3/1/21

Ngủ Đò

Trần Khiêm Đoàn

Năm 1971, trong một dịp vào Sài Gòn chấm thi tại trường Gia Long, tôi có dịp quen biết với một cặp vợ chồng người Nam, quê ở Cần Thơ. Vì biết là người Huế, lại đang dạy học ở vùng giới tuyến Đông Hà-Quảng Trị, nên anh chị đã dành cho tôi mối cảm tình đặc biệt của người lính văn phòng dành cho người lính đồn xa. Dù chưa ra Huế lần nào nhưng sự hiểu biết của cặp vợ chồng nầy về Huế khá sâu sắc và tỉ mỉ như cách nhìn của một nhà khảo cổ nhìn lại thời xa xưa qua sách vở. Một trong những mong ước của anh chị là một ngày nào đó được ra thăm Huế.

Tôi mời anh chị mùa Hè năm sau ra Huế ở lại với gia đình tôi chơi để làm một chuyến du lịch vùng đất có nhiều vui buồn đầy huyền thoại nầy.

Sau hơn một tuần chu du hết các thắng cảnh, lăng tẩm, chùa chiền, núi rừng, sông biển của Huế, hai ngày trước khi rời Huế về lại Cần Thơ, anh chồng kéo riêng tôi ra quán cà phê, nhìn trước nhìn sau để yên chí là không có tai vách mạch rừng rồi mới trầm giọng nói nhỏ vào tai tôi:

– Mình muốn cậu cho mình biết cái “dzụ” đó.

Tôi nhớn nhác chưa rõ chuyện gì, thì thào hỏi lại:

– Cái “dzụ” gì vậy anh?

Anh trả lời hơi lắp bắp:

– Thì, thì… cái “dzụ”… ngủ đò ấy mà!

– Tôi vỗ đùi cười ngặt nghẽo:

– Chuyện dễ ợt nằm trong lòng bàn tay, muốn lúc nào cũng đuợc mà anh làm tôi hết hồn.

ĐÔI ĐŨA

Khuyết Danh

Có người nói tình yêu giống như nước, mềm mại tươi tắn; cũng có người nói, tình yêu giống như rượu, càng lâu càng nồng; có người nói, tình yêu giống như một ngọn gió, đến đi không ai hay biết. Còn với tôi, tình yêu giống như một đôi đũa.

Đàn ông là một chiếc đũa, phụ nữ là chiếc còn lại, hai chiếc đũa nhờ duyên phận mà trở thành một đôi, từ đó luôn ở bên nhau, đó chính là tình yêu.

Một đôi đũa, phải đồng tâm hiệp lực, mới có thể gắp được những ngày tháng hạnh phúc. Đàn ông và phụ nữ, thiếu một chiếc cũng không được, một chiếc đũa chỉ có thể nếm được một chút nước chấm, mà vĩnh viễn không thể nắm bắt được mùi vị thực sự của cuộc sống.

Một đôi đũa, nhất định phải có một chiếc làm điểm tựa. Người phương Tây cảm thấy rất khó khi dùng đũa, tại sao vậy? Là bởi vì họ không biết cách cầm đôi đũa sao cho cân bằng. Muốn dùng đũa gắp thức ăn lên mà không bị rơi, thì một trong hai chiếc phải chịu ở dưới thấp hơn, làm điểm tựa để tiếp thêm sức cho chiếc kia kẹp lấy thức ăn.



Sử dụng sức ở ngón tay chỉ là tiểu xảo nhỏ mà thôi. Quả thực, trong tình yêu luôn luôn cần một chút “tiểu xảo”, nhưng sự hòa hợp bên trong giữa hai tâm hồn mới là điều cốt yếu nhất, tình cảm thực sự mới là thứ quan trọng số một!

Để đôi đũa phát huy tác dụng thì luôn cần hai chiếc đũa phối hợp nhịp nhàng. Có người thắc mắc, nếu chức năng của đôi đũa chỉ là gắp thức ăn thôi, vậy sao không thiết kế một đôi đũa liền một đầu cho dễ thao tác?

Nhưng không, nếu đôi đũa mà liền nhau, thì nó lại trở thành một cái kẹp. Nó cũng có thể gắp được, nhưng khả năng của nó chỉ có hạn, không thể gắp được những thứ quá lớn.

Còn đôi đũa thì rất tự do, nó rất linh hoạt, có thể mở rộng miệng như một chú sư tử, thâu nạp hết thảy những thứ tốt vào bên trong. Đó chính là sức mạnh của tình yêu.

Vậy nên, xin đừng quên rằng, một đôi đũa lúc nào cũng phải thật cân bằng, một chiếc làm điểm tựa, còn chiếc kia cần có không gian tự do, không gian ấy càng lớn, thì gắp được càng nhiều, chỉ cần người kia vẫn là một chiếc trong đôi đũa.

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ


Thơ Xuân buồn

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ

Xuân lại về, tha hương sầu viễn xứ.
Miền đất cũ : niềm tâm sự nhớ nhung.
Đời quân ngũ biết nói mấy cho cùng,
Người nằm lại trải mấy Xuân hờn tủi.

