HOÀNG NGỌC NGUYÊN
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tháng này đưa đến chính phủ đóng cửa và nợ trần đến hạn được giải quyết vào phút chót đêm thứ Tư 16-10, chỉ một tiếng trước kỳ hạn, Tổng thống Barack Obama đã có một bài diễn văn tạ lỗi trước quốc dân đồng bào vào sáng thứ Năm, và ông cũng tiện thể cảnh cáo các nhà dân cử “Người dân nay đã hoàn toàn chán ngấy Washington” và “không thể tái diễn lui tới chuyện đối đầu bất kể sự an toàn của đất nước”. Thực ra ông không cần nói điều đó. Những ông bà dân biểu và thượng nghị sĩ của chúng ta đều có thông minh tối thiểu để hiểu chuyện đó. Nếu không hiểu chuyện đó, thì chuyện chính phủ vỡ nợ đã xảy ra và có thể cho đến hôm nay chính phủ vẫn còn đóng cửa. Vấn đề là họ có đủ thông minh để hiểu đó là một tình hình cần thay đổi hay không?
Chưa chắc! Hãy cứ xem “chuyện ngày xưa”.
Đầu năm nay, ai cũng thấy nền kinh tế của Mỹ vẫn đang còn rất trầy trật. Trận chiến “bờ vực ngân sách” (fiscal cliff) vào cuối năm 2012 như chúng ta còn nhớ đã làm cho điêu đứng những tầng lớp giữa và dưới trong xã hội, nâng thuế lương bổng, rút ngắn trợ cấp thất nghiệp, và hàng loạt khoản chi trong ngân sách cũng bị ảnh hưởng cắt giảm tùy tiện (sequester) kể từ 1-3 – trong đó nổi bật là ngân sách quốc phòng cùng những khoản chi cho các chương trình quyền phúc lợi xã hội (cụ thể là medicare). Chẳng thể nói rằng những hành động cố sát này từ phía Cộng Hòa lại chẳng gây tổn thất cho người dân, phương hại đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vốn còn rất uể oải hiện nay.
Thế nhưng giữa khi người dân chưa kịp thở, và rất hồi hộp âu lo trước hai kỳ hạn đối đầu mới giữa chính phủ và đảng Cộng Hòa là năm ngân sách mới 2014 (1-10) và nợ chính phủ đụng tới trần (17-10), người ta vẫn bất kể và lại cố tình gây ra cuộc khủng hoảng mới này. Từ đầu tháng Mười, chính phủ phải ngưng hoạt động một phần vì Hạ Viện trong tay người Cộng Hòa đưa ra một ngân sách đòi cắt hết kinh phí dành cho việc thực hiện luật cải cách hệ thống y tế tạo điều kiện bảo hiểm cho khoảng 45 triệu người không có bảo hiểm trong xã hội. Thượng Viện với đa số là thành viên Dân Chủ đương nhiên không chấp nhận đề nghị đó.
Cho nên, viện trên viện dưới cứ đá qua đá lại trái banh ngân sách này, cho đến đầu tuần qua 14-10, Hạ Viện đã hoàn toàn bế tắc vì những người Cộng Hòa ở viện dưới không thỏa thuận được với nhau trong một giải pháp vì họ không còn có thể đem Obamacare ra để làm áp lực nữa. May mà ở Thượng Viện, nhờ một nhóm 20 phụ nữ cang cường (nổi bật là những nữ thượng nghị sĩ Cộng Hòa như Susan Collins, Kelly Ayotte, Lisa Murkowski) những người Cộng Hòa và Dân Chủ nhất quyết chấm dứt cơn ác mộng này, họ đi đến một giải pháp lưỡng đảng với tỷ lệ phiếu áp đảo: 81/18 (18 trong 45 thành viên Cộng Hòa chống đối), mở ra cho Hạ Viện một lối ra là những người Dân Chủ ở đây nay hợp với những người Cộng Hòa ôn hòa, đứng giữa để thông qua dự luât của Thượng Viện. Thượng Viện bỏ phiếu 9 giờ tối đêm thứ Tư 16-10. Hạ Viện bỏ phiếu 10 giờ rưỡi tối. Tỷ lệ phiếu là 285/144, 200 dân biểu Dân Chủ và 85 người Cộng Hòa ôn hòa, chống lại với 144 người Cộng Hòa bảo thủ “chính thống” và Tea Party (khoảng 40 người). Tính ra, đến 37% người Cộng Hòa đã không đồng tình với đường lối cực đoan chủ trương phải đóng cửa chính quyền. Một điều cũng đáng ghi nhận là trong ngày sôi bỏng thứ Tư tuần trước, những phần tử ở hai viện chuyên chống phá việc thảo luận bằng cách chiếm diễn đàn và phát biểu dông dài đã đồng ý để cho chuyện biểu quyết được tiến hành. Nhờ thế người ta mới làm kịp tất cả mọi chuyện trong buổi chiều thứ Tư đó!
Tổn thất gây ra do việc chính phủ phải ngưng hoat động một phần theo giới chuyên môn đã ước tính là vào khoảng 24 tỉ đô la – nhưng tính về lâu dài hơn, người ta chưa nói được là bao nhiêu đối với thất nghiệp, sức mua của người tiêu thụ, tài sản của người dân... Chỉ có hầu như chắc chắn, tỷ lệ tăng trưởng trong quí tư này sẽ mất chừng nửa điểm (0.5%). Người ta ước tính cao nhất kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong quí tư, một mức quá thấp không làm sao có thể kích thích tuyển dụng lao động, tăng mức công xá, làm giảm thất nghiệp và tăng được doanh thu của xí nghiệp. Liệu người dân có đủ niềm tin và sự hứng thú để thúc đẩy sự bộc phát của thị trường nhà cửa cùng kỹ nghệ xe hơi như sự mong đợi của các nhà kinh tế hay chăng? Theo những nhà chính trị Tea Party, người ta chỉ “phóng đại” những hậu quả này để làm cho người dân thối chí, “quên mục tiêu đấu tranh”, nhưng những thăm dò dư luận ngày càng cho thấy ngay chính những người Cộng Hòa cũng không thể chịu được “lối chơi” của Tea Party.
Nay cuộc khủng hoảng đã qua, “sau cơn mưa trời lại sáng”? Còn lâu.
Còn lâu khi chúng ta nhận chân rằng qua cuộc khủng hoảng vừa qua, những nhà chính trị quá khích, cực đoan vừa trong ý thức hệ vừa trong hành động thuộc Tea Party thực sự quá nguy hiểm, và chẳng phải vì qua cuộc khủng hoảng rồi mà họ hết nguy hiểm. Họ đã điều động, khuynh loát, lũng đoạn đảng Cộng Hòa, dựng lên qui luật “thiểu số dẫn đường cho đa số”, làm cho đảng Cộng Hòa mất hướng đi, mất lập trường, mất lãnh đạo, và ngày càng làm mất niềm tin nơi chính cử tri Cộng Hòa của họ. Người ta đã “quần” nhau trên bờ vực như không, sự điên rồ có ý hướng phá hoại của họ khiến cho người dân sống chìm trong bất an, bất định, từ cuộc chơi này đến cuộc chơi khác của Washinbgton, vào cuối những năm 2010, 2011, 2012, và lần mới nhất chính là trong mấy tuần vừa qua – không phải đợi tới cuối năm 2013.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là vì thế mà cuối năm nay người dân được an bình, bởi vì giải pháp hiện nay hoàn toàn chỉ có tính cách tạm bợ, có nghĩa là người ta bỏ đi hai kỳ hạn cũ để mở ra hai kỳ hạn mới: 15-1 cho ngân sách và 7-2 cho mức nợ. Phía Tea Party đã cho nổi lên khắp nơi tiếng còi xung trận, giống như những người da đỏ la hét vang rần một khi tràn đến tấn công rong phim “The Last of the Mohicans”, khi hai viện đang nhóm lại một ủy ban thương nghị ngân sách để xác định những khoản phải cắt trong ngân sách (sequester) với mục đích “cắt giảm thiếu hụt” - một mục đích có vẻ chính đáng nhưng trong thực chất là phù hợp với ý đồ của Cộng Hòa và nhất là Tea Party: cắt chi để khỏi phải tăng thuế nhắm vào doanh nghiệp và thành phần có lợi tức cao. Đương nhiên, phía Dân Chủ sẽ phản ứng, vì hai lý do: công ăn việc làm bị ảnh hưởng và phúc lợi Medicare bị phương hại. Đó chính là trận chiến “lưỡng đảng” phải theo dõi trong tháng 12 tới đây!
