Tạp Bút .
Sau cơn loạn ly tan tác, tôi quyết định trở về với Ðà lạt. Trở về trong những cơn mưa tháng năm, thành phố im lìm chìm đắm trong sương chiều, trong lòng thấp thỏm bồn chồn... cho dù đã biết rằng sống trong chế độ Cộng sản khét tiếng hà khắc này không dễ gì thấy lại được tia nắng hồng với mảnh trời xanh trong như lụa của Ðà lạt; không dễ gì được thả bước chầm chậm trên làn cỏ mượt mà lộng gió của đồi cù mà thả hồn bay bổng lên trên mấy tầng mây, vơ vẩn đó đây tưởng mình như cánh diều trong gió... không dễ gì được ngồi ở Thủy tạ, trước ly cà phê nóng, bốc khói thơm ngát, khi chiều về chầm chậm - không ở nơi nào có được hoàng hôn như Ðà lạt - có lúc sương mù bao phủ dày đặc chỉ thấy một mình ta trong tĩnh mịch... đâu đó có làn khói thơm Seventy Nine phảng phất... không dễ gì được cầm lại viên phấn trắng trước những đôi mắt trong xanh đầy tin tưởng nhìn vào cuộc đời!Mà hoàn cảnh bắt tôi phải cầm chắc cán cuốc! lập lại cuộc đời: cuộc đời của một nông dân, với một mảnh vườn xác xơ cỏ mọc!
Có những buổi trưa nắng đổ, mồ hôi nhễ nhại, chống cuốc nhìn trời, trong bụng xót xa lưng bát bo bo từ sáng. Nghĩ mình không phải tệ: trong tử vi đẩu số rành rành có Văn xương Văn khúc, Tả phù Hữu bật, có Tử vi cư ư mạng mà sao lại chống cuốc đứng đây?!
Có những chiều thân xác rã rời vì: "lao động là vinh quang" chờ tắt mặt trời để bò lên mấy rò khoai, rò đậu của mình để xới trộm đem về... vì trồng đến đâu đã có nhà nước kiểm kê thu mua đến đó mà giá tiền thì chưa đủ để mua bo bo ăn ngày hai bữa thay gạo! Sau khi đã trộm được hoa lợi của mồ hôi sức lực của chính mình, tối về phải thức để cắt, tỉa, bó, rửa... cho ra khoai ra đậu để đem bán chợ đêm. Chợ đêm là chợ họp lúc một giờ khuya đến ba giờ sáng, ngay đầu cầu ông Ðạo của các nhà vườn "ăn cắp" hoa lợi của chính mình đem ra bán chui. Con buôn cũng nhân đó mua đóng bao bì đưa lên xe chạy chui về các tỉnh miền xuôi, may lọt qua được các trạm thì ăn mà bị chận lại thì coi như "bỏ của cứu lấy người" mà thôi!
Thế rồi chẳng bao lâu, đất đai máy móc đi vào "tập thể", tôi đành buông tay... Bạn tôi có đứa nói với tôi:
- Tại mầy tỏ ra ta đây khoa học kỹ thuật, kế hoạch nầy với kế hoạch kia! trồng trái mùa bán theo thời điểm! bán chui ban đêm! Tớ thì cứ tà tà đào hốc trồng cây ăn trái về lâu về dài, lẫn với khoai lang khoai môn, đào ao thả bèo. Ai hỏi? Trồng rau cứu đói, thả bèo nuôi heo! Ba bốn năm sau là tớ có vườn cây ăn trái, ao sâu đầy cá, làm sao mà đếm mà đo để đóng thuế hay thu mua?
Thế mà đúng như lời bạn tôi nói. Bốn năm sau vườn cây ăn trái rất là tốt tươi, xanh um trĩu quả, có quy củ, có năng suất. Rồi một hôm, trời đã về chiều, nó đến nhà kéo tôi đi uống rượu. Nhâm nhi ly rượu, nó nói với tôi trong nước mắt:
- Mất hết rồi!
Tôi bỡ ngỡ hỏi:
- Mất cái gì?
- Cả khu vườn nhà coi như đi đoong vì thuế vụ, nhà đất chúng nó hỏi tớ giấy tờ đất nhà. Tớ đưa ra đầy đủ không thiếu thứ gì: giấy phép khai khẩn đất hoang, giấy phép làm nhà làm trại, có dấu tròn dấu nổi, có cả ngôi sao đỏ lòm... thế mà chúng nó cứ cằn nhằn...
- Sao lại cằn nhằn, cằn nhằn cái gì nữa? Tôi hỏi.
