Cuộc nổi dậy của nhân dân Ai cập
là một cảnh báo nghiêm khắc chế độ Cộng sản VN,
nhưng cũng lưu ý người dân chủ chúng ta phải làm gì!
* Một anh hùng dân tộc đã trở thành thủ lãnh độc tài, một đảng cách mạng đã biến thành phản cách mạng chỉ tập hợp những phần tử phản động và xôi thịt!
* Phải biết chuẩn bị kịp thời để hợp sức nhân dân loại bỏ độc tài và kiến tạo dân chủ, phú cường và văn minh!
Âu Dương Thệ
Cuộc “Cách mạng Hoa nhài” đã diễn ra ở Tunesien vào cuối tháng 12.2011 và đã đẩy được nhà độc tài Tổng thống Ben Ali ra khỏi nước sau trên hai thập niên cai trị độc tài và gia đình trị, coi Tunesien như tài sản riêng của gia đình. Cuộc “Cách mạng Hoa nhài” cũng đang bung ra ở nhiều nước của thế giới Ả rập. Cao điểm hiện nay là Ai cập. Trong hai tuần qua hàng triệu nhân dân Ai cập đã xuống đường đòi Tổng thống Husni Mubarak phải từ chức. Cuộc “Cách mạng Hoa nhài” ở Ai cập không chỉ làm lung lay chế độ Mubarak, mà còn làm rung động cả thế giới Ả rập, lo lắng cho Do thái, bàng hoàng cho cả Mĩ lẫn Âu châu và tạo xúc động sâu sắc trong giới trẻ và những người tiến bộ trên thế giới.
Chuyện gì đang diễn ra? Tương lai của Mubarak? Tương lai của Ai cập? VN giống Ai cập ở những điểm nào? Những người dân chủ VN cần rút ra bài học gì?
Từ anh hùng dân tộc trở thành tên độc tài gia đình trị và đã tự phá nát gia tài
Suốt 30 năm Mubarak đã cai trị Ai cập, nay đã 83 tuổi và từng dự tính để cho con trai nối ngôi. Khi còn trẻ Mubarak là một ngôi sao sáng cả trong quân đội lẫn chính trị ở Ai cập. Ông trở thành sĩ quan phi công của quân lực Ai cập ngay từ đầu thập niên 50. Từ cuối thập niên 60 trở thành Tư lệnh không quân. Trong chiến tranh Jom-Kippur 1973 do Tổng thống Anwar as-Sadat làm tổng tư lệnh, Mubarak đã trở thành người hùng của Ai cập và thế giới Ả rập vì đã có công chiếm lại Sinai đã bị Do thái cướp trong chiến tranh 6 ngày (1967). Không chỉ đánh đuổi Do thái khỏi Sinai, chiến thắng Jom-Kippur còn rửa nhục và phục hồi danh dự cả cho Ai cập lẫn thế giới Ả rập. Vì thế trung tướng không quân Mubarak đã được Sadat cất nhắc làm Phó tổng thống. Sau khi Tổng thống Sadat bị một nhóm Hồi giáo cực đoan giết vào đầu tháng 10.1981 thì vài ngày sau Mubarak trở thành Tổng thống Ai cập.
Việc thảm sát Tổng thống Sadat đã gây xúc động lớn trong nhân dân Ai cập và họ hoàn toàn tin tưởng vào người kế vị ông, tức Phó Tổng thống Mubarak và người hùng của Ai cập trước đó ít năm. Nhân dân Ai cập để cho Mabarak toàn quyền hành động và tin những lời hứa của Mubarak sẽ đưa Ai cập tiến đến dân chủ và phú cường. Vì thế Đạo luật “Thiết lập tình trạng đặc biệt” sau khi Tổng thống Sadat bị ám sát đã không bị giới hạn thời gian và lãnh vực, trái lại đã được Mubarak cố tình kéo dài suốt trong 30 năm qua.
