Hoàng Ngọc Nguyên
Cộng Hòa Thập nhân bang
Cuối cùng ngày 24-1, Hạ Viện Mỹ đã chuyển hồ sơ luận tội cựu Tổng thống Donald Trump qua Thượng Viện để nơi này, với vai trò bồi thẩm đoàn, kết luận về tội trạng và quyết định có truất bãi Trump hay không. Thượng Viện sẽ bắt đầu phiên tòa vào ngày 8-2! Như mọi người đều biết, để Thượng Viện chuẩn thuận việc luận tội này, cần có túc số 67 phiếu thuận, tức phải có 17 thượng nghị sĩ Cộng Hòa sẵn sàng bỏ phiếu chống Trump. Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah đã nói Donald Trump cần bị kết tội, nhưng một Thượng nghị sĩ cũng Cộng Hòa là Marco Rubio của tiểu bang Florida, nay là quê nhà của Trump, thì cho rằng phiên tòa này là “ngu xuẩn”. Đảng Dân Chủ thì cương quyết đi tới. Tồng thống Biden đã nói rõ cần phải kết án Trump, và ông không ngại phiên tòa này có thể làm chậm việc tiến hành chương trình hành động của ông. Câu hỏi đặt ra là do nay Trump đã đi, luận tội ông ta làm gì?
Chúng ta cũng đã biết trong biến cố 6-1, đã có ít nhất 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa và hơn trăm dân biểu Cộng Hòa, đương nhiên tất cả đều được xem là “cuồng Trump”, đã mưu định chống lại kết quả bầu cử mà Phó Tổng thống Mike Pence công bố tại Capitol Hill – nơi xảy ra bạo loạn, là nguồn gốc của việc luận tội Trump hiện nay. Hai thượng nghị sĩ Ted Cruz (Texas) và Josh Hawley (Missouri) nay đang nổi bật trong đảng, nhất là Ted Cruz từ khi ông ta để râu rất khó coi chỉ để cho biết ông ta nhất quyết theo Trump. Thêm một người không sạch sẽ khác là Rand Paul (Kentucky). Hôm 26-2, ông ta đòi Thượng Viện biểu quyết xem luận tội Trump có “vi hiến” hay không. Rand Paul là người đứng đầu phái tà đạo “Libertarian”. Đương nhiên nay họ chống lại việc luận tội, với lý do Biden mới lên, đảng Dân Chủ mới nắm đa số, cần thời gian thu phục nhân tâm, và phải tỏ thiện chí thỏa hiệp, “hòa hợp hòa giải” với đảng Cộng Hòa đối lập bằng cách đừng đụng tới Trump. Hơn nữa, Biden cần tập trung vào việc triển khai đường lối xóa bỏ di sản của Donald Trump. Rất nhiều chính sách mới của Biden được thực hiện qua hàng loạt “sắc lệnh định hành pháp”, đang gây nhiều tranh cãi, như ngưng trục xuất di dân, ngưng xây tường, quân đội không xét “tính chuyển giới”, mở lại thị trường bảo hiểm Obamacare trên mạng, gia nhập trở lại Hiệp ước quốc tế về thay đổi khí hậu Paris... Để được sự hợp tác của Cộng Hoà, Biden phải sẵn sàng “quên quá khứ và hướng về tương lai”.
Kiếm ra được 17 phiếu Cộng Hòa hầu như là một “mission impossible” của người Dân Chủ. Ngày 26-1, Thượng Viện bỏ phiếu 55 thuận, 45 chống việc họp luận tội. Năm người Cộng Hòa đứng về phía Dân Chủ là những khuôn mặt quen thuộc: Mitt Romney, Ben Sasse, Patt Toomey, Lisa Murkowski, Susan Collins... Nhưng đến 45 người Cộng Hòa còn lại quyết chống đến kỳ cùng việc đưa Trump ra phân xử. Ngay cả Mitch McConnell cũng không dám làm điều gì ngoạn mục. Ông không còn sợ Trump nữa, nhưng phải giữ ghế bằng cách bảo vệ sự “đoàn kết” trong đảng.
