9/29/19

chiều không thấy khói

Nhìn đâu để thấy khói chiều hôm?
Nhà ai đang chuẩn bị ăn cơm
Chút tia nắng sót đêm dần tới
Chiều ở đây, buồn lạnh hoàng hôn!

Mẹ cha anh chị nhà yên ấm
Ăn buổi cơm chiều ngon lại vui
Hình ảnh tình thâm lòng thương lắm
Chiều buổi ly hương nhớ tiếc đời...

À Xuân



TẢN MẠN VỀ 4 TỪ "NAM KỲ LỤC TỈNH"

Đối với người Việt miền Nam sinh vào nửa đầu thế kỷ 20, bốn từ Nam Kỳ Lục Tỉnh có một ý nghĩa máu thịt, với những ký ức về một thời kỳ đầy gian khó của cha ông. Chúng gợi lên hình ảnh những đồng lúa bạt ngàn, những chiếc ghe thương hồ chở theo những phận người lênh đênh sông nước, có khi kéo dài suốt cả một đời.



So với đất nước bốn ngàn năm, Nam Kỳ Lục Tỉnh còn trẻ quá, từ thời Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử đi kinh lược đất Sài Gòn năm 1698, đến nay chỉ mới hơn 300 năm. Vùng đất này được nhắc đến nhiều qua các du ký, bút ký của người phương Tây, tưởng cũng cần nói một chút về chuyện ngôn ngữ. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm, đất nước chia ra hai vùng: Đàng Ngoài và Đàng Trong chia cách nhau bởi con sông Gianh thuộc địa hạt Quảng Bình. Người phương Tây (chủ yếu là người Pháp) gọi Đàng Ngoài là Tonkin, âm từ chữ “Đông Kinh”, vốn là một tên cũ của Hà Nội, còn Đàng Trong thì gọi là Cochinchine. Từ này được hiểu là cả vùng Đàng Trong, từ Quảng Bình vào đến địa giới cuối cùng về phía Nam.

9/28/19

Bản Tin Thụ Nhân Âu châu 10 Năm

Tâm Tình

Bản Tin Sinh Nhật Mười Năm,
Bao nhiêu tim óc con tằm nhả tơ,
Thâm tình gói trọn tuổi thơ,
Thụ Nhân bốn bể vẫn mơ về nguồn...
Quê nhà Mẹ nhớ, Mẹ thương (1)
Mong con xây lại khung Trường ngày xưa (2)
Yêu nhau, yêu mấy cho vừa...
Yêu non, yêu nước, yêu người Việt Nam.

ĐKNgọc

Bài thơ “ Con Kangaroo “ tặng các bạn Thụ Nhân, đặc biệt là Thụ Nhân Âu Châu.

(1) Ngôi Trường Mẹ
(2) Viện Đại Học Đà Lạt

9/26/19

Hãy thức tỉnh đi

Thứ Tư tuần trước (ngày 18/9/2019), nhà hoạt động 16 tuổi vì nền khí hậu Trái Đất - cô bé Greta Thunberg - đã có một bài phát biểu gây nhức đầu giới nghị sĩ cả hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Hoa Kỳ. Chúng tôi xin trích đăng lại để các bạn theo dõi.

Những ý quan trọng về tình trạng khí hậu toàn cầu thì Greta đã nói rất chính xác rồi. Sự thật là khả năng tồn tại của loài người trong 10 năm tới hiện đang dựa vào một xác suất sấp ngửa của đồng xu, và thậm chí người ta còn không quan tâm đến chuyện đó.

Nhưng điều thú vị chính là cô bé con 16 tuổi này đã chứng tỏ vị thế của giới trẻ và đại diện cho các thế hệ tương lai trên toàn cầu để nói thẳng trước những dân biểu của nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới về các sự thật khó nhằn:

1. Hoa Kỳ là quốc gia gây ô nhiễm carbon nhiều nhất thế giới.

2. Hoa Kỳ là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng hóa thạch đứng đầu thế giới.

3. Hoa Kỳ không bao giờ tham gia vào bất cứ hiệp định khí hậu nào vì lợi ích của mình.

Đến đây, có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ nổi điên lên, chửi rủa rằng tại sao Greta Thunberg không nhắc đến Trung Quốc - cũng là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu? Đây là các lý do mà tôi nghĩ cô bé con này không thèm chấp quý vị đâu, vì các sự thật sau đây:

1. Chính vì Hoa Kỳ cho phép hợp tác từ hơn 3 thập kỷ trước, và các hãng Mỹ dồn dập đổ về Trung Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất hàng Mỹ tại đây, nên Trung Quốc mới có cơ hội trở thành "công xưởng của thế giới".

