Dân Hồng Kông rầm rộ xuống đường phản đối chính quyền Bắc Kinh ngày 01/07/2012.
REUTERS/Bobby Yip
Hồng Kông tràn ngập rừng người dứt khoát bày tỏ lòng bất mãn đối với chế độ Trung Quốc nhân kỷ niệm 15 năm ngày Luân Đôn trao trả nhượng địa cho Bắc Kinh. Trước giờ tuần hành, AFP cho biết số người tập trung lên đến « nhiều chục ngàn » với khẩu hiệu « cùng chiến đấu chống đảng Cộng sản ».
Vào giữa ngày hôm nay, ngày kỷ niệm 15 năm nhượng địa trở lại chủ quyền Trung Quốc, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã rời Hồng Kông về lại Bắc Kinh sau hai ngày thăm viếng bị chống đối mãnh liệt.
Trong khi đó, người dân Hồng Kông tiếp tục hành động biểu lộ bất mãn đối với chính sách của Bắc Kinh bị xem là « đang cướp đoạt quyền tự do và dân chủ », là làm « đời sống » dân Hồng Kông trở thành đắt đỏ.
AFP mô tả vào lúc 17 giờ chiều, tức là hơn một giờ sau khi đoàn biểu tình tuần hành, nhiều chục ngàn người vẫn còn chờ đến phiên mình tại địa điểm tập trung. Họ mặc y phục màu tang đen trắng và có người mang cờ của Anh Quốc. Họ lên án chế độ Trung Quốc « phá hoại Hồng Kông và quyền dân chủ của người dân ».
Hàng năm, ngày 01/07 vẫn có biểu tình nhưng năm nay lòng bất mãn của dân chúng Hồng Kông lên rất cao. Sự kiện tân lãnh đạo đặc khu hành chánh Lương Chấn Anh tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được xem là hành động « can thiệp thô bạo ». Diễn văn của chủ tịch Trung Quốc đã bị gián đọa nhiều lần vì lời hô to của một người trong cử tọa « chấm dứt chế độ độc đảng » và « phản đối đàn áp Thiên An Môn ». Ở bên ngoài hội trường, người biểu tình đốt chân dung của Lương Chấn Anh với khẩu hiệu « bài trừ đảng Cộng sản ».
Động thái đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc khi đến Hồng Kông là viếng thăm và dự lễ duyệt binh tại căn cứ của lực lượng quân đội Trung Quốc, được xem là đã nổ súng đàn áp phong trào sinh viên năm 1989, càng làm dân Hồng Kông bất bình thêm.
Theo AFP, dân chúng tại đặc khu hành chánh lên án dân có tiền tại Hoa Lục chạy qua Hồng Kông làm giá nhà đất leo thang, giành chổ của con em địa phương ở trường học và nhà giữ trẻ.
Cuối cùng, chính quyền Bắc Kinh bị tố cáo là đang tiến hành chính sách trấn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí bằng biện pháp kiểm duyệt gian trá « chỉ đạo qua điện thoại ».
No comments:
Post a Comment