Suốt 70 năm qua, tô hủ tiếu Thanh Xuân đậm đà vị Mỹ Tho vẫn thu hút thực khách sành ăn ở Sài Gòn nhờ nước lèo thơm ngọt tự nhiên.
- Hủ tiếu chay - món thanh đạm cho ngày hè Sài Gòn / Bữa sáng với hủ tiếu và bún riêu cua trên chợ nổi Cái Răng
Nằm trên đường Tôn Thất Thiệp, trung tâm quận 1, hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân không gây chú ý người đi đường bởi sự hoành tráng của bảng hiệu, đèn chiếu. Quán khá nhỏ, gian bếp chính chỉ là chiếc kệ xinh xinh, bàn ghế đặt trước vỉa hè. Tuy nhiên, điều khiến khách vãng lai phải lập tức dừng lại căng mũi hít hà chính là mùi thơm tỏa ra từ nồi nước lèo.
Tô hủ tiếu Mỹ Tho hút khách 70 năm qua ở Sài Gòn. Ảnh: Mr True.
Lập quán là một người đàn ông ở Mỹ Tho rời quê lên Sài Gòn vào năm 1946. Vốn có năng khiếu nấu ăn, ông quyết định mở quán bán hủ tiếu giữa trung tâm đông đúc nhất của Sài Gòn thời bấy giờ. Không hàng quán, chỉ một chiếc xe đẩy, hủ tiếu Mỹ Tho nhanh chóng chiếm được cảm tình nhiều người.
Tuổi già sức yếu, nhưng thấy nghề mình có thể đủ nuôi sống gia đình, ông truyền nghề lại cho con gái. Cô con gái sau đó tiếp tục truyền lại cho con mình. Tính đến nay, hủ tiếu Thanh Xuân đã có đến 4 thế hệ đứng bán. Khách đến ăn hủ tiếu thế hệ đầu giờ có người đã gần 90 tuổi, nhiều người qua đời, nhiều gia đình ăn hủ tiếu Mỹ Tho từ đời ông đến đời cháu và hầu hết đều khen ngon.
Hủ tiếu khô Mỹ Tho và món sốt đặc biệt. Ảnh: Mr True
Không giống hủ tiếu Sài Gòn chỉ có thịt heo, xương heo, hủ tiếu Mỹ Tho gần giống với hủ tiếu Nam Vang nhưng khác vị. Hầm từ xương heo và một số loại củ theo công thức gia truyền, nước lèo hủ tiếu Mỹ Tho có màu vàng nhạt, luôn tỏa mùi thơm và vị ngọt tự nhiên.
Sợi hủ tiếu Mỹ Tho hơi đục, hơi dễ vỡ nhưng khi nhai, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của tinh bột. Khi đến quán, người ăn có thể gọi hủ tiếu nước hoặc hủ tiếu khô.
Bếp của quán "tá túc" tại một con hẻm nhỏ. Ảnh: Mr True
Vẫn sợi hủ tiếu được trụng mềm cho vào tô, xếp lên trên là xá xíu heo, tôm, gan heo, tim heo, thịt cua, nếu khách ăn nước, chủ quán sẽ chan nước lèo và sốt thịt bằm vào. Riêng hủ tiếu khô, nước lèo được để riêng, phần hủ tiếu trong tô sẽ được chế loại sốt "gia truyền" rồi trộn đều lên.
Mỗi người một sở thích, người ăn hủ tiếu nước cảm thấy thích bởi vị ngọt của nước lèo hòa cùng những thứ còn lại. Một số người khác cho rằng hủ tiếu khô trộn với loại sốt đặc biệt từ xứ Mỹ Tho lại đậm đà hơn, vừa ăn vừa có chén nước lèo để húp, khát nước thì gọi thêm ly trà đá hoặc chai nước sâm.
Quán không có máy lạnh, bàn ghế kê ngoài trời, nhưng hủ tiếu Mỹ Tho thuộc hàng "lão làng" này vẫn luôn thu hút khách đến ăn kể cả ngày mưa lẫn ngày nắng nóng. Không chỉ ăn tại chỗ, nhiều khách quen còn mua mang về nhà dùng.
Xem thêm: Quán hủ tiếu cá 60 năm ở Sài Gòn
Theo Ngoisao
No comments:
Post a Comment