Bức tường Berlin bên phía tây, trước ngày bị sụp đổ
Jean-Claude Mouton
Là sản phẩm của Chiến tranh lạnh và cũng là biểu tượng của thế giới lưỡng cực bên tự do tư bản bên độc tài Cộng sản, bức tường Berlin được phía Đông Đức xây dựng vào tháng 8 năm 1961 và sụp đổ vào ngày 9/11/1989. Vì sao bức tường chia cắt không tồn tại được trăm năm như lãnh đạo Đông Đức Honecker tuyên bố trước đó vài tháng ?
24 năm trước đây, bức tường Berlin sụp đổ trong bối cảnh hàng triệu dân Đông Đức biểu tình phản kháng tình trạng ù lì của chế độ Cộng sản và đòi quyền tự do sang Tây Đức.
Lễ hội tưng bừng vào đêm 09/11/1989 chào đón người dân hai miền được trùng phùng sau gần 40 năm chia cắt được xem là hệ quả của ngọn gió cải cách mà lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Mikhai Gorbatchev thực hiện từ năm 1985 thổi qua Đông Âu.
Một tháng trước khi xảy ra sự kiện lịch sử « bức tường ô nhục » sụp đổ, thì vào ngày 07/11/1989, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đích thân lãnh đạo Liên Xô kêu gọi Đông Đức « cải cách sâu rộng ».
Ngày 03/10/1990 nước Đức thống nhất. Bức tường Berlin sụp đổ kéo theo sự tan rã của toàn khối Cộng sản Đông Âu.
Tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội Đông Đức lúc đó như thế nào? Vì sao giới lãnh đạo không thấy được chế độ bị thoái trào ?
Nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, Dormund, Đức Quốc phân tích :
Từ « Bức tường Berlin còn tồn tại 50 -100 năm nữa » tới « Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
I. Sự sụp đổ của Cộng Hòa Dân Chủ Đức
RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, Dormund, Đức Quốc.
RFI : Bức tường Berlin đã sụp đổ như thế nào?
Âu Dương Thệ : Bức tường Berlin chia cắt thủ đô Berlin được xây rất đột ngột từ 1961 và được bảo vệ ngày đêm rất nghiêm ngặt và sắt máu bởi những lực lượng công an và quân đội Đông Đức. Bức tường Berlin là một biểu tượng ngăn chia giữa chế độ toàn trị Cộng sản Đông Đức (DDR) và chế độ dân chủ đa nguyên ở Tây Đức khi ấy. Nhưng đối với 17 triệu dân Đông Đức (ĐĐ) khi ấy và những người yêu chuộng tự do dân chủ thì đây là một „bức tường ô nhục“!
Mãi tới tháng 6.1989 TBT và Chủ tịch nước ĐĐ Erich Honeker vẫn còn tuyên bố ngay tại Mạc tư khoa là “Bức tường Berlin sẽ còn tồn tại 50 tới 100 năm nữa!“. Nhưng chỉ gần nửa năm sau, ngày 9.11.1989, hàng chục ngàn nhân dân Đông Berlin và Tây Berlin đã leo lên bức tường chia cắt hai thành phố và đục đổ bức tường ô nhục, chấm dứt chế độ toàn trị và mở đường cho 17 triệu dân DDR thống nhất với Tây Đức trong hòa bình và tự do dân chủ. Bức tường Berlin sụp đổ chỉ sau 3 tuần Bộ Chính trị Cộng sản Đông Đức truất phế Honecker. Và chỉ một ngày sau (8.11.89) Bộ Chính trị cho điều tra về sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng của Honecker sau gần 20 năm làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
RFI : Cuộc cải tổ sâu rộng ở Liên Xô của Mikhail Gorbatchev ảnh hưởng gì tới sự sụp đổ của Đông Đức?