Nhưng trước mắt, trong tình hình có những tin tức về trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng trong mạng lưới thị trường giao dịch bảo hiểm y tế cá nhân khiến cho người ta không nối kết được, những người chống đối Obamacare xem đây là cơ hội bằng vàng, họ chẳng cần ngưng bắn mà chuyển ngay mặt trận từ ngân sách và mức nợ trần sang Obamacare.
Cho nên cuối năm 2013, cũng như cuối các năm trước, chẳng những sẽ chẳng yên mà e rằng chinh chiến còn điêu linh hơn. Niềm tin của người tiêu thụ đã xuống trong tháng này, và với những de đọa, khủng bố trong tầm mắt, ai dám mong đợi một mùa mua sắm rộn rã trong năm mới sắp đến?
Nhưng chẳng phải chỉ là câu chuyện cuối năm. Câu chuyện có thể cho cả năm sắp đến, khi cuộc nội chiến trong đảng Cộng Hòa đang nổi lên một cách rắc rối. Phía Tea Party, qua người phát ngôn là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, vừa mang tư tưởng phục hận với Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ vừa muốn trừng phạt những phần tử Cộng Hòa “phản bội”. Cruz đã “tố cáo” những người Cộng Hòa tại Thượng Viện đã bỏ rơi người Cộng Hòa tại Hạ Viện. Và Tea party đang nhìn đến vòng sơ bộ trong tháng Tư sang năm của đảng CộngHòa để chọn ứng cử viên đại diện đảng trong bầu cử Hạ Viện, Thượng Viện… Nhưng chắc chắn những người Cộng Hòa ôn hòa và đứng giữa cũng sẽ không khoanh tay. Họ hiểu sự lợi hại của các vòng sơ bộ hơn trước. Và họ sẽ đẩy mạnh cuộc vận động thanh trừng các phần tử Tea Party quá khích. Có thể những người Cộng Hòa chính thống sẽ phải ngồi lại với nhau. Tổng thống Cộng Hòa Abraham Lincoln từng nói “A house divided cannot stand”. Như thế mà người ta vừa phải lo chống đỡ cho ngôi nhà khỏi đổ vừa phải tiếp tục quần thảo với phía Dân Chủ. Bởi thế nhiều người cứ nói rằng thôi thì những người Tea Party hãy mạnh dạn mở ra một đảng riêng đi, xem thử có bao nhiêu người theo họ, và họ sẽ nói lên những quan điểm chính thức thế nào về đất nước và phát triển, và xem có thể kiếm được vai trò gì trong chính trường Washington.
Những nhà phân tích, quan sát chính trị hầu như đã nhất trí rằng hệ thống chính trị của Mỹ đang bị hỏng, nước Mỹ có thể đang bị ngưng đứng nếu không nói là đang đi xuống vì cơ hội đang khô cạn mà cơ chế chính trị không có khả năng “recycle” (tái tạo), và “giấc mơ nước Mỹ” cũng đang trở nên ray rứt hơn vì cái cơ chế này làm cho bao nhiêu giấc mộng không thành. Một đất nước không thiếu nhân tài (năm nay đến ba kinh tế gia của Mỹ được giải Nobel) nhưng cũng không có quá nhiều cỏ dại … Hệ thống chính trị hiện nay đã làm cho cuộc thảo luận những trọng đề quốc gia bị lệch hướng, và những vấn đề sống chết của đất nước bị quên lãng. Như thế làm sao tìm được lối ra?
Sự thách đố của Tea Party do đó cũng có tính “tích cực” trong đó, vì nó làm cho nước Mỹ đến sát thực tại hơn để có thể hành động kịp thời hơn![HNN]
No comments:
Post a Comment