3/6/23

Tiễn Bạn - Phùng Minh Tiến





Tiễn Bạn

Vườn thơ tháng mới thật hoang sơ
Tiễn biệt Phùng Minh Tiến mịt mờ
Thoi thóp trên giường hơi thở nhẹ
Hắt hiu giã biệt với vườn thơ

Bạn về cõi phúc trong nhung nhớ
Để lại bài thơ thật hững hờ
Thắp nén hương trầm trong nước mắt
Từ nay khoá một vắng cung tơ.

LĐT
6/3/2023

TIN BUỒN

 Vô cùng xúc động nhận được tin:

Bạn  PHÙNG MINH TIẾNcựu sinh viên khóa 1 CTKD 
đã ra đi vĩnh viễn lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 5 tháng 3, năm 2023
tại Westminster, California
 
Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng tang quyến
Nguyện cầu hương linh bạn Phùng Minh Tiến sớm về cõi trường sinh.

   Một nhóm bạn Thụ Nhân k1-2 cùng thành kính phân ưu:

G/Đ Vũ Ngọc Ái (San Jose)
G/Đ Nguyễn Khánh Chúc (Pháp) - G/Đ Trần Thị Hạnh (Houston)
G/Đ Phạm Quang Hiền (SJ) - G/Đ Nguyễn Thị Huệ (SJ)
G/Đ Phạm Huy Luận (SJ)- G/Đ Nguyễn Thị Thiên Nhiên (Riverside)
G/Đ Lê Xuân Nho & Trần Thị Ngọc Lang (R)
G/Đ Trần Ngọc Phong (SJ) - G/Đ Phạm Thị Sáng (R)
G/Đ Trần Quang Cảnh & Võ Kim Thoàn (Westminster)
G/Đ Nguyễn Thị Dục Tú - G/Đ Trần Khánh Tuyết (Berkeley)

Khóc con chim yến
Phùng Minh Tiến
Xa cành về cội

Khi đàn chim bay đi
mùa Xuân không trở lại
xa, xa rồi Cali
ngậm ngùi chiều chia ly!

Chim bay về Hội An
về bên hiên nhà mẹ.
Tiếng kêu thầm lặng lẽ
trên dòng Thu miên man.

Thương con chim yến nhỏ
mái chùa Cầu rêu phong.
Chim thôi không làm tổ
đứng lặng buồn trăm năm.

LYSA
6/3/2023

Được tin buồn: Phùng minh Tiến, TN - K-1 đã mất,
Nguyện cầu hương linh Bạn sớm về nghỉ yên trong cõi bình yên vĩnh cửu .
Phan Thạnh

Lá rơi !  Lá rơi !  Lá lại  rơi …
Giọt buồn đưa tiễn một cuộc đời.
Thụ Nhân vườn cũ càng thưa vắng,
Trần thế… thêm người chán nữa rồi !

Mỗi năm có dịp gặp lại nhau,
Hỏi thăm “ người vắng” đang ở đâu ?
Ngỡ ngàng khi biết Bạn đã mất
Lữ hành…đến lúc phải qua cầu ?

Thôi thì …lời cuối tiễn Bạn Hiền,
Sớm về an nghỉ cõi bình yên,
Chẳng còn vướng bận chuyện trần thế…
Vô ưu, thanh thản , hết muộn phiền.

HÀNSĨ PHAN

THÊM MỘT NGƯỜI BẠN, ANH PHÙNG MINH TIẾN, ĐÃ RA ĐI 


U uất hận thù anh buông bỏ

Mấy mươi năm mượn xứ lạ làm quê

Giờ bỏ hết anh ra đi biền biệt

Xa thật xa…để bè bạn ngậm ngùi…

Gởi khói hương buồn đưa tiễn anh 

Cúi đầu lắng niệm chạnh buồn tênh

Bạn mình đã vắng ngày thêm vắng

Mai mốt còn ai khóc tiễn người?! 

Khép kín vần thơ vườn Thụ Nhân

Anh đi thanh thản lánh dương trần

Về chốn vĩnh hằng quê hương mới

An nghỉ nghe anh, giấc ngủ lành


Sent from my iPad 

Nguyễn Thanh Tuyền



Thành kính phân ưu cùng thân quyến về sự ra đi của anh Phùng Minh Tiến, CTKD1.  Cầu nguyện hương linh anh Tiến được an vui nơi cõi vĩnh hằng.

Nhan Ánh-Xuân & Nguyễn Đình Cận.
----------------------

Tiễn Anh Phùng Minh Tiến

Lại một người đi khỏi cuộc đời
Vườn thơ hiu quạnh, bạn thơ ơi!
Thụ Nhân kỳ cựu đang dần khuất
Những bạn thân yêu của một thời...