Nhưng từ khi nắm được quyền, thay vì từng bước cải tổ Ai cập từ một nước chậm tiến, lạc hậu và cực đoan thành một xã hội dân chủ, cởi mở và phú cường, Mubarak đã biến Ai cập thành sở hữu riêng của mình và gia đình. Cả quân đội lẫn công an mật vụ đã biến thành công cụ củng cố quyền hành cho Mubarak, gia đình và và vây cánh. Suốt 30 năm qua Mubarak đã cai trị Ai cập theo Đạo luật “Thiết lập tình trạng đặc biệt”. Tuy Ai cập cũng có Hiến pháp dân chủ, nhưng Đạo luật này cho phép Mubarak độc quyền trong mọi quyết định. Các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội chỉ được tổ chức theo dân chủ chiếu lệ. Mubarak đã thắng trong tất cả các cuộc bầu tử Tổng thống suốt trong 30 năm qua và được coi là Tổng thống lâu nhất thế giới. Các cuộc bầu cử Quốc hội cũng chỉ là dân chủ trá hình. Đảng của chính quyền Mubarak luôn luôn chiếm đa số tuyệt đối, đàn áp các tổ chức đối lập và các nhân sĩ dân chủ. Vì tuổi cao nên Mubarak cũng đã dự tính đưa con trai lên kế nghiệp!
Đối với Mĩ và Âu châu, Mubarak đã tuyên truyền coi như chế độ của ông đang được lòng dân, tạo được ổn định chính trị lâu dài và là lực ngăn cản hữu hiệu các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ai cập giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Đông : Với dân số trên 80 triệu người là nước đông dân nhất ở Trung Đông, kênh đào Suez là đường huyết mạch vận chuyển dầu hỏa và hàng hóa từ Trung đông sang Mĩ và Âu châu. Ai cập đã từng có nền văn minh cao trên thế giới và là nước lãnh đạo trong thế giới Ả rập, lại có chính sách chung sống hòa bình với Do thái.
Vì hội đủ những điều kiện này nên Mĩ và EU suốt mấy thập niên qua đã coi Mubarak là người bạn thân thiết, đồng minh tin cậy, đổ nhiều viện trợ và đầu tư cho Ai cập, nhắm mắt bỏ qua những cuộc đàn áp đối lập, chà đạp nhân quyền và các cuộc bầu cử gian lận của Mubarak. Riêng Mĩ mỗi năm bỏ ra trên 2 tỉ USD viện trợ cho Ai cập, trong đó khoảng 1,3 tỉ USD cho viện trợ quân sự. Các sĩ quan Ai cập đều được huấn luyện tại các trường quân sự ở Hoa kì.
Cuộc nổi dậy rất nhanh, vũ bão, nhưng hòa bình và đầy tinh thần trách nhiệm
Cho tới gần đây các đồng minh của Mubarak vẫn tin rằng ông ta vẫn nắm chủ động tình hình chính trị và chế độ Mubarak rất ổn định. Nhưng chỉ vài tuần sau chế độ độc tài Ben Ali bị nhân dân Tunesien, đặc biệt là giới thanh niên và các giới có học, lật đổ thì phong trào nổi dậy của nhân dân Ai cập đã diễn ra rất nhanh, dồn dập và mãnh liệt không ai tiên liệu trước. Trong tuần lễ đầu của tháng 2. 2011 có những ngày hàng triệu người đã tổ chức các cuộc biểu tình rộng lớn chưa từng có ở thủ đô Ai cập và một số thành phố lớn, nhưng tập trung đông nhất ở thủ đô Cairo.
Đại đa số người biểu tình là giới trẻ, gồm sinh viên, học sinh, thành phần trung lưu tập hợp nhanh với nhau qua các phương tiện thông tin điện tử Internet như các Blog, Facebook, Youtube, Twitter…do chính họ thiết lập và liên lạc với nhau. Chỉ trong ít ngày phong trào đối lập đã huy động được hàng triệu nhân dân Ai cập, thuyết phục được nhiều nhóm chính trị, nhiều nhân sĩ, kể cả cả các tôn giáo từng chống đối lẫn nhau để cùng tham gia đấu tranh chung chống chế độ độc tài Mubarak.