2. Các hãng Mỹ được lợi khi sản xuất hàng tại Trung Quốc: giá nhân công rẻ, tài nguyên sẵn có, năng lượng bẩn sẵn có, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và chất thải công nghiệp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất thoải mái. Nói cách khác, tư bản Mỹ bỏ USD ra để mua con người, môi trường và năng lượng của Trung Quốc, và đất nước cộng sản này cũng sẵn sàng hy sinh và đánh đổi mọi thứ để được bơm thêm USD cho thị trường nội địa.

3. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc vừa rẻ, vừa dễ dãi, nên các hãng Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ khía cạnh chi phí lẫn lợi nhuận. Số phát thải khí CO2 được các công xưởng ở Trung Quốc bơm vào bầu khí quyển trong 2 thập kỷ gần nhất chủ yếu là để phục vụ cho quy trình sản xuất của các hãng Mỹ và phương Tây. Hàng hóa cũng được xuất khẩu và đem về Mỹ để bán cho dân chúng xài. Như vậy, thật ra khẩu phần phát thải của Trung Quốc đã được tiêu thụ phần lớn bởi dân Mỹ và Châu Âu. Còn Bắc Kinh thì nhận được USD làm dự trữ ngoại tệ.

4. Có bốn điều vô giá Trung Quốc được hưởng lợi trong giai đoạn này: (i) nhờ Mỹ bắt tay, Trung Quốc đã đá được Liên Xô (cũ) và Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi bàn cờ địa chính trị vào thập niên 1970-1990, (ii) Trung Quốc có khả năng đàn áp dân chúng trong nước qua sự kiện Thiên An Môn (1989) mà không sợ bị can thiệp, (iii) Trung Quốc có thể giải quyết việc làm cho số dân 1,4 tỷ người của mình, và cuối cùng (iv), Trung Quốc học lóm và ăn cắp được công nghệ của các hãng Mỹ, để trong thế kỷ 21 này chuyển mình thành một trong các cường quốc kinh tế.

Thấy chưa, người Việt Nam mình đang bị lừa, bị thua cuộc, bị cuốn vào vòng xoáy của giới tư bản đỏ và không đỏ mà vẫn ngu ngốc chia rẽ nhau - từ những người Việt lưu vong trên đất Mỹ cho đến những người Việt hiện đang sống trên mảnh đất hình chữ S khốn khổ này. Dù có cãi nhau chí chóe, thì số phận người Việt Nam vẫn như thế cho cả hai bên quốc gia và cộng sản: thua trắng trên tất cả mọi nước cờ.

Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng khí hậu ập đến, dân Việt Nam sẽ mất rất nhiều, hay nói thẳng ra, là mất trắng - từ kế sinh nhai của một vùng đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn, cho đến mối nguy hiểm phải đối mặt với các thảm họa khí hậu như bão tố, lũ lụt, mực nước biển dâng, sốc nhiệt, hạn hán...

Ôi, điều mà Greta nói với Quốc Hội Mỹ, thì không biết người Việt Nam có hiểu hay không? HÃY THỨC TỈNH ĐI. Bởi vì các con số về một cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng sẽ không biết phân biệt đảng phái, ý thức hệ, quan điểm chính trị, cờ vàng hay cờ đỏ. Tất cả sẽ là vô nghĩa trước 20 triệu người dân Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ phải ra đi di tản trong hai thập kỷ nữa, các cơn đói kém lan rộng vì khí hậu bất ổn, xã hội loạn lạc... Các vị Việt Kiều ở Mỹ, Châu Âu, Australia cũng không thoát đâu. Một khi các căng thẳng gia tăng trong chính xã hội của những quốc gia này, thì dân da trắng sẽ suy nghĩ lại về miệng ăn của quý vị trên bàn ăn của họ, sẽ đàn áp quý vị, sẽ trục xuất quý vị hoặc đơn giản là xả súng vào cộng đồng quý vị.

Những biểu hiện cực đoan ấy đang xuất hiện - qua hình bóng đầy ngu dốt, hận thù, phân biệt chủng tộc, gây chia rẽ của Donald Trump, Scott Morrison, Jair Bolsonaro... Người da trắng rất biết cách bảo vệ lợi ích của họ, và các vị Việt Kiều sẽ mãi mãi nằm ở tầng lớp bên dưới, y hệt như các hành khách hạ cấp thuộc khoang hạng 3 trên boong tàu Titanic ngày xưa.

Hãy suy nghĩ về điều đó, hỡi những người Việt Nam! Bớt cuồng thứ lăng nhăng đi mà hãy nhìn lên trời, nhìn xuống chân mình, nhìn ra xung quanh... và thấy rõ số phận của mình.
Nguồn: Facebook Nguyen Dat An

Xem:




Tôi đi học



Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..." (đoạn văn mở đầu tác phẩm Tôi Đi Học, Quê Mẹ 1941).