Một nén hương lòng gởi đến anh
Đời người một thoáng quá mong manh!
Anh đi, bước nhẹ theo làn khói
Cầu chúc cho anh hưởng thái bình.

Nhan Ánh Xuân
6/03/2023

TIỄN BIỆT PHÙNG MINH TIẾN 

    Cây Thụ Nhân dần thưa thớt lá 
    Vườn thơ hiu hắt vắng thêm người 
    Lần thăm Bạn lòng đau buồn quá !
    Biết phút này đây -vĩnh biệt rồi !
    Đường trần gian vẫn là cõi tạm
    “ Có cũng về - Không cũng về “ thôi !
    Tiến có về xin đừng vương vấn 
    Nhớ Bạn -tôi ngâm “ Hữu dã hồi “!!

    Hklong 


ĐÔI NẺO CÓ KHÔNG

Hữu dã hồi

Vô dã hồi

Mạc tại giang biên lãnh phong xuy

(bài kệ cổ Phật giáo)

Có cũng về

Không cũng về

Sao còn đứng mãi bến sông mê

Bốn phương gió nổi mùa hư ảo

Ngoảnh lại hoa xuân rụng bốn bề

Có cũng về

Không cũng về

Về đâu? Non nước về đâu nhỉ

Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề.

Có cũng về

Không cũng về

Sáu bảy mươi năm làm khách lạ

Một chiều tuyết phủ với sương che

Có cũng về

Không cũng về

Thanh xuân ngày cũ xa biền biệt

Dừng lại bên sông gió não nề

PHÙNG MINH TIẾN



Các bạn thân mến,

Bạn Trương Công An vừa thông báo Chương Trình Tang Lễ bạn PHÙNG MINH TIẾN như sau:

  Ngày Thứ Bảy 01 tháng 4, 2023
  Tại Peek Funeral Home, Phòng số 1
     7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683
 - 12:05PM :  Lễ nhập quan - Phát tang
 -  01:00PM - 03:00PM :  Thăm viếng
 -  03:00PM :  Di quan - Hỏa táng

Nếu muốn cùng viếng, xin mời các bạn đến lúc 2:00PM và sau đó cùng tiễn biệt bạn chúng ta.

Thân mến, 
VTXuan

3/5/23

Trần Quốc Bảo khóc Nguyễn Phú Long


Thôi rồi!...Bạn Nguyễn Phú Long,
Xuôi tay buông bút!... Thong dong về Trời
Nỗi buồn tràn ngập lòng tôi!
Ứa hai hàng lệ, bồi hồi tiếc thương
Mới rồi, lòng chợt vấn vương,
Gọi phôn, nói chuyện bình thường với nhau.
Ai dè… qua đến hôm sau,
Bị tai biến não, cơn đau bất ngờ!
Bỏ Gia Đình, bỏ Làng Thơ…
Bạn đi vào cõi mộng mơ ngàn đời!

Nỗi buồn tràn ngập lòng tôi!
Ứa hai hàng lệ, bồi hồi xót thương!
Kể từ độ mất Quê Hương.
Đời vui còn lại: Văn chương, Bạn bè ,
Mà nay, Bạn cũng chia lìa,
Thơ văn…rồi biết trao về cho ai?
Nỗi niềm vong quốc u hoài,
Ai người tri kỷ, giãi bày tâm tư?
Bạn đi… Đi thực rồi ư?
Ô hay!... Tôi thấy… đời, như chán đời!

Nỗi buồn tràn ngập lòng tôi!
Ứa hai hàng lệ, bồi hồi xót xa!
Nhớ bao… “Kỷ niệm Tam Đa”…
Tô phở số một, bình Trà ướp sen,
Quây quần bằng hữu thân quen,
Câu thơ xướng họa, thơm men rượu nồng.
Chuyên đời mới đó… đã không!
Than ôi! Bạn Nguyễn Phú Long đi rồi !!!
Nỗi buồn tràn ngập lòng tôi!
Ứa hai hàng lệ, bồi hồi khóc thương.

Trần Quốc Bảo

Tin Buổn: Thi Sĩ NGUYỄN PHÚ LONG đã tạ thế trưa ngày 2 tháng 3 năm 2023
tại Richmond, Virginia - Hưởng thọ 85 tuổi (Ông là thành viên trong Tam-Đa-Thi- Sĩ tại Richmond (tức Bích-Môn-Thành) ,Virginia, USA)

Lễ Phát Bằng Cử Nhân Chính Trị Kinh Doanh 7-ĐH Đà Lạt 1974 - Những bằng cử nhân cuối cùng của VN

3/4/23

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : SONG, SÔNG


Song Sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

SONG SA 窗紗: SONG là cửa sổ, SA là Vải the hay lụa mỏng, nên SONG SA là rèm che cửa sổ bằng luạ hay vải the mỏng. Khi lần đầu tiên hội ngộ với Kim Trọng từ trưa đến xế chiều, Thúy Kiều đã phải :

Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng, nàng mới kíp rời SONG SA.

