Đại Kỷ Nguyên
Trương Ngọc Phượng và Giang Thanh trong tang lễ Mao Trạch Đông.
Trong tác phẩm «Hồi ức bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông», vị bác sĩ này đã tiết lộ rất nhiều chuyện của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc mà có lẽ ít người được biết. Ví dụ như những bí mật trước khi chết của Mao Trạch Đông, trong đó có kể chuyện khi ông Mao Trạch Đông vừa chết, bà Giang Thanh mỉm cười an ủi cô thư ký đặc biệt của Mao Trạch Đông là Trương Ngọc Phượng: “Tiểu Trương, đừng khóc, đừng lo lắng, có ta đây, sau này ta sẽ trọng dụng cô”. Thế là Trương liền ngừng khóc, mặt lộ rõ vui vẻ nói: “Đồng chí Giang Thanh, cảm ơn bà”. Sau đây là một đoạn trích tác phẩm này.
Mao Trạch Đông cố giương mắt lên, đôi môi khẽ run run. Cái mặt nạ có máy thở đang kề vào miệng ông ta. Mao đang cố thở gấp. Tôi cúi thấp đầu xuống, nhưng ngoài những tiếng “a, a…” thì không thể nghe rõ ông nói gì. Đầu óc của Mao dù vẫn còn tỉnh táo nhưng giọng nói thì không còn hy vọng.
Tôi là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, cũng là Tổ trưởng Tổ điều trị cho Mao Trạch Đông. Từ ngày 26/6/1976, sau khi máy theo dõi điện tim báo cơ tim ông ta trong tình trạng nguy kịch, trong vòng hơn 2 tháng chúng tôi đã phải túc trực suốt 24 tiếng/ngày. Số y tá vốn đã thiếu thốn nhưng bệnh viện phải điều đến trực mỗi ca 3 người, ngoài ra còn có 2 bác sĩ giám sát điện tâm đồ. Tôi thì luôn ở trong trạng thái chờ lệnh cả ngày lẫn đêm, mỗi tối chỉ ngủ ngắt quãng được khoảng 3 đến 4 tiếng. Cái nệm nhỏ của tôi để dưới cái bàn trong phòng bệnh của ông Mao Trạch Đông.
Ông Mao Trạch Đông đã trở thành bất tử. Đối với người Trung Quốc mà nói, Mao Trạch Đông không phải là người thường. Gần 20 năm qua, khẩu hiệu “Mao vạn tuế” đã gắn chặt với cuộc sống thường ngày của mọi người. Với nhiều người Trung Quốc mà nói, đây là sự thực hiển nhiên. Khắp các nơi trên toàn quốc, từ đường phố, công xưởng, trường học, bệnh viện, nhà ăn, rạp hát và trong từng gia đình, đều tràn ngập hình ảnh của Mao kèm theo câu khẩu hiệu này.
Tháng 5/1966, khi chuẩn bị khởi động Đại Cách mạng Văn hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Lâm Bưu từng nói, Mao nhất định sẽ sống đến 100 hoặc 150 tuổi. Kẻ nào dám nói Mao là người bình thường thì Mao sẽ liệt vào thành phần nguy hiểm “phản cách mạng”.
Lúc này nhân dân Trung Quốc vẫn như đang trong cơn mê sảng, không ai biết về bệnh tình của Mao. Họ chỉ lờ mờ cảm thấy Mao có phần hơi già yếu đi qua những hình ảnh về những buổi gặp gỡ vẻ vang giữa Mao và người nước ngoài.
Hình ảnh cuối cùng của Mao là hình chụp chung với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Khải Sơn (Kay Hill) của Lào. Dù hình ảnh đã hiện rõ vẻ già nua của Mao, thế nhưng giới truyền thông vẫn khăng khăng nói Mao vẻ mặt hồng hào, tinh thần hừng hực. Đến sáng ngày 8/9/1976, hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn còn cao giọng “Mao vạn tuế”.
Nhưng vào buổi tối hôm đó, những người luôn ở cạnh Mao như chúng tôi ai nấy đều hiểu rõ, thần chết đang ở bên cạnh Mao.
Kể từ sau khi Mao bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai vào ngày 26/6, bốn người gồm hai vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là Hoa Quốc Phong và Vương Hồng Văn, cùng hai Ủy viên Bộ Chính trị là Trương Xuân Kiều và Uông Đông Hưng, chia làm hai tổ luân phiên trực cả ngày ngày lẫn đêm.
