7/1/11

Tang lễ của Luật Sư Vương Văn Bắc tại Paris



( Tưởng nhớ giáo sư Vương Văn Bắc, vị Thầy kính mến)
Trần Thị Diệu Tâm

Luật sư Vương Văn Bắc, đã qua đời vào ngày 20 tháng 6 năm 2011tại tư gia ở Paris. Tin buồn này được phổ biến rộng rãi khắp Paris và cộng đồng người Việt tỵ nạn CS hải ngoại. Theo cáo phó, luật sư hưởng thọ 85 tuổi .
Luật sư Vương Văn Bắc nguyên là luật sư Toà Thượng Thẩm Sàigòn, giáo sư Chính Trị Học thuộc đại học Luật Khoa , giáo sư đại học Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn, giáo sư trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đàlạt. Chức vụ cuối cùng là Tổng Trưởng Ngoại Giao thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Luật sư cũng là thành viên trong phái đòan Hoà Đàm Ba Lê .
Năm 1973, luật sư VV Bắc kế nhiệm ông Trần Văn Lắm, làm Tổng Trưởng Ngoại Giao. Đầu năm 1974, Trung Cộng mở cuộc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, tấn công lực lượng của VNCH vào ngày 11 tháng 1. Căn cứ Nguyệt Thiềm ở Hoàng Sa thất thủ, ngoại trưởng họp báo cùng với giới truyền thông quốc tế tuyên cáo vụ chiếm đọat này của Trung Cộng cho công luận thế giới biết.
Cũng trong năm này, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử ngoại trưởng VVBắc (cùng với ông Nguyễn Ngọc Diễm, hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ) sang Ả Rập Saudi gặp quốc vương Haled xin vay tiền để tài trợ cho cuộc chiến đấu chống Cộng Sản Bắc Việt, vì Hoa Kỳ đã cắt giảm hầu hết các phương tiện. Quốc vương Haled đồng ý, vì trước đây vua cha Faisal đã bằng lòng giúp, nhưng sau đó bị ám sát. Hai vị đi cầu viện đã được quốc vương xứ này tiếp đón rất nồng hậu trong cung điện lộng lẫy.
Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của chiến sự Việt Nam bấy giờ, ngoại trưởng được lệnh của ông Thiệu, sang Washington DC để xin tăng viện với chính quyền Gérald R. Ford (tổng thống Ford lên thay thế Nixon ngày 9 tháng 8/74 sau vụ Watergate).
Ngày 19 tháng 9 năm 1974, ông Thiệu cũng đã viết thư cho tổng thống Ford bàn về vấn đề xin viện trợ này rồi. Chuyến đi cầu viện cùng với sự có mặt ông tổng trưởng kinh tế Nguyễn Tiến Hưng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, không mang lại kết qủa nào, vì Hoa Kỳ đã quyết định mọi chuyện dứt khóat với VN. Ngọai trưởng VVBắc đã họp mặt với thượng nghị sĩ Kissinger tại phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc . Khi ra về, Kissinger chào bắt tay giã từ ông trở về Việt Nam với câu Good luck ! (mặc dù Kissinger biết chắc chắn ông ngoại trưởng khó lòng sống nổi với Cộng sản Bắc Việt ) .
Trên đường trở về Việt Nam, ngoại trưởng VVBắc ghé qua Luân Đôn thăm vợ và các con . Trong thời gian này thì ông được tin từ Sàigòn cho hay tổng thống Thiệu từ chức vào ngày 21tháng 4/ 1975. Do đó ông quyết định không về Việt Nam nữa. Nhờ vậy ông đã tránh được chốn lao tù CS.
Sau đó luật sư đưa cả gia đình qua sống tại Paris cho đến nay. Ngay thời gian đầu cư ngụ tại đây, luật sư làm việc cho một văn phòng luật sư quốc tế danh tiếng tại Paris (một trong bảy tổ hợp luật sư nổi tiếng tại Hoa Kỳ). Tuy đến tuổi nghỉ hưu, nhưng nhờ khả năng nhận định sáng suốt và khả năng tìm hiểu để theo kịp biến chuyển của luật pháp, của án lệ và học lý, luật sư được trọng dụng cho đến năm 80 tuổi mới nghỉ ngơi. Đó thật là một biệt lệ, chứng tỏ luật sư là người làm việc không biết mệt mỏi.
Đối với Paris, luật sư VV.Bắc là một người được cộng đồng qúy mến và nể trọng : Đó là một nhà chính trị suy nghĩ chín chắn, cẩn trọng lời ăn tiếng nói và cả trong cách xử thế với người. Trong thời gian Trung Cộng toan tính xâm chiếm Hoàng Sa- Trường Sa của chúng ta, luật sư VVBắc luôn tham dự ủng hộ những buổi sinh hoạt về chủ đề này của các cộng đồng người Việt chống Cộng tại Paris.