Còn khi một thân một mình thui thủi ở lầu xanh hết ngày này qua tháng nọ thì cụ Nguyễn Du đã tả hình bóng của Thúy Kiều một cách thật tội nghiệp :

SONG SA vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót ngưòi trong hội đoạn tràng đòi cơn !

SONG HỒ 窗糊 : là cửa sổ được dán bằng giấy dầu có áo một lớp hồ cho cứng. Ngày xưa chưa có pha lê, nên cửa sổ thường được dán giấy hồ, gọi là CHỈ HỒ SONG 紙糊窗 để che gió che mưa. Ta thường gọi là SONG HỒ. Trong truyện thơ Nôm Bích Câu Kỳ Ngộ tả khi anh chàng Trần Tú Uyên mua được bức tranh của Giáng Kiều thì cứ treo ở trong phòng ngắm mãi không thôi :

Mưa hoa khép cánh SONG HỒ,
Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi.

Còn chàng Kim Trọng si tình thì khi đã mướn được căn nhà gần nhà của Thúy Kiều thì mỗi ngày cứ :

SONG HỒ khép nửa cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

SONG HUỲNH : 螢 HUỲNH là con đom đóm; nên SONG HUỲNH là Cửa sổ có ánh sáng của con đom đóm. Theo Xa Dận Truyện trong Tấn Thư 《晉書·車胤傳》có ghi lại tích :

XA DẬN 車胤 (333-401), tự là Võ Tử, văn học gia đời Đông Tấn, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng Thư. Lúc nhỏ nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn để học; trong những đêm hè ông phải bắt thật nhiều đom đóm bỏ vào trong bọc, rồi nương theo ánh sáng của các con đom đóm mà đọc sách, học hành. Vì tích nầy mà hình thành thành ngữ NANG HUỲNH DẠ ĐỘC 囊螢夜讀 là "Bắt đom đóm bỏ vào bọc để học ban đêm".
Trong văn học cổ dùng SONG HUỲNH, TRƯỚNG HUỲNH hay HUỲNH SONG để chỉ phòng học, nơi học tập. Như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông có câu :

Củi quế, gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc;
SONG HUỲNH, án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.

Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều chia tay với Kim Trọng về đến nhà, thấy cha mẹ đi mừng thọ ngoại gia còn chưa về, nàng bèn "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đi tìm Kim Trọng lần nữa, trong cảnh :

                        Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
                  Ngọn đèn trông lọt TRƯỚNG HUỲNH hắt hiu.


 SONG ĐƯỜNG 雙堂 : là XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 và HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.
      * XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 còn đọc là THUNG ĐƯỜNG. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du 莊子·逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Nên XUÂN ĐƯỜNG là CHA.
      * HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂 : HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ; nên HUYÊN ĐƯỜNG là MẸ.
      SONG ĐƯỜNG là CHA MẸ, như trong truyện thơ Nôm "Phạm Tải Ngọc Hoa" có câu :

                          Một là tủi phận thẹn gương,
                      Hai là báo đáp SONG ĐƯỜNG mà lo.

      Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi là HAI ĐƯỜNG, khi tả ông bà Vương viên ngoại cùng Thúy Vân và Vương Quan đi mừng sinh nhật ngoại gia :

                        Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
                     Trên HAI ĐƯỜNG dưới cùng là hai em,
                        Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
                     Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.


SÔNG DỊCH chữ Nho là DỊCH THỦY 易水, bắt nguồn từ Huyện Dịch của vùng Trực Lệ, thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay. Theo Chiến Quốc Sách 戰國策 : Con sông nổi tiếng với tích Thái tử Đan của nước Yên đưa Kinh Kha sang sông để hành thích Tần Thủy Hoàng, với tiếng tiêu đưa tiễn bạn của Cao Tiệm Ly, nổi tiếng với lời ca khảng khái hào hùng :

                風蕭蕭兮易水寒,    Phong tiêu tiêu hề... Dịch Thủy hàn,
                      壯士一去兮不復還。  Tráng sĩ nhất khứ hề... bất phục hoàn !
Có nghĩa :
              Gió hiu hắt nầy... đây sông Dịch lạnh,
              Tráng sĩ ra đi nầy... chẳng hẹn ngày về ! 

      Trong Hoài Cổ Khúc của Tương An Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Bảo có câu :

                      Sắp lưng quày quả lên yên,
                Bóng lìa sông Dịch, thây tan cung Tần !