Có thể nói người Cộng Hòa nói chung sợ “dứt giây động rừng”. Nay Trump đã đi rồi, các nhà dân cử Cộng Hòa có thể cũng chẳng lưu luyến gì, bởi vì trong thâm tâm, phần lớn hẳn phải biết ông cựu tổng thống này là người thế nào, từ tư cách đến sự liêm chính... Nhất là có tin ông ta đang đe dọa sẽ lập ra một đảng riêng của ông, một đảng Cộng Hòa theo Trump, như lời thằng con trai nói. Sợ các nhà dân cử “hiểu lầm” mà mạnh dạn bỏ phiếu truất bãi, Trump đã phải lên tiếng nói mình vẫn là người Cộng Hòa và đang có kế hoạch đi vận động cho các ứng cử viên của đảng trong bầu cử năm 2022 (chủ yếu là cho các con và dâu của mình).
Trump vẫn coi số phiếu ông ta đạt được trong bầu cử 74.2 triệu là chưa đủ vì “bầu cử gian lận”, nhưng chính con số này đã khiến cho các nhà dân cử Cộng Hòa hiện nay vừa sợ Trump vừa cần Trump mà không dám bỏ Trump. Trump được khoảng 47.6% số phiếu của người đi bầu, và con số 74.2 triệu tương đương với sự ủng hộ của khoảng 33% dân số trên 18 tuổi. Khá phù hợp với các kết quả thăm dò cho thấy ông ta được khoảng 35% người dân ủng hộ vững chắc (thay cho chữ “cầm chuông”). Hầu như tất cả cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu – nô nức bỏ phiếu - cho Trump. Không phải vì Trump là Cộng Hòa mà vì Trump là Trump. Như vậy, nhà dân cử nào dám bỏ Trump?
Khi nhìn đến đám đông bạo loạn tấn công vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ vào ngày 6-1 bất kể luật pháp và lực lượng bảo vệ an ninh, đồng thời quần chúng cuồng Trump cũng xuống đường khắp các tiểu bang trên nước Mỹ, nhiều phần tử còn có vũ trang, để phủ nhận kết quả bầu cử, những dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa đều phải nghĩ lại và hiểu mình ở thế “khó xử”: về lý, tức lẽ phải và công bằng, Trump phải ra tòa trả lời cho những tội trạng của mình; về tình, nếu không nghĩ đến ý nghĩa của con số 74 triệu này thì năm tới kiếm phiếu ở đâu.
Cái hỏng của chính trị và dân chủ thời nay chính là thế. Người dân cử chỉ biết có cử tri của mình. Bởi thế mà một bà dân biểu Cộng Hòa tân cử, Marjorie Taylor Greene, thuộc tiểu bang Georgia có một quần chúng cực hữu bạch chủng thượng tôn mạnh, đang bị điều tra vì lên tiếng cổ vũ phải xử tử những người lãnh đạo đảng Dân Chủ. Bà Greene này, một người đi lên từ môn phái bạo lực cực hữu QAnon, chống Hồi, chống “người ngoài” (alien), chống người gốc Do Thái, đã nói “cho một phát vào đầu là xong” (a bullet to the head would be quicker). Đầu đây là đầu của bà Nancy Pelosi (Đó là lý do trong khi bà chủ tịch đang điều khiển họp khoáng đại của Hạ Viện luận tội Donald Trump, thỉnh thoảng bà lại sờ đầu). Điều thú vị là ở tiểu bang da trắng cực hữu này, Biden bất ngờ thắng Trump trong đường tơ kẻ tóc, và hai ghế thượng viện của Georgia cũng rơi vào hai người Dân Chủ trong bầu cử ngày 6-1 vừa qua. Đó chính là một cảnh báo về cận ảnh an ninh quốc gia và chính trị bất ổn của nước Mỹ: sự nổi dậy của người da trắng sẽ gặp đối kháng mãnh liệt từ quần chúng da đen, Latino, Mỹ gốc Á... hợp quần gây sức mạnh. Nội chiến đến nơi?