Vì đa số nhân dân Ai cập đều cảm nhận thấy, suốt 30 năm qua họ đã bị tước đoạt các quyền chính trị, quyền có công ăn việc làm, quyền sinh sống có nhân phẩm. Họ vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng của chế độ độc tài thối nát gia đình trị Mubarak. Ngụp lội trong quyền lực và tiền bạc nên Mubarak đã ngạo mạn khinh thường sự hiểu biết và ý chí của nhân dân Ai cập, nhất là những thế hệ trẻ có trình độ hiểu biết rộng rãi, có liên hệ với thế giới bên ngoài, nhận biết được hướng đi chung về dân chủ trên thế giới, cảm nhận được sự tụt hậu của đất nước và những ô nhục mà chế độ Mubarak đã reo giắc cho Ai cập suốt 30 năm qua!
Hàng triệu người trẻ hồ hởi, tự tin, phong cách rất hòa bình nhưng cương quyết đã tự động kéo về Cairo. Mục tiêu duy nhất của những người biểu tình là đòi Mubarak phải từ chức ngay và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ tự do. Thái độ quả cảm, cương quyết, trật tự và hòa bình của hàng triệu thanh niên đã thuyết phục được quân đội Ai cập. Bộ Quốc phòng đã công khai nhìn nhận quyền phản kháng diễn ra trong hòa bình trật tự của nhân dân là một quyền chính đáng!
Trước khí thế hùng mạnh của các đoàn biểu tình, đêm 1.2 Tổng thống Mubarak đã phải lên tiếng trên đài truyền hình là không ra tranh cử Tổng thống vào tháng 9 sắp tới, nhưng lại muốn tiếp tục cầm quyền cho tới khi đó. Mặt khác Mubarak đã để cho các đảng viên của đảng cầm quyền và các lực lượng an ninh dùng xe Bus, ngựa, lạc đà và vũ khí tổ chức chớp nhoáng các cuộc tấn công chống lại người biểu tình tay không. Theo tin mới nhất của tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) thì hàng ngàn người đã bị thương và gần 300 người đã bị giết.
Ngày hôm sau Mubarak lại tuyên bố „phải ở lại cầm quyền, vì ra đi lúc này là gây thêm xáo trộn“. Nhưng chính Mubarak là thủ phạm đã gây ra cảnh xáo trộn ngày hôm trước, nay lại gian manh lấy đó làm lí do để ngồi tiếp tục giữ quyền lực. Cùng lúc đó Mubarak còn cho tay sai đe dọa và đàn áp các nhà báo ngoại quốc đã tường thuật trung thực về ý chí và thái độ hòa bình của các đoàn biểu tình và các hành động côn đồ dã man của chế độ Mubarak. Những việc làm trên của Mubarak cho thấy bọn độc tài đều giống nhau bất cứ ở đâu!
Chỉ là cuộc biến động hay là một cuộc cách mạng?
Cuộc đứng lên của nhân dân Ai cập trong các tuần lễ gần đây có một số đặc điểm:
1. Đây là cuộc nổi dậy phi bạo lực của nhân dân, đặc biệt các thành phần tiến bộ trong các giới trẻ có trình độ học vấn và trung lưu ở Ai cập. Họ cảm nhận trực tiếp và rất thấm thía về những mất mát và thiệt thòi cho chính bản thân và đất nước do chế độ Mubarak đã gây ra cho Ai cập trong suốt 30 năm qua. Khát vọng lớn nhất của họ là muốn chấm dứt sớm chế độ độc tài và gia đình trị Mubarak đã cai trị bằng độc tài và tham nhũng trên 30 năm, đồng thời muốn thấy một xã hội dân chủ, tôn trọng các giá trị của con người.
2. Đây là cuộc vận động chính trị đầu tiên trên thế giới, trong đó các mạng điện tử Blog, Facebook, Youtube, Twitter… được sử dụng tối đa. Sự nối kết mạng Internet được coi là vũ khí thông tin và cổ động vô cùng nhanh chóng, hữu hiệu cho những người dân chủ trong việc huy động và tổ chức các cuộc biểu tình có trật tự, hòa bình với sự tham dự của hàng triệu người với nhiều khuynh hướng chính trị và tôn giáo khác nhau.
3. Chế độ độc tài gia đình trị Mubarak đang dùng mọi thủ đoạn từ hứa hẹn, mua chuộc tới chia rẽ và đàn áp để cố giữ được quyền càng lâu càng tốt. Mubarak đã vội vã cải tổ chính phủ, rồi tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống vào tháng 9, nhưng đồng thời lại cho công an mật vụ từ công khai đến hóa trang thành những bọn côn đồ để đàn áp và khủng bố các người biểu tình và đe dọa các nhà báo quốc tế. Hiện nay đang cho vây cánh mở các cuộc đàm phán chính trị với các đoàn thể đối lập để gây nghi ngờ, chia rẽ và mua thời gian.
