10/25/20

Bàn tay vợ hiền

 Bàn tay vợ hiền 

Vuốt tóc em âu yếm dịu dàng
Một thời nắng gió phải nặng mang
Mình nghèo lo kiếm ăn bươn chải
Đâu có thời gian để điểm trang..

Mái tóc huyền đen phủ kín vai
Bây giờ thưa thớt thế nầy đây
Trước khi phẫu thuật người ta cạo
Hơn 6 tháng nay chửa kịp dài !

10/24/20

Món Hàng Từ Quê Cũ

 Dạo:


Ngậm ngùi vật đó, mình đây,
Mai kia đều cũng vùi thây xứ người.
Cóc cuối tuần:

Món Hàng Từ Quê Cũ

Chân rảnh rỗi tạt vào khu thương mại
Vừa được quyền mở cửa lại gần đây,
Mắt láo liên nhìn nam bắc đông tây,
Lâu lắm mới có một ngày xuống phố.

Tiệm bán hàng đồ sộ,
Giày, áo quần... bày khắp chỗ dọc ngang,
Khách tha hồ đủng đỉnh lang thang,
Tay mó máy món này sang món nọ.

Chợt thoáng thấy món hàng nằm bó rọ,
Được đến từ miền đất khổ xa xôi,
Khẽ mấp máy bờ môi,
Chân nhích lại, tim bồi hồi xúc động.

Thương món hàng lạc lõng
Lóng ngóng đợi tay người,
Thân phận hạt mưa rơi
Đang vất vưởng nửa vời trên đất lạ.

Liếc nhìn qua giá cả,
Càng buốt giá ruột gan,
Người thợ làm vất vả ở Việt nam,
Đã lãnh được mấy phần ngàn giá bán?

Kẻ hưởng lợi chính là bầy cướp cạn,
Lợi dụng cơn kiếp nạn của quê nhà,
Cấu kết cùng lũ tài phiệt phương xa,
Để bóc lột đến tối đa đồng loại.

Người dân nghèo ngắc ngoải,
Cả gia tài còn lại mỗi đôi tay,
Đành đau lòng chấp nhận mọi đắng cay,
Liều phó mặc rủi may cho số phận.

Các hãng xưởng mọc đầy trên đất hận,
Mà chủ nhân đứa ở tận Nam Hàn,
Đứa rung đùi đếm bạc ở Đài Loan,
Chỉ dân Việt lầm than làm nô lệ.

x

x x

Hỡi sản phẩm đang được bày trên kệ,
Ai còng lưng lao lực để cho ngươi
Được chủ nhân xuất cảng đến xứ người,
Và tham dự vào trò chơi đắt rẻ?

Phải chăng là đứa trẻ,
Tuổi thơ ngây đáng lẽ được đến trường,
Mà chỉ vì lâm hoàn cảnh đáng thương,
Đành vắt sức đổi đồng lương rẻ mạt?

Hay cô gái đồng quê dù đói rạc,
Vẫn quyết không bán thân xác kiếm tiền,
Nên cam lòng chịu khổ cực triền miên,
Gắng lao động ngày đêm quên giấc ngủ?

Hay là kẻ dẫu học hành đầy đủ,
Nhưng không tiền đút lót lũ âm binh,
Vì chén cơm bát cháo của gia đình,
Việc tệ mấy cũng ép mình chấp nhận?
x

x x

Càng khắc khoải đứng nhìn, càng uất hận,
Thương quê hương, thương số phận dân mình,
Thương món hàng từng bước nhỏ linh đinh,
Đang tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ.

Người cũng thế, một "món hàng" xa xứ,
Được từ lâu "sản xuất" ở quê nhà,
Vì vận nước phong ba,
Nên đã phải ôm hờn xa đất mẹ.

Món hàng thật, tuy giờ còn mới mẻ,
Nhưng mai rày cũng sẽ phải tả tơi,
Cũng sẽ chung nỗi bất hạnh với người,
Cùng chua xót phút cuối đời luân lạc.

Vật hết kiếp sẽ vùi thây bãi rác,
Người xong đời cũng gửi xác nơi đây,
Hai số phận lưu đày,
Sẽ chẳng có dịp quay về chốn cũ.

Trần Văn Lương
Cali, 10/2020

"KỶ NHÂN HỒI"


"KỶ NHÂN HỒI"
Hoang lạnh trải sương vào thung lũng
Lối mòn theo dốc mịt mờ leo
Khoác áo giang hồ trên vai mỏi
Nhìn mây viễn xứ nhớ quê nghèo.

Có phải ta vừa mơ hạnh phúc
khi nhìn hoa dại nở trong mưa
Chợt nhớ nhà ai vàng hiên cúc
Hỏi thầm cố quận đã Thu chưa?

Một gánh tang thương đời phiêu bạt
Tuổi thơ bỏ lại phía sau lưng
Hoa niên cũng lắm phen trôi dạt
Tóc trắng đường mây, bước vô chừng.

Ký ức hành hương về dĩ vãng
Theo trang nhật ký thả ngược dòng
Níu lại thời gian, dù khoảnh khắc
để thoáng hương xưa quyện hoài mong.

