Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts

9/18/22

BẦU CỬ GIỮA MÙA: NHỮNG CÂU HỎI

Hoàng Ngọc Nguyên


Đến giữa tháng chín, chỉ còn khoảng 50 ngày, hay bảy tuần,  người Mỹ sẽ đi bầu cử giữa mùa – midterm elections - nhằm vào Hạ Viện (toàn phần) và Thượng Viện (1/3). Đương nhiên người ta đang nói nhiều về cuộc bầu cử này vì nó sẽ định hình chính trị nước Mỹ không chỉ trong hai năm tới mà còn sẽ có tính cách quyết định bầu cử tổng thống năm 2024, ai còn ai mất. Nước Mỹ đang ở vào một thời điểm cực kỳ thử thách. Thời mạt pháp dường như đang bao trùm loài người khắp nơi. Bởi thế mà chúng ta đang có một đương kim tổng thống đứng ngồi không yên và một cựu tổng thống không chịu ngồi yên. Tình hình sẽ tệ hại hơn hay chăng, đúng là phải chờ ngày 8-11 chúng ta mới có thể thấy được.

8/10/21

DÂN CHỦ THOÁI TRÀO

Hoàng Ngọc Nguyên


Giới chính luận trong thời gian gần đây đã bàn nhiều về “hiện tượng” dân chủ suy thoái đến mức nguy hiểm ở Mỹ. Và ý kiến của nhiều người khi tìm hiểu hay nhận định về nguyên nhân chú mục về sự suy yếu của truyền thông trong sự tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Trong cuộc chiến phá hoại dân chủ này nổi lên “người hùng” NPD Donald Trump!

Dân chủ hàm xúc một ý nghĩa rộng lớn khi ta nói về những giá trị dân chủ, chính trị dân chủ, cơ chế, định chế dân chủ, pháp luật dân chủ, quyền dân chủ... Nhưng thông thường, khi nói đến những giá trị hay nguyên tắc dân chủ, ta nói về một chính phủ dân cử (một chính phủ của dân, do dân, vì dân – do đó ngưòi dân vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đi bầu); một cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) có khả năng kiểm soát qua lại (checks and balance) để tránh sự lạm dụng; một hệ thống nhà nước pháp trị (rule of law) để tránh sự độc tài hay lạm quyền; sự bình đẳng của con người trong xã hội (equality) và trước pháp luật; quyền tự do cá nhân về phát biểu, hội họp...

Và cũng đương nhiên, khi nói về dân chủ đặc biệt ở Mỹ, chúng ta cũng phải nói đến vai trò và trách nhiệm của truyền thông chính lưu (truyền hình, báo chí...) trong việc cung cấp những thông tin, phản ảnh những đường lối chính sách của chính phủ (bao gồm cả ba ngành) cùng nhận định, tranh luận, phê phán... những đường lối chính sách đó. Không có vai trò tích cực đó, người dân sẽ bị “mù” (chẳng hiểu nhà nước đang làm gì, nhằm mục đích gì), bị “điếc” (không nghe được gì), và bị “câm” (không nói lên được ý kiến của mình). Chỉ có báo chí tự do mới có đối lập thực sự - vốn là nền tảng của một nền dân chủ pháp trị.

Nước Mỹ vẫn tự hào có một nền dân chủ hàng đầu trên thế giới. Ngọn đuốc sáng về dân chủ cho toàn cầu. Và đó cũng là một trong những lý do Mỹ vẫn được xem là nước lãnh đạo Thế giới Tự do trong chiến tranh lạnh chống cộng sản quốc tế kéo dài hơn 40 năm - nếu không nói chống độc tài, phát xít trong hai thế chiến đệ nhất và đệ nhị. Nước Mỹ trẻ trung này vẫn có một hiến pháp dân chủ lâu đời nhất thế giới (có lẽ vì vậy mà người ta không muốn tu sửa, như gìn giữ một món đồ cổ?) nhấn mạnh ở tính dân cử của chính quyền và dân quyền của công dân. Dân chủ của Mỹ cũng có ý thức cảnh giác cao độ về sự lạm dụng của quyền lực, của thế đa số. Bởi thế cơ chế chính trị liên bang và tiểu bang khá phức tạp (chẳng thế thì đã chẳng có Nội Chiến 1861), và chính trị của Mỹ cũng phức tạp theo đó. Ví dụ như Đảng Dân Chủ nhân danh “của dân, do dân, vi dân” nên chủ trương tăng cường khả năng (ngân sách) chính phủ lo cho dân bằng cách đòi hỏi giới lợi tức cao phải đóng góp thêm, trong khi đảng Cộng Hòa vốn chủ trương “kềm chế chính quyền” để chống sự lạm dụng dân quyền cho nên chống việc tăng thuế nhắm vào lớp trên, đồng thời tìm cách bó tay chính phủ chi cho lớp dưới bằng quyền chuẩn chi ngân sách...