4. Mĩ và EU đang đứng trước khó khăn: Nếu kéo dài chế độ Mubarak thì tình hình sẽ càng xáo trộn hơn và là cơ hội tốt để các nhóm cực đoan, nhất là các phần tử Hồi giáo cực đoan khai thác tình hình. Nếu can thiệp trắng trợn thì có thể khơi dậy tinh thần dân tộc của người Ai cập và thế giới Ả rập. Hoa kì và EU có biết cách khôn khéo giúp các tổ chức chính trị dân chủ của Ai cập thiết lập chế độ dân chủ thực sự, hay lại phù trợ một vài tướng lãnh để có ổn định chính trị giả tạo.
5. Các lực lượng chính trị dân chủ Ai cập và các tổ chức Hồi giáo không cực đoan có ý thức được cơ hội rất tốt và các thách thức trước mắt để ngồi lại cùng nhau lập một liên minh dân chủ rộng rãi. Biết tập hợp các thành phần chính trong xã hội, kể cả quân đội, làm hạt nhân và lực lượng hậu thuẫn cho việc thành hình một chế độ dân chủ mới ở Ai cập.
Liệu các cuộc “Cách mạng Hoa nhài” ở Tunesien và Ai cập có kết thúc tốt đẹp như các cuộc “Cách mạng Nhung” đã chấm dứt các chế độ độc tài toàn trị Cộng sản ở Đông Âu trước đây hơn 20 năm không? Chưa ai có thể trả lời được câu hỏi này.
Tình hình hiện nay ở Ai cập cho thấy, lòng dân đã vô cùng bất mãn, chán trường với chế độ độc tài đang dâng lên cao. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy, các lực lượng dân chủ chưa theo kịp được phong trào của nhân dân, chưa được tổ chức chặt chẽ và biết liên minh với nhau ! Vì thế một số nguy cơ đang xuất hiện: Một phong trào nhân dân rộng lớn đưa ra đòi hỏi triệt để cho một cuộc cách mạng dân chủ nhưng cuối cùng có thể trở thành chỉ là một biến động chính trị, thay thế tên độc tài này bằng những kẻ lường gạt chính trị khác. Hoặc sẽ để những phe nhóm quá khích lợi dụng dàn dựng các chế độ dân chủ hình thức, rồi mau chóng trở lại độc tài kiểu này hay kiểu khác. Khi đó những sự hi sinh của các giới trẻ sẽ bị phung phí và kì vọng nhân dân bị phản bội!
* * *
Một đảng cách mạng đã biến thành phản cách mạng chỉ tập hợp những phần tử phản động và xôi thịt!
Tình hình Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ai cập:
1. Chế độ Mubarak đã độc tài gian trá 30 năm ở Ai cập thì chế độ toàn trị ở VN còn độc tài tàn bạo hơn nhiều suốt trên 60 năm, thoạt tiên chỉ ở miền Bắc nhưng từ gần 36 năm qua trên toàn VN. Có thể nói đây là chế độ độc tài tàn bạo chưa từng có trong lịch sử mấy ngàn năm của VN. Nếu thời trẻ Mubarak đã là anh hùng của Ai cập, thì vào thuở ban đầu nhiều người khởi xướng phong trào Cộng sản ở VN cũng đã từng trở thành anh hùng. Họ đã từng đánh đuổi thực dân, giành độc lập.
2. Nhưng từ khi trở thành Tổng thống Ai cập thì quyền bính đã làm mù nhòa “anh hùng” Mubarak. Vì tham lam quyền lực nên Mubarak đã gạt bỏ tất cả những lời hứa với nhân dân Ai cập. Mubarak đã lợi dụng “tình trạng đặc biệt” để tập trung tất cả quyền hành trong tay, kiêm tổng tư lệnh quân đội; quốc hội, tòa án, công an đều dưới sự sai khiến của Mubarak. Tất cả các cơ quan nhà nước trở thành công cụ phục vụ tham vọng riêng của Mubarak và gia đình.
