7/24/11

THẾ SỰ THĂNG TRẦM- CÁI ĐẦU VÀ CON TIM – TRONG BÓNG ĐÁ


Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

clip_image004
Trong bóng đá quốc tế, nói đến nam là phải nói đến Ba Tây, nói đến nữ là phải nói đến Mỹ. Ba Tây đã năm lần đoạt chức vô địch thế giới. Trong 19 lần World Cup (Ý 4, Đức 3, Pháp 1, Anh 1, Tây Ban Nha 1, Uruguay 2, Argentina 2). World Cup nữ đã tổ chức được 5 lần, Mỹ giành được cúp vàng 2 lần, Đức 2 và Na Uy.
Bóng đá nam hay nữ cũng vẫn được xem là một môn thể thao của người châu Âu, hay người Nam Mỹ, hay người da đen, những người cao lớn, vạm vỡ, có sức vóc, không sợ phải đụng chạm với những người “dữ dằn” hơn mình. Dân châu Á da vàng mũi tẹt (nếu không sửa) vẫn được xem là “outsiders” – cho dù trong một vàí thập niên đã qua, họ cố chứng tỏ khả năng vươn lên, cho dù sức người có hạn.
Chiều chủ nhật vừa qua là một chiều đặc biệt, và bời vì nó đặc biệt cho nên đặc biêt khó xử với những người hâm mộ bóng đá. Hầu như trong cùng một giờ, ở Đức, đội tuyền Mỹ vào chung kết WWC (Women’s World Cup ) với đội tuyển Nhật Bản, trong khi đó trên sân của Argentina, đội Ba Tây vào vòng tứ kết Copa America, tức giải vô địch châu Mỹ. gặp đội Paraguay. Dĩ nhiên chẳng ai muốn bỏ lỡ cơ hội xem một đội vô địch thế giới. Nhưng tạo hóa trớ trêu cho hai đội vô địch nam và nữ đá cùng một lúc tại hai sân khác nhau, phải chăng đương nhiên người ta phải chọn lựa, xem đội này và bỏ đội kia, tư thị hiếu của mình.
Sự chọn lưa thực ra đơn giản hơn người ta tưởng. Thứ nhất, chẳng xem đội nào cả, có nghĩa là cũng chẳng bay qua Frankfurt để xem Mỹ nữ đá với Nhật nữ, mà cũng chẳng đến Argentina xem Ba Tây đá với Paraguay. Vào lúc kinh tế bình thường, cũng chẳng có mấy người bỏ công làm chuyện đó. Huống chi hiện nay, kinh tế đang còn khủng hoảng, và hai đảng tại hai viện đang đánh nhau tơi bời về chuyện nợ nần, thiếu hụt, thuế khóa… cho nên chẳng xem trận nào cả. Đúng hơn là nằm nhà coi truyền hình. Ngoài lý do kinh tế rất chính đáng, còn có lý do thực tế thực tiễn hơn nữa. Ở nhà, nguòi ta có thể vặn đài Mễ Univision miễn phí coi trận Ba Tây đá, mặc dù người Mễ tường thuật thì đến Tết Congo mới hiểu, đồng thời mở computer coi trực tiếp tường thuật tại chỗ trận Mỹ-Nhật, cũng miễn phí.
Cả hai đội vô địch đều làm cho người ta thất vọng. Một phần điều này là dễ hiểu: người ta cứ luôn luôn bắt đội vô địch phải thắng. Nhất là trong một giải vô địch. Nhất là vì đó là đội người ta ái mộ. Một phần khác là vì cách thất bại “đáng đời” chẳng có gì vẻ vang hương khói của Ba Tây. Và có vẻ bạc nhược “đáng thương” của đội Mỹ. Nhưng chiều nay còn có thêm một cái đặc biệt khác. Tuy người ta thất vọng vì sự thất bại của “gà nhà”, nhưng sự thất vọng này chẳng thấm gì so với sự sướng thỏa khi đội chiến thắng đã chiến thắng một cách oanh liệt, xứng đáng và đặc biệt lại mang tên “Japan”.