Rừng vắng, đồi hoang cô đơn thui thủi.
Một thuở nào tình đồng đội bên nhau.
Từ chốn xa đốt nén hương nguyện cầu,
Để nhớ mãi tình đậm sâu chiến hữu.

Không biết Anh đã về miền vĩnh cửu,
Hay hương linh còn ẩn náu chốn xưa ?
Chờ mai nở, đoán Xuân đến hay chưa,
Để mong đợi cánh thư từ hậu tuyến.

Hoài niệm cũ vẫn vấn vương hoà quyện,
Của một thời trong cuộc chiến cùng nhau.
Nay Xuân đến mái tóc thêm bạc màu,
Vẫn nhớ : ngọn đỉnh sầu Anh nằm lại.

Bài hát cũ gợi nỗi buồn tê tái,
Nhiều đứa con: Xuân mãi mãi không về.
Vì nợ Nước, chưa vẹn được câu thề,
Nỗi oan khuất, tráng sĩ hề: uất nghẹn!

Nay tất cả chỉ còn là kỷ niệm,
Của một thời chinh chiến đã trôi qua.
Cố tìm quên…nỗi nhớ chẳng phôi pha,
Chung rượu nồng, uống mình Ta thấy nhạt.

Thời gian dài, kiếp tha hương lưu lạc.
Mỗi đầu năm nghe câu hát mừng Xuân,
Nhắc đời lính lại thấy lòng lâng lâng
Một nỗi nhớ bâng khuâng ngày tháng cũ.

Hàn Sĩ Phan, Florida mùa Xuân 2021

 

2/26/21

ĂN CƠM CHƯA ? (食飯未 ?)

Tôi là người gốc Triều Châu nhưng từ nhỏ đến lớn chỉ học tiếng Việt và chỉ giao du với bạn VN và ngay cả cái nhà tôi ở cũng ngay trung tâm thành phố (ngay trước Hội Đồng Xã Tân An - Cần Thơ) và xung quanh là nhà của các công chức VN. Vốn liếng tiếng Tiều của tôi lúc đó rất ít nhưng lớn lên, cho đến giờ tôi vẫn có một suy nghĩ: tại sao người ta gặp nhau hay hỏi "Anh khỏe không?", "How are you?" "你好嗎?" nhưng duy nhất thời đó người Triều Châu ở VN găp nhau lại hòi "食飯未?" (chẹ bừng quề) có nghĩa là "Ăn cơm chưa?"

Nghe bà nội tôi kể: hồi đó bên Tàu nghèo lắm, nhất là ở quê hương của bà, không đủ cơm ăn, một nắm gạo nấu nước, người lớn uống nước cháo, gạn xác cháo cho con ăn đỡ dạ. Có lẽ đó là lý do tại sao rất nhiều người Triều Châu bỏ nước ra đi làm cu-li hay bất cứ công việc vất vả nặng nhọc vì chỉ mong tìm chút tiền để gởi về giúp đỡ gia đình và cho đến bây giờ trên thế giới, doanh gia người Hoa thành công lớn và giàu có trong thương nghiệp, đa số đều gốc gác Triều Châu.

2/25/21

Một Thời Mộng Hoa

Gặp nhau từ thuở Mộng Hoa,
Yêu thương tràn ngập đôi ta ngỡ ngàng
Tựa đầu soi bóng Lam Giang
Trao nhau những nụ hoa vàng Đồi Mưng
   

Tình ca hòa tiếng chim rừng,
Cỏ may đan kín con đường vào Mơ
Tình mình chưa dệt thành Thơ
Nụ hôn chưa ấm, ai ngờ chia phôi!

Xa nhau mười bẩy năm trời,
Nổi trôi Vận Nước buộc đời Chinh Nhân
Một chiều dừng bước hành quân
Chợt Em tìm đến một lần thăm Anh.

Nón nghiêng sương khói Cổ Thành,
Ái ân kết ngọc long lanh mắt huyền
Rồi Tình gặp những chuân chuyên
Giòng sông bão tố con thuyền sang ngang.

Bao nhiêu oan trái phũ phàng,
Cho tan những nụ Hoa Vàng ngày xưa
Bẽ bàng chiếc nón bài thơ
Sương lam khói bạc nhạt mờ xa xôi…

Chiều nay góc biển chân trời
Nao nao thương nhớ một Thời Mộng Hoa...

Trần Quốc Bảo.


Chuyện nàng cung nữ hiếu thảo: Sự tích Tết Nguyên Tiêu – Rằm tháng Giêng

Ngày 15/1 hay ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng với phong tục người Việt Nam và cũng có rất nhiều truyền thuyết về ngày Tết này.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là “Tết Nguyên Tiêu” là ngày lễ lớn trong phong tục của người Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mấy ai biết rằng, nguồn gốc của ngày tết này xuất phát từ lòng hiếu thảo của một cung nữ thời Tây Hán bên Trung Quốc.

Người xưa có câu: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng". Rằm tháng giêng cũng gọi là "Tết Nguyên Tiêu", nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. "Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm. Tên gọi Nguyên Tiêu còn gắn liền với sự tích nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán.