THẾ SỰ THĂNG TRẦM
Hoàng Ngọc Nguyên
Trong tình hình có vẻ “dầu sôi lửa bỏng”, đứng ngồi không yên của đất nước, khi càng gần đến ngày bầu cử, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa càng say máu, nhất là phía Cộng Hòa có thái độ hung hăng như những người quyết tử, một mất một còn, mù quáng đến mức chẳng ý thức được cả một điều tối thiểu, ngay cả trong chiến tranh thật người ta còn có khi phải hưu chiến vừa để cho nhân dân đỡ khổ, hoặc chạy giặc, hoặc thu dọn chôn cất xác người, và cũng là dịp để thu xếp lại đội ngũ, thì người dân chúng ta làm gì để cho có một chút bình tâm? Đương nhiên câu trả lời là giải trí. Nhưng giải trí thế nào cho vừa được sự bình yên vừa có ích mặt nào đó?
Bình thường nhiều người đi tìm mấy cái DVD để xem các chương trình ca vũ nhạc tạp lục của mấy đoàn hát vừa cho qua thì giờ vừa để xem người ta “bảo tồn văn hóa đất nuớc” như thế nào. Tuy nhiên, càng xem những chương trình này trong những năm gần đây, thay vì có sự bình yên và “học hỏi” để bổ túc những thiếu sót đương nhiên nơi mỗi người về văn hóa dân tộc, người ta lại càng có thêm cảm giác hãi hùng trước sự suy đồi của “văn hóa đất nước” – may mà đây thực ra chỉ là văn hóa hay vô văn hóa của những người trên và dưới sân khấu. Trong một chương trình ca nhạc gần đây ở Chicago, trong một màn “tự biên tự diễn” của một cặp vợ chồng “danh hài”, người vợ thì khoe mình là “vợ bé của Obama”, từng đi làm để nuôi chồng làm chính trị, nay bị chồng bỏ; người chồng thì đóng vai Hàn Mặc Tử, làm tất cả những điệu bộ tay chân đi đứng co rút của người cùi, và than phiền người cùi thì không thụt bi da, không kéo máy, không “gãi được vào chỗ hiểm”. Khán giả đều cười rộ lên vui vẻ, có người còn ngã nghiêng, nắc nẻ, mặt lộ vẻ thán phục. Nếu những người chủ của chương trình này mà biết xóa đi cái phần này trong cuốn băng đó, chưa nói đến một hành động dũng cảm hơn là thu hồi lại toàn bộ những băng đã phát hành, cùng đưa ra một lời xin lỗi, thì đó đúng là chuyện lạ. Nhưng vấn đề trong hoạt động ca nhạc sân khấu của chúng ta là thế, đang dần đi từ chỗ nghèo nàn, cảm hứng cạn kiệt đến như muốn phá sản, khánh tận, cho dù lạ lùng thay người xem càng ngày càng dễ dãi, càng ít vận dụng đến tri giác trong “thưởng ngoạn”, càng ít đòi hỏi về văn hóa nói chung trên sân khấu, đừng nói đến chuyện xa vời như “văn hóa dân tộc” là những gì ngày càng trở nên mơ hồ, nhạt nhòa trong ý thức của nhiều người – ngay cả ở những thế hệ từng sống, lớn lên trong văn hóa đó.
Cộng đồng của chúng ta “rải rác” còn những bãi rác như thế, ngay cả ở những nơi chùa chiền, nhà thờ, báo chí, truyền thông, các hội ái hữu cựu sinh viên, cựu hoc sinh, giới kinh doanh, giới chính trị… chẳng trách gì bao nhiêu người có trách nhiệm bài vở ở tờ nhật báo Người Việt lại “vô trách nhiệm” nhắm mắt nhắm mũi đăng toàn bộ một bài viết được xem là “Ý kiến bạn đọc” (thay vì thông thường người ta chỉ đăng vài dòng trích nói lên ý chính từ ý kiến đó, sau khi đã biết chắc được gốc gác thực sự của người gởi cùng nhận định vấn đề nêu ra không có tính cách “nhậy cảm”) của một người không dám ký tên thật với nội dung chà đạp, phỉ báng người dân miền nam). Những chữ “vô trách nhiệm” hay “nhậy cảm” là cách nói “nhẹ nhàng”, “tế nhị” của người muốn “bảo toàn văn hóa dân tộc”. Bài ý kiến này không có được một lời nói đầu hay ý kiến soi sáng của tòa soạn!
Với người dân miền nam đã từng sống trên đất nước miền nam của mình vào những ngày tháng đó, sau này có thể còn nhiều người phải ở lại, một số người may mắn thoát đi được, và cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung, ở Mỹ nói riêng, lớn dần, và có thể thành phần ngày càng thêm phức tạp, “đa dạng” hơn, nhưng không thể thay đổi được trong “identity” của mình – quá khứ, nguồn gốc, tâm tình lịch sử. Cũng như người Mỹ cho dù trong 236 năm qua thành phần dân chúng có thể càng thêm đa chủng tộc, đa văn hóa, nhưng chẳng vì thế mà người ta có thể nhìn khác đi sự hình thành của nước Mỹ, bản chất và nguồn gốc của cuộc cách mạng dựng nước của họ. Làm sao ngưòi ta có thể dám quên, đừng nói thay đổi được “identity” của mình?
