Sự thực thì chẳng phải ai cũng biết Qatar nằm ở đâu, cho đến khi giải vô địch túc cầu thế giới lần thứ 22 khởi diễn ở đó ngày 20-11 vừa qua. Khi thấy World Cup được tổ chức ở một nước Trung Đông Hồi giáo “vô danh tiểu tốt”, nhiều người lắc đầu. Khi biết thêm Qatar này là một nước sa mạc, diện tích chỉ vào khoảng 1/30 nước Việt Nam, và dân số tổng cộng là 2.9 triệu người, nhưng chỉ có 313.000 người là công dân Qatar chính hiệu, còn lại là những người “tha phương cầu thực”, “lưu vong”, thì chúng ta đương nhiên còn phải lắc đầu mà nói “điên”. Thủ đô Qatar là Doha, nơi cư ngụ của 80% người dân, còn lại chủ yếu là sa mạc bằng phẳng nằm dưới trũng.
Nhưng tìm hiểu lý do vì sao Qatar được chọn là nước tổ chức World Cup 22, có thể chúng ta nghĩ đến 3 lý do chính: (i) Trong 21 World Cup trước đó, chưa có nước Hồi giáo Trung Đông nào đứng ra tổ chức WC; (ii) Qatar là nước Hồi giáo “trung lập” nhất, nước duy nhất cố gắng hòa giải giữa hai môn phái “đánh nhau chết bỏ” Sunni (Saudi Arabia) và Shiite (Iran), và; (iii) Nước đặc biệt giàu có ở Trung Đông (tính theo chỉ số Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) trên đầu người, Qatar đứng hàng thứ tư trên thế giới – khoảng $61,000, GDP của Qatar vào khoảng 180 tỷ đô la, so với Việt Nam 360 tỷ với xấp xỉ 98 triệu dân). Chúng ta cũng có thể dễ đoán Qatar có một nền kinh tế dầu khí trữ lượng vô kể - chỉ sợ sau này xe hơi chạy điện, không chạy xăng nữa. Dự trữ dầu và khí thiên nhiên của Qatar đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong thế kỷ 21, Qatar nổi lên là một cường quốc bậc trung trong thế giới A-Rập chính là nhờ nguồn dự trữ tài nguyên năng lượng này.
Sự lựa chọn Qatar là nước tổ chức World Cup 22 cũng là một quyết định “gây tranh cãi”. Qatar vẫn là một nước chính trị lạc hậu từ bao đời, theo thể chế quân chủ độc tôn. Qatar bị nhiều tai tiếng trong thành tích trấn áp nhân quyền – nhất là đối với công nhân nước ngoài nhập cư. Chuyện tai tiếng mà người ta đang đồn đãi là bao nhiêu người công nhân xây dựng đã chết vì tai nạn xây cất cho tám sân bóng đá “hại điện” của World Cup này. 400-500 hay 5.000-6.000? (Trong đó có bao nhiêu người được Hà Nội cho đến Doha “lao động quốc tế”?). Người ta cũng nói một nước quá nhỏ và thành tích bóng đá chẳng hề có mà lại giao cho tổ chức World Cup thì đúng là chuyện không thể tưởng được, chỉ nói lên sức mạnh của đồng tiền trao dưới bàn… Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, vì chế độ độc tài ở Doha cũng chẳng thấm gì so với những chế độ tại Nga và Trung Cộng, thậm chí tại Iran. Còn Qatar là nước Trung Đông duy nhất sẵn sàng bỏ ra chục tỷ để tổ chức World Cup, trước mua vui, sau lấy tiếng…
Thế nhưng mọi chuyện phải tạm lắng dịu hay để cho qua đi, vì dù sao World Cup cũng đã được khai mạc trọng thể và hoan hỉ ngày 20-11. Có đông đủ 32 nước đã qua vòng loại và tham dự vòng chung kết ở đây, và trên tám sân vận động khổng lồ của Qatar bao giờ cũng có hàng chục ngàn người đại diện các nước tham dự, xem đầy những khán đài, reo hò, cổ vũ thân thiện. Đây là World Cup (viết tắt là WC) đầu tiên được tổ chức vào hai tháng 11 và 12, vì nếu tổ chức vào thời điểm thông thường bấy lâu nay tháng 6 và 7 thì cái nóng Trung Đông ở đây chịu không nổi. Trong không khí mát dịu của Qatar, hàng trăm ngàn du khách từ các nước tham dự WC đã đổ về dây, trước coi đá banh, sau du lịch. Cho nên thành công của WC Qatar không thể phủ nhận.
Trong 32 đội tham dự WC 22, châu Âu có đông nhất, 13 đội: Anh, Wales, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan, Serbia, Croatia; châu Mỹ 8 đội: USA, Ecuador, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Uruguay, Costa Rica; Trung Đông và châu Phi 8 đội: Qatar (nước chủ nhà), Senegal, Ghana, Cameroon, Morocco, Saudi Arabia, Iran, Tunisia; và Á/Úc 3 đội: Nhật Bản, Nam Hàn, Úc. Ngoại trừ Ý, nước đã bốn lần vô địch WC (hai lần trước Đệ nhị Thế chiến) không có mặt trong WC22 vì số phận đã định đoạt từ vòng ngoài, bảy nước cựu vô địch đều có mặt: Brazil (5 lần), Đức (4), Pháp (2) Argentina (2), Uruguay (2), Tây Ban Nha và Anh. Dĩ nhiên những nước này đều được xem là những đội mạnh có nhiều khả năng giành được chức vô địch. Ngoài ra, trước giải, người ta đương nhiên phải đề cập đến Bỉ là một nước sáng giá trên cầu trường quốc tế trong 10 năm trở lại đây. Hay Hòa Lan là đội đã ba lần vào chung kết WC. Hay Croatia là nước có một số cầu thủ thượng thặng. Không một nước Á hay Phi nào được xem là có thể vượt qua vòng 1 của WC năm nay.
