2/24/11

Đức : Thắng lợi bất ngờ của đảng Dân chủ Xã hội tại Hamburg gây khó khăn cho Thủ tướng Merkel

Những người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội trước trụ sở đảng tại Hamburg ngày 20/02/2011(Reuters/Ina Fassbender)
Những người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội trước trụ sở đảng tại Hamburg ngày 20/02/2011(Reuters/Ina Fassbender)
Trọng Thành
Tại Đức, cuộc bầu cử địa phương đầu tiên trong năm đã diễn ra tại thành phố Hamburg, ngày 20/02/2011. Kết quả thắng lợi của đảng Dân chủ Xã hội cánh tả là một điều tương đối bất ngờ. Theo đánh giá ban đầu của một số chuyên gia, kết quả này có thể khiến cho quyền lực của chính phủ Liên bang của bà Angela Merkel bị suy yếu.
Sau đây là các phân tích của nhà báo Âu Dương Thệ từ Dortmund (Đức).
Nhà báo Âu Dương Thệ từ Dortmund (Đức)
23/02/2011
Nghe (08:21)
Nhà báo Âu Dương Thệ từ Dortmund (Đức)
(08:21)
Ông Âu Dương Thệ : Ngày Chủ nhật 20.2 đã có cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Hamburg, một hải cảng lớn nhất của Đức và cũng là thành phố đông dân thứ 2 của Đức. Cuộc bầu cử này là khởi đầu cho một loạt cuộc bầu cử ở 6 tiểu bang khác của Đức trong năm nay. Nó sẽ gây nhiều áp lực và ảnh hưởng tới chính phủ liên bang dưới quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel. Vì thế, không chỉ dư luận ở Đức mà cả công chúng trong EU đã theo dõi rất sát cuộc bầu cử này.
Có 5 chính đảng chính ra tranh cử là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) - tức là đảng của Thủ tướng Merkel, Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh (Grünen), đảng Tự do (FDP) và đảng Tân tả (Neue Linke – có gốc gác từ Đông Đức và là hậu thân của đảng Cộng sản Đức thuộc Đông Đức cũ). Kết quả bầu cử cho thấy : đảng Dân chủ Xã hội đã chiếm được trên 48% số phiếu (+ 14%, tức tăng 14% so với kết quả cuộc bầu cử trước), Dân chủ Thiên chúa giáo gần 22% (- 21,7%), đảng Xanh trên 11 % (+1,6%), Tự do 6,6% (+1,6%) và Tân tả 6,4% (+0).
Nếu chia tỉ lệ kết quả này ra số ghế của Hội đồng thành phố Hamburg là 121 ghế, thì đảng Dân chủ Xã hội chiếm được 62 ghế, tức là chiếm đa số tuyệt đối trong Hội đồng thành phố. Và như vậy, đảng Dân chủ xã hội sẽ có quyền cử ra Thị trưởng thành phố Hamburg. Cũng có nghĩa là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo sẽ mất chức Thị trưởng đã từng giữ từ 10 năm nay.
RFI : Tại sao đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lại thất cử ở Hamburg ?
Ông Âu Dương Thệ : Đức là nước có chế độ dân chủ đa nguyên và đa đảng, cho nên muốn giành được ghế trong nghị trường phải chiếm được cảm tình của cử tri. Nghĩa là các chính đảng và các ứng cử viên phải đưa ra các chương trình tranh cử làm sao thuyết phục được đa số cử tri. Cho nên không khí tranh cử rất sống động và gay cấn tới phú chót – chứ không như cuộc bầu cử rất buồn tẻ của Quốc Hội ở Việt Nam hiện nay, vì gần như độc diễn với 90% là đảng viên đảng Cộng sản !
Theo sự phân tích của các quan sát viên chính trị ở Đức, sự thất cử nặng nề của đảng của Thủ tướng Merkel ở Hamburg không phải do lỗi của chính quyền liên bang, mà phần chính là do lỗi của những người cầm đầu đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở tại thành phố Hamburg trong thời gian qua. Vì năm qua ông Thị trưởng Hamburg (người của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo) đã từ chức đột ngột. Sau đó đảng Xanh đã rút ra khỏi Liên minh với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Vì thế, cử tri của hai đảng này đã rất bất bình.
Nhưng trước ngày bầu cử, ít người tin là đảng Dân chủ Xã hội sẽ chiếm được đa số tuyệt đối ở Hamburg. Nhất là hiện nay có tới 5 đảng quan trọng cùng ra tranh cử. Nhưng nay, việc này đã xẩy ra, và đây chính là điều khiến Thủ tướng Merkel quan ngại.
RFI : Trong cuộc bầu cử này, nổi lên một nhân vật ngôi sao của đảng Xã hội Dân chủ, nguyên là Bộ trưởng Liên bang về Lao động. Tại sao người lãnh đạo này lại có thể giành được chiến thắng tuyệt đối tại một nơi mà đảng Dân chủ Thiên chúa giáo từng nắm quyền trong nhiều năm ? Ông có thể cho biết thêm về thủ lĩnh của phe thắng cử được không ?
