3/8/19

ĐẬU PHỤ NƯỚNG

Nhà văn Quyên Di
Mỗi lần nhắc đến đậu phụ là tôi lại thấy xấu hổ đỏ cả mặt, cái xấu hổ của kẻ dốt mà cứ tưởng mình thông. “Đậu phụ,” mà bà con miền Nam kêu là “đậu hủ,” và ngay cả lối gọi “tofu” của người Mỹ đều là cách phiên âm hai chữ 豆腐.
Dốt là như thế này:
Bao nhiêu chục năm, cứ thấy ai gọi món đó là “đậu hủ” thì tôi lại cười thầm trong lòng. Tôi không dám cười ngoài mặt vì giữ lịch sự. “Phải gọi là “đậu hũ” chứ! Bà con miền Nam, miền Trung mình phát âm trật lất!”


Hoá ra là mình trật lất chứ không phải bà con mình trật lất. Tra chữ Hán mới biết “hủ” (腐) có nghĩa là cũ, là hư, là rữa nát. Cái món “đậu hủ” làm bằng đậu nành, phải đợi khi đậu rữa nát ra, lên men thì mới làm thành đậu phụ/đậu hủ/tofu/豆腐 được. Bố tôi là đông y sĩ, giỏi chữ nho, nhưng khi tôi còn bé, ông chỉ mới dạy tôi cây hoa dành dành gọi là sơn chi, cây hoa giun gọi là sử quân, hạt hoa giun gọi là sử quân tử thôi. Bố chưa dạy đến  cái chữ “đậu hủ” này.
Thế nhưng khi nhắc đến đậu phụ, bên cạnh cảm giác xấu hổ, tôi lại thấy chan chứa một nỗi yêu thương. Nỗi yêu thương ấy từ rất lâu tôi đã giấu kín lắm, sâu lắm, tận đáy quả tim, thỉnh thoảng mới hé ra một tí cho chính mình dòm thấy rồi vội giấu lại ngay. Nỗi yêu thương ấy tôi dành riêng cho cô bạn nhỏ Minh Thu thuở thiếu thời.
Khi hồi cư Hà Nội, gia đình tôi đã sa sút rồi, không còn hiệu may âu phục Phúc Thành trên phố Tràng Tiền nữa. Bố tôi thuê một căn nhà ở phố Bạch Mai, mở hiệu thuốc và phòng mạch đông y kiếm sống. Cuộc sống vất vả nhưng chúng tôi cũng có chỗ ở êm ấm.
Trước cửa nhà chúng tôi có một cây bàng cổ thụ, cành lá rườm rà làm thành một bóng râm lớn. Vào thu, lá bàng đổi màu đỏ ối. Một cơn gió thổi, những chiếc là bàng rụng xuống đầy đường phố. Buổi tối, có những đứa bé đi nhặt lá bàng, không biết chúng đem về để đốt, sưởi ấm hay để bán cho người ta.
Một ngày mùa thu, có cô trạc tuổi mẹ tôi, khuôn mặt đẹp nhưng hơi buồn, gõ cửa, xin gặp bố mẹ tôi. Họ nói với nhau những gì, tôi không biết, nhưng chiều hôm ấy cô này đem ra gốc bàng mấy cái ghế con, một cái chậu sành, bên trong đựng than hoa đỏ ối, một cái ràng sắt và một cái thùng gỗ đựng đậu phụ tươi. Cô dắt theo một cô bé trạc 6 tuổi, cùng tuổi với tôi. Hoá ra hai mẹ con có gánh hàng bán đậu phụ nướng.
Thấy hay hay mắt, tôi chạy ra cửa đứng xem. Đang khi bà mẹ xếp đặt “cửa hàng” thì tôi cứ ngẩn người ra nhìn cô bé. Cô người nhỏ nhắn, mặc một chiếc áo phin nõn, quần đen, đi đôi guốc mộc. Cô bé ngẩng lên, nhìn tôi, nhoẻn miệng cười. Chao ơi, đôi mắt ấy trong veo, sáng long lanh, tròng đen tròn, to như hai hạt nhãn. Miệng cười ấy đẹp như hoa, hai môi đỏ thắm mặc dù trời vào thu có gió lạnh thổi. Cô bé có làn da trắng hồng giống như mẹ. Tôi, chú bé con 6 tuổi, thấy lòng mình chao nghiêng.
Đang khi ấy thì mẹ tôi bước ra, đon đả nói với cô hàng đậu phụ nướng: “Bà chị hoa khôi cho tôi mở hàng mấy bìa đậu nào.” Cô ấy trả lời: “Được một vị nữ lưu xuân sắc như bà chị mở hàng thì chắc cửa hàng tôi đắt khách lắm đây.” Hai người chuyện trò với nhau bằng những ngôn từ, lời lẽ tôi chưa từng được nghe bao giờ.