Một người làm chính trị thường phải hành động vì lợi ích của bốn đối tượng: đất nước (quốc gia hay tiểu bang), người dân (cử tri của đảng hay toàn dân), chính đảng (là sự lựa chọn cái áo mình mặc), và cá nhân. Đúng là một sự lựa chọn có khi cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nhiều suy nghĩ, cân nhắc. Trường hợp lý tưởng là tất cả những lợi ích này tương hợp, đồng thuận, nhưng trên đời này làm gì có chuyện lý tưởng như thế. Đất nước này ngay từ thời lập quốc hầu như đã luôn luôn có bao nhiêu chuyện mâu thuẫn đối kháng có tính nghiệp chướng.. Mâu thuẫn đối kháng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích tiểu bang; lợi ích của những nhóm cử tri khác nhau và lợi ích toàn dân; quyền lợi của đảng và quyền lợi đất nước; sự đối nghịch giữa hai đảng đang làm cho đất nước không ngóc đầu lên được. Và chót hết là câu hỏi vì sự nghiệp chính trị, làm sao một nhà chính trị có thể thỏa hiệp được tất cả các lợi ích thường là mâu thuẫn đối kháng trên đây, và trong trường hợp phải chọn lựa, thì phải theo ai bỏ ai.
Câu trả lời đương nhiên là Me First hiểu theo cách đơn giản nhất, nghĩa là lá phiếu của cử tri bỏ cho mình, và trong trường hợp các nhà dân cử Cộng Hòa cụ thể chính là phiếu của cử tri cuồng Trump không thể thiếu được. Bởi vậy mà chúng ta mới nghe những lời chua xót từ Dân biểu Cộng Hòa Adam Zinlinger thuộc tiểu bang Illinois. Ông là thành viên Quốc Hội liên bang từ năm 2010, khi ông mới 32 tuổi. Nay ông đang nổi bật vì là một trong số mười dân biểu Cộng Hòa tán đồng lá phiếu Hạ Viện luận tội Trump. Ông cho rằng quyết định của ông phải luận tội Trump nay đang chấm dứt sự nghiệp của ông, nhưng ông không thể làm khác đi được vì đó là vấn đề lương tâm và liêm sỉ, là sự trung thực phải có nơi con người, nhất là người làm chính trị có trách nhiệm giáo dục, dẫn dắt quần chúng. Kết tội ông Trump vào tội phản nghịch (treason), xúi giục bạo loạn cướp chính quyền trong biến cố ngày 6-1 là vấn đề bảo vệ công lý và dân chủ của đất nước để cho chế độ vững mạnh.
Nhiều nhà quan sát chính trị thời nay đã nói rằng nền dân chủ Mỹ đang bị thách đố nghiêm trọng bởi vì, suy cho cùng, ngay chính những người có trách nhiệm nhiều nhất bảo vệ dân chủ (đảng phái chính trị và các nhà dân cử tiểu bang cũng như liên bang) lại tỏ ra tắc trách, vô ý thức và thiếu hiểu biết nhất. Khi phải đứng trước những chọn lựa có tính bắt buộc phải hành động thế nào, người ta đã chọn lựa “Me First” một cách dứt khoát – theo nghĩa quyền lực và tiền tài cho mình trên hết. Bởi vậy mà trong vụ án Donald Trump hiện nay, những người Cộng Hòa đã không dám nhìn thẳng vào tội trạng tày trời của Trump, đã không nghĩ đến nhu cầu phải chỉnh đốn nền dân chủ Mỹ, đã không nói chuyện hợp tác đoàn kết với phía Dân Chủ theo lời kêu gọi của tân Tổng thống Joe Biden. Họ đang bị kẹt trong một chủ nghĩa dân túy bảo thủ (conservative populism) mà khối quần chúng mà họ cần (phiếu) và sợ (khủng bố) chính là khối người “da trắng thượng đẳng” (white supremacists) chiếm tỷ lệ đến 35-40% trong tổng dân số nước Mỹ, trong đó đặc biệt có một thành phần đang muốn đấu tranh vũ trang như kiểu militia thời lập quốc, vùng dậy để cho thấy sức mạnh lấn át của bạch chủng trong xã hội và trong chính trị đa chủng, đa văn hóa này. Ngay tại Hạ Viện cũng có dân biểu Greene tiếng nói của nhóm QAnon, cổ vũ bạo lực súng đạn chống những người “phản bội nước Mỹ” trên mạng truyền thông xã hội. Những dân biểu Cộng Hòa vẫn giữ im lặng cho dù phía Dân Chủ đòi họ phải lên tiếng.
Những tin tức tân chính quyền đưa ra trong tuần lễ cuối tháng giêng chẳng có gì hay ho.
