trở lại mức đã có trước đại dịch.
Khi kinh tế đã đi lên, có nghĩa là người ta có thêm công ăn việc làm và có thêm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp tháng bảy nhờ thế đã xuống thêm nữa, chỉ còn 5.4% so với 5.8% trong tháng sáu. Báo cáo lao động cho biết trong tháng bảy có thêm 943.000 việc làm mới. Con số 5.4% là mức thấp nhất trong thời đại dịch, trong khi 943.000 là mức tăng việc làm lớn nhất kể từ tháng tám năm ngoái, tháng có thêm hơn 1 triệu công việc mới sau những tháng trước ngưng trệ vì đại dịch phát tác. Mức việc làm có trong tháng sáu cũng được điều chỉnh lên đến 938.000 – cho thấy sự hồi phục kinh tế trong mùa hè. Tính từ tháng năm 2020, kinh tế đã lấy lại được 16.7 triệu việc làm sau suy thoái quí hai năm ngoái. Tuy nhiên, so với mức trước đại dich, số việc làm bị mất vẫn còn 5.7 triệu. Kỹ nghệ hiếu khách và giải trí điêu đứng vì đại dịch năm ngoái, nay đứng đầu trong số việc làm được tạo ra thêm, chiếm đến 1/3 tổng số công việc mới phục hồi. Trước những tin tức “hồ hởi” này, ta cũng cần nhớ rằng số người làm việc trong khu vực nhà hàng, khách sạn... vẫn còn kém 1.7 triệu so với cao điểm tháng hai năm 2020. Nhớ để hiểu kinh tế Mỹ vì đại dịch vẫn đang có nhiều vấn đề nhức đầu.
Mức công xá (wage) hiện nay tiếp tục gia tăng qua tháng thứ tư, đến mức trung bình $30.54/giờ, lý do là vì các xí nghiệp hay cửa hàng bán lẻ đang đỏ mắt tìm người, và nhiều nơi như Target, Walmart đang tung ra nhiều chính sách chiêu dụ “người tài” (bán hàng, thủ kho, kế toán, lái xe hàng....). Một số công ty cũng đang tìm kiếm các chuyên viên giỏi kỹ thuật và sẵn sáng cho người ta làm viêc ở nhà. Nhưng người giỏi thời nay khó kiếm hơn, cho nên mở cửa cho nhiều người Hoa, người Ấn xin thẻ xanh theo diện lao động chuyên môn... Mặt khác, nhiều người thất nghiệp bỗng nhiên “chảnh”, không chịu đi làm vì nhiều lý do: sợ đại dịch, ở nhà để bảo vệ con cái, đi tìm việc khác ngon lành hơn, hưởng cho hết trợ cấp của chính phủ đã rồi hãy tính. Tỷ lệ lực lượng lao động (đang đi làm hoặc đang kiếm việc)/dân số lao động (trên 18 tuổi) lên mức 61.7%, trong khi tỷ lệ lao động/dân số lao động tăng đến mức 58.4%. Tuy nhiên, hai tỷ lệ này đều dưới mức tháng hai năm 2020, là thời điểm lao động và kinh tế hăng say nhất dưới thời Trump, trước khi đi vào đại dịch.
Chính sách kinh tế của ông Joe Biden (chủ yếu là tăng trợ cấp cho toàn xã hội và kéo dài trợ cấp thất nghiệp để bảo vệ an toàn) rõ rệt còn có hiệu quả trong việc giúp thành phần người nghèo đói, cùng khổ ở Mỹ, ít nhất cũng 15% dân số, qua một thời đen tối với những khoản trợ cấp cho người thất nghiệp cũng như cho trẻ em. Có hai quan điểm đối nghịch về chính sách này: ông Biden “xã hội chủ nghĩa” làm cho ngân sách liên bang thêm thiếu hụt, nợ chính phủ thêm chồng chất, chỉ có những thế hệ sau gánh chịu; Giúp người nghèo trong thời điểm đại dịch, suy thoái cực kỳ khó khăn này là rất đúng, vừa khôn ngoan, vừa có tính nhân đạo, làm cho xã hội giảm bất công, chênh lệch và thêm thỏa hiệp giai cấp, cho nên Quốc Hội, tức những nhà dân cử lưỡng đảng, lưỡng viện nên hiểu điều đó mà tăng thuế cho người giàu để có tiền giúp người nghèo, hơn là vì giai cấp thiểu số 10% thượng lưu mà bỏ đa số người nghèo trong bể khổ, nguồn mê... Ông Biden đang có hai dự luật trước Quốc Hội, một dự luật về cơ sơ hạ tầng đến mấy ngàn tỷ, một dự luật về bảo vệ gia đình người Mỹ bằng cách chăm lo đầy đủ cho trẻ em. Đó là hai thử thách rất lớn cho chính trị Mỹ...
Nhất là trước mối đe dọa về lạm phát, tức giá cả đâu đâu cũng gia tăng 15-20% vì cung và cầu chưa tương hợp, mà lối ra chưa hẳn đã thấy ánh sáng cuối đường hầm... Nhất là vì đại dịch vẫn còn đó!