Chế độ toàn trị ở Đông Đức không do nhân dân Đông Đức thành lập mà do Hồng quân Liên Xô dựng lên sau khi chế độ độc tài Hitler thất bại trong Thế chiến Thứ 2 (1939-1945). Cho nên dưới con mắt của nhân dân Đông Đức, những người cầm đầu Cộng sản Đông Đức chỉ là cánh tay dài của đảng Cộng sản Liên Xô, không được sư tín nhiệm của nhân dân. Hiến pháp của Đông Đức cũ - cũng tương tự như Hiến pháp của chế độ toàn trị ở Việt Nam - ngay phần mở đầu và Điều 1 đã đề cao chủ nghĩa Marx-Lenin và đảng Cộng sản Đông Đức là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội.
Như vậy chế độ toàn trị ở Đông Đức chỉ có thể tồn tại chừng nào còn được Liên Xô ủng hộ và chừng nào Mạc tư khoa còn nắm vững tình hình cả trong lẫn ngoài. Các điều kiện này đã bị mất dần từ khi Gorbatchev làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô (1985) với những thay đổi toàn diện các chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là với Khối quân sự Vac-xa-va bao gồm nhiều nước Cộng sản Đông Âu, trong đó có Đông Đức. Biến động chính trị vào mùa hè 1989 ở Ba Lan chuyển từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên đã như trận động đất khủng khiếp trong Thế giới Cộng sản. Liên Xô không can thiệp, vì Gorbachov đã đề ra chủ trương không can thiệp vào nội bộ các nước đồng minh. Chấn động chính trị rất mạnh khi ấy đã dội tới cả VN khiến Nguyễn Văn Linh phải trở lại với chính sách đàn áp văn nghệ sĩ và báo chí, đồng thời khởi đầu giải pháp cầu hòa với Bắc kinh.
RFI : Tại sao nhóm lãnh đạo CS Đông Đức đã mất uy tín với nhân dân?
Sau Thế chiến 2 cả Tây và Đông Đức kinh tế hầu như tàn rụi, nhưng Tây Đức chỉ sau khoảng 2 thập niên đã trở thành một cường quốc kinh tế ở Âu Châu với kĩ nghệ tân tiến và trên 60 triệu dân được hưởng cuộc sống sung túc và tự do. Trong khi đó kinh tế Đông Đức theo kế hoạch hóa, công hữu đất đai nên không ngóc đầu lên được. Chỉ vài thí dụ dẫn chứng, Auto hiệu Trabant của Đông Đức tuy rất tồi về kĩ thuật, nhưng muốn mua cũng phải đặt cọc cả hàng năm trước. Sau khi bức tường Berlin bị đổ hàng vạn người Đông Đức chạy vào các siêu thị ở Tây Berlin, thứ hàng được họ ưa chuộng nhất là chuối tiêu. Vì ở Đông Đức chuối tiêu là một xa xỉ phẩm phải nhập cảng bằng ngoại tệ, nhưng Cộng Hòa Dân Chủ Đức không đủ ngoại tệ. Trong khi đó sau khi Đức thống nhất người ta đã tìm thấy trong các biệt thự của các ủy viên Bộ chính trị chỉ toàn các sản phẩm hạng sang, nhập cảng từ Tây Đức và các nước tư bản như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén …!
Các sự kiện đó chứng minh là, những người lãnh đạo Đông Đức khi ấy chỉ là những người đạo đức giả, sống trong nhung lụa, không quan tâm tới cuộc sống của người dân, nhưng vẫn tiếp tục cai trị bằng chế độ công an mật vụ - Stasi - và vẫn đề cao chủ nghĩa Marx-Lenin đã hoàn toàn bất cập. Ngay cả khi Gorbatchev đã tiến hành cải tổ sâu rộng ở Liên Xô, nhưng ông Honecker vẫn từ chối cải cách. Cho nên nhân dân Đông Đức ngày càng bất mãn. Vì thế trong dịp dự lễ Quốc khánh thứ 40 của Đông Đức Gorbatchev đã cảnh báo “Kẻ nào đi muộn sẽ bị đời trừng phạt”. Chính khi ấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng có mặt trong cuộc lễ này và tính ở lại nghỉ một thời gian, nhưng khi Honecker bị truất phế (18.10.89), đã phải hấp tấp về nước.