Ở VN cũng vậy. Từ khi nắm được chính quyền quyền hành cũng đã làm mù lòa các “anh hùng Cộng sản” ở VN. Đúng như chính các đồng chí đã nhận xét về họ: Họ đã hiện thành những kẻ “kiêu ngạo Cộng sản”. Sau khi đuổi được thực dân Pháp ra khỏi miền Bắc những người cầm đầu khi đó đã quay mũi súng và lưỡi lê giết hại nông dân, công nhân, trí thức và văn nghệ sĩ -những người đã có công đưa họ lên cầm quyền!
Tuy chiến tranh đã chấm dứt 36 năm, nhưng những người cầm đầu Cộng sản VN đã quên những lời hứa dân chủ tự do. Ngược lại, họ bắt mọi người phải “yêu nước là yêu XHCN”! Mặc dầu vào giữa thập niên 40 người sáng lập của đảng này đã long trọng tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản.
Cũng như Mubarak, những người cầm đầu Cộng sản VN đã biến các cơ quan Nhà nước từ chính phủ, quốc hội, quân đội, công an, tòa án trở thành công cụ riêng của một số phần tử có quyền lực nhất trong Bộ chính trị. Tổng bí thư cũng là Bí thư quân ủy trung ương, tức Tổng tư lệnh; các tướng lãnh và sĩ quan đều phải là đảng viên Cộng sản. Điều 4 Hiến pháp biến Quốc hội trở thành bù nhìn của Bộ chính trị. Từ thủ tướng tới các thành viên chính phủ, các sĩ quan cao cấp của quân đội và bộ Công an đều do Bộ chính trị quyết định!
3. Trong khi Mubarak tự do bòn rút tài sản của nhân dân, trở thành tỉ phú do sự tham nhũng công quĩ thì những phần tử có quyền lực trong Bộ chính trị Đảng Cộng sản VN đã xây dựng hệ thống độc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước để họ và vây cánh tự do bòn rút, xà xẻo tiền thuế do nhân dân đóng góp, tiền viện trợ và vay của nước ngoài. Núp dưới danh nghĩa lãnh đạo tập thể họ phủi mọi trách nhiệm cá nhân trong các vụ tham nhũng động trời hàng chục ngàn tỉ như vụ PMU 18, hay gây ra món nợ khủng khiếp cho nhà nước lên tới 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) trong vụ tập đoàn Vinashin…
Cao điểm nhất của bệnh “kiêu ngạo Cộng sản” là Đại hội 11 vừa diễn ra vào giữa tháng 1.2011. Trong đó tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cao ngạo đòi ghi bằng được yêu sách “Đảng lãnh đạo” ngay trong Cương lĩnh chính trị 2011. Điều này có nghĩa là, mặc dầu đảng này đã bị phá sản ngay trong hệ thống tư tưởng Marx-Lenin và các nhóm cầm đầu từ thế hệ này sang thế hệ khác đã trở thành những kẻ độc tài, vô lương tâm và tha hóa đạo đức đến mức cùng cực, nhưng họ vẫn muốn núp dưới danh nghĩa của đảng này để tiếp tục giữ độc quyền cho bọn tham quyền và tham tiền!
Lòng tham quyền đến mức độ đánh mất liêm sỉ của nhóm cầm đầu đã trở thành ngang ngược và hỗn xược với nhân dân và cả với các đồng chí đã diễn ra công khai ngay trong Đại hội 11, khi Nông Đức Mạnh sau hai nhiệm kì làm Tổng bí thư đã để cho con trai chui được vào Trung ương đảng. Nguyễn Văn Chi sau 8 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, tức cơ quan cao nhất giữ nhiệm vụ kiểm tra của Đảng, trước khi rời chức Ủy viên Bộ chính trị cũng đã tìm mọi cách để con trai nhẩy vào Trung ương đảng. Một trong các thỏa hiệp mua bán quyền lực mà nay đã rõ ra là, Nguyễn Văn Chi đã im lặng khoanh trắng vụ tham nhũng động trời PMU 18 có dính dáng tới gia đình của Nông Đức Mạnh và nhiều cán bộ cao cấp. Còn Nguyễn Tấn Dũng tuy đã nhận trách nhiệm về vụ Vinashin, nhưng vẫn được bầu vào Bộ chính trị và tiếp tục làm Thủ tướng, không những thế còn đòi cho bằng được để con trai cũng nhẩy vào Trung ương đảng! Trong khi đó Phó Thủ tướng và Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Sinh Hùng cũng cất nhắc người cháu vào Trung ương đảng! Giữa lúc ấy biết bao nhiêu người trẻ tuy đã thành đạt trong học vấn nhưng vẫn không kiếm được việc làm thích hợp!