      Trong bài thơ Tống Biệt Hành của thi sĩ Thâm Tâm thời tiền chiến, đoạn cuối có câu :

                   Sông Hồng chẳng phải xưa Sông Dịch
                   Ta ghét hoài câu ...“nhất khứ hề”...

 SÔNG NGÂN hay NGÂN HÀ 銀河 hoặc NGÂN HÁN 銀漢 gì đều chỉ Giải Thiên Hà 天河 là dải sao dày đặc vắt ngang lưng trời trông mờ mờ như dòng sông bạc, với truyền thuyết về truyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ mà trong dân gian Trung Hoa và Việt Nam không mấy người không biết đến. Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải có câu :

                        SÔNG NGÂN đã bắc nên cầu,
                     Kẻo lòng Ngưu, Nữ lo âu cách lìa.

       Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì gọi là NGÂN HÁN khi ngắm sao nhớ người chinh phu ở nơi xa :

                         Bóng NGÂN HÁN khi mờ khi tỏ,
                         Độ Khuê triền buổi có buổi không.

SÔNG TẦN tức TẦN XUYÊN 秦川. Vì từ XUYÊN có nghĩa là dòng sông, nên nhầm là Sông Tần; Thực ra TẦN XUYÊN là chỉ dải đất đồng bằng rộng lớn từ Lũng Sơn đến Quảng Đông, là vùng đất Trung nguyên, là nơi nhiều người quần cư, nên TẦN XUYÊN là từ phiếm chỉ Quê Hương, như trong Nhạc Phủ đời Ngụy Tấn bài Lũng Đầu Ca Từ《隴頭歌辞》魏晋樂府 có hai câu như sau :
                   遙望秦川,   Dao vọng Tần Xuyên,
                   心肝斷絕。   Tâm can đoạn tuyệt.
Có nghĩa :
                   Tần Xuyên trông ngóng xa xa,
              Lòng đau như cắt nhớ nhà khôn khuây.

      Trong Truyện Kiều lúc tiễn đưa Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Thúy Kiều và Thúc Sinh đã chia tay đầy lưu luyến :

                     SÔNG TẦN một dải xanh xanh,
                 Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
                     Cầm tay dài ngắn thở than,
                Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời..


SÔNG TƯƠNG là TƯƠNG GIANG 湘江, còn gọi là TƯƠNG THỦY 湘水, là một nhánh lớn của sông Trường Giang chảy qua Quảng Tây, Hồ Nam, Trường Sa rồi đổ vào Động Đình Hồ. Tương truyền khi vua Thuấn đi tuần ở miền Nam, ngã bệnh và mất ở đất Thương Ngô. Hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm chồng và cùng tự trầm ở dòng sông Tương nầy. Trong một khúc cổ cầm có tựa là Tương Giang Oán 湘江怨 với lời từ của Lương Ý Nương 梁意娘, một nữ sĩ Hậu Chu đời Ngũ Đại ở đất Hồ Nam, trong đó nổi tiếng với các câu :

                   君在湘江頭,  Quân tại Tương Giang đầu,
                   妾在湘江尾。  Thiếp tại Tương Giang vĩ.
                   相思不相見,  Tương tư bất tương kiến,
                   淚滴湘江水。  Lệ trích Tương Giang thủy !
Có nghĩa :
               Chàng ở đầu sông Tương,
               Thiếp ở cuối sông Tương.
               Nhớ nhau mà chẳng gặp được nhau,
               Giọt lệ nhớ thương cùng nhỏ xuống dòng sông Tương !

Một dị bản của câu cuối là :

                   同飲湘江水。  Đồng ẩm Tương Giang thủy.

Có nghĩa là : Cùng uống nước của dòng sông Tương.

      SÔNG TƯƠNG thường dùng để nói lên sự mơ ước nhớ nhung mến thương của lứa đôi, trai gái, người yêu, chồng vợ. Như sau khi trao đổi tín vật và hứa hẹn đá vàng thì Kim Trọng và Thúy Kiều càng tưởng nhớ nhau hơn :

                        Từ phen đá biết tuổi vàng,
                Tình càng thắm thía dạ càng ngẩn ngơ.
                     SÔNG TƯƠNG một dải nông sờ,
                  Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia !
      
Mãi cho đến hiện nay, SÔNG TƯƠNG vẫn còn là dòng sông tương tư thương nhớ của văn nhân thi sĩ và cả nhạc sĩ nữa. Khoảng thập niên năm mươi của Thế kỷ trước, giới thanh niên tuổi trẻ ai mà không biết đến bản nhạc "Ai Về SÔNG TƯƠNG" của nhạc sĩ Thông Đạt. Cho đến hiện nay giới ca nhạc trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn hát mãi "Ai có về bên bến SÔNG TƯƠNG, nhắn người duyên dáng tôi thương...."
Mời bấm vào link dưới đây để nghe nhạc.