RFI : Phong trào đòi dân chủ của nhân dân Đông Đức khi ấy ra sao?
Theo dõi nội tình của Đông Đức từ khi được Liên Xô dựng lên vào sau Thế chiến Thứ hai thì thấy, ngay 1953 người dân Đông Đức đã có cuộc nổi dậy rất lớn, nhưng đã bị các sư đoàn Hồng quân Liên Xô sử dụng thiết giáp đàn áp. Các cuộc vận động dân chủ phải tạm thời chuyển vào các hoạt động xã hội -tôn giáo, đặc biệt của Giáo hội Tin lành ở Đông Đức. Mãi tới khi Hiệp ước An ninh và Hợp tác Âu Châu (KSZE) được kí kết ở Thủ đô Helsinki (Phần Lan) 1975 giữa một bên là Liên Xô cùng các nước Cộng sản Đông Âu và bên kia là Mĩ, Gia Nã đại và các nước Tây Âu thì các cuộc vận động cho nhân quyền và tự do dân chủ lại bộc pháp trở lại rất nhanh và rất mạnh. Vì Hiệp ước Helsinki, ngoài việc gìn giữ hòa bình và hợp tác ở Âu Châu, còn qui định cả việc thừa nhận trao đổi thông tin giữa hai khối và bảo đảm nhân quyền cùng các quyền tự do căn bản.
Lúc đầu những người sáng lập tổ chức “Sáng kiến vì Hòa bình và Nhân quyền” (IFM) đưa ra phong trào “Hòa bình và Nhân quyề” theo những qui định của Hiệp ước Helsinki với chương trình hành động gần giống Hiến chương 77 của nhóm ông V. Havel (Tiệp) và trở thành nhóm đối lập quan trong ngay trong lòng chế độ toàn trị DDR.
Các biến động chính trị lớn vào mùa hè 1989 ở Ba lan đã làm bùng nổ phong trào tị nạn của hàng chục ngàn người dân Đông Đức chạy sang các nước lân bang như Hung, Tiệp và vào các sứ quán Tây Đức xin tị nạn chính trị. Chính các cuộc tị nạn đông đảo này đã gây thêm phân hóa trầm trọng ngay trong Bộ chính trị ĐCS ĐD và khiến cho phong trào đòi tự do dân chủ ở Đông Đức đạt đến cao độ. Một phong trào đối lập mới ra đời ở Đông Đức là “Tân Diễn đàn“ (Neus Forum) vào cuối hè 1989 và ra Lời kêu gọi “Vùng lên 89“ (Aufbruch 89) đòi đối thoại giữa nhân dân với nhà cầm quyền để cải tổ chính trị theo hướng dân chủ. Chỉ vài tháng sau đã có trên 200.000 người kí tên ủng hộ Lời kêu gọi.
Các cuộc biểu tình vào chiều Thứ hai mỗi tuần xuất phát từ nhà thờ Nikolaikirche ở Leipzig với các khẩu hiệu „Chúng tôi là nhân dân“, „Khước từ bạo lực“ vào 4.9.89 đã có sức thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân rất mạnh, đầu tháng 9 chỉ có 1200 người nhưng tới cuối tháng 10 đã có tới nửa triệu người tham dự. Nó còn thuyết phục cả nhiều cán bộ cao cấp đảng Cộng sản Đông Đức ở địa phương tham gia và nhiều đơn vị công an, quân đội đã chống lại lệnh của Honecker từ chối dùng vũ lực đàn áp người biểu tình. Chỉ một tuần trước khi bức tường Berlin sụp đổ đã diễn ra cuộc biểu tình rất lớn ở quảng trường Alexanderplatz , Đông Berlin với khoảng nửa triệu người tham dự.
RFI : Tây Đức và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đóng vai trò như thế nào đối với các phong trào đòi dân chủ ở DDR và Đông Âu?