Ba Tây là đội đương kim vô địch của Copa America, một giải được tổ chức bốn năm một lần, tương đương với Euro, giải vô địch châu Âu. Cũng như mọi năm, favorites là Á Căn Đình và Ba Tây. Á Căn Đình là nước chủ nhà, lại có những tên tuổi lớn như Messi, Mascherano, Higuan, Tevez, Zabaleta… Nhưng Argentina trên sân nhà, trước mặt khán giả nhà, đã bị Uruguay đá bại bằng thi đấu luân lưu phạt đền, sau 120 phút bất phân thắng bại 1-1. Sự hấp dẫn chỉ còn trông mong vào đội Ba Tây, những đội khác như Péru, Venezuela, Uruguay.. hầu như chưa đủ “uy tín” để giành được sự hâm mộ của khán giả. Nhưng đội Ba Tây, với đầy đủ danh tài như Julio Cesar, Maicon, Neymar, Robinho, Luicio, Fred, Elano, Pato, Ramires… thắng không nổi đội Paraguay ở cả vòng ngoài lẫn vòng tứ kết. Thảm hại hơn nữa, trong trận tứ kết, trong đợt thi đá phạt đền luân lưu, bốn cầu thủ quốc tế của Ba Tây đều đá hỏng phạt đền – banh bay lên cao trên trời. Đội Paraguay bất chiến tự nhiên thành. Sự thất bại của Ba Tây là rõ ràng, vừa xứng đáng, vửa đáng đời. Đám cầu thủ này đều toàn la những cầu thủ quốc tế đắt giá, chơi hoàn toàn cá nhân, như không có cái đầu, cho nên chẳng biết đường đến khung thành ở chỗ nào, và phài dùng chiến thuật nào đề đánh gục đối phương. Ngoài chuyện phô diễn cá nhân một cách thong thả, từ từ, họ còn cho thấy thiếu cả con tim – không có “khát vọng chiến thắng”, sự nhiệt thành, quyết tâm, nôn nóng tìm kiếm thắng lợi. Cái đấu nóng không có, đấu lạ cũng không có, họ là một đội lớn, nhưng lao vào chuyện ẩu đả trên sân như trẻ con, đến độ tiền vệ hạng bét của thế giới Lucas Leiva thả đi không ai lượm bị đuổi ra khỏi sân phút 103 mà chằng ai thấy tiếc nuối gì cả.
Hoa Kỳ thất trận “vẻ vang” hơn, ít ra còn giữ được cảm tình của nguòi ủng hộ từ châu Mỹ sang châu Âu. Người ta nói rằng những Mỹ nữ này xui. Nhưng trong cái xui của con người, bao giờ cũng có lỗi của con nguòi, giống như sự thất thủ của chế độ miền Nam vào năm 1975.
Chằng ai tin được đội tuyển nữ Nhật Bản sẽ ca khúc khải hoàn trong Giải Vô địch này. Đức và Mỹ còn mạnh. Pháp và Anh đang lên. Nhật Bản? Bóng đá nữ của một nước châu Á - vừa lùn vừa yếu. Who cares. Sự có mặt chỉ cho làm tăng thêm hình ảnh thế giới toàn cầu. Nhất là người ta nhớ lại nước Nhật tang thương hiện nay, sau vụ sóng thần, động đất và tai nạn nhà máy hạt nhân vào tháng ba-tư năm nay. Cảm tình với Nhật vừa do sự trắc ẩn, vừa có một sự khâm phục với tinh thần đấu tranh trước nghịch cảnh quốc gia của họ.
