12/23/22

7 thảo mộc có thể giúp chống lại cảm lạnh và cúm

Mùa đông này, hãy hít vào và thở ra. Và nếu bạn không thể làm được thì đây là một số phương thuốc thiên nhiên, từ cúc hoang đến kẹo-dẻo, thường được dùng để giải tỏa. 

 Giống như nhiều hệ thống của cơ thể, hệ thống hô hấp làm công việc của nó phần nào nằm ngoài nhận thức có-ý-thức của chúng ta, ít nhất là trong hầu hết thời gian. Chúng ta hầu như khó nhận thấy trung bình có 22,000 hơi thở được thở mỗi ngày - cho đến khi việc hít thở trở nên khó khăn hơn để thở một hơi. Sự thường xuyên tiếp xúc với thế giới bên ngoài của hệ thống hô hấp khiến nó dễ bị nhiễm vi khuẩn và siêu vi khuẩn - chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, cúm và bệnh ho lao. Tuy nhiên, chừng nào còn có các bệnh về hô hấp, chừng đó người ta còn dùng những loại thảo dược để chống lại, với nhiều thành công.

 Đây là bảy phương thuốc thường được dùng để đối phó một cách thiên nhiên đối với những tấn công của ho, sổ mũi, và hắt hơi xuất hiện thường xuyên hơn vào mùa đông.

12/21/22

Xuân Sớm ở An Quán - 安館早春


AN QUÁN TẢO XUÂN (Kỳ 1) : 

安館早春(其一)      AN QUÁN TẢO XUÂN (Kỳ nhất)

三更鐘斷雞咿喔,    Tam canh chung đoạn kê y ốc,
落落數家聞爆竹。    Lạc lạc sổ gia văn bộc trúc.
出門倦倚立門看,    Xuất môn quyển ỷ lập môn khan,
路少燈行室稀燭。    Lộ thiểu đăng hành thất hi chúc.
         高伯适                            Cao Bá Quát

* Chú thích :
    - Y Ốc 咿喔 : Từ Tượng thanh dùng để diễn tả tiếng gà EO-ÓC gáy.
    - Lạc Lạc 落落 : là Lác đác, là thưa thớt.
    - Sổ 數 : Tính từ chỉ số lượng, SỔ là Một vài; Động từ là Đếm; Danh từ đọc là SỐ : là Con số , chữ số.
    - Bộc Trúc 爆竹 : Bộc là nổ, trúc là tre. BỘC TRÚC là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là "tiếng mắt tre nổ."  Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm cũ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì Tập Quán Ngôn Ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc,  phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa! 
    - Quyển Ỷ 倦倚 : Vẻ Mõi mệt mà dựa vào (cái gì đó...)
    - Chúc 燭 : là ngọn đuốc, ngọn nến hay ngọn đèn... trong nhà.

* Nghĩa bài thơ :
                        XUÂN SỚM Ở AN QUÁN (bài 1)
        Tiếng chuông trống canh ba vừa điểm xong thì tiếng gà cũng bắt đầu eo- óc gáy. Lác đác mấy nhà xa xa đã nghe tiếng pháo đì đẹt nổ. Bước ra đứng tựa cửa uể oải lặng ngắm cảnh đêm giao thừa, trên đường đã thưa người chong đèn đi lại mà trong nhà cũng chỉ leo lét có một ngọn nến mà thôi !

* Diễn Nôm :
                   
                    AN QUÁN TẢO XUÂN (Kỳ nhất)
            
                   Tiếng gà eo-óc trống canh ba,
                   Lác đác pháo tre vẳng mấy nhà. 
                   Ra cửa mõi mòn trông cảnh trí,
                   Đèn vắng đường thưa nến lập lòa !
      Lục bát :
                   Tiếng gà eo-óc canh ba,
                   Pháo tre lác đác mấy nhà vọng sang.
                   Cảnh đêm tựa cửa bàng hoàng,
                   Đường thưa người vắng chập choàng nến đêm.
                                                               Đỗ Chiêu Đức


Các câu chuyện trong Thánh Kinh về sự ra đời của Chúa Jesus tiết lộ các manh mối hấp dẫn về thời đại của ngài

12/20/22

XUÂN DẠ ĐỘC THƯ - Đọc Sách Đêm Xuân

 