Đỗ Chiêu Đức   杜紹德



3/2/23

GÓP Ý VỀ BÀI VIẾT " Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt "

Dưới đây là những góp Ý rất chân thành và khách quan của tôi, nhằm mục đích làm trong sáng và phong phú hơn tiếng Việt một cách thực tế, phù hợp với " Tập quán Ngôn ngữ " hằng ngày của cộng đồng người VIỆT nói tiếng VIỆT, chớ không lập dị hoặc bới lông tìm vết gì cả !

 *Trước tiên, xin đề cập đến từ " CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ ".
Trích bài viết : của tg Hà Thủy Nguyên)
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
Theo tôi nghĩ : Góp ý của Đỗ Chiêu Đức)
Từ CHUNG CƯ là từ được viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, đã được quần chúng sử dụng từ trước đến nay, nghe đã quen tai, không cần thiết phải đổi lại thành CHÚNG CƯ, nghe vừa xa lạ vừa chói tai, vừa lập dị vừa không hợp với tập quán ngôn ngữ. Xin được giải thích...
Xin được nói về TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, TẬP QUÁN là Thói Quen, NGÔN NGỮ là Tiếng Nói. TẬP QUÁN NGÔN NGỮ là Thói quen của một Tiếng nói nào đó mà mọi người đã quen sử dụng và chấp nhận Ý nghĩa của nó theo Thói Quen. Ví dụ :
Từ CHẮC là CHẮC CHẮN, được sử dụng theo nghĩa KHÔNG CHẮC CHẮN gì cả ! Như các câu sau đây :
- Trời oi bức quá, chiều nay CHẮC mưa.
- Trời mưa, CHẮC nó không đến đâu !
- Tối nay có đi xem phim không ?- CHẮC đi !
Trả lời là " CHẮC đi "để tỏ cái Ý " KHÔNG CHẮC đi " gì cả ! Đó là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ ! Thế thì...
Khi nói " CHUNG CƯ " là mọi người đều hiểu ngay rằng đó là nơi có nhiều người CÙNG CHUNG CƯ TRÚ, chớ không phải là NƠI Ở CUỐI CÙNG, MỒ CHÔN hay NGHĨA ĐỊA gì cả , vì " CHUNG CƯ là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận, thì TẠI SAO ta phải đi bới lông tìm vết, bảo nó không chính xác mà phải nói là CHÚNG CƯ cho đúng với cách nói của từ Hán Việt ?! CHÚNG CƯ vừa chói tai khó nghe, vừa không hợp với TẬP QUÁN NGÔN NGỮ !
Ta có bảo người Pháp chào nhau bằng câu : " comment allez vous ? " là sử dụng SAI động từ ALLER ( đi ) không ? Và người MỸ chào nhau bằng câu : " How are you doing ? là dùng không chính xác động từ TO DO ( làm ) không ? Cũng như người Việt ta chào nhau bằng câu : " Có khỏe không ? ", không phải ta dùng sai từ KHỎE đâu, người Hoa chào nhau bằng câu : " Sực fàl mì ? 吃飯沒?" ( Ăn cơm chưa ? ) không phải là họ nói SAI đâu, mà tất cả đều là do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận mà thôi !!!
Sở dĩ tôi phải nói dài dòng như thế là chỉ để làm cơ sở cho những nhận xét kế tiếp của phần bên dưới.
Ghi chú: phần trích trong bài viết của tg Hà Thủy Nguyên. Phàn góp ý của Đỗ Chiêu Đức


Về từ KHẢ NĂNG 可能

Trích...

KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
* Góp ý :
Theo tôi nghĩ thì : KHẢ NĂNG là Phó Từ, có nghĩa là Có Thể ( perhaps, maybe, possibly ), còn NĂNG LỰC mới là Tài Năng và Sức Lực ( capability, ability ) của con người làm được việc gì đó. Nên câu:
Hôm nay, khả năng trời không mưa.
chỉ là câu nói thiếu chữ, sai văn phạm, chớ không sai từ, nếu nói lại như thế nầy, thì câu sẽ hoàn chỉnh :
Hôm nay, có khả năng trời sẽ không mưa .
Và câu...
Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh…
Nói lại thành...
Con bò nầy có khả năng sẽ chết vì bị bệnh…
Nhưng...
Nếu KHẢ NĂNG là Danh Từ, thì có nghĩa giống như là NĂNG LỰC . VD :
NĂNG LỰC của một người là chỉ KHẢ NĂNG của người đó có thể làm được việc gì đó.



Về từ " HUYỀN THOẠI "

Trích...

HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chữ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

* Góp ý :

Chưa chắc mình đã giỏi hơn ai, sao lại cười người quá thế ?!