Nói về sự suy đồi dân chủ, điều này thực ra đang diễn ra nơi nơi từ lâu nay. Những mong đợi lạc quan một thời thế kỷ 21 sẽ mở ra một chương mới cho dân chủ toàn cầu nay đã trở thành thất vọng chán ngán. Sự cáo chung của chiến tranh lạnh đã mở ra một chương mới, như mở nắp hộp Pandora, bao nhiêu thế lực ma quỉ nổi lên. Nga, Tàu và cả Hồi giáo đều muốn giành quyền viết lại trật tự thế giới mới, trong khi Mỹ cứ loay hoay không xác định được lối đi: duy trì trật tự cũ hay xây dựng trật tự mới? Cựu Tổng thống Donald Trump là một sản phẩm rất thích hợp của thời thế nhiễu nhương. Nhiều nhà phân tích chính trị đã chỉ ra rằng Trump muốn đi vào lịch sử như một người lãnh đạo độc tài đầu tiên của nước Mỹ - tương ứng và tương xứng với Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Tàu, cho dù ông ta đương nhiên chẳng hề đọc “Tam Quốc Chí” để hiểu rằng Ngụy, Ngô, Thục cuối cùng cũng rã đám. Cứ xem cách ông hành động và lôi kéo khối quần chúng cử tri da trắng thượng đẳng đi theo ông trong bốn năm 2017-2020 thì chúng ta có thể thấy rõ điều này.

Sự vô hiệu của nền dân chủ Mỹ trong việc xây dựng một chế độ chính trị lành mạnh, tạo được sự đoàn kết, hợp tác của toàn dân để giải quyết những vấn đề của đất nước - ngắn hạn cũng như lâu dài – đã nổi bật khi tình hình tệ hại đến mức không thể xấu hơn được dưới thời Trump: biên giới Mỹ Mễ dài cả 3.200 cây số, Trump wall chỉ xây được vài chục kilômét làm kiểng trong khi hàng ngàn trẻ em bị mất cha mất mẹ; chủng tộc ngày càng phân hóa bởi vì chủ nghĩa Ku-Klux-Klan đang sống dậy trong hàng ngũ những người da trắng “rác rưởi” (white trash), đến mức nay người da vàng có lý do để sợ bị nhầm là người Hoa khi ra đường; bạo lực súng đạn và nạn xả súng vào đám đông (mass shootings) là “chuyện thường ngày ở huyện”, cùng với sự bạo hành của cảnh sát da trắng thường nhắm vào người da đen; và Trump là tổng thống Cộng Hòa đầu tiên chưa hề nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ và tạo ra tình trạng cắt chiếu giữa hai chính đảng... Sự lạm quyền, lạm dụng dân chủ của Trump thể hiện rõ qua cách ông để cho Putin lấn át Mỹ trên trường quốc tế và xóa bỏ trật tự quốc tế mà Mỹ đã bao đời xây dựng. Ông cũng là tổng thống đầu tiên chỉ trong một nhiệm kỳ chịu ba lần luận tội truất bãi của Quốc Hội. Sự bao che, dung túng tội phạm của đảng Công Hòa tại lưỡng viện đã nói rõ dân chủ của Mỹ què quặt thế nào!

Thực ra, khi một người như Trump nhất quyết ém nhẹm hồ sơ thuế của mình được bầu làm tổng thống mặc dù ông ta thua bà Clinton rõ ràng ở số phiếu phổ thông, giới thức giả hẳn phải ưu tư, lo lắng cho dân chủ Mỹ! Cử tri Mỹ đang có vấn đề gì? Cơ chế chính trị của Mỹ hỏng đến mức nào? Ông cũng là tổng thống độc nhất vô nhị của nước Mỹ khi gọi thẳng mặt báo giới là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people), biện minh cho việc ông từ nhỏ đến lớn không hề đọc báo. Ông vẫn xem báo giới chính lưu là kẻ thù của ông, bởi vì chuyện đương nhiên không tờ báo nào để yên cho ông nói dối, nói phét, lừa phỉnh, khích động người dân liên tục, với lý luận đơn giản, quái đản một cách nguy hiểm: nói dối mãi, người ta rồi cũng tin, hay cũng chấp nhận. Để truyền đạt với quần chúng da trắng thượng đẳng theo ông, ông tweet mỗi sáng sớm thay cho đánh răng, súc miệng. Sau này ông bị Facebook, Twitter, cấm cửa với hai lý do: bịa đặt và nguy hiểm. Đó chính là mối hận ngàn thu của ông.