春夜讀書                   Xuân Dạ Độc Thư
             
今人不見古時春,     Kim nhân bất kiến cổ thời xuân 
惆悵今春對古人。     Trù trướng kim xuân đối cổ nhân. 
世事幾何今不古,     Thế sự kỷ hà kim bất cổ, 
眼前莫認幻為真。     Nhỡn tiền mạc nhận huyễn vi chân 
幾多名利終朝雨,     Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ, 
無數英雄一聚塵。     Vô số anh hùng nhất tụ trần. 
自笑俗拘拋未得,     Tự tiếu tục câu phao vị đắc, 
邇來攜卷太諄諄。     Nhĩ lai huề quyển thái truân truân.
         高伯适                                 Cao Bá Quát

* Chú Thích :
  - Độc Thư 讀書 : là Xem Sách mà cũng có nghĩa là Học Hành nữa, vì ngày xưa Xem Sách tức là đang Học Tập đó.
  - Trù Trướng 惆悵 : là Do dự, Ngập ngừng, là Chần chừ Ngơ Ngẩn.
  - Huyễn Vi Chân 幻為真 : là Lấy ảo làm thực, lấy huyễn hoặc làm thực tế.
  - Triêu Vũ 朝雨 : là Mưa buổi sáng.
  - Tụ Trần 聚塵 : là Bụi phủ, Bụi mờ.
  - Tục Câu 俗拘 : Tục ở đây có nghĩa là Thói Thường, nên Tục Câu có nghĩa là những câu nệ tầm thường, những thói xấu tầm thường khó bỏ. PHAO VI ĐẮC là Không dứt bỏ được. 
  - Nhĩ lai 邇來 : là Gần đây, là Dạo nầy.
  - Huề Quyển 攜卷 : là Cầm quyển sách lên, ý chỉ Học tập. 
  - Truân Truân 諄諄 : là Cần mẫn, Chăm chỉ.

* Nghĩa Bài Thơ :
                           Đọc Sách Đêm Xuân
        Người của ngày hôm nay không thấy được mùa xuân của thuở xưa, nên giờ ta đang ngẩn ngơ trước mùa xuân hôm nay mà đối mặt với người xưa trên sách vở. Chuyện đời biết như thế nào mà nói, vì hôm nay chứ không phải ngày xưa nữa, nên đừng có nhận lầm những cái huyễn hoặc trước mắt là thực tế (mà phải phân biệt cho rõ ràng). Biết bao nhiêu danh lợi chỉ đến trong đêm như một giấc mộng, rồi kết thúc bằng một trận mưa sáng trôi đi tất cả, cũng như vô số anh hùng tụ hợp rồi cũng tan biến như lớp bụi mờ. Ta tự cười mình vì cái tật xấu xưa nay không bỏ đi được, nên gần đây hễ cứ cầm quyển sách lên là cứ đọc một cách chăm chỉ như ngày xưa vậy !

         Biết được rằng Xưa không phải là Nay nữa, Xuân xưa khác xuân nay và Chuyện xưa cũng khác với Chuyện ngày nay, bằng chứng là biết bao danh lợi chỉ thoáng qua như giấc mộng trong đêm, anh hùng hào kiệt rồi cũng tan biến như bụi trần. Biết thế, mà vẫn cứ thế, hễ cầm được quyển sách lên là lại cứ muốn chăm chỉ mà học tập theo gương của người xưa, để làm gì ?! Vì rốt cuộc cũng có được gì đâu ?! Cao Bá Quát vừa cười mình ngớ ngẩn có thói quen xấu khó bỏ, lại vừa đề cao mình là người luôn luôn chăm chỉ học tập mặc dù biết rằng đọc sách chỉ là nhại lại những cái bã của cổ nhân !

* Diễn Nôm :
Đọc Sách Đêm Xuân

                Người nay chẳng thấy được xuân xưa,
               Ngơ ngẩn xuân nay trước cổ thư.
               Bao nả chuyện đời kim khác cổ,
               Chớ lầm trước mắt thực làm hư.
               Biết bao danh lợi theo mưa sáng,
               Vô số hùng anh khuất bụi mờ.
               Thói xấu cười mình không bỏ được,
               Hễ cầm quyển sách cứ khư khư !
Lục bát :
               Người nay không thấy xuân xưa,
               Xuân nay ngơ ngác người xưa đâu rồi.
               Chuyện đời kim cổ đổi vời,
               Chớ lầm hư thực thực rồi hóa hư.
               Lợi danh như sáng mưa thu,
               Anh hùng bao kẻ mịt mù trần ai.
               Cười mình tật cũ khó phai,
               Quơ nhằm quyển sách miệt mài thâu canh.
                                                       Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Mừng Giáng sinh & Năm mới 2023 - Duact