Chỉ đồng ý với cách giải nghĩa đen của từ HUYỀN THOẠI, sao không tìm hiểu NGHĨA BÓNG và NGHĨA PHÁT SINH của một từ mà lại vội tỏ lời khinh bạc sâu cay đối với người khác như thế ?!
HUYỀN THOẠI ngoài nghĩa là " Câu chuyện Huyền diệu, Huyền hoặc, Huyền vi không có thực " ra, còn được sử dụng như là một HÌNH DUNG TỪ để chỉ những khả năng vượt trội siêu thực, khó có thể có được trong đời sống hằng ngày.
Điều cần nhớ, bây giờ NÓ là TÍNH TỪ chớ không phải là DANH TỪ nữa, phải hiểu theo nghĩa HÌNH DUNG của NÓ, thì mới thấy được cái dụng Ý của nhóm từ HUYỀN THOẠI PÉLÉ hay HUYỀN THOẠI MARADONA. Vì đây là những nhân tài Bóng Đá hiếm thấy trong làng TÚC CẦU THẾ GIỚI mà trước mắt hay tương lai cũng khó mà có được !
Hơn nữa đây đã là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, vì mọi người đều chấp nhận gọi thế, Ý nghĩa cũng đã rõ ràng, sao lại còn làm ra vẻ ta đây là " bác học " để chê trách mọi người " Dốt hay nói chữ "!.



Bây giờ thì ta sẽ nói về các từ " HÔN PHU, HÔN THÊ " đây.... 
Trích :
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

* Góp ý : HÔN 婚 ( marry, marier ) mà giải nghĩa là CƯỚI là SAI ...BÉT ! Theo tôi học thì HÔN là "GIÁ 嫁 và THÚ 娶", GIÁ là Gã, là Lấy chồng, còn THÚ là Cưới vợ. Vậy, HÔN 婚 là Sự CƯỚI GÃ. Cho nên...
HÔN PHU, HÔN THÊ là Vợ hoặc Chồng có cưới hỏi đàng hoàng, có làm Giấy Giá Thú, Hôn Thú đàng hoàng, chớ không phải Vợ Chồng Tự Kết Hợp, tự mình ăn ở với nhau ! Và khi nói...
HÔN PHU, HÔN THÊ không ai nghĩ đó là nguời chồng u mê, người vợ u mê cả !, mà hiểu ngay đó là VỢ CHỒNG HỢP PHÁP, CÓ CƯỚI HỎI ĐÀNG HOÀNG. Những từ nầy RẤT QUAN TRỌNG đối với các Luật Sư và Tòa Án.
Đâu có ai lập dị một cách... đa sự, mà đi đánh đồng từ ĐỒNG ÂM giữa HÔN PHU 婚夫, HÔN THÊ 婚妻 và HÔN QUÂN 昏君 bao giờ ! Hai chữ HÔN khác nhau xa mà !



Từ PHONG KIẾN . 
Trích ...
Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
 
* Góp ý : Chỉ đồng Ý với nghĩa đen của từ PHONG KIẾN và trên bình diện nghiên cứu Lịch Sử. Còn về nghĩa thông dụng khi đi vào cuộc sống thì nhận xét như trên là quá hẹp hòi, vì từ... PHONG KIẾN khi dùng rộng ra là để chỉ những Chế Độ Quân Chủ Chuyên Chế lạc hậu so với phong trào đấu tranh Dân Chủ đang lên. Gọi Chế Độ Quân Chủ CHUYÊN CHẾ là PHONG KIẾN để Nhấn Mạnh đến tính chất lạc hậu, cổ hủ, không có nhân quyền... so với Chế độ DÂN CHỦ mới mẻ tôn trọng quyền sống của con người hơn. Trong lúc muốn đả phá cái cũ lạc hậu có nói quá lố một chút cũng là chuyện bình thường mà thôi. Chính vì thế mà khi chấp chánh Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM đã chủ trương BÀI PHONG ĐẢ THỰC ( Bài trừ phong kiến và Đánh đuổi thực dân ) để xây dựng cuộc sống mới . Đâu phải tại dốt và dùng sai từ PHONG KIẾN đâu !



Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm). 

QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. 
Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日. 
Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc. 

GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng. 

* Góp ý : Theo tôi nghĩ, gọi ... QUỐC GIỖ, GÓA PHỤ là một Sáng tạo làm giàu thêm cho ngôn ngữ tiếng Việt đó chứ ! Sao lại cứ phải khăn khăn ghép từ theo kiểu Hán Việt thế ?! Chả lẻ lại gọi là NGÀY QUỐC KỴ hay toàn Nôm là NGÀY GIỖ NƯỚC ? Còn... GÓA PHỤ hay QUẢ PHỤ gì thì đều là những từ thông dụng đã đi vào TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của tiếng Việt, sao lại còn phải thắc mắc ?!!! Còn luôn miệng bảo là phải ghép hai chữ Hán lại thành một từ mới hợp với Văn Phạm Hán Việt (???) thì xin hãy quên đi !!! 