clip_image002Ngoại trưởng Vương Văn Bắc
Vào năm 1974, chính luật sư là người ra tuyên cáo lên án Trung Cộng xâm lăng hải đảo của VN ngày 19.1.1974. Công lao sự nghiệp của luật sư Vương Văn Bắc đóng góp cho chế độ VNCH không phải là nhỏ, chắc chắn sẽ có nhiều bài viết về Thầy.
Riêng đối với các môn sinh đã từng được nghe những bài về Chính Trị Học ở các giảng đường đại học, đều không hề quên hình ảnh người Thầy với giọng nói hào hùng, với kiến thức minh triết.
Thầy để lại nơi trò bao điều qúy mến .
Trong tập sách Suy Tư (xuất bản năm 2003), gom lại những bài viết của Thầy dưới bút hiệu Hoàng Linh về những vấn đề chính trị thời sự của Việt Nam và quốc tế, những bài này đã được đăng trên các báo như Người Việt, Thế Kỷ 21, và các tập san của các hội cựu sinh viên Viện Đại Học Đàlạt, của Hội Chu Văn An … Mỗi khi có dịp đọc lại những bài Thầy viết, chúng tôi nhận thấy sự suy nghĩ của tác giả thật là sắc bén và tinh tế trong từng chữ viết. Trong tập Suy Tư, có một câu Thầy viết như sau, « Bài học Soljenitsyn : Đối với người trí thức, trên cả điều khôn dại, trên cả lẽ thiệt hơn, còn phải nghĩ đến bảo toàn sĩ khí » (trang 163).
Thầy có cho in « Cảm Xúc » gồm những bài thơ, truyện ngắn, tùy bút « mà tôi đã làm để ghi lại dư âm, dư ảnh của những ngày đã qua của đời mình ».
Hai tập sách này in ra để tặng thân hữu và môn sinh, như một món qùa của Thầy.
Tang lễ của vị giáo sư khả kính đã diễn ra vào một ngày đầy nắng của tiết Hạ chí, 28 tháng 6, 2011 tại nghĩa trang Montparnasse, quận Paris 14. Trước đó, quan tài Thầy được chịu lễ Ban Phép Lành tại nhà thờ Notre Dame de la Salette theo ý muốn của phu nhân Thầy là cựu luật sư Nguyễn Thị Hồng, nguyên giáo sư của trường Trưng Vương Sàigòn. Trong phần nghi lễ, có một tổ chức quân nhân do ông Nguyễn Nhựt Châu hướng dẫn, đứng dàn chào theo quân cách, càng làm tăng thêm phần long trọng.
Đặc biệt hơn cả, tổ chức quân nhân kính cẩn phủ lá Cờ Vàng lên linh cửu của Thầy . Mọi người đến tham dự tang lễ đều ngậm ngùi cảm động theo với tiếng kèn trổi lên dòng nhạc Tử Sĩ Trận Vong. Lá Cờ là biểu tượng của quốc gia VNCH. Giáo sư Vương Văn Bắc lúc sống đã vinh danh tổ quốc, thì nay Lá Cờ tổ quốc vinh danh cho người qua đời (chúng tôi còn nhớ câu trả lời của Thầy khi được hỏi ý kiến về Lá Cờ, vào khỏang tháng 3/2011 : Lá Cờ chính là sức mạnh đòan kết của chúng ta ).
Các Vòng Hoa phúng điếu được sắp đầy trong thánh đường, đủ màu sắc rực rỡ xinh đẹp như biểu hiện tất cả lòng thân thương yêu qúy của những ai còn lại nơi trần thế, xin chia tay với người ra đi.
Điếu văn của cựu Quốc Vụ Khanh Vũ Quốc Thúc
Trong phần tiễn biệt, giáo sư Vũ Quốc Thúc (năm nay được 92 tuổi, khóc môn sinh của mình) chống gậy từng bước lên đọc bài điếu văn tạ từ cảm động, xin ghi lại sau đây :
Anh Tổng Trưởng kính mến
Tôi không ngờ có bổn phận não nùng tới đây chiều hôm nay để, với tư cách Cựu Quốc Vụ Khanh của Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, nói đôi lời vĩnh biệt cựu đồng liêu Tổng Trưởng Ngoại Giao. Nếu so sánh tuổi tác, kẻ ra đi trước phải là tôi, không phải là Anh. Tôi chợt nhớ câu thơ tiễn bạn của kẻ tiền bối : « Vội vàng chi đã mải lên Tiên »
Anh Bắc ơi ! Chúng ta có rất nhiều kỷ niệm chung kể từ ngày còn ở Hà Nội. Hồi đó, Anh đã nổi danh là một sinh viên đặc biệt xuất sắc của trường Đại Học Luật Khoa. Rồi Anh hành nghề luật sư, ở một văn phòng danh tiếng :nơi đây tôi cũng từng tập sự năm 1946.
