7/4/12

Tương lai nước Đức sẽ phụ thuộc vào người nhập cư?

Sửa đổi lần cuối Thứ ba 03 Tháng Bẩy 2012

 

Người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tại à Berlin.

Người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tại à Berlin.

AFP/Kaveh ROSTAMKHANI

Lê Phước

Giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế, trong khi người bạn láng giềng Pháp ra sức hạn chế nhập cư, thì Đức lại thúc đẩy chính sách kêu gọi người ngoại quốc đến làm việc. Nhật báo công giáo La Croix phản ánh sự kiện này với bài viết chạy dòng tựa: « Tương lai của Đức phải nhờ vào người nhập cư ».

Trên trang mạng của các Bộ Lao Động, Kinh tế và Việc làm của Đức đăng tải những lời kêu gọi người nhập cư ở lại làm việc tại Đức. Bộ trưởng Lao Động Đức, bà Ursula Von Der Leyen, tha thiết : « Chúng tôi đang cần các bạn. Chúng tôi thật vui sướng được đón tiếp các bạn ». Theo bà, cũng như một số quốc gia khác, Đức đang đối mặt với hiện tượng sụt giảm dân số.

Từ những năm 1970, mỗi năm tại Đức, số người sinh ra ít hơn 200 000 người so với số tử vong. Tại Đức, số trẻ em ra đời năm 2011 ít hơn 15 000 người so với năm 2010. Từ năm 2003, dân số Đức bắt đầu giảm, trong khi năm 2011 lại tăng, mà nguyên nhân tăng là nhờ vào làn sóng nhập cư. Dân số Đức hiện tại gần 82 triệu người, nhưng theo dự báo, đến năm 2060, sẽ giảm xuống còn từ 65 đến 70 triệu người.

Bà Der Leyen đánh giá, từ đây đến năm 2015, Đức sẽ thiếu đến 6 triệu lao động. Như vậy, đảm bảo cho nền kinh tế Đức có đủ nhân lực là một « nhiệm vụ quốc gia ». Và để hoàn thành được nhiệm vụ này, thì không thể không dựa vào người nhập cư.

Theo thăm dò, có đến 80% sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đức muốn ở lại làm việc, nhưng chỉ có ¼ trong số này là được đáp ứng nguyện vọng. Vì thế, Đức đã giảm bớt các điều kiện khắt khe nhằm khuyến khích nhập cư, nhất là giới thanh niên có bằng cấp. Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Philpp Rosler, còn kêu gọi : « Hãy đến thử vận may ở một nước nằm ở trung tâm Châu Âu ».

Trong những người nhập cư, có một bộ phận không nhỏ đến từ các nước phía Nam bán cầu. Thanh niên ở những nước này do khó tìm được việc làm trong nước buộc phải bôn ba nước ngoài, và nhiều người đã chọn nước Đức. Năm 2011, người nhập cư tại Đức đến từ các nước trong khối EU tăng 34%, trong đó đứng đầu là các nước bị khủng hoãng nặng nề nhất như Hy Lạp và Tây Ban Nha. Ở hai nước này, trong lứa tuổi dưới 25, có đến 50% người thất nghiệp.

Tuy nhiên, chính quyền Đức không chỉ kêu gọi sự tự nguyện của người nước ngoài đến Đức, mà còn kêu gọi cả người dân Đức. Một quan chức nhập cư Đức nhận định, sự thay đổi tư duy của người Đức là một yếu tố quan trọng để cho chính sách nhập cư được thành công. Người này kêu gọi : Người Đức hãy hoan nghênh người nhập cư thay vì tỏ ra khó chịu, hãy tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của họ cho nước Đức.

No comments:

Post a Comment