Mời xem các Ví dụ sau đây : 
Từ HÁN VIỆT : HƯƠNG là THƠM ( NÔM ), ta có từ Ghép : Hương Thơm. 
HOA là BÔNG, ta có từ Ghép : Bông Hoa. 
KÝ là GỞI , ta có từ Ghép : Ký Gởi. 
PHÂN là CHIA, ta có từ Ghép : Phân Chia. 
LÝ là LẼ, ta có từ Ghép : Lý Lẽ.
SANH là ĐẺ, ta có từ Ghép : Sanh Đẻ. 
TIẾP là NỐI , ta có từ Ghép : Tiếp Nối....... nhiều vô số kể !.... AI ? Ai dám bảo là KHÔNG THỂ GHÉP MỘT TIẾNG HÁN và MỘT TIẾNG NÔM lại để thành lập một từ mới ?!



Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm. 

X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi về kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

* Góp ý :

Luôn miệng mạt sát và mỉa mai người khác ( “đại giáo sư tiến sĩ” nào ), mà không biết đến sự cổ hủ, cố chấp của mình !
TIA X là Tia gì ? Tia Sáng, Tia Chớp, Tia Nước hay Tia... Nhìn ?! Trong khi...
X- QUANG có nghĩa là : TIA SÁNG X .
Nói chơi thế thôi, chớ TIA -X hay X- QUANG ( tia Röntgen ) gì mà chả được ! Có cần phải khó chịu đến nỗi phải lý luận tràng giang đại hải khoe mình uyên bác như trên kia không ?!
TIA-X hay X-QUANG đều dễ hiểu, dễ đi vào quần chúng, thì thôi, thắc mắc làm gì cho nó ốm ?!
Sự thật X-QUANG là lấy từ " X-光 " của người Hoa phiên âm sẵn, rồi ta lấy xài luôn cho tiện, khỏi mất công ! Chuyện nầy cũng không phải mới mẻ gì mà đã từng xảy ra trong quá khứ và còn ảnh hưởng mãi cho đến hiện nay. Ví Dụ :
Người Hoa phiên âm chữ CANADA là 加拿大 ( Jia-na-da ), ta dịch ra Hán Việt là nước GIA NÃ ĐẠI. Tương tự ITALI, họ phiên âm là 意大利 ( Yi-da-li ), ta dịch và gọi là nước Ý ĐẠI LỢI. v.v. và .v.v .... đâu có chết " thằng Tây " Phú Lang Sa nào đâu, thắc mắc làm gì cho nó mệt ?!

**********
Kết luận:
Tương tự như thế, suốt bài viết, tác giả bài viết tưởng rằng mình giỏi Hán Việt lắm, cứ chê trách tập thể cộng đồng người Việt nói tiếng Việt dốt nát, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thực ra, sửa sai mà sửa một cách lập dị, cố chấp, thiếu đầu óc thông thoáng và hiểu biết, thì chưa biết là ai " buồn cười " hơn ai đây ?!

Suốt từ đầu đến cuối gồm 16 mục Hà Thủy Nguyên (?) luôn miệng bảo : Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm. ( ? ) Không biết là cái Văn Phạm nầy HTN học từ đâu ra mà cứng ngắt không linh động chút nào cả ! Vả lại, chữ Hán Việt cổ có Văn Phạm đâu mà học ?! Ngay cả dấu chấm câu còn không có mà làm sao có Văn Phạm được ?! . Nhưng thôi, ta hãy nói chuyện chính trước...