Và sự vắng mặt của hai nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc (1.4 tỷ) và Ấn Độ (1.3 tỷ), cùng một nước đại cường hủ lậu là Liên bang Nga (145 triệu) là đáng để ý. Ba nước này làm nên 3/8 (37%) dân số thế giới. Dân Trung Cộng đang xuống đường, nhất quyết không chịu đeo mạng để xem truyền hình WC. Ở Nga, thanh niên đang lo trốn qua những nước láng giềng để khỏi bị Putin giết…
Lịch thi đấu bắt đầu với vòng loại: 32 đội được chia làm tám bảng, mỗi bảng bốn đội, thi đấu luân lưu để chọn hai đội đứng đầu mỗi bảng đi vào vòng trong. Ở vòng 16 đội còn lại, được ghép thành tám cặp, thi đấu loại bỏ, còn tám đội vào tứ kết. Sau tứ kết đương nhiên là bán kết và chung kết… Group A: Netherlands, Senegal, Ecuador, Qatar; Group B: England, USA, Iran, Wales; Group C: Argentina, Poland, Mexico, Saudi Arabia; Group D: France, Australia, Denmark, Tunisia; Group E: Japan, Spain, Germany, Costa Rica; Group F: Morocco, Croatia, Belgium, Canada; Group G: Brazil, Switzerland, Cameroon, Serbia; Group H: Uruguay, Portugal, South Korea, Ghana.
Kết quả vòng 1 như chúng ta đã biết có nhiều bất ngờ - lớn và nhỏ. Bất ngờ lớn là Đức, Bỉ và Đan Mạch bị loại. Đức bị loại vì đã để thua Nhật Bản 1-2 ngay trận đầu tiên và để cho Tây Ban Nha cầm chân 1-1 ở trận thứ nhì. Bỉ bị loại vì để cho Morocco hạ 2-0 và không thắng được Croatia ở trận quyết định (0-0). Đan Mạch thua cả Úc và Pháp, chỉ có đường khăn gói ra về sớm.
Bất ngờ cũng lớn và đặc biệt thú vị là Nhật Bản và Đại Hàn vào vòng trong nhờ những chiến thắng lịch sử. Ai mà ngờ được, Nhật thắng cả Đức và Tây Ban Nha, cho dù để thua Costa Rica trước đó. Đại Hàn thắng Bồ Đào Nha (làm quê Ronaldo) ở trận cuối cùng, phút cuối cùng cho nên được vào vòng trong cho dù cùng điểm với đội cùng bảng là Uruguay (của Suarez) nhưng hơn số bàn ghi được (4-4 so với 2-2). Hai đội Nhật và Đại Hàn làm sáng mặt người châu Á chúng ta.
Một điều cần ghi nhận là không một đội đứng đầu bảng nào thắng được cả ba trận để được 9 điểm. Thậm chí không đội nào được 8 điểm (làm sao có được)! Brazil, Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật đều có một trận thua (Brazil thua Nhật, Pháp thua Tunisia, Argentina thua Saudi Arabia, Nhật thua Costa Rica, Bồ Đào Nha thua Nam Hàn). Đứng đầu bảng với 2 thắng 1 hòa là Hòa Lan, Anh và Morocco. Vòng 2 có tám trận như sau:
1. Hòa Lan-Mỹ;
2. Argentina-Úc;
3. Pháp-Ba Lan;
4. Anh-Senegal;
5. Nhật-Croatia;
6. Brazil-Nam Hàn;
7. Morocco-Tây Ban Nha;
8. Bồ Đào Nha- Thụy Sĩ.
Sau đó là vòng tứ kết, đội thắng trận 1 gặp đội thắng trận 2, thắng 3 gặp 4, thắng 5 gặp 6, và thắng 7 gặp 8… Trong vòng tám trận này, hai trận khó tiên đoán là Anh-Senegal, Nhật-Croatia và Bồ Đào Nha-Thụy Sĩ. Có nghĩa là 5 đội “cầm chắc” vé vào tứ kết là Hòa Lan, Argentina, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha. Tiên đoán cho hào hứng cuộc chơi, Anh có thể thắng Senegal 2-1 hay 2-0 (quần chúng Anh mắc bệnh sống trong hoang tưởng, ảo mộng – thực tế Anh không có hàng tiền vệ), Nhật và Croatia thi đấu thêm giờ và Nhật có thể thắng nhờ đá phạt đền. Bồ Đào Nha cũng có thể thắng Thụy Sĩ nhờ đá phạt đền – không phải nhờ Cristian Ronald.
Chung cuộc, ai sẽ vô địch WC năm nay? Có lẽ Pháp (hay Argentina) và Brazil (hay Tây Ban Nha) sẽ đá chết bỏ trong trận chung kết. Pháp có những bàn chân vàng như Mbappe, Giroud, Dembele. Brazil có Richarlison, Casemiro, và Neymar (dzởm). Argentina có Messi là đại cầu thủ thứ thiệt. Tây Ban Nha có Gavi, Morata…
Và Pháp có thể lại vô địch lần nữa chăng (sau chiến thắng 2018)? Hay Argentina – cho dù không có bàn tay Thượng Đế (God’s hand) của Maradona?