12/19/22

TRẬN CHUNG KẾT HAY NHẤT CHO WC HAY NHẤT

Hoàng Ngọc Nguyên





Biển người ở thủ đô Buenos Aires chào mừng đội tuyển quốc gia

    Trận chung kết World Cup (WC) giữa Argentina và Pháp vào ngày 18-12-2022 là một trận đáng ghi nhớ - ít nhất bởi vì nó lần đầu tiên được tổ chức nhằm mùa Giáng Sinh và tại Doha, thủ đô Qatar,  nước Trung Đông đầu tiên được chọn là chủ nhà cho giải vô địch túc cầu thế giới. Hai đội vào chung kết đều rất xứng đáng. Nước Pháp đã hai lần vô địch thế giới, và lần cuối cùng chính là vào năm 2018 tại nước Nga (lần đầu vào năm 1998). Giới quan sát vẫn cho rằng Pháp có nhiều hy vọng thắng WC năm nay, lập thành tích hai lần liên tiếp. Trong khi đó, Argentina cũng hai lần đoạt giải, nhưng từ thời xa lắc xa lơ nhờ “bàn tay của Thượng đế” (Maradona) vào năm 1986. Nhiều người cũng còn nhớ Mario Kempes, người đã đưa Argentina đến chiến thắng WC đầu tiên năm 1978!

Argentina được nhắc nhở nhiều, chinh là nhờ danh thủ Messi - mặc dù anh đã 35. Đây là lần thứ tư Messi tham dự World Cup. Lần thứ nhất năm 2010, Argentina bị Đức loại ở trận tứ  kết 4-0. Lần thứ hai, năm 2014, cũng Đức đá bại Argentina ở trận chung kết 1-0! Người ta cũng còn nhớ trong WC 2018, Pháp đã thắng Argentina ở vòng 16 đội với tỷ số 4-3. Tiền đạo Pháp Kylian Mbappé, 19 tuổi, đã nổi lên trong trận này, làm lu mờ Lionel Messi, lúc đó đã 31 tuổi. Người ta vào thời đó cứ nghĩ đây là trận cuối trong đời của Messi… Làm sao ngờ được Mbappé và Messi lại có dịp gặp nhau lại trong một WC khác. 

Hai đội đã vào chung kết một cách xứng đáng. Argentina vấp ngã ngay trận đầu tiên khi thua Saudi Arabia 1-2, nhưng đã thắng Mexico 2-0, thắng Ba Lan 2-0 để đứng đầu nhóm C. Ở vòng 16, Argentina thắng Úc 2-1; vòng tứ kết, thắng Hòa Lan 4-3; và vòng bán kết thắng Croatia 3-0. Argentina đã vào trận chung kết một cách vững vàng - thủ cũng như công. Trong khi đó, con đường của Pháp gian lao hơn. Pháp thắng Úc 4-1, thắng Đan Mạch 2-1, nhưng để thua Tunisia 0-1 ở nhóm D. Ở vòng 16 đội, Pháp thắng Ba Lan 3-1, vòng tứ kết thắng Anh 2-1 (khá chật vật đến đổi Anh lại có ảo tưởng “đã trưởng thành”) và bán kết thắng Morocco 2-0. Pháp có hai tiền đạo nổi bật là Mbappé (trẻ) và Giroud (già – 36 tuổi) và huấn luyện viên Didier Deschamps là người đưa Pháp đoạt Cúp Vàng năm 2018. Ngoài ra, thủ môn Lloris rất nổi tiếng, đã từng chặn cú đá phạt đền của tiền đạo Harry Kane của đội Anh (hai người cùng chơi cho đội Tottenham của Anh) khiến cho Anh vỡ mộng. Pháp còn có một tiền đạo cực kỳ nổi tiếng là Karim Benzema, đang chơi cho Real Madrid. Anh có tài ghi bàn cực kỳ kỳ diệu. Mặc dù đã 35, Benzema vẫn được xem là một phần tử không có không được. Như thế mà trong tập luyện, Benzema bị trục trặc đầu gối và phải ngồi chơi trong suốt giải! Anh cũng vắng mặt trong WC 2018 vì lý do “tế nhị”: đang bị điều tra về tội làm tiền bạn bè. Nhưng Pháp chẳng sợ thiếu tiền đạo. Một cầu thủ nổi tiếng và trẻ hơn đã có mặt trong hàng ngũ đội tuyển: Antoine Griezmann.

 Trừ trường hợp đội Anh ngã gục trước đội Pháp, những đội lớn bị loại nhưng không là nạn nhân của Pháp hay Argentina – đó là điều cũng đáng nhớ. Chưa nói đến đội Ý, 4 lần vô địch nhưng dã bị loại từ vòng ngoài phải nằm nhà, Brazil (5 lần vô địch thế giới) thua Croatia vì đá phạt đền ở tứ kết; Đức (4 lần) bị loại ngay ở nhóm E vì thua Nhật Bản 1-2; Bỉ bị loại ở bảng F vì thua Morocco 1-2; Tây Ban Nha bị loại ở vòng 16 đội cũng bởi Morocco 0-3! Bồ Đào Nha cũng thua Morocco ở vòng tứ kết 0-1, Uruguay hai lần vô địch cũng phià “nhường chỗ” cho Nam Hàn. Cho nên, Morocco rất đáng mặt anh hùng.

Một ấn tượng đặc biệt của người xem là hai đội bóng này một đen một trắng: đội Pháp tuy đến từ một nước Tây Âu da trắng nhưng có ít nhất 7-8 cầu thủ hoặc nhập cư từ các nước châu Phi hay được sinh ra từ một gia đình châu Phi trên đất Pháp, trong khi đó Argentina là một nước Latino, Hispanic được người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Âu ưa chuộng. Nước Pháp có Tổng thống còn trẻ Emmanuel Macron (giới chính trị bảo thủ ở Paris cứ gọi ông là ma-cà-rồng) ủng hộ - ông cũng đã có mặt trong trận Pháp thắng Morocco 2-0. Trong khi đó, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina theo dõi trận thi đấu này tại nhà bởi vì sợ vắng mặt người ta đảo chánh!

Đây là một trận chung kết hấp dẫn, thú vị và hồi hộp hiếm có, rất khó cho nhà bình luận thể thao suy nghĩ sẽ viết thế nào. Có điều chắc: Messi và Mbappé - một già một trẻ – là hai ngôi sao nổi bật, Messi điềm đạm tìm kiếm cơ hội, Mbappé thí cứ lao vào vùng lửa đạn để kiếm cơ hội. Argentina áp đảo ngay từ những phút đầu, và đội bóng này giữ banh tốt hơn, giao trả dễ dàng, chuyên nghiệp hơn, tấn công có chiều sâu hơn và có nhiều cơ hội mở bóng trước khung thành của địch hơn. Họ đã kết hợp được kỹ thuật cá nhân của cầu thủ Nam Mỹ và cach phối hơp toàn đội cua cac doi châu Âu. Trong khi đó, cầu thu Phap lúng túng, dễ mất banh vì có kỹ thuật cá nhân khá đơn độc của cầu thủ châu Phi nhưng lại thiếu lối chơi phối hợp toàn đội của bóng đá châu Âu. 

Và chuyện phải đến đã đến khá sớm. Messi đã đá thắng quả phạt đền cho Argentina ở phút 23 sau khi tiền đạo Angel di Maria bị hậu vệ Pháp Ousmane Dembelé đốn ngã trong vòng cấm địa. Theo BBC, Messi là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử WC đã ghi bàn trong đủ các giai đoạn: từ vòng ngoài đến vòng 16, tứ kết, bán kết và chung kết. Chỉ 13 phút sau đó, Messi từ giữa sân đá chuyền một đường banh khôn ngoan cho Alexis Mac Alister và tiền đạo này đã mở cho Di Maria đang trống trải chạy vào vùng cấm địa của Pháp: 2-0! Cho đến phút 80, người ta vẫn nghĩ rằng tình thế chẳng có gì thay đổi, Argentina vẫn bình tĩnh, chủ động kiểm soát trận đấu, và Pháp vẫn chỉ có Mbappé đơn độc ở hàng trên. 

Như thế mà chỉ trong 10 phút cuối của trận đấu chính thức, tiền đạo Mbappé đã gỡ cho Pháp 2-2: phút 80 bằng quả phạt đền và chỉ một phút sau đó từ ngoài vòng cấm địa Mbappé với cú sút kỳ diệu vào góc cao bên phải của thủ môn Martinez, đem đến hy vọng cho đội Pháp. Hai bên phải đi vào hai hiệp phụ 30 phút. Đến phút 108, tức chỉ còn 12 phút nữa là chung cuộc, Messi nhân sự hỗn loạn trước khung thành của Lloris, anh sút sà để hạ thủ môn Pháp. Đến đây giây phút này Messi được cả hai giải: quả bóng vàng cho cầu thủ hay nhất và đôi giày vàng cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất (7 bàn). Thế nhưng chỉ sáu phút sau, tức phút 118, Pháp lại được một quả phạt đền, và Mbappé không bỏ lỡ cơ hội ghi bàn cho cả mình (Đôi giày vàng) và đội Pháp. 