Trong khi họ dành phần lớn thì giờ của Đại hội 11 cho việc tranh nhau chia phần giữ ghế cho bản thân, gia đình và vây cánh thì họ đã ngang ngược gạt bỏ không thảo luận những vấn đề quan trọng và bức xúc của đất nước. Sau khi Nguyễn Phú Trọng cấm không cho Quốc hội thảo luận tình hình an ninh gia tăng căng thẳng trên biển Đông thì trong Đại hội 11 chính sách đối ngoại thích hợp của VN trước các hành động xâm lấn của bá quyền Trung quốc cũng không được phép bàn tới. Vụ Vinashin cũng bị tìm cách khép lại…
Chính vì thế, ngay trước Đại hội 11 nhiều cán bộ cao cấp, chuyên viên hàng đầu đã lên tiếng công khai tố cáo những sai lầm, các tội ác và sự tha hóa đạo đức cùng cực của nhóm cầm quyền. Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã dõng dạc cảnh báo nhóm cầm đầu thối nát về tương lai đen tối của chế độ:
“Chính những người cộng sản chân chính, chính liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, chính đội ngũ trí thức cũng không muốn bảo vệ một Đảng đã thoái hóa biến chất như vậy. Đó mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phá hoại là chính. Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu.”
Nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hang đầu cũng đã nguyền rủa “Chủ nghĩa Cộng sản đã là ảo tưởng”, nhóm cầm đầu “toàn là giả dối cả” và kêu gọi các đảng viên “Tại sao chúng ta phải sợ” “, đồng thời nhấn mạnh “Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận !”
Các nhận định đúng đắn, các lời cánh báo và lời hiệu triệu đã đến lúc “không phải sợ” những kẻ cầm quyền thối nát đang trở thành tiếng gọi lay động trong hàng ngũ đảng viên! Điều này được coi là câu trả lời thích đáng nhất của ngay các đồng chí trước thái độ ngang ngược và kiêu ngạo của những người vừa được bầu vào Bộ chính trị và các cơ quan cao nhất trong đảng chỉ vì tham quyền-tiền nên ngày càng sa đọa, đánh mất lương tri, đánh mất danh dự tổ quốc.
Như vậy thật là rõ ràng, ngày càng có nhiều đảng viên đã tự ý thức trở về đứng trong hàng ngũ của nhân dân để chống lại nhóm cầm đầu độc tài, tham nhũng chỉ biết cúi đầu thần phục phương Bắc. Vì thế trong Đại hội 11 họ đã phải tìm cách tăng cường bọn tướng lãnh quân đội và công an trong các cơ quan cao nhất của chế độ. Điều này chứng tỏ là họ đang chuẩn bị ra tay đàn áp các cuộc đứng dậy của công nhân, nông dân, thanh niên, chuyên viên và trí thức. Nhưng như vậy họ cũng đã tự chứng minh là “sự ổn định chính trị” của chế độ rất mong manh!
Sau hai tuần lễ hoàn toàn im lặng về cuộc nổi dậy của nhân dân Ai cập chống chế độ độc tài Mubarak, ngày 8.2 phát ngôn viên bộ Ngoại giao của Cộng sản VN đã đưa ra tuyên bố vỏn vẹn chỉ có một câu ngắn cho thấy rất túng túng và lo sợ: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định”.