Cuộc „Cách mạng nhung“ diễn ra ở Đông Đức và hầu hết các nước Cộng sản Đông Âu đã diễn ra trong hòa bình, mở ra một kỉ nguyên mới về phương thức thay đổi thể chế chính trị so với các thế kỉ trước đây chỉ thuần dùng bạo lực. Thành công nhanh chóng, lớn lao và ít hao tổn nhân mạng và tài sản này là sáng kiến và công lao đầu tiên của chính nhân dân Đông Đức và các nước Đông Âu. Điều này thật rõ ràng không ai có thể phủ nhận được. Vì họ đã biết kết hợp sức mạnh nội lực và sức mạnh quốc tế của thời đại vào đúng lúc, đúng chỗ.
Nhưng sự hậu thuẫn cả về tinh thần lẫn vật chất của Tây Đức cho Đông Đức và Liên Hiệp Châu Âu cho toàn bộ Đông Âu là một yếu tố cực kì quan trọng. Chính sự hưng thịnh vững vàng của Liên Âu (khi ấy với 12 nước và khoảng 300 triệu người) cả về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã trở thành một tấm gương cho các cuộc vận động dân chủ tự do ở Đông Đức và Đông Âu trong thập niên 80 vừa qua. Trong các sách Hồi kí của cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl và cựu Ngoại trưởng Đức D.Genscher, cũng như nhiều sách nghiên cứu của các chuyên gia chính trị đã xác nhận, Liên Âu là hậu phương vững chắc cho sự thống nhất Đức và thay đổi thể chế chính trị trong hòa bình và nhanh gọn ở Đông Âu trên hai thập niên trước đây.
II. Cuối trào của triều đình XHCN ở VN?
RFI : Đâu là những tương đồng lớn giữa hai chế độ toàn trị ở Đông Đức và Việt Nam?
Ngày 23.10 trong cuộc họp tổ ở Quốc hội bàn về „Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992“ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Khi chọn cách chơi chữ như vậy, người cầm đầu chế độ đồng thời là lí thuyết gia của Đảng muốn để cho mọi người biết là, chế độ toàn trị sẽ còn tồn tại tiếp tục cả thế kỉ nữa ở Việt Nam. Một sự tình cờ là, ý tưởng này cũng giống như tuyên bố của Honecker vào giữa năm 1989 „Bức tường Berlin còn tồn tại 50-100 năm“. Tuyên bố giống nhau của hai thủ lãnh độc tài cho thấy, đây là cách nói cường điệu khi họ phải đối diện với nguy cơ. Nhưng điều gì đã xẩy ra ở DDR chỉ nội sáu tháng sau đó thì đã trở thành một sự kiện lịch sử ai cũng biết.
So sánh hai chế độ toàn trị ở VN hiện nay và ở cựu Đông Đức thì tuy có một số điểm khác nhau, nhưng tương đồng là chính. Những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, cũng rất giáo điều và bảo thủ, bất chấp tình hình quốc tế và trong nước đã thay đổi triệt để, nhưng họ vẫn chống lại nguyện vọng của nhân dân, như Honecker trước đây hơn 20 năm ở ĐĐ. Điển hình mới nhất như trong việc gọi là sửa đổi Hiến pháp. Khởi đầu họ kêu gọi mọi người góp ý kiến và sẵn sàng nghe cả ý kiến trái chiều. Nhưng khi nhân dân thuộc nhiều giới công khai đóng góp ý kiến, đại biểu cụ thể là “Kiến nghị 72” do nhiều nhân sĩ , trí thức trong và ngoài nước đưa ra và được cả hàng ngàn người thuộc nhiều giới- kể cả nhiều đảng viên tiến bộ- kí tên đồng ý thì ông Trọng đã rất kiêu căng ngạo mạn kết án “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! » Đúng ra phải trân trọng đối thoại với dân, nhưng ông Trọng đã cao ngạo khinh thường những đóng góp thành thực này. Vì vậy chính ông Trọng đã tự đánh mất tư cách và khả năng của người lãnh đạo!