Ông Hoa Quốc Phong được nhậm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương vào tháng 4/1976. Trước đó, Mao đã bổ nhiệm Hoa nhậm chức Thủ tướng thay thế Chu Ân Lai vừa mới qua đời, chủ trì các công việc thường ngày của Trung ương.
Mười hai giờ đêm ngày 9/9/1976, hơi thở của Mao càng lúc càng yếu ớt. Để cấp cứu, vừa mới truyền sinh mạch tán vào tĩnh mạch cho Mao, huyết áp đã từ 86/66 lên đến 104/72, nhịp tim hơi mạnh lên một chút. Ông Hoa Quốc Phong nhìn sang tôi rồi khẽ hỏi thầm vẻ khẩn trương: “Viện trưởng Lý, còn cách nào khác không?” Khi đó các ông Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, và Uông Đông Hưng đều tụ tập đủ cả.
Tôi chỉ lặng lẽ nhìn ông Hoa Quốc Phong. Trong phòng, ngoài tiếng máy thở nghe rì rì, bầu không khí như đông đặc lại. Tôi nói nhỏ: “Chúng tôi đã dùng mọi phương pháp…” Mọi người ai nấy chỉ còn biết im lặng.
Hoa cúi đầu vẻ trầm tư suy nghĩ, sau một lúc nói với Uông Đông Hưng: “Mau thông báo cho đồng chí Giang Thanh cùng các Ủy viên Bộ Chính trị ở Bắc Kinh. Cũng thông báo cho các Ủy viên Bộ Chính trị ở vùng khác hãy lập tức đến Bắc Kinh”. Sau khi Uông đi ra, một nữ y tá trực trong phòng chạy qua nói vội với tôi: “Lý Viện trưởng, bà Trương Ngọc Phượng nói Mao đang gọi ngài”. Thế là tôi lượn qua tấm bình phong đến bên giường của Mao.
Trương Ngọc Phượng là tùy tùng thân cận nhất của Mao trong suốt 40 năm qua. Trương Ngọc Phượng từng là nhân viên phục vụ trên xe riêng khi Mao đi tuần khắp nơi, sau đó trở thành thư ký cơ yếu của Mao. Lần đầu Trương Ngọc Phượng gặp Mao là trong một buổi liên hoan tổ chức ở Trường Sa. Đó là một ngày mùa đông năm 1962, khi đó cô ta mới tuổi mười tám, hồn nhiên ngây thơ, có cặp mắt to tròn và nước da trắng nõn, cô ta chủ động mời Mao khiêu vũ. Buổi tối hôm đó, Mao và Trương đã khiêu vũ đến vài lần, sau khi buổi tiệc kết thúc, tôi tận mắt trông thấy Mao dắt tay Trương Ngọc Phượng đi vào phòng của ông ta.
Mao Trạch Đông khiêu vũ cùng Trương Ngọc Phượng
Mao Trạch Đông và Trương Ngọc Phượng
Advertisement
Quan hệ giữa Mao và Trương vô cùng thân mật, Mao cũng có vài người phụ nữ khác. Có hai vị vốn ở đoàn văn công của Ban Chính trị Không quân tên là Mạnh Cẩm Vân và Lý Linh Thi, đang làm y tá cho Mao, giúp Mao lau người và cho ăn. Nhưng Trương Ngọc Phượng ở bên Mao lâu nhất. Dù cho tháng ngày trôi đi, cô ta cũng bắt đầu uống rượu, nhưng cô ta vẫn luôn được Mao tín nhiệm nhất. Năm 1974, thư ký quan trọng của Mao là Từ Nghiệp Phu phải vào viện vì ung thư phổi, Trương trở thành người trực tiếp giúp Mao thu nhận công văn hàng ngày do Mao phê duyệt. Sau khi thị lực của Mao suy yếu, cô ta lại phụ trách đọc những công văn cho Mao nghe. Vào cuối năm đó, Trương được Uông Đông Hưng bổ nhiệm chính thức làm thư ký cơ yếu của Mao.