- Chúng nó bảo: "Anh có đầy đủ giấy tờ của chính quyền cho phép, anh có đầu óc khoa học tay nghề nên có được vườn cây ao cá rất tốt, lợi nhuận cao. Anh làm như vậy hợp pháp, anh đúng, nhưng... nhưng anh phải có cái giá bảo vệ cái đúng của anh!"
Tôi tá hỏa: ai ngờ chúng nó xuất thân là bần cố nông, chẳng tốt nghiệp cái kinh tế luật pháp nào cả mà nói được một câu hay quá! Câu này đáng tô son mạ vàng đặt lên bàn thờ thuế vụ của một chế độ... tham nhũng. Hay hơn cả câu thường nói của bạn tôi: "Luật pháp nhà nước thì như đá. Luật dân thì như nước. Ðá chắn thì nước lách"! Ðấy, chúng nó tát cạn thì hết lách.
Bạn tôi chịu không nổi cái "giá bảo vệ cái đúng đó" cứ phải luôn luôn... "bảo vệ", cạn kiệt, đành gạt nước mắt từ giã Ðà lạt thân yêu trôi nổi kiếm ăn ở một miền xa lạ nào đó rồi!
Người ta thường vỗ ngực tự hào ba đời chống: Chống phát xít, chống thực dân, chống Mỹ... Tôi và bạn tôi thì đã hết một thời chống... chống cuốc!!!
Lại có một kỳ tôi thường đến chơi với một anh bạn già, trước cũng là giáo sư triết học, để tâm sự và vấn kế:
- Nhà cửa, vườn tược của tôi bị nằm trong vùng quy hoạch, đã được thông báo để bán cho nước ngoài.
Ông ta cười hề hề:
- Sân cù, Palace, Dinh Một, Dinh Ba còn bán được huống hồ mảnh đất khu nhà của cậu.
Ông dừng lại ra dáng suy nghĩ lâu lắm rồi tiếp:
- Tại cậu ưa chỗ phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Cậu đã thấy chưa? Cái hại của cái đầu óc "tiểu tư sản" của cậu chưa? Như tớ đây nhà tranh vách đất ở xó núi, rừng thông này có ma nào dòm ngó tới đâu? Khoẻ re...
Ê chề về cuộc sống, một hôm tôi mò đến thăm ông bạn già triết học của tôi trong xó rừng thì gặp ông ta đang nóng giận. Tay tôi cầm chai rượu định tìm nơi yên tịnh để cùng với bạn già nhâm nhi, ai dè thấy ông bạn như vậy cũng chưa hiểu tại sao?
Thì ra vườn nhà ông trong xó núi bị một bọn người "ÐÀNG NGOÀI" vào chặt rụi cả đám thông: cây lớn thì xẻ gỗ, cây nhỏ cũng hạ luôn làm cột nhà, làm củi. Trước cảnh tiêu điều xác xơ của rừng thông mới hôm nào đây còn reo với gió, mượt mà êm mát, tôi đâm ra ngẩn ngơ...
Còn đâu những rừng thông xanh mượt ngát lừng hương nhựa; còn đâu nữa những phấn thông vàng trong gió nhẹ; còn đâu nữa tiếng thông reo, óng ánh những chiếc kim bạc trên nền trời mây trôi... Còn đâu nữa những đồi thông êm mát... nay lác đác tiếng chim kêu không chỗ đậu!
Tôi chợt tỉnh!!! Nghe tiếng ông bạn già rì rầm trong gió:
- Cậu thử xem, tớ đi xuống phường, lên tỉnh kiện. Tụi nó bảo: "Ông cụ có kiện đi đến đâu cũng thua thôi vì những người đó đều là con... liệt sĩ! Hơn nữa đó cũng là vùng quy hoạch bán cho nước ngoài.
Tôi thả rơi chai rượu từ lúc nào chẳng rõ, vẩn vơ trong đầu óc: "Chế độ này chưa để mất nước nhưng đã để mất đất." Phá rừng, cán bộ xây cất nhà. Phá nhà dân trồng lại rừng!!!
Bên cạnh tôi một gốc thông non vừa bị chặt đốn đang rỉ nhựa... một cụm hoa quỳ bị dày xéo tan nát nhưng vẫn còn một cành hoa nở vàng tươi như thách đố! Tôi bỗng cảm thấy mình như có một làn hơi nóng chạy vào tim và tin tưởng thành phố thông reo ấy hoa vẫn còn mãi mãi nở rộ.
Ðà lạt ơi! Muôn thuở vẫn là em Ðà lạt vẫn đẹp, vẫn đáng yêu trong lòng người Ðà lạt.
LÊ NGUYỄN
No comments:
Post a Comment