Thấy tôi đứng lóng ngóng, “cô hoa khôi” vời lại, bảo: “Cậu ngồi xuống đây mà sưởi cho ấm kẻo gió lạnh lắm.” Thế rồi trong lúc cô và mẹ tôi chuyện trò với nhau, tôi ngồi xuống cái ghế con, sát bên cạnh cô bé. Tôi thấy ấm. Cô bé làm tôi ấm hay than hoa cháy đỏ làm tôi ấm, cũng không biết rõ. Tôi gợi chuyện: “Đằng ấy tên là gì?” “Em tên là Minh Thu.” “Tên hay quá nhỉ!” “Bố em cắt nghĩa “minh” là sáng. Em là mùa thu tươi sáng. Thế cậu tên là gì?” “Tôi tên là Chúc. Văn Chúc. Minh Thu có hiểu tên tôi nghĩa là gì không?” “Em chả hiểu.” “Bố tôi cắt nghĩa “chúc” là bó đuốc. Tôi là văn chương sáng như bó đuốc.” (Lúc cắt nghĩa như thế, tôi ra vẻ tự hào lắm. Càng lớn, nghĩ về cái tự hào trẻ dại ấy, tôi càng xấu hổ. Tôi viết mãi, viết mãi mà văn chương vẫn chưa bằng cái que diêm!)
Qua buổi chuyện trò hôm ấy và những lần về sau tôi mới biết “bà chị hoa khôi” tên là Kim Yến, đã một thời nổi tiếng người đẹp Hà thành. Đương nhiên Hà Nội có nhiều phụ nữ đẹp đài các, thanh lịch, quý phái và nền nã, nhưng trí óc thơ dại của tôi nghĩ rằng “đẹp đến cô hoa khôi Kim Yến là cùng.” Cô Kim Yến lập gia đình với một công tử lạc phách giang hồ, sinh ra Minh Thu. Vì hoàn cảnh, gia đình nhỏ bé ấy tản cư. Họ trôi giạt đến làng đạo Tử Nê ở Bắc Ninh. Gia đình tản cư này không những được giáo dân tốt bụng ở đây cưu mang mà còn được một gia đình dạy cho nghề làm đậu phụ, vốn là nghề riêng của gia đình ấy. Hồi cư Hà Nội, cơ nghiệp cũ không còn, người chồng thất chí chỉ ngồi nhà uống rượu và chăm sóc mấy con chim yến. Còn “con chim” Kim Yến xinh đẹp thì xoay xở nhiều nghề vặt vãnh, cuối cùng đem cái gánh đậu phụ nướng ra gốc cây bàng trước cửa nhà tôi. Nhà họ ở cái ngõ gần đấy, sâu tận bên trong. Đi đâu, cô Kim Yến cũng đem cô con gái bé bỏng Minh Thu theo cùng.
Cái nghề làm đậu phụ học được ở Tử Nê đã nuôi sống gia đình nhỏ bé ấy. Cứ chiều tối, vừa khi gánh hàng được dọn ra là đã có khách đứng chờ mua đậu. Cô Kim Yến kê cái chậu sành than hoa đỏ ối vào một chỗ bằng phẳng, đặt cái ràng sắt lên trên, tay kia mở thùng gỗ, vớt ra từng bìa đậu đặt lên ràng sắt. Minh Thu thì cầm cái quạt nan phe phẩy, gió làm cho những hòn than đỏ rực lên, dần dần làm chín những bìa đậu bên trên. Minh Thu khéo tay lắm, một tay phe phẩy quạt, một tay lâu lâu lấy đũa tre lật từng bìa đậu cho chín đều cả hai mặt. Khéo hơn nữa là Minh Thu biết nướng đậu theo ý khách. Có những vị khách muốn cạnh bìa đậu cháy xém một tí, cho vị nó “mạnh” hơn khi đưa miếng đậu vào miệng, Minh Thu làm được cả. Nhiều lần tôi thấy những ông khách âu phục vét-tông, ca-vát chỉnh tề dừng lại gốc bàng mua mấy bìa đậu phụ nướng. Các ông xuýt xoa khen “con bé” nướng đậu khéo, thưởng thêm tiền. Có những ông hào phóng cho Minh Thu số tiền thưởng còn nhiều hơn gấp hai, gấp ba giá mấy bìa đậu. Cô Kim Yến thì đặt những bìa đậu vừa nướng xong lên cái mẹt con, trong lòng có lót lá chuối, kèm thêm một đĩa nhỏ mắm tôm, miếng chanh, quả ớt chỉ thiên đỏ chói và mấy ngọn kinh giới xanh ngắt. Mùi đậu nướng thơm ngậy, lan toả trong không gian. Cái thơm dâng cao đến ngọn cây bàng và lan xa đến tận đầu phố. Khách đứng, ngồi thưởng thức những bìa đậu thơm và nóng ấy, đang khi gió lạnh thổi về, cảm thấy ấm áp cả thân thể lẫn cõi lòng. Ai không ăn tại chỗ thì cô Kim Yến dùng cái que dài xiên dọc theo bìa đậu, lấy mắm, rau, chanh, ớt, gói tất cả vào tấm lá chuối rồi đưa cho khách.