Mao Trạch Đông và Trương Ngọc Phượng
Tôi là bác sĩ riêng của Mao, khi giúp Mao khám bệnh có thể gặp Mao và nói chuyện. Những người khác muốn gặp Mao, trước tiên phải được sự đồng ý của Trương Ngọc Phượng. Vào trung tuần tháng 6/1976, ông Hoa Quốc Phong đến hồ bơi báo cáo công việc cho Mao. Gọi Trương Ngọc Phượng ba lần nhưng Trương vẫn ngủ không chịu dậy, hai người trực khác là Mạnh Cẩm Vân và Lý Linh Thi thì không dám nói thẳng cho Mao chuyện ông Hoa muốn gặp Mao để bàn công việc. Họ nói, nếu không thông qua Trương mà nói trực tiếp với Mao là không được. Hoa chờ hai tiếng nhưng Trương vẫn không buồn dậy, Hoa đành bỏ về.
Trương Ngọc Phượng có thể leo đến vị trí như vậy là vì chỉ có cô ta mới hiểu được lời của Mao. Ngay cả tôi cũng phải thông qua cô ta phiên dịch lại.
Trương Ngọc Phượng nói với tôi: “Lý Viện trưởng, Chủ tịch hỏi Ngài có thể cứu chữa được không?”
Mao cố dùng sức gật gật đầu, sau đó từ từ đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Tôi nắm chặt bàn tay khô héo của ông ta, cảm thấy mạch đập rất yếu ớt. Hai gò má lõm vào. Cặp mắt u ám vô hồn, sắc mặt sạm lại. Máy điện tâm đồ hiển thị sóng điện tim, biên độ sóng thấp và rối loạn.
Vào sáu tuần trước chúng tôi đã đưa Mao từ cái hồ bơi ở Trung Nam Hải đến gian phòng trong tòa lâu dài số 202 này. Ngày 28/7/1976 vùng phụ cận Bắc Kinh có trận địa trấn mạnh. Thị trấn Đường Sơn ở ngoài trăm dặm hướng đông bắc Bắc Kinh bị hủy hoại toàn bộ. Có hơn 250 ngàn người bị chết. Ở Bắc Kinh tuy không có ai chết nhưng có nhiều nhà cửa bị đổ. Hàng triệu thị dân vì lo lắng sẽ có hậu địa chấn nên đã dựng lều phòng ngừa ở ngoài đường suốt mấy tuần lễ. Vào thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, Mao đã sống trong gian phòng có hồ bơi ở Trung Nam Hải. Giường bệnh của ông ta cũng nằm trên cái hồ bơi trong phòng. Khi địa chấn cái hồ bơi cũng bị chấn động mạnh. Chúng tôi quyết định chuyển ông ta đến nơi an toàn hơn.
Năm 1974, cái nhà trệt có hồ bơi bị cho đập đi, thay vào đó là một tòa lâu đài có khả năng chống địa chấn, hai bên lại có phòng ở cho nhân viên tùy tùng. Tòa lâu đài có đường hành lang dẫn trực tiếp đến hồ bơi. Cái tòa lâu đài này gọi là 202. Cơn địa chấn ở thị trấn Đường Sơn hôm đó, đến chạng vạng tối lại có mưa to kéo theo thêm một trận địa chấn nữa. Thế nhưng ở trong tòa nhà 202 không có bất cứ cảm giác gì.
Lúc này các ông Hoa Quốc Phong, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Uông Đông Hưng lặng lẽ đi đến trước giường Mao Trạch Đông. Tôi nghe tiếng một tốp người từ sau cái bình phong nhẹ bước vào phòng. Trong phòng rất đông người, mọi người đang chuẩn bị thay ca.
Tôi vẫn đang đứng cầm tay Mao, cảm giác mạch của ông ta yếu ớt. Người vợ Giang Thanh của Mao Trạch Đông đang sống ở Xuân Ngẫu Trai cũng kịp đến. Bà ta vừa vào cửa đã gào lên: “Các người ai đến báo cáo tình hình?”
Vào năm 1938, Mao không quan tâm đến phản đối dữ dội của Bộ Chính trị, đã kết hôn với Giang Thanh tại Diên An. Mao và Giang Thanh sống hờ hững quanh năm, nhưng Mao không muốn ly hôn. Mao có thể ly hôn rồi kết hôn với người khác, nhưng ông ta không làm như thế. Sau Đại Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Giang Thanh chuyển đến ở cái đài câu cá của nhà khách chính phủ. Mãi đến khi Mao bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai, Giang Thanh mới chuyển đến ở trong tòa nhà hoa lệ mới xây ở Xuân Ngẫu Trai thuộc Trung Nam Hải.
