Phong vũ trúc
Theo quan niệm của người Đông phương trúc biểu tượng cho tiết tháo cương trực, bất khuất của người quân tử. Đề tài “trúc“ được nói đến nhiều trong thi văn, hội họa và mỹ thuật. Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều nhà danh họa vẽ trúc. (Thời Bắc Tống có Đồng Văn, thời Nguyên có Cố An, Ngô Trấn, thời Minh có Hạ Sưởng, thời Thanh có Trịnh Bản Kiều). Quan Vũ tự Vân Trường là một trong những nhà vẽ trúc lâu đời từ thời Tam Quốc. Nổi tiếng nhất là bức „phong vũ trúc“ (trúc trong mưa gió). Phong vũ trúc sở dĩ nổi tiếng vì nó không thuần túy là một bức họa mà là một bức „thi họa“ tức trong họa có thơ – lá trúc là những vần thơ. Nó không thuần túy nghệ thuật mà trong nghệ thuật còn chứa đựng một ý chí, một tâm sự muốn tỏ bày.
Âm Hán Việt:
Bất tạ Đông quân ý,
Đan thanh độc lập danh.
Mạc hiềm cô diệp đạm,
Chung cửu bất điêu linh.
(Đông quân: Chúa Xuân, nghĩa bóng chỉ Tào Tháo)
Dịch nghĩa:
Không cần cám ơn vì mùa Xuân do chúa Xuân làm chủ,
Cỏ hoa khoe màu xanh đỏ, trúc được danh riêng nhờ tư cách đức độ.
Đừng xem nhẹ chiếc lá thanh đạm của cây trúc,
Trúc không tàn mà phát triển mãi mãi.
Dịch theo nghĩa bóng:
Bất tạ Đông quân ý: Không cần cám ơn Đông Quân (Tào Tháo). Câu này ngụ ý là Quan Vũ đang ở trong dinh Tào nhưng không xem mình là một tôi thần của Tào Tháo.
Đan thanh độc lập danh: Đỏ là đỏ (đan), xanh là xanh (thanh), có danh tính riêng chứ không thể lẫn lộn. Đại trượng phu phải ân oán phân minh.
Mạc hiềm cô diệp đạm: Ta mặc dù chích thân dinh Tào, bị cô lập nhưng ý chí của ta không di dịch.
(Lược thuật theo dã sử : Sau trận đánh Từ Châu, ba anh em thất tán. Lưu Bị về đầu Viên Thiệu. Trương Phi chạy về Mang Nãng Sơn làm thảo khấu (giặc cướp). Quan Vũ được Tào Tháo chiêu hàng. Vì sự an toàn của hai người chị dâu (vợ Lưu Bị) nên Quan Vũ đầu hàng với điều kiện ở tạm thời khi nào nghe tin Lưu Bị ở đâu sẽ từ giã Tào đi gặp Lưu Bị. Trong thời gian 12 năm ở dưới trướng Tào Tháo, theo kế sách của quân sư Trương Liêu, Tào Tháo hết lòng mua chuộc: thượng mã kim, hạ mã ngân, tặng mỹ nữ làm tỳ thiếp, ba ngày tiểu yến, năm hôm đại yến…Nhưng Quan Vũ không vì thế mà bị cám dỗ).
Chung cửu bất điêu linh: Vĩnh viễn giữ lời thề tại vườn đào khi kết nghĩa, trên đền nợ nước, dưới an lê dân.
Dịch thơ:
Ý tốt Đông quân dám phụ tình,
Đan thanh trúc nọ đã vang danh.
Chẳng hiềm lá biếc màu thanh đạm,
Vĩnh viễn ngàn sau chẳng nhạt hình.
(Huyền Quang)
Khi hay tin Lưu Bị đang đầu Viên Thiệu, Quan Vũ từ giã Tào Tháo để ra đi. Nhưng Tào Tháo cố ý nhiều lần lánh mặt không tiếp. Cuối cùng Quan Vũ để lại bức họa thi „Phong vũ trúc“ nêu trên bày tỏ ý chí của mình, treo ấn từ quan (được Tào Tháo phong hầu tước), bỏ lại tất cả của cải mà Tào Tháo ban cho, phò nhị tẩu đi hội ngộ với người anh kết nghĩa Lưu Bị.
Người đời sau đã làm nhiều bài thi khen tặng „Quan nhị ca“. Xin trích một bài như sau:
Mỹ nhiêm di vũ trúc,
Bút ý trứ thiên thu.
Tự tích tinh thần tại,
Hoành tà vạn cổ lưu.
Ghi chú:
Mỹ nhiêm: Râu đẹp. Quan Công được xưng tụng là Mỹ Nhiêm Công (ông có râu đẹp). Tào Tháo vì muốn mua chuộc ông nên đã cho người may bao để mùa đông ông bao râu lại cho khỏi rụng.
Trứ: Nổi tiếng.
Hoành tà: Ngang xiên. Ngụ ý bức tranh trúc trong gió mưa (phong vũ trúc).
„Ở nước ta, ngay từ đời Trần, cây trúc còn được nâng lên một mức gần như tuyệt đối: trúc có thể thành rồng, một con vật linh thiêng, xuất hiện ở đâu là mang nhiều phước lành đến đó. Hình ảnh này dùng để ví dụ cho trường hợp người tu đắc đạo thành phật. Sư tổ Trúc Lâm Yên Tử đã nêu điều này qua đoạn cuối của bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca bằng chữ Nôm:
Trúc hóa nên rồng,
Một hai là họa.
Bởi lòng vờ vịt,
Trỏ Bắc làm Nam;
Nhất chỉ đầu thiền,
Sát na hết cả.
(trích Mùa Xuân nói về thư họa giao duyên của Lê Tương Ứng).
Thạch Lai Kim
No comments:
Post a Comment