Sau khi rời khỏi chính quyền, tôi đã vô cùng phấn khởi thấy Anh dấn thân gánh vác trọng trách Ngoại Trưởng, giữa lúc nhiều sự việc báo hiệu nạn sup đỗ khó tránh của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Lịch sử còn ghi nhớ những cố gắng của Anh để vận động các nước bạn giúp dỡ chúng ta chống lại mọi hành động vi phạm Hiệp Định tái lập hòa bình ở Việt Nam ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Những cố gắng ấy đã thất bại chỉ vì thời cuộc quốc tế vô cùng bất lợi. Chúng ta đã phải bỏ nước ra đi trước sự thắng thế của bạo lực.
Mặc dù lưu vong, chúng ta vẫn vững lòng tin tưởng là sớm muộn gì quê hương chúng ta cũng có một thể chế thực sự dân chủ, thực sự pháp trị.
Cơ duyên đã khiến cho chúng ta tái ngộ ở Pháp, nhờ vậy mà có thể cộng tác mật thiết.
Tôi còn nhớ mãi bài tham luận của Anh trong buổi « Hội Thảo Về Chính Nghĩa Của Thuyền Nhân Việt Nam » tổ chức hồi tháng 12 năm 1986 tại tòa thị sảnh quận VI Paris. Trong dịp này Anh đã khẳng định : Hiệp định 27/01/1973 chứa đựng một số điều khỏan, nếu được thi hành nghiêm chỉnh thì đã tránh được thảm họa thuyền nhân ». Chính sự phân tích sắc bén của Anh đã đưa tới việc thiết lập Ủy Ban Luật Gia Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris, cùng với việc tổ chức một buổi hội thảo long trọng ngày 23.05.1987 về chủ đề này.
Chúng ta, Anh cũng như tôi, đã đóan trước cuộc vận động không đem lại kết qủa mong muốn, nhưng một khi đã tranh đấu vì lý tưởng, chúng ta đâu có e ngại thất bại ! Tôi còn nhớ có lần Anh tâm sự cùng tôi : Đọan trường ai có qua cầu mới hay !
Qua lời tâm sự này tôi thấy rõ sự đau khổ âm thầm của một sĩ phu yêu nước.
Hai mươi bốn (24) năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Thời thế đã biến chuyển sâu xa. Ước mơ dân chủ của chúng ta đang dần dần thực hiện. Chính vì thế mà tôi ân hận là Anh đã vội ra đi không ở lại để chứng kiến sự thành công của chúng ta. Giờ đây Anh có thể yên tâm nghỉ ngơi ở cõi Vĩnh Hằng, khỏi bận tâm về tương lai đất nước nữa.
Tôi kính cẩn gửi Anh lời chào Vĩnh Biệt ».
Đọc xong bài ai điếu, mắt Thầy Vũ Quốc Thúc đỏ hoen ngấn lệ.
Sau nghi lễ tại nhà thờ, linh cửu Thầy VVBắc được trân trọng đưa lên xe về nghĩa trang Montparnasse. Nơi đây, các thân hữu đứng bao quanh linh cửu phủ Cờ Vàng trông thật uy nghi, các quân nhân vẫn luôn ở thế đứng chào nghiêm chỉnh hai bên. Bên trái và bên phải có dựng hai lá cờ, một cờ nước Pháp (ba màu xanh trắng đỏ) một cờ của VNCH (màu vàng ba sọc đỏ). Hai lá cờ bay phấp phới trong gió lộng buổi chiều như cùng nhau vẫy tay chào người đang nằm trong quan tài yên tĩnh một mình.
Vĩnh Biệt !
Trước khi linh cửu Thầy được đưa xuống huyệt mộ, các quân nhân xếp lại lá Cờ và kính cẩn trao lại phu nhân của Thầy đang xúc động đưa tay đón lấy biểu tượng mà người chồng mình đã suốt một đời phụng sự.
Các hội đòan ở Paris, lần lượt theo lời giới thiệu của ái nữ giáo sư VVBắc, (Vương thị Hồng Hà) nói lời tiễn đưa với người qúa cố, trong đó có đại diện hội Quân Nhân, văn phòng Tổ Hợp Luật Sư Quốc Tế, Ái Hữu Cựu Nhân Viện Bộ Ngoại Giao VNCH và Hội Thụ Nhân v.v…
Trời bắt đầu nhỏ xuống những hạt nước mưa lấm tấm, nước mưa hay nước mắt, như cùng chia xẻ giữa người đi về thế giới an bình vĩnh cữu, và người ở lại với trần gian nhiều hệ lụy, nhiều gian truân đau khổ .
Một đời người đã qua đi. Tám mươi lăm năm (85) qua đi như giấc mộng Nam Kha. Nồi kê Việt Nam Tự Do trên bếp lửa chưa chín .

clip_image004
Hình linh cửu ngoại trưởng VVBắc có phủ lá Cờ Vàng

TT Diệu Tâm/ Paris 30.6.2011

No comments:

Post a Comment