Xuất phát từ động cơ tốt, muốn làm rõ nghĩa để sử dụng từ ngữ một cách chính xác hơn, nhưng cách nhận xét và phê bình của Bài Viết có vẻ thô lổ, cộc cằn, luôn miệng mỉa mai, xài xể bóng gió những từ ngữ được đề cập... do ai đó tạo ra, đưa ra ! Thật tội nghiệp ! Nói và Viết nghiêm chỉnh đàng hoàng còn chưa có tác dụng, huống hồ với giọng điệu trịch thượng, ta đây như Bài Viết thì làm sao mà đạt mục đích yêu cầu cho được. Xin được dẫn chứng...
Khoảng giữa năm 1994, dân Sài Gòn đọc được một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng của Giáo Sư Lương Duy Thứ, Trưởng Khoa Trung của Đại Học Tổng Hợp vừa chuyển sang thành Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, nội dung bài báo đề cập đến việc nên dùng từ " CHÚNG CƯ " thay thế cho từ " CHUNG CƯ " giống như bài viết nầy đã đề cập. Sau đó, các báo, đài đều hưởng ứng dùng từ CHÚNG CƯ thay thế cho CHUNG CƯ, nhưng , chỉ một thời gian sau và mãi cho đến hiện nay, đã hơn 20 năm qua , thì... đâu vẫn hoàn đấy ! Tập thể Quần Chúng nói tiếng Việt vẫn thích dùng từ CHUNG CƯ hơn là CHÚNG CƯ !!! Tất cả báo đài trước mắt đều quảng cáo cho các CHUNG CƯ CAO CẤP, chớ không phải CHÚNG CƯ nữa !
Từ đó, ta có thể xác định lại một lần nữa là : Cái TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của quần chúng, NÓ mạnh biết chừng nào !. Nên, theo tôi thì...
Những từ nào đã được tập thể quần chúng nhân dân sử dụng rộng rãi rồi thì... thôi, ta nên chấp nhận ( không chấp nhận cũng không được ! ) Nó như là một thành viên mới trong gia đình, nếu tự bản thân Nó không ổn, chắc chắn Nó sẽ bị đào thải mà thôi ! Ví dụ như từ " CHÚNG CƯ " đã nêu ở trên.
Trở ngược về xa hơn, ta thấy trong TRUYỆN KIỀU của cụ NGUYỄN DU cũng có những từ đã bị đào thải theo thời gian, như :

Vài tuần chưa cạn chén khuyên,
Mái ngoài NGHỈ đã giục liền ruổi xe,
Xót con lòng nặng CHỀ CHỀ,
Trước yên ông đã NẰN NÌ thấp cao.

NGHỈ : là Nhân Vật Đại từ, Ngôi thứ ba số it.
Nặng CHỀ CHỀ : Bây giờ ta nói là Nặng CHÌNH CHỊCH.
NẰN NÌ : là Năn Nỉ.
Trong khoảng đầu thập niên 60 của thế kỉ trước rất thịnh hành các từ " Lấy Le ", " Bỏ qua đi Tám ! ", " Hứa Lèo "... Nhưng sau 1975 thì các từ nầy biệt dạng luôn ! Cũng như sau 1975 Miền Bắc đã cho du nhập vào Miền Nam các từ : " Lính Thủy đánh bộ ", " Trung Tâm Nghe Nhìn ", " Máy bay lên thẳng "... như bài viết đã đề cập, nhưng bây giờ khi nhắc đến quân đội MỸ, họ vẫn sử dụng từ " Thủy Quân Lục Chiến, Trực Thăng Chiến Đấu ... như thường !
Vì thế mà ...
Ta thấy, Ngôn Ngữ tự nó có sức sống và giá trị riêng của nó, nên cũng đừng quá lo lắng ưu tư đối với các từ như : " Bê-tông hóa ", " tin tặc ", " Lưu Ban ", " Kích Cầu ". ... Nếu không đủ sức thuyết phục người nghe người nói thì tự nó sẽ bị đào thải mà thôi !
Một điều đáng nói nữa là vì là lân bang tiếp xúc lâu ngày với ngôn ngữ Trung Quốc, nên bị ảnh hưởng bởi một số từ của Tiếng Hán Hiện Đại, như :
Sự Cố 事故 : là Nguyên nhân xảy ra một sự việc nào đó, hàm Ý chỉ : Có sự việc rắc rối xảy ra. Còn Cố Sự 故事: là Chuyện Đời Xưa hoặc là Một câu chuyện nào đó .
Kiêu Ngạo 驕傲: Ngoài nghĩa Kiêu Căng Ngang Ngược, Kiêu Ngạo còn có nghĩa là Làm Phách. Vì không hiểu nghĩa nầy trong Tiếng Hán Hiện Đại, nên người viết bài nầy mới không giải thích được câu hỏi của người bạn. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo với người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được. Kiêu Ngạo là Làm Phách. Nên ”Thằng A hay kiêu ngạo với người khác.” là " Thằng A hay làm phách với người khác " Thế thôi !

Tham Quan 參觀 : Tham là Tham gia, Quan là xem xét, nhìn ngắm. Đi THAM QUAN là đi tham gia để xem xét và ngắm nhìn cái gì đó, nơi nào đó, chớ không phải như người viết đã mỉa mai. THAM QUAN. 參觀 : Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

ĐĂNG KÝ 登記 : là Ghi chép, là Viết lại cái gì đó. Vì không hiểu nghĩa nầy, nên người viết bài đã lên tiếng mỉa mai một cách rất buồn cười như sau : Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày nay, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

Người viết còn không phân biệt được Tiếng Hán Cổ và Tiếng Hán Hiện Đại, nên đã viết...
Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa.

Tham khảo Bài viết của Hà Thủy Nguyên: Những từ dùng sai trong tiếng Việt