Bộ An ninh Nội địa ngày 27-1 đã đưa ra cảnh báo trong thời gian tới đây, có thể vài tuần, có thể vài tháng, những nhóm da trắng thượng đẳng có vũ trang sẽ mở ra những vụ khủng bố trên nhiều tiểu bang – nhất là ở những tiểu bang “chiến địa” có tranh chấp về chủng tộc. Ngày 6-1 là một cột mốc. Trước đây, ít người dám nghĩ có thể xảy ra chuyện có những người Mỹ dám tấn công và chiếm đóng Capitol Hill, và làm cho dân chủ Mỹ bị tê liệt. Nay thì tất cả mọi chuyện có thể xảy ra - kề cả nội chiến mini. Nạn khủng bố bạo lực nội địa đang có hướng gia tăng. Từng nhóm nhỏ “da trắng thượng đẳng” có vũ trang đang chờ chực cơ hội để quấy phá an bình xã hội, đang đe dọa một số nhà dân cử thuộc đảng Dân Chủ và cả một số người Cộng Hòa chống Trump. Ngày nay chẳng ai nói đến khủng bố đến từ bên ngoài nữa!
Chẳng những làm ngơ trước tội trạng của Trump cũng như không quan tâm gì đến những đe dọa khủng bố nội địa, Dân biểu Kevin McCarthy, chủ tịch khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ Viện, người từng lên tiếng nói Trump phải chịu trách nhiệm về vụ bạo động ngày 6-1, thì ngày 28-1, lại bay đi Florida chầu chực ông Trump. Đương nhiên, chẳng phải để thỉnh ý ông Trump về những vấn đề thời đại mà Cộng Hòa phải đưa vào cương lĩnh: chống COVID-19; giúp đỡ thành phần khó khăn và phục hồi kinh tế; tăng cường vai trò lành mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới đứng trước một trật tự quốc tế mà Trump đã phá bỏ trong bốn năm qua. Cộng Hòa chẳng quan tâm đến những chuyện này, mà trong đầu Trump, người đưa ra thuyết “Cứu Lấy Nước Mỹ” (Save America) cũng chẳng có gì để nói. McCarthy gặp Trump là để cho thấy đảng Cộng Hòa vẫn là của ông ta, đứng sau lưng ông ta, và nay muốn ông trở lại... cùng để xin ông hợp tác (đừng phá những ứng cử viên Cộng Hòa không theo ông), ủng hộ để đảng Cộng Hòa giành lại thế đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện trong bầu cử năm 2022. Tuy nhiên, Trump đã nhấn mạnh cần loại bỏ bà Liz Cheney, nhân vật thứ ba của đảng tại Hạ Viện – bà là một trong thập nhân bang chống ông. Dĩ nhiên, ông không hề “care” bà là con gái của Dick Cheney, cựu Phó Tổng thống nổi tiếng về chủ nghĩa bảo thủ trong tám năm dưới thời George W. Bush.
Bởi thế, người ta nói khi tiễn McCarthy ra cửa, Trump đứng xoa tay, xem chừng rất thỏa mãn. Ông ta nay cảm thấy chẳng những bình chân như vại mà còn ngây ngất về những thành công không tưởng được trong mục đích phá tan hoang nước Mỹ. Đảng Cộng Hòa xem vậy mà trung thành, vẫn là của ông, hay vẫn còn sợ ông, sau thử thách lịch sử ngày 6-1 vừa qua. Và nhanh chóng bị ru ngủ trong thuyết “Save America” để “Make America Great Again” của ông. Và đúng là ông nói đúng: quyền lực của tổng thống vô hạn. Ông chẳng có gì để sợ đảng Dân Chủ nữa. Bởi vậy, ông lập một Văn phòng Đại diện Cựu Tổng Thống nhằm “tiếp tục nghị sự chính trị” (political agenda) của ông - thực ra để tiếp tục quyên tiền... Bà Melania Trump cũng bắt chước, mở một văn phòng liên lạc, mục đích không phải để tranh đấu cho những người mẫu nước ngoài vào Mỹ không gặp may mắn như bà, có thể bị trục xuất, mà văn phòng này sẽ lo cho “quyền trẻ em”. Có lẽ bà cũng nghĩ ba năm nữa Trump tranh cử trở lại, bà phải có gì đó để vận động cho chồng.
Câu chuyện kể đến đây khiến cho chúng ta có thể ngao ngán: Hết thuốc chữa!
Cái gì hết thuốc? Đảng Cộng Hòa hay dân chủ Mỹ?
Trả lời an toàn nhất: Chắc chắn là cả hai!