Cả hai đội phải thi đá phạt đền, và bản lĩnh, kinh nghiệm của Argentina đã lên tiếng. Hay đúng hơn, thủ môn E. Martinez  của Argentina (đang chơi cho Aston Villa của Anh) đã cho thấy tuổi trẻ tài cao. Anh đã chặn một cú đá phạt của cầu thủ Kingsley Coman (gốc Phi) của Pháp, sau đó một cầu thủ Pháp gốc Phi khác, Aurelian Tchouameni, đá hỏng một cú phạt khác, trong khi bốn cú đá phạt của Argentina, trong đó có Messi, đều thành công trước sự bất lực của thủ môn dày dạn kinh nghiệm là Lloris.

Đương nhiên Argentina thng với tỷ số đá phạt 4-2 sau khi hòa 3-3 trong trận đấu chính và phụ. Và thắng WC lần thứ ba. Messi, cuối cùng đã đạt được WC, anh khuỵu gối ở vòng tròn giữa sân và được bao quanh bởi các đồng đội reo mừng. Messi nay đã đạt đỉnh cao của sự nghiệp ở tuổi khó tưởng được, và Argentina qua được một trận đấu thử thách vô song trước sự đe dọa thường trực của chỉ một người: Mbappé. WC này sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Messi. 

Và phải nói đến Mbappé. Và sau đó đến Pháp. Trong bầu không khí đông đảo cổ động viên Argentina đang bắt đầu ăn mừng chiến thắng, đội bóng của Lionel Scaloni một lần nữa phải tự vực dậy sau cú đúp do Mbappe gây ra ở phút 80 và 81. Cũng may mà chính Messi là người đã cho họ hy vọng một lần nữa, nhmột pha dứt điểm hiểm hóc trong vòng cấm địa ở hiệp phụ thứ hai - chỉ để Mbappe ghi bàn một lần nữa.

Mbappe củng cố vị thế một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá hiện đại chỉ với cú hat-trick thứ hai trong một trận chung kết World Cup, sau cú hat-trick của Sir Geoff Hurst khi Anh đánh bại Tây Đức năm 1966. Nhưng cầu thủ 23 tuổi này vẫn phải chịu đựng nỗi đau thất bại. Tuy nhiên, chính Mbappe đã hồi sinh Pháp trong những giây phút kinh hoàng đó khi họ từ chỗ trông giống như kẻ thua cuộc nhút nhát trở thành người có thể chiến thắng, rồi ghi bàn thứ ba từ chấm 11m sau khi Messi đưa Argentina vượt lên dẫn trước. Trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc của hiệp phụ mà cả hai bên trao đổi cơ hội, Pháp lẽ ra đã có thể giành chiến thắng nhưng nhờ một pha cản phá tuyệt vời ở phút cuối của Martinez với cú đệm của tiền đạo Muani.

 Giới xem bóng đá nay kết luận rằng đây là WC tuyệt vời nhất, trận chung kết tuyệt vời nhất trong thời gian mấy chục năm qua. Giới bình luận nêu ra 5 điểm đặc sắc của WC năm nay: (i) Kỷ lục nhiều trận đấu có  kết quả bất ngờ: đến 24% số  trận đấu có kết quả được xem là  “upset”; (ii) Nhiều bàn thắng, nhưng sút ghi bàn ít hơn (more goals, less shots); (iii) WC năm nay “sạch hơn” - Ít phạt vì chơi xấu nhưng thời gian nằm vạ lâu hơn, nhiều hơn; (iv) Măng mọc - Nhiều cầu thủ trẻ đã xuất hiện trên sân cỏ quốc tế; nhưng (v) Tre già: Những cầu thủ lớn tuổi vẫn còn chỗ đứng với vai trò quyết định. Bằng chứng: Messi! 

  Có thể kết luận như thế hơi vội vàng, nhưng rõ rệt chắc chắn người ta nay đã quên Cristiano Ronaldo (cầu thủ người Bồ Đào Nha vẫn tự cho không ai bằng mình nhưng bị ngồi ngoài trong WC này và đang được Manchester United “giải phóng”: - ai muốn lấy thì cứ lấy - free) và đội Brazil sau trận chung kết huy hoàng này (chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt khi Brazil cúi đâu ra sân).