Đây là tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Thanh Tịnh, tiêu biểu cho phong cách văn xuôi nhẹ nhàng như thơ, tạo nét buồn man mác rất học trò. Áng văn bất hủ này gần 80 năm qua vẫn giữ một chỗ đứng trang trọng trong văn học Việt Nam, đặc biệt giới học sinh, sinh viên và ngay cả giáo chức.

Riêng đối với sinh viên Đà Lạt vào mỗi độ thu về khi ngày khai trường trở lại... từng đoàn sinh viên lũ lượt đổ về Viện từ khắp nơi, ngập tràn hai bên đường Bùi Thị Xuân, Phù Đổng Thiên Vương... nhất là con dốc lên trường. Cổng Viện được mở rộng chào đón mọi người, đặc biệt tân sinh viên. Một bàn chào mừng và hướng dẫn được để ngay cổng để giúp đỡ, trả lời thắc mắc.

Văn phòng Viện ở tòa nhà Đôn Hóa luôn nhộn nhịp, người ra kẻ vào. Cha Viện Trưởng và nhiều vị giáo sư luôn tươi cười chào hỏi từng người cũng như giúp bất cứ việc gì. Các bản thông báo treo tường bên hông Văn phòng được nhiều sinh viên theo dõi, ghi chép...

Rải rác khắp nơi trong Viện dập dìu sinh viên với quần áo đẹp, thời trang, trẻ trung bước nhanh đến các giảng đường trong ánh nắng chan hòa se lạnh dưới những tàn thông xòe bóng mát trên những bãi cỏ hoa lá xanh tươi, những lối đi quanh co hữu tình làm quang cảnh càng thêm đẹp và thơ mộng. Viện Đại Học Đà Lạt được mệnh danh là cơ sở đại học đẹp nhất Đông Nam Á thật xứng đáng với danh hiệu này.

Đã hơn năm mươi năm qua, trong tâm khảm các cựu sinh viên VĐH Đà Lạt vẫn còn ghi đậm hình ảnh tuyệt vời thời son trẻ trong môi trường giáo dục lý tưởng đầy tính nhân bản này. Ngày nay, khi các cựu sinh viên gặp lại nhau thường ôn lại những kỷ niệm trong sân trường, giảng đường, thư viện, đại học xá, mùa thi, bạn hữu, tình yêu, những vui buồn, những buổi văn nghệ, picnic, du ngoạn, sinh hoạt, vui chơi...

Gần đây nhiều anh chị muốn biết ngày khai giảng hàng năm của Viện được chọn như thế nào? Câu hỏi này được giáo sư Trần Long cho biết: Văn Phòng Viện chọn thứ hai cuối của tháng 9 hằng năm làm ngày khai giảng niên khóa mới. Như vậy Ngày Khai Giảng năm học mới của Viện Đại Học Đà Lạt là:


NK Ngày khai giảng Đối chiếu với CTKD

58-59: thứ hai 29 tháng 9 năm 1958 ( Mậu Tuất)
59-60: thứ hai 28 tháng 9 năm 1959 (Kỷ Hợi)
60-61: thứ hai 26 tháng 9 năm 1960 (Canh Tý)
61-62: thứ hai 25 tháng 9 năm 1961 (Tân Sửu)
62-63: thứ hai 24 tháng 9 năm 1962 (Nhâm Dần)
63-64: thứ hai 23 tháng 9 năm 1963 (Quý Mão)
64-65: thứ hai 28 tháng 9 năm 1964 (Giáp Thìn) - CTKD K1
65-66: thứ hai 27 tháng 9 năm 1965 (Ất Tỵ) - CTKD K2
66-67: thứ hai 26 tháng 9 năm 1966 (Bính Ngọ) - CTKD K3
67-68: thứ hai 25 tháng 9 năm 1967 (Đinh Mùi) - CTKD K4
68-69: thứ hai 30 tháng 9 năm 1968 (Mậu Thân) -  CTKD K5
69-70: thứ hai 29 tháng 9 năm 1969 (Kỷ Dậu) - CTKD K 6
70-71: thứ hai 28 tháng 9 năm 1970 (Canh Tuất) - CTKD K7
71-72: thứ hai 27 tháng 9 năm 1971 (Tân Hợi) - CTKD K 8
72-73: thứ hai 25 tháng 9 năm 1972 (Nhâm Tý) - CTKD K9
73-74: thứ hai 24 tháng 9 năm 1973 (Quý Sửu) - CTKD K10
74-75: thứ hai 30 tháng 9 năm 1974 (Giáp Dần) - CTKD K11


Chung Thế Hùng
Canada