Người Việt chúng ta khi nhìn lại người này ngưòi khác có thể qui trách sự sụp đổ của miền nam cho Mỹ bỏ chạy, cho sự bất lực và cả vô đạo của giới lãnh đạo, cho sự phân hóa, tê liệt của đảng phái quốc gia, cho sự tiêu cực, ảo tưởng của tôn giáo, nhưng cái nhìn về ngày 30-4 không thể thay đổi được cho đến ngày người ta nhắm mắt: một sự mất mát, đau thương, tang tóc, đổ vỡ của cả một dân tộc miền nam. Những gì xày ra những năm sau đó không thể chỉ là ám ảnh nặng nề cả đời cho những người trực tiếp chịu những hệ lụy: hàng trăm ngàn người đi “học tập cải tạo”; hàng trăm ngàn gia đình tan nát vất vưởng chẳng biết phài sống như thế nào trong sự đổ vỡ, tàn hoang này; những người phải liều chết trên con đường vượt biên, vượt biển đề tìm sự sống… mà phải là một nỗi đau nhức kinh niên cho những người đã biết được mảng tối đó của lịch sử. Và khi chúng ta nhìn đến sự sa đọa, suy đồi trong nước hiện nay, cùng nhìn lại cộng đồng đang còn “non trẻ”, “khờ khạo’ của chúng ta ngày nay, thì đúng là trong “hiến pháp bất thành văn” của cộng đồng chúng ta, Điều 1 về ngày 30-4 phải được tô đậm như một khởi đầu đau thương, bi tráng cho chương lịch sử hiện nay.
Một người làm báo chân chính nếu có gì khác người thường, chính là ở chỗ ý thức chính trị, ý thức lịch sử, ý thức cộng đồng luôn luôn là kim chỉ nam trong công việc của mình, đời sống của mình. Một tờ báo chân chính, nhất là báo lớn như Người Việt với hàng chục người liên quan đến bài vở, biên tập, hàng chục người cộng tác, chắc chắn càng phải đặt nặng sứ mạng hướng dẫn, khai sáng này rõ ràng hơn nữa. Khi chúng ta thấy những ca sĩ hải ngoại về nước ca hát, những người già, trong đó có nhiều người đã từng qua ngày đoạn tháng ở những trại tập trung, nay sẵn sàng về Việt Nam vui chơi họp bạn nhờ có ‘tiền già”, chúng ta nên hiểu có trách nhiệm “làm hỏng việc, hư việc” của giới truyền thông báo chí. Và chữ “làm hỏng việc, hư việc” cũng chỉ là một cách nói nhẹ nhàng, vì không đề cập đến sự ngụy tín, ngụy thiện đầy rẫy trong cõi đời này.
Chúng ta đều hiểu tờ New York Times là của ai. Của những ngưòi Dân Chủ cấp tiến, với những cây viết tiêu biểu như Paul Krugman, Gail Collins, Thomas Friedman, Maureen Dowd, David Brooks. Tờ Wall Street Journal là của ai? Chủ nhân chính là ông trùm Rupert Murdoch, và đó chính là cửa miệng của những người Cộng Hòa bảo thủ. Có ba điều những người làm báo chuyên nghiệp có thể ghi nhận được ở hai tờ này. Thứ nhất, trong mục Op-Ed của mỗi tờ, họ vẫn đăng những ý kiến đối nghịch mà tác giả là những nhân vật chính trị hay học giả nổi tiếng. NYT vẫn đăng bài của ông Glenn Hubbard, cố vấn số 1 của ông Mitt Romney, hay bài của Karl Rove, ông trùm chính trị phía Cộng Hòa từ thời George W. Bush. Tờ WSJ cũng đăng những phản biện chống quan điểm bảo thủ của tờ này của những ông Timothy Geithner, Stephen Stiglitz.. Thứ hai, tờ báo nào cũng có mục Letters đăng ý kiến bạn đọc, những người không có tên tuổi gì nhưng có những ý kiến đáng ghi nhận với tên thật và nơi sống. Thông thường, một độc già được chọn đăng không quá 200 chữ. Thứ ba, người ta không đăng những ý kiến đại khái như “Bọn Mỹ da trắng là một lũ cướp nước của người Mễ”, hay “Thiểu số da đen chỉ là một đám ăn bám không văn hóa gia đình cho nên Obama phải theo đường lối chủ nghĩa xã hội”.
Báo chí mà cứ làm như học “giả”, nói chuyện hoang đường, trong khi chuyện cơ bản nghề nghiệp không tự bảo nhau, nhắc nhở nhau, làm cho cộng đồng cứ mãi phải vén quần bước đi trong vũng lầy lội.
No comments:
Post a Comment