Nhưng họ đã thắng Đức ở tứ kết 3-1. Thắng Thụy Điển 2-1 ở bán kết. Và thắng đương kim vô địch Mỹ ở chung kết 3-1 bằng đá phạt đền luân lưu sau khi hòa 2-2 trong 90 phút chính thức và 30 phút thi đấu hai hiệp phụ. Có tờ báo nào tiên đoán nổi cái kết quả giống như động đất hay sóng thần đó. Làm sao người ta dám nghĩ, nhất là đã chứng kiến ưu thế áp đảo của Mỹ, Nhật Bản đã gỡ hòa được 1-1 sau khi Mỹ đã lỡ quá nhiều cơ hội trong trận chính thức. Và lại gỡ hòa 2-2 ở gần như phút cuối cùng trong hai hiệp đấu phụ khi Mỹ đã mệt nhoài và mất tinh thần.
Đúng là Mỹ đã có thể thắng Nhật đến 4-1 chỉ cẩn trong 90 phút thi đấu chính thức. Nhưng Mỹ xui quá, và Nhật hên quá. Trong bóng đá, hên xui, hay thời vận của một đội, giành được tiếng nói cuối cùng. Nhưng cũng có lý do khác. Mỹ hai lần dẫn trước, và Nhật hai lần gỡ hòa. Họ chưa hề nản trong thất bại. Khi người Mỹ ghi đưọc bàn thắng, họ như khựng lại, hết còn chạy nổi. Khi họ bị gỡ hòa, trông họ chán nản như hết ý chí. Người Nhật khi bị dẫn, họ gia tăng nhịp độ trận đấu. Khi họ gỡ hòa, họ càng lên tinh thần.
Mỹ dẫn trước bằng một bàn thắng xứng đáng với cú sút từ xa như trời giáng của tiền đạo nổi bật Alex Morgan vào phút 69. Mỹ lơi áp lực, trong khi Nhật gia tăng sức ép, hầu như kiểm soát phần lớn thế trận từ đó. Hàng hậu vệ của Mỹ để lộ sơ hở, lúng túng, rời rạc – trong đó thủ môn Hope Solo thiếu sự chững chạc. Phút 81, Rachel Buehler phá banh quá nhẹ trưóc khung thành, banh chạm chân cầu thủ Ali Krieger và đến chân Aya Miyama trên đà chaỵ xuống, đá má bên ngoài chân trái gỡ 1-1. Trong 30 phút đấu thêm, ở phút 104, tức 16 phút trước khi kết thúc trận, tiền đạo hay nhất của Mỹ Abby Wambach dùng đầu gạt mạnh banh vào lưới thủ môn Nhât. Và “lịch sử tái diễn”. Nhật Bàn vùng lên, Hoa Kỳ cao, mạnh đến thế lại co cụm. Và từ một quả phạt góc ở phút 117, tiền đạo Sawa, 32 tuổi, đội bóng vào một góc rất hẹp, hai ba cầu thủ Mỹ đứng đó mà chẳng ai can thiệp nổi. Thi đấu penalty, Nhật thắng 3-1 – có nghĩa là Mỹ đá hỏng 3 quả, Nhật hụt chỉ một quả.
Nhật Bản chẳng hề mất tinh thần. Sức chiến đấu thể hiện trong cả 120 phút. Yếu thế trên nhiều mặt, sức vóc, tốc độ, kỹ thuật, họ dùng toàn đội để đỡ đần nhau khi bị tấn công, và toàn đội để tạo áp lực khi tấn công. Lối chơi toàn đội cho thấy thời gian tập luyện chung là thuần thực. Tinh thần chiến đấu xả thân , tin tưởng lạc quan đến phút cuối cùng cho thấy một niềm tự haò về dân tộc lớn hơn bất cứ cái gì liên quan đến cá nhân.
Bởi thế người Nhật, nam hay nữ, trên bất cứ lĩnh vưc nào, cũng có thể làm cho chúng ta giở nón cúi đầu. Chiến thắng của họ là một điều không thể tiên đoán được, nhưng là một điều thú vị làm sao, con người làm sao, để cho chúng ta thấy một khía cạnh tích cực nơi con nguòi. Tiếc rằng đó không phải là người Việt Nam.

No comments:

Post a Comment