Tại Hội nghị Trung ương 8 đầu tháng 10 những người bảo thủ và các nhóm lợi ích trong Trung ương đã thỏa hiệp ngầm với nhau bắt Quốc hội phải thông qua „Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992“ ngay trong kì họp thứ 6 này để mong kéo dài chế độ độc tài. Mặc dầu những điều căn bản vẫn còn tranh cãi, như để ĐCS độc quyền tiếp tục, kinh tế Nhà nước vẫn nắm chủ đạo, đất đai vẫn thuộc quyền công hữu, quân đội và công an phải tuyệt đối trung thành với Đảng…!
RFI : Sự bất lực và tha hóa đạo đức của những người có quyền lực ở Việt Nam như thế nào và dẫn tới những hậu quả gì?
Chính ông Trọng và các ủy viên Bộ chinh trị đã biết rằng, việc duy trì chế độ độc đảng, trong đó giành quyền ưu đãi gần như tuyệt đối cho những người có quyền lực ở trung ương và địa phương đã không làm chế độ ổn định, mà chỉ phát sinh thêm và trầm trọng hơn tệ trạng tham nhũng của bọn quan tham, biến các tập đoàn nhà nước thành nơi chia quyền, đục khoét tài sản quốc gia một cách vô trách nhiệm. Điển hình như việc làm ăn thua lỗ của Tập đoàn Vinashin vừa phải phá sản ít ngày trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Than Việt Nam…đã làm thất thoát cả hàng chục tỉ Mĩ kim. Trong vụ Vinashin Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần xin lỗi và nhận trách nhiệm, nhưng ông ta vẫn chỗm chệ ở ghế Thủ tướng!
Chỉ có nhân dân phải gánh vác các hậu quả tại hại này. Rõ ràng nhất như nạn lạm phát cao và thường xuyên trong nhiều năm làm cho cuộc sống của nhân dân rất cơ cực; nợ công ngày càng phình ra đang tới mức mất kiểm soát –trong báo cáo vừa qua tại Quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng đòi tăng ngân sách lên 5,3%. Nhiều chuyên viên Việt Nam và các tổ chức tài chánh quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, đã cho biết, các con số nợ công mà chính phủ đưa ra còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế! Trong ba năm trở lại đây mức tăng trưởng kinh tế của VN mỗi năm lại đi xuống, trong khi nhiều nước trong khu vực lại đang lên!
Trong khi tiền thuế của nhân dân và tài nguyên của đất nước bị lạm dụng và lãng phí khủng khiếp thì sự giầu lên nhanh và bất chính của cán bộ có quyền đã trở thành công khai. Chính ông Trọng đã nói trong nhiều Hội nghị trung ương và qua phong trào chỉnh đảng với các cuộc tự phê bình và phê bình ngay trong Bộ chính trị kéo dài nhiều tuần lễ trong năm 2012…. Nhưng việc chống tham nhũng đã thất bại, không những thế dự tính đòi kỉ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không thành và đang tạo nên sự chống đối công khai lẫn nhau. Hiện nay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn kể tiếu lâm, chế diễu công khai cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng.
Nguy hiểm nữa là, do những khó khăn kinh tế, tài chánh và không được sự tin cậy của nhân dân, nên những người lãnh đạo chế độ ngày càng phải quỵ lụy Bắc kinh nhằm mưu đồ bảo vệ cái ghế và tiền bạc. Điển hình nhất là Thông cáo chung 10 điểm ngày 15.10 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã mở toang cửa cho Bắc kinh tham dự và can thiệp vào nhiều lãnh vực của VN từ quốc phòng, an ninh, chính trị, ngoại giao tới kinh tế, tài chánh, báo chí và văn hóa tư tưởng! An ninh và chủ quyền của Việt Nam đang bị đe dọa!