Không phải sa trường sao "Túy Ngọa"?!
Đong giọt sầu trong chén đầy, vơi

Ly khách quặn lòng mơ quê cũ
Viễn phương, hồn mộng "Kỷ Nhân Hồi".
HUY VĂN ( HVC )

10/23/20

CUỘC ĐỜI ĐAU THƯƠNG CỦA LOÀI CHIM YẾN

 


Có 1 lần lâu lắm rồi , tôi có gặp người bạn nói ngày xưa ở VN trước năm 75 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến…

Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy ác độc quá…Ông nói tội lắm cô ơi…đôi khi phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ…Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã mất kêu thảm thiết lắm…Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ…

CHUYỆN CỦA CHIM YẾN
Câu chuyện ray rức lòng người. Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.

Yến, sống trung thành – chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.

Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quãng đời còn lại.

Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn còn cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.
Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.

Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.

Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp , còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào, hầu nhét cho đầy lòng tham. Loài đã làm những cuộc tàn sát đẫm máu mang tên “Yến Sào”.

Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được, một số giống người man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”…

Cuộc đời loài chim yến hiện nay thật quá thương tâm, vì lòng tham và sự tàn nhẫn của con người chưa từng giảm bớt…Hãy dừng lại việc nuôi yến, bán tổ yến cho đến tiêu thụ các sản phẩm từ chim yến.
Nhân nào quả đấy, nếu mình phá hoại nhà cửa của người ta, chia rẽ gia đình người ta, cướp đoạt cái mà chẳng phải thuộc về mình, ăn nuốt vật phẩm dựa trên máu, nước mắt và sinh mạng của chúng sanh thì tương lai gia đình mình, con cháu mình, và cá nhân mình chẳng lẽ không bị quả báo tương tự hay sao?
Vì vậy: Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.

10/21/20

Diễn Đàn "Tỉnh Táo"

Kính gửi quý giáo sư và anh chị,
Diễn đàn DLUB75 sẽ đóng cửa vào ngày November 10, 2020 và tôi sẽ lập một diễn đàn mới, lấy tên là Tỉnh Táo với các chi tiết đã được thông báo cách nay 10 phút.

Best regards,

BP


Mục đích sinh hoạt của diễn đàn Tỉnh Táo rất đơn giản:

chia sẻ mọi loại tin tức
tán gẫu giải khuây với những chuyện thông thường trong đời sống
thảo luận chỉ trên sự kiện mà thôi, không đả kích cá nhân thành viên
đăng hay không đăng email vào diễn đàn là tự do tuyệt đối của mỗi thành viên.
Diễn đàn có đại đa số trên 65 tuổi và căn bản là quý giáo sư, cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt trước ngày 30-4-1975 nhưng không giới hạn những ai không có mối tương quan Đà Lạt.

Chỉ những ai đã ghi danh mới có thể xem và đăng email vào diễn đàn; người ngoài diễn đàn không thể thâm nhập được.

Bắt đầu vào ngày November 15, 2020, tôi sẽ gửi email đến mỗi một người mà tôi kỳ vọng sẽ chấp thuận tham gia vào diễn đàn Tỉnh Táo, và diễn trình này sẽ phải mất đến 60 ngày mới xong bởi lý do là Google chỉ cho phép gửi thư mời 10 người mỗi ngày - không mời en mass được.

Đến ngày January 15, 2021, một danh sách thành viên sẽ công bố với họ, tên, (giáo sư, trường, khóa, quốc gia cư ngụ nhưng không công bố địa chỉ email.) Và sau đó, tất nhiên sẽ có người vô, người ra theo thời gian, và tôi tùy nghi mà thông báo.

Best regards,
BP

Tuổi Dại

Anh chị nào hết chuyện chơi, ngồi ở nhà không có chuyện gì làm xin vào xem phim Tuổi Dại ở cái link sau:https://www.youtube.com/watch?v=fTjYXTjrUIE  Một người bạn thân là đạo diễn gởi nhờ giới thiệu với bà con, bạn bè. Phim này do hãng Alpha Film (trước 75) sản xuất, quay tại Việt Nam khoảng năm 73-74, có vài cảnh Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tầu và chưa bao giờ được chiếu ra. Khi quay xong, phim được gởi sang hãng Kodak ở Hồng Kông để rửa nên mãi sau này người bạn sang Hồng Kông chuộc lại và bây giờ về hưu mới có thì giờ để xem lại và gởi cho bạn bè coi chơi. Đây là 1 phim về giới trẻ con nhà giàu ăn chơi thời đó, với sự hợp tác của vài tài tử có chút tên tuổi như Đoàn Châu Mậu, Tùng Lâm, Trường Kỳ,.... Nhưng với kỹ thuật, phương tiện, hoàn cảnh xã hội, cũng như trình độ điện ảnh của Việt Nam thời đó thì chỉ tới đó thôi. Đương nhiên anh chị em Thụ Nhân toàn là "con nhà lành" chỉ biết cắp sách đến trường nên đâu có biết ba cái chuyện ăn chơi trác táng như thế này, nhưng rảnh thì xem cho biết, nhất là vài cảnh xưa. Còn anh chị nào thuở xưa trong nhóm ham vui thì xem để nhớ lại một thời "oanh liệt" nay còn đâu. PS. 

Hình như bên Á Châu và Âu Châu thì OK, còn Mỹ Châu có thể chưa coi được vì Youtube còn đang review copyright của mấy bản nhạc.