Ông Âu Dương Thệ : Ông Olaf Scholz bây giờ coi như là đảng trưởng của đảng Dân chủ Xã hội của thành phố Hamburg, và ông ta năm nay mới trên 50 tuổi. Trong thời gian vừa qua, ông Olaf Scholz từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở trong chính phủ của cựu thủ tướng Schröder trước đây. Trước khi làm Bộ trưởng Liên bang về Lao động, ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương. Nhưng có một điều đặc biệt là : cách đây 4 đến 5 năm, chính ông cũng không được cảm tình lắm ở ngay Hamburg, và đã có những phê phán tranh cãi ở chính trong đảng của mình. Nhưng có lẽ, như tôi đã trình bày, hiện tại, có lẽ nguyên nhân quan trọng của việc ông Olaf Scholz giành được cảm tình, không những của đảng viên đảng Dân chủ Xã hội mà còn của nhân dân ở trên Hamburg,  là do những điều không tốt mà đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã làm trong thời gian vừa qua, nhất là khi ông đảng trưởng của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo tại Hamburg đã đột ngột từ chức vào tháng 5/2010.
RFI : Tức là hành động đột ngột từ chức của ông ấy làm cho người ta thất vọng có phải không ?
Ông Âu Dương Thệ : Vâng, đấy là điểm quan trọng trong việc thất cử của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo.
RFI : Ông có thể cho biết các tác động của kết quả bầu cử này đến chính phủ của Thủ tướng Merkel ?
Ông Âu Dương Thệ : Ở đây cần nói rõ hệ thổng tố chức chính quyền ở Đức để thính giả dễ theo dõi. Về mặt tổ chức chính trị, Đức là một nước vừa theo "đại nghị chế", vừa theo "liên bang chế". Trong đó Quốc hội Liên bang là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền bầu và truất phế Thủ tướng Liên bang. Ngoài ra còn có Viện Liên bang, tức Thượng viện, gồm đại diện của 16 tiểu bang ở Đức, với tổng cộng 69 phiếu. Tùy theo mức dân số, mỗi tiểu bang có từ 3 tới 6 phiếu trong Thượng viện. Theo Hiến pháp Liên bang Đức,  trong một số lãnh vực, nhất là về tài chánh, thuế, giáo dục…, Thượng viện Đức cũng giữ vai trò quan trọng. Vì có những dự luật sau khi được Quốc hội liên bang biểu quyết theo đa số còn phải được cả Thượng viện đồng ý thì mới trở thành đạo luật.
Chính vì vậy, việc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thất cử ở Hamburg cũng làm cho chính phủ Liên bang của bà Merkel mất thêm 3 ghế nữa trong Thượng viện Đức. Từ hơn một năm qua, chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Merkel đã mất đa số trong Thượng viện Đức. Cho nên sau cuộc bầu cử ở Hamburg thì chính phủ của Thủ tướng Merkel lại càng gặp khó khăn hơn nữa.
RFI : Theo ông, thái độ và chính sách trong Liên hiệp Châu Âu của bà Merkel có bị ảnh hưởng sau cuộc bầu cử tại Hamburg không?
Ông Âu Dương Thệ : Tuy bà Merkel không có lỗi lầm gì trực tiếp trong việc thất cử của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở địa phương Hamburg, nhưng việc thất bại quá nặng nề ngoài sự dự đoán trong cuộc bầu cử đầu tiên của năm nay tạo ra một tâm lí bất lợi cho đảng của Thủ tướng Merkel. Vì trong các tháng tới còn có 6 cuộc bầu cử cấp tiểu bang nữa ở Đức. Trong đó có một số tiểu bang từ lâu được coi là cột trụ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng này đã cầm quyền trong nhiều thập niên, nhưng trong thời gian gần đây cũng đang gặp sự chống đối của dư luận cử tri.
Ngoài ra, trong lúc này, chính phủ của bà Merkel còn gặp một số khó khăn mới. Đó là Bộ trưởng Quốc phòng Guttenberg, ngày hôm qua, để cứu được cái ghế bộ trưởng, đã phải tuyên bố từ bỏ danh hiệu Tiến sĩ. Vì trong các ngày qua, báo chí Đức đã khám phá thấy, trong Luận án tiến sĩ trước đây vài năm, ông Guttenberg đã đạo văn trong rất nhiều phần của luận án dày hơn 400 trang. Chúng ta biết rằng cho tới gần đây, Bộ trưởng Guttenberg là bộ trưởng được đại đa số dư luận ở Đức đánh giá cao, cao hơn cả bà Merkel. Ngoài ra, còn có khó khăn khác nữa cho bà Merkel. Đó là việc ông Westerwelle, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Đức đồng thời là đảng trưởng đảng Tự do đứng trong Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Merkel cũng bị dư luận trong và ngoài đảng chống đối rất kịch liệt.
Như vậy, các tình hình này không có lợi cho uy thế và uy tín của bà Merkel ở Đức, cũng như trong EU. Do đó đối với các chính sách liên quan tới EU, có lẽ bà Merkel sẽ có thái độ thận trọng hơn để tránh gây những ác cảm ngay trong phe bảo thủ trong đảng của bà, vẫn thường nghi ngờ là bà đã có lập trường cởi mở quá mức trong các chính sách kinh tế - tài chánh đối với EU.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Âu Dương Thệ.

No comments:

Post a Comment