Nói tóm lại, vì thiếu năng lực và tha hóa đạo đức, nên những người đang nắm quyền lực đang đục ruỗng gia tài của Đảng do các thế hệ trước để lại!
RFI : Các cuộc vận động dân chủ ở trong nước đang phát triển như thế nào?
Chính vì thế, mặc dầu bị đe dọa của chế độ công an trị cực kì tàn bạo, nhưng nhân dân nhiều giới, từ trí thức, chuyên viên, thanh niên, công nhân và nông dân và cả nhiều đảng viên biết quí tự trọng đã không còn sợ. Trong những năm gần đây nhiều giới ở trong nước theo dõi rất sát tình hình thời cuộc và đặc biệt xung đột ở đầu não chế độ toàn trị. Nhiều cuộc vận động đã bung ra trong các lãnh vực đang có bức xúc lớn, như các biểu tình chống sự xâm lấn của Bắc kinh, ủng hộ các vụ khiếu kiện đất đai của nông dân, nhà thờ, đòi tự do cho các thanh niên và các Blogger bị giam giữ trái phép, ra các Kiến nghị và Tuyên bố về sửa đổi Hiến pháp…Phương pháp tranh đấu là hòa bình, khước từ bạo lực, với mục tiêu trong sáng là chấm dứt đàn áp, công an trị và bảo vệ nhân quyền, tiến tới dân chủ đa nguyên. Vài năm trước chỉ có một số người, nhưng nay đang lan tỏa ra nhiều giới và sự tham gia ngày càng tích cực và đông đảo.
Đặc biệt nữa là, các cuộc vận động này đã biết tận dụng các phương tiện thông tin nhanh chóng và quảng đại là Internet cả trong nước lẫn ngoài nước. Nên không chỉ nhiều giới ở trong nước mà cả báo chí quốc tế và chính giới các nước dân chủ biết rất rõ về Kiến nghị 72 của hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên và đảng viên tiến bộ đòi thay đổi thực sự và toàn diện Hiến pháp, các tuyên bố của Phật giáo và Công giáo, « Tuyên bố về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị », « Tuyên bố 258 » của những người trẻ Việt Nam !, lời kêu gọi từ bỏ Đảng CS và lâp đảng Dân chủ Xã hội của Lê Hiếu Đằng, hay mới đây lời nói rất khẳng khái và đúng đắn của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên mới 21tuổi tại tòa án « Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng ».
RFI : Rút ra bài học nào từ Đông Đức, Đông Âu tới Việt Nam ?
Thế hệ Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã biết thu phục nhân dân và có công rất lớn trong việc giành lại độc lập. Đây là gia tài rất quí để lại. Nhưng các thế hệ tiếp sau đã không biết gìn giữ và vun bồi. Trái lại, càng về sau bọn con cháu chỉ thích ham chơi hoang phí và làm điều bạo ngược chống lại dân, tự đánh mất tư cách lãnh đạo. Họ còn đang tháo khoán cho Bắc kinh thực hiện chính sách bành trướng ở biển Đông và bòn rút tài nguyên của Việt Nam . Chính vì thế họ là những người đang đục ruỗng gia tài của Đảng, không những thế còn đang chia bè, chia cánh, tranh giành quyền lợi ích kỉ và thanh toán lẫn nhau!
Vì vậy nhân dân ta đã thức tỉnh và đang đứng dậy, không thể chờ và tin vào những lời hứa cuội của những người cầm đầu chế độ toàn trị! Các cuộc vận động dân chủ đang lên cao ở trong nước cho thấy, nhân dân Việt Nam đang tự tin, quyết nắm lấy tương lai trong chính tay mình.
Tóm lại, trước đây trên hai thập kỉ nhân dân Đông Đức và các nước Cộng sản Đông Âu đã đứng dậy chấm dứt các chế độ toàn trị của các tập đoàn lãnh đạo tham nhũng, bất lực và ích kỉ. Nay nhân dân Việt Nam cũng đang hành động chính nghĩa như vậy!
No comments:
Post a Comment