Ông Hoa Quốc Phong xua xua tay nói: “Đồng chí Giang Thanh, Chủ tịch đang nói chuyện với Lý Viện trưởng”.
Dù lòng tôi hiểu rất rõ Mao không còn hy vọng gì, nhưng tôi vẫn thử an ủi ông ta. Mấy năm nay tình hình sức khỏe của ông ta ngày càng tồi tệ. Sau sự kiện Lâm Bưu, càng ngày Mao càng chán nản, thường xuyên mất ngủ…
Tháng 2/1972, trước mấy tuần lễ Tổng thống Mỹ Richard Nixon lần đầu đến thăm Trung Quốc, Mao còn từ chối mọi phương pháp điều trị mà bác sĩ dành cho ông ta. Cho đến khoảng trước ba tuần khi Nixon dự kiến sẽ đến, lúc này Mao mới bừng tỉnh vì nghĩ đến việc nếu mình không khỏe thì sẽ không thể tham gia cuộc gặp ngoại giao này. Thế là ông ta gọi tôi đến chữa trị.
Mao Trạch Đông gặp Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Trương Ngọc Phượng đứng giữa
Khi đó bệnh tình của ông ta quá nghiêm trọng, không thể nào hồi phục được nữa. Ở tuổi 83, vô số loại bệnh bủa vây lấy Mao, thói quen hút thuốc thường xuyên đã hủy hoại lá phổi của ông ta, ông ta bị viêm phế quản mãn tính, viêm phổi và khí thũng. Phần phổi trái có 3 bong bóng lớn, vì thế ông ta phải nằm nghiêng qua trái, giúp phổi bên phải có thể căng ra hết để thu đủ không khí. Ông ta thường xuyên phải dùng máy oxy để thở. Trong những lúc nguy cấp, chúng tôi dùng cái máy của Mỹ do Kissinger tặng trong chuyến thăm bí mật Trung Quốc năm 1971.
Vào năm 1974, bệnh lý dây thần kinh vận động của Mao là hiếm gặp và không có thuốc chữa, khi bị bệnh này thì các tế bào thần kinh vận động ở chân phải, tay phải, lưỡi, họng, trong tủy sống và não tủy sẽ chết dần. Theo tài liệu nghiên cứu, khi bệnh này đã lên đến tế bào thần kinh vận động của cổ họng, lưỡi, nhiều nhất chỉ có thể sống được đến 2 năm. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả.
Bệnh của Mao đã vào giai đoạn nguy kịch. Nhưng chỗ chí mạng nằm ở trái tim của ông ta, trái tim già yếu của ông ta lại bị bệnh viêm phổi mãn tính dày vò. Vào trung tuần tháng 5/1976, Mao và Trương Ngọc Phượng lần đầu tranh cãi gay gắt khiến Mao bị nhồi máu cơ tim lần thứ nhất, đến ngày 26/6 thì bị lần thứ hai. Lần thứ ba xảy ra vào ngày 2/9. Các bác sĩ đều biết tử thần đang ở bên cạnh ông ta nhưng không ai dám nói ra.
Tôi khom người nói khẽ với ông ta: “Xin Chủ tịch yên tâm, chúng ta có phương pháp”. Lúc này hai gò má của Mao có ngấn đỏ lên, hai mắt nháy nháy lộ vẻ vui thích. Thế rồi sau đó là một hơi thở dài, hai mắt khép lại, tay phải không còn chút sức lực tuột ra khỏi tay tôi, máy điện tâm đồ hiện lên một đường ngang bằng phẳng. Tôi nhìn vào cái đồng hồ đeo trên cổ tay thì thấy 00:10 phút. Hôm đó là ngày 9/9.
Tôi thường xuyên gần gũi Mao trong suốt 22 năm, cùng tham gia các cuộc họp với ông ta. Đi tuần thú bất cứ địa phương nào. Trong những năm đó tôi là bác sĩ của Mao, có thể trò chuyện cùng Mao những khi nhàn rỗi, hầu như tôi biết mọi chi tiết trong cuộc đời ông ta. Ngoài Uông Đông Hưng ra, tôi chính là người có thể ở bên ông ta lâu nhất vào bất cứ lúc nào.