Chiều nào tôi cũng ra xem mẹ con cô Kim Yến nướng đậu. Xem thì ít mà để ngắm cô bạn nhỏ thì nhiều. Một lần thấy Minh Thu bận luôn cả hai tay, tôi thương quá, mới nói: “Minh Thu để tôi giúp cho một tay. Tôi quạt, còn Minh Thu thì lật đậu nhé.” Minh Thu nhìn tôi một cách trìu mến và có vẻ biết ơn. Cô bé đưa cái quạt nan cho tôi, dặn dò: “Cậu quạt nhè nhẹ thôi, mà phải quạt đều tay nhé. Mỏi thì đưa quạt lại cho em.” Tôi thực tập, lúc đầu còn vụng về, càng về sau tôi càng quạt thạo đáo để. Vừa quạt tôi vừa nhìn cô bạn nhỏ. Ngồi gần lò than nóng, khuôn mặt Minh Thu đỏ hồng, nhất là hai gò má. Minh Thu ơi, sao Minh Thu đẹp thế!
Từ đấy, tôi trở thành “phụ bếp” cho gánh đậu phụ nướng.
Để trả công tôi, thỉnh thoảng mẹ con cô Kim Yến nướng vài bìa đậu đặc biệt, đem vào nhà cho bố tôi xơi. Bố tôi lại còn thích món đậu để mộc, còn tươi, không nướng, chỉ chần qua nước sôi rồi ăn ngay. Miếng đậu chắc, bốc hơi thơm nhè nhẹ mà lại nồng nàn. Bố tôi bảo: “Bẻ bìa đậu này, thấy nó chắc, không nhão mà cũng không cứng. Cứ ngỡ đậu làng Mai Động thì không còn đâu sánh bằng. Nào ngờ đậu của cô Kim Yến cũng không thua sút. Quệt một tí mắm tôm đã vắt chanh, ngắt mấy lá kinh giới, cắn quả ớt đỏ như son, tất cả cho vào miệng mà cùng ăn một lúc, nó ngon không thể tả được.” Thỉnh thoảng, bố tôi cao hứng, nhắm đậu phụ nướng, đậu phụ mộc với một cút rượu trắng. Lúc ấy bố tôi trông hạnh phúc lắm. Ông ngâm mấy bài thơ Đường “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” và “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” nghe đến là hay, mặc dù tôi chả hiểu là gì cả.
Bố tôi không bao giờ để cho mẹ con cô Kim Yến bị thiệt. Sau bữa nhắm, không bao giờ ông quên đưa mấy đồng tiền cho tôi đem ra trả cho cô Kim Yến. Còn mẹ tôi, thấy tôi quyến luyến Minh Thu quá thì trêu: “Thôi, cậu mợ cho con làm con nuôi cô Kim Yến nhé. Chiều nào con cũng được nướng đậu, con lại được chơi với Minh Thu suốt ngày.” Tôi xấu hổ quá, dụi đầu vào ngực mẹ: “Ứ, ừ… Chúc chả thích đâu. Minh Thu có sang đây làm con nuôi cậu mợ thì sang…”
Một ngày chớm thu năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Buổi chiều hôm trước, mẹ con cô Kim Yến vẫn dọn gánh đậu phụ nướng ra gốc cây bàng. Cô và mẹ tôi nói thì thầm cái gì với nhau rồi tôi thấy hai người ôm nhau, khóc lặng lẽ. Tôi cầm tay Minh Thu. Em nhìn tôi và chảy nước mắt. Tôi cũng chảy nước mắt. Trong một phút táo bạo, tôi hôn lên má em. Em để yên không phản đối.
Vào Nam, gia đình tôi tình cờ ở chung xóm với một gia đình Công giáo gốc Tử Nê, Bắc Ninh. Giáo dân xứ đạo này di cư vào Nam khá đông. Họ tụ họp ở Giồng Ông Tố, trở lại nghề sản xuất đậu phụ. Cái gia đình người Tử Nê mà chúng tôi quen thỉnh thoảng lại sang Giồng Ông Tố thăm họ hàng. Lúc về, họ luôn luôn cho gia đình tôi những bìa đậu phụ thơm tho. Một lần tôi nghe mẹ tôi hỏi chuyện gia đình ấy về cô Kim Yến. Họ nói là có nhớ cô này, nhưng sau khi gia đình cô hồi cư Hà Nội, họ không còn được tin tức gì nữa.
Không còn dấu tích cô Kim Yến. Cũng không còn chút dấu tích nào của cô bạn nhỏ Minh Thu. Nhưng hình ảnh Minh Thu và những bìa đậu phụ nướng, cả đôi mắt trong veo, tròng đen tròn to như hạt nhãn của Minh Thu lẫn mùi thơm của đậu phụ nướng, tôi đã cất rất kỹ trong đáy quả tim tôi. Bây giờ tất cả vẫn còn đấy, lâu lâu tôi mở ngăn tim, dòm một tí rồi lại lặng lẽ cất đi.

No comments:

Post a Comment