Chế độ toàn trị bị lúng túng vì đã không dám lên tiếng ca ngợi và ủng hộ các cuộc biểu tình rất hòa bình của hàng triệu thanh niên Ai cập đòi tự do dân chủ và chống độc tài. Chế độ toàn trị ở VN rất lo sợ, vì nếu cuộc nổi dậy của nhân dân Ai cập thành công thì có thể tạo hứng khởi mạnh mẽ cho hàng triệu người VN cũng sẽ xuống đường đòi chấm dứt độc tài để thiết lập một chế độ dân chủ tự do! Vì vậy họ chỉ cầu mong “tình hình Ai cập sớm đi vào ổn định”. Nhưng đây là ổn định nào? Điều họ không dám nói ra là, họ chỉ mong ổn định cho Mubarak hoặc nhóm tay sai! Một ổn định giả tạo mà Mubarak đã đánh lừa Mĩ và EU và nhóm cầm đầu Cộng sản VN cũng đang đánh lừa thế giới!
Như vậy cho thấy, những người cầm đầu mới của chế độ toàn trị như người đang ngồi trên đống lửa. Họ đang tự hủy hoại uy tín và danh dự! Đại đa số nhân dân khinh bỉ và ngày càng nhiều đảng viên không trọng. Từ khinh bỉ, bất kính trọng tới không sợ chuyển sang không tuân lệnh và chống đối là một logic tất yếu mà chế độ độc tài toàn trị đang phải đương đầu!
* * *
“Nói tóm lại, sự tham nhũng và lộng quyền ngay từ cấp cao nhất của chế độ toàn trị, sự sụp đổ của Liên xô và sự băng hoại của chủ nghĩa Marx-Lenin, áp lực của Bắc kinh, sức ép phải đổi mới theo kinh tế thị trường và làn sóng của việc hội nhập quốc tế dưới ảnh hưởng quyết định của các nước Tây phương, sự ý thức và tự tín của nhiều thành phần trong nhân dân… tất cả những sự kiện này ảnh hưởng hổ tương lên nhau, đan xen lẫn nhau, tác động ngày càng mạnh và càng rõ vào xã hội ở mọi tầng lớp đang gây bất lợi rất lớn đối với chế độ độc tài toàn trị. Sức ép mạnh này đang chuyển vào trong lòng chế độ và đang tạo phân hóa, kình chống lẫn nhau ngày càng trầm trọng ở ngay cấp trung ương.
Nạn tham quyền, tham tiền và các tệ trạng xã hội, sức chống đối ngày càng mạnh của nhân dân và áp lực của quốc tế khiến cho chế độ Cộng sản VN hiện nay có thể ví như một viên gạch bị mục, lại bị ngâm trong nước lâu năm, nên rất dễ bị vữa ra bất cứ lúc nào! Nó cũng có thể ví như một con đê trông bề ngoài thì tưởng là còn rất vững chắc, nhưng phía trong bọn chuột và mối đã đục khoét vữa ra, cho nên nhiều khi chỉ một cơn lũ cũng có thể làm tan vỡ con đê!”
Trên đây là nhận định của cùng người viết trước đây gần 4 năm trong bài “Dự án về một sách lược chung trong giai đoạn chuyển tiếp: Những Người Dân chủ Đa nguyên hãy thống nhất sách lược và hành động để thắng độc tài toàn trị!” *
Hướng đi này đang diễn ra ngày càng rõ ràng và mãnh liệt ở ngay trong lòng của chế độ toàn trị, trong tâm tư của các giới trẻ, của trí thức, văn nghệ sĩ, của công nhân và nông dân. Nó đang trở thành mệnh lệnh và lương tâm của mọi người VN, kể cả những đảng viên Cộng sản còn biết tự trọng!
Vấn đề quan trọng cuối cùng có tính cách quyết định là, liệu những khuynh hướng, lực lượng, các tổ chức, trí thức và nhân sĩ ở trong và ngoài nước có biết rút các kinh nghiệm từ các cuộc “Cách mạng Nhung” ở Đông Âu trước đây và “Cách mạng Hoa nhài” ở Trung đông hiện nay hay không. Để cùng nhau dám vượt qua các trở ngại, sớm ngồi lại với nhau, chuẩn bị các bước cần thiết, có sách lược thích hợp để đưa cuộc đấu tranh được đại đa số nhân dân VN hưởng ứng, nhằm chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên, độc lập, hạnh phúc cho nhân dân và phú cường cho đất nước ngay trong thập niên thứ hai của thế kỉ này!
*Xem nguyên bản Dự án này trong phần Thời sự của Tạp chí Dân chủ và Phát triển
http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2007/adt279.htm
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net |
No comments:
Post a Comment