Ban đầu tôi tôn sùng Mao, nhìn về ông ta như nhìn vào “thái sơn bắc đẩu”. Ông ta là “cứu tinh của Trung Quốc”, là “Messiah” của quốc gia. Nhưng vào năm 1976 đó, sự tôn sùng này sớm đã thành mây khói của quá khứ. Từ nhiều năm trước, tôi đã bị sụp đổ trong “giấc mơ về một Trung Quốc mới toàn dân bình đẳng”. Dù khi đó tôi vẫn là Đảng viên Cộng sản, nhưng trong lòng tôi không còn chút niềm tin gì với nó. “Một thời đại đã kết thúc” vào cái lúc mà tôi nhìn vào đường ngang bằng phẳng của máy điện tâm đồ, khi đó trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ như thế. “Triều đại của Mao đã qua đi”.
Ý nghĩ vừa lóe lên đã lập tức trôi qua, thay thế vào đó là tâm trạng đầy sợ hãi trào dâng trong lòng tôi. Số phận của tôi sẽ như thế nào? Là bác sĩ chuyên trách của Mao, câu hỏi này thường xuyên ám ảnh tôi.
Tôi ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn xung quanh. Giang Thanh đi qua, trừng ánh mắt tàn nhẫn nhìn tôi quát: “Các người chữa trị thế nào đấy? Các người phải chịu trách nhiệm”.
Câu nói này của Giang Thanh sớm đã nằm trong dự tính của tôi, với con người này mỗi một hành động nhỏ đều có thể ngửi thấy có âm mưu trong đó. Mười hai năm trước chúng tôi đã ở trong tình trạng không tốt. Bốn năm trước, chính là năm 1972, bà ta đã lên án tôi là thành viên mang nhiệm vụ đặc biệt.
Hoa Quốc Phong từ từ đi đến cạnh Giang Thanh: “Chúng tôi luôn túc trực ở đây, các đồng chí trong tổ điều trị đã làm tròn trách nhiệm”. Vương Hồng Văn mặt đỏ lên, vội nói thêm: “Bốn người chúng tôi thường xuyên túc trực ở đây”.
Vương Hồng Văn mới có 42 tuổi, là Ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị. Anh ta vốn là một cán bộ về an toàn trong một nhà máy dệt ở Thượng Hải, chạy lên đến vị trí quyền lực chính trị tối cao quá nhanh, vì thế ngoại giới cho anh ta biệt hiệu là “cán bộ tên lửa”. Không ai biết được vì sao Mao lại thích con người này và đề bạt anh ta cấp tốc như thế.
Khi Mao hấp hối trên giường bệnh, đáng lẽ Vương Hồng Văn nên có trách nhiệm chăm sóc. Thế nhưng con người này lại thường xuyên đi đến sân bay quân dụng ở Tây Uyển để săn thỏ. Đa số thời gian anh ta dùng để xem phim nhập từ Hồng Kông, tôi nghĩ đây là con người không có phẩm hạnh gì, quyền lực chỉ khiến anh ta càng ngày càng hủ bại.
Vương Hồng Văn lại nói: “Mỗi công việc của tổ điều trị đều báo cáo chúng tôi, chúng tôi đều biết rõ, cũng….” Không đợi Vương nói xong, Giang Thanh đã cướp lời: “Tại sao không báo sớm cho tôi biết?”
Thực ra chúng tôi đã mấy lần báo cho Giang Thanh về bệnh tình của Mao. Nhưng Giang Thanh lên án chúng tôi xưa nay thường hay báo cáo láo về bệnh tình nghiêm trọng của Mao. Bà ta phẫn nộ lên án chúng tôi là ông chủ của giai cấp tư sản, còn nói rằng lời của bác sĩ nhiều nhất chỉ có thể tin được một phần ba. Ngày 28/8, sau khi nghe báo cáo chính thức của chúng tôi về tình trạng bệnh nghiêm trọng của Mao, bà ta hăm hở đến Đại Trại “tuần tra”. Ngày 5/9, Hoa Quốc Phong điện thoại giục Giang Thanh trở về Bắc Kinh. Tối hôm đó khi Giang Thanh về tới nơi thì than quá mệt mỏi, sau đó trở về chỗ ở của bà ta mà không hỏi câu nào về tình trạng của Mao.
