11/3/15

Việt Nam: Cơn sốt tổ tiên và hậu duệ

Nguyễn Giang (bbcvietnamese.com) 4 giờ trước

Image captionÔng Ban Ki-moon là Tổng thư ký LHQ đầu tiên người Hàn Quốc

Từ mấy ngày qua, tại Việt Nam đang có cơn sốt về chuyện ông Ban Ki-moon và dòng họ Phan Huy.

Có lúc người Việt Nam đã từng hỏi có phải ông Lý Quang Diệu gốc từ Việt Nam, hay Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (2008-11) cũng có tổ tiên họ Nguyễn từ Việt Nam sang Thái Lan.

Những câu chuyện này có vẻ nói nhiều về người Việt Nam hơn là các vị kia.

Đầu tiên là câu chuyện ông Ban Ki-moon.

Trả lời câu hỏi từ BBC Tiếng Việt, ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ xác nhận qua điện thư hôm 2/11/2015:

"Vào tháng 5 năm nay, ông Ban Ki-moon có chuyến thăm đến nhà thờ họ Phan Huy tại Việt Nam."

Và tất nhiên, quan chức LHQ không xác nhận, điều mà người Việt Nam quan tâm hơn nữa, rằng ông Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn) có phải là hậu duệ của họ Phan Huy ở Bắc Việt Nam hay không.

Đó là cách làm đúng vì ông Stephane Dujarric không thể và cũng không nên làm nhiệm vụ xác tín gốc tích riêng tư của một lãnh đạo LHQ hay bất cứ ai.

Xét cho cùng, chuyện ông Ban Ki-moon nhận là con cháu họ Phan, một họ có mặt cả ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, là rất bình thường.

Và với công nghệ genome ngày nay, ta càng thấy rõ chuyện hậu duệ của một dòng họ (clan) có ý nghĩa văn hóa hơn là di truyền.

Công thức tính số tổ tiên của mỗi chúng ta là '2n = x'.

'N' là số đời tính ngược về quá khứ, tính trung bình 30 năm một, và 'x' là con số cá nhân góp gene thuộc thế hệ đó.

Tôi và bạn ai cũng có trong mình gene của 63 cụ, nhưng con số kỵ thì tăng lên nhanh chóng: 127 người.

Image copyrightGettyImage captionMột người ngày nay nhận gene của hàng triệu người thời vua Lý Thái Tổ

Một người sinh năm 1950 nhận gene từ cả thẩy 255 vị tổ tiên thuộc thế hệ sinh năm 1740.

Nếu ông Ban Ki-moon có nhận là hậu duệ họ Phan Huy và thời Phan Huy Chú (1782–1840) có người chạy sang Hàn Quốc thật thì ông cũng có một phần hai trăm bao nhiêu đó 'dòng máu Việt'.

Còn lại ông là con cháu trên 200% của Triều Tiên hay xứ khác.

Cách tính dòng dõi theo phụ hệ ở châu Á còn luôn gặp phải rủi ro rằng người 'gửi gene' là một ông hoàn toàn khác họ đó.

Chẳng phải thế mà dân tộc Do Thái hay lưu lạc chỉ nhận con theo dòng mẹ cho chắc.

Các bộ tộc châu Phi và Đông Nam Á cũng theo mẫu hệ để đảm bảo con ai người ấy luôn, không nhầm.

DNA của vua chúa và ăn mày

Một số trang web về cây gia hệ tiếng Anh viết rằng họ Phan (潘 - Pan trong phiên âm Hán và Pan hoặc Ban ở Triều Tiên) có từ thời nhà Chu, hơn 1000 năm trước Công nguyên.

Tìm lại một liên hệ, gốc gác chung từ hàng nghìn năm là vô lý vì số tổ tiên lên tới hàng trăm triệu.

Chưa kể, các tộc người bản địa ở bán đảo Triều Tiên không phải đến từ Trung Quốc nhiều người vùng Đông Nam Á.

Image copyrightReutersImage captionNam Bắc Hàn là hai nước có số họ ít hơn cả ở vùng Đông Á

Trong nhiều thế kỷ, đây là nhóm nói ngôn ngữ gần với tiếng Mông Cổ và dân Siberia, khác xa tiếng Việt và Hán.

Chỉ đến thế kỷ 7, quý tộc Triều Tiên mới du nhập họ từ Trung Quốc vào để dùng cho mình và ban cho các quan lại, còn nô lệ, nông dân, và cả sư sãi đều không có họ.

Số họ Hàn/Triều rất ít và chỉ có hơn 10 họ phổ biến nhất gồm Kim, Lý, Phác, Thôi...sau được đăng ký.

Dùng họ chữ Hán cũng chưa có nghĩa là người Triều Tiên có tổ tiên trực hệ bên Trung Quốc.

Các vùng đảo và bán đảo đều nhận nhiều luồng di dân.

Dòng họ Lý ở Việt Nam cũng góp vào đó hoàng tử Lý Long Tường khi ông chạy sang Cao Ly vào thế kỷ 13.

Nhắc lại di sản văn hóa chung giữa các nước điều thú vị nhưng yếu tố di truyền thì rất loãng.

Bởi một người sinh năm 1950 có tới 8,5 triệu tổ tiên sinh năm 990, cùng thời vua Lý Công Uẩn (sinh năm 974).

Ngược lại, một ông vua có thể để lại gene cho hàng triệu 'hậu duệ', cùng các ông quan lại, lính tráng, nhà buôn, ăn mày, ăn cướp...vì tất cả đều bình đẳng về DNA.

Hồi đầu năm nay, đại học Leeds ở Anh công bố nghiên cứu nhiễm sắc thể Y của 5 nghìn đàn ông từ 127 nhóm dân.

Image copyrightSPLImage captionCác dự án genome cho phép tìm lại cả nhiễm sắc thể Y từ thời Thành Cát Tư Hãn

Họ xác định Thành Cát Tư Hãn đã để lại gene cho chừng 16 triệu người trên thế giới, từ châu Âu sang châu Á (xem thêm trên báo Anh).

Đúng ra, ai trong chúng ta cũng là 'con của mọi nhà' và các bộ gene luôn có động lực riêng, lan tỏa không cần ta thích hay ghét.

Về mặt xã hội thì chẳng ai cấm ta tìm lại một cách có chọn lọc vài tổ tiên nổi trội trong hàng vạn người để nhấn mạnh mảng cao quý, hướng thượng.

Cũng chẳng ai cấm người ta ráo riết lưu lại cho con cháu tiền bạc và quyền lực.

Nhưng ta cũng cần biết cả hai khái niệm 'tổ tiên' và 'hậu duệ' đều rất tương đối trong dòng chảy của loài người, và không đáng phải lên cơn sốt.

No comments:

Post a Comment