Ngày 7/9, Mao đã rơi vào tình trạng nguy kịch, chiều hôm đó Giang Thanh đến tòa nhà 202 và bắt tay từng bác sĩ cho đến hộ lý, miệng nói liến thoắng: “Mọi người nên vui vẻ!” Có vẻ như bà ta cho rằng, sau khi Mao chết bà ta sẽ tiếp quản quyền lực, chúng tôi cũng đang chờ sự lãnh đạo của bà ta.
Lúc này Trương Xuân Kiều khoanh tay, bước đi xiêu vẹo, hai mắt nhìn xuống đất. Mao Viễn Tân thì ở bên cạnh, sắc mặt tái mét, đi qua đi lại, dường như đang tìm thứ gì.
Mao Viễn Tân là con của Mao Trạch Dân (em Mao Trạch Đông). Mao Viễn Tân từ nhỏ đã không ưa Giang Thanh. Vào khi xảy ra Đại Cách mạng Văn hóa, Mao Viễn Tân mới khoảng hơn 12 tuổi. Cậu ta viết thư cho Mạo Trạch Đông nói xin tha lỗi vì mình không thể thuận với Giang Thanh. Lúc này Mao Viễn Tân mới ngoài 30 nhưng đã là Chính ủy Quân khu Thẩm Dương. Cuối năm 1975, Mao vì bệnh nặng không thể dự họp với các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Mao Viễn Tân đi họp thay thế, trở thành người liên lạc của Mao. Giang Thanh lúc này cũng tín nhiệm Mao Viễn Tân.
Những người khác và các bác sĩ, y tá đều trong bộ dạng phục tùng, cứ như đang chờ tuyên án, Uông Đông Hưng nói câu gì đó với Trương Diệu Tự. Khi đó Trương Diệu Tự là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Đoàn trưởng Đoàn Cảnh vệ Trung ương. Uông Đông Hưng có hiềm khích với Giang Thanh. Khi đó Uông có quyền hành tương đối lớn và giữ một số chức vụ quan trọng. Ông ta không những là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng mà còn là Cục trưởng Cục Cảnh vệ kiêm Bí thư Đảng ủy, và là Bí thư Đảng ủy Đội Cảnh vệ Trung ương. Nếu muốn phát động chính biến ở Bộ Chính trị thì không thể không có sự hỗ trợ của ông ta.
Bỗng nhiên sắc mặt Giang Thanh như giãn ra. Có lẽ bà ta cho rằng mình có thể lập tức thống trị Trung Quốc. Bà ta quay sang nói với tôi: “Mọi người thật vất vả, xin cảm ơn mọi người”. Sau đó Giang Thanh quay đầu sang gọi y tá: “Chuẩn bị cho ta một bộ đồ màu đen và cái khăn đen”.
Hoa Quốc Phong nói với Uông Đông Hưng: “Ông lập tức cho họp Bộ Chính trị”.
Mọi người liền đi ra cái hành lang to ở bên ngoài, bỗng nghe Trương Ngọc Phượng gào khóc, miệng lải nhải: “Chủ tịch ra đi, tôi phải làm sao đây?” Giang Thanh liền đi tới và lấy tay trái khoác vai Trương, miệng khẽ cười và nói: “Tiểu Trương, đừng khóc nữa, hãy bình tĩnh, có ta đây, sau này ta dùng cô”. Thế là Trương lập tức ngừng khóc, nét mặt lộ rõ vui vẻ và đáp lại Giang Thanh: “Giang Thanh đồng chí, đa tạ bà”.
Tôi lại nghe thấy Giang Thanh nói khẽ với Trương Ngọc Phượng: “Từ nay về sau, phòng nghỉ của Chủ tịch ngoài cô ra không ai được phép vào. Cô sửa soạn các văn kiện cho tốt rồi giao lại cho tôi”. Vừa nói xong bà ta liền đi về phía phòng hội nghị, Trương bước theo sau, nói: “Dạ vâng, thưa đồng chí Giang Thanh”.
Trương Ngọc Phượng (bên phải) và Giang Thanh (bên trái)
No comments:
Post a Comment