Trước bầu cử năm 2020, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, đã cảnh báo: Nếu dân Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho Trump, đất nước này chỉ có chết. Hoàng thiên hữu nhãn, đại dịch COVID-19 đã lật đổ một người bao giờ cũng tự nhận là “Thiên tử” (God’s son). Và bởi vì là con trời, cho nên ông tin rằng chẳng ai làm gì ông được, và ngược lại, ông muốn làm gì, nói gì cũng được, vì đó là ý trời. Và vì những gì ông làm là ý trời, cho nên người dân cũng phải thuận theo, trở thành ý dân. Cách lý luận đó đương nhiên là quái đản và ngày càng nguy hiểm, bởi vì nó có tính “thuyết phục” ở quần chúng da trắng thượng đẳng ngày nay. Đó chính là chuyện thời thế cho nên câu chuyện chưa ngừng ở đó. Chưa ngừng ở ngày 3-11-2020. Dân chủ Mỹ không tái hoạt dễ dàng như Bolton tưởng. Hay như nhiều người tưởng.

Ngay từ đầu Trump cứ cho rằng mình đã tái đắc cử, kết quả có khác đi chỉ là vì “bầu cử gian lận”, cho nên gần cả 10 tháng sau ông ta vẫn không chịu nhận mình đã thất cử. Ngay cả trong bầu cử năm 2016 mà ông thắng cử, ông cũng cho rằng có bầu cử gian lận, nếu không thì ông đã không thua 3 triệu phiếu phố thông. Từ lâu, người ta đã nói ông ta có “bệnh” – bệnh nặng không chữa được. Bệnh NPD (Narcissistic Personality Disorder) tức cứ cho mình hơn người và mọi người phải phủ phục trước mình như thần dân trước “thiên tử”. Tính ông ta là thế: Trên đầu chẳng có ai (bởi thế đã tìm cách hất Obama xuống bằng mọi giá), dưới thì ông ta xem như cỏ rác, ai làm ông không vừa lòng một tí là “You’re fired!” Người ta nói để chữa bệnh “Rối loạn Nhân cách Tự tôn Tự kỷ”, bệnh nhân phải biết im lặng tập nghe (speech therapy), nhưng hơn 70 năm qua, Trump chỉ quen nói chứ không biết nghe! Vì cái bệnh này, nói tóm tắt, là bệnh khùng. Giới chuyên môn đã nhiều lần đề nghị phải tìm cách trị liệu kịp thời cho ông, không chỉ vì ông mà chủ yếu vì sự an toàn của đất nước. Nhưng thời nay, nói ai nghe?

Trong cả hai tháng 11 và 12 năm ngoái, Tổng thống Trump chỉ có mỗi một việc: tìm cách tạo áp lực để thay đổi kết quả bầu cử. Cụ thể ông nhắm vào Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa mà ông nghĩ rằng ông không thể thua được. Trump muốn từ “kinh nghiệm thành công” của Georgia, việc tái kiểm phiếu sẽ được thực hiện ở vài tiểu bang khác nữa, như Arizona, Michigan, Wisconsin, New Hampshire... để ông ta thu ngắn cách biệt 7 triệu phiếu với Biden và tìm cách thắng cử tri đoàn như năm 2016. Nhưng dù cho Trump tạo sức ép đến thế mấy, chỉ xin kiếm giùm ông 13.000 phiếu, thống đốc và bộ trưởng bang vụ của Georgia khẳng định “chẳng kiếm đâu ra”, “không có sai lầm trong kiểm phiếu”. Bộ trưởng Tư pháp của Trump, William Barr, cũng xác nhận không có vấn đề gì trong kiểm phiếu, và từ chức một ngày trưóc Lễ Giáng Sinh để phủi tay với Trump. Tức thì, Trump lại tạo sức ép lên lãnh đạo mới của Bộ Tư pháp, yêu cầu ông quyền bộ trưởng hay thứ trưởng tuyên bố “có bầu cử gian lận”, sau đó mọi việc cứ để Trump và một số dân biểu gia nô lo hết. Sau khi tìm mọi cách phá kết quả bầu cử mà không làm được gì, Trump chỉ còn kỳ hạn chót, là ngày 6-1, lưỡng viện Quốc Hội sẽ họp để nghe chính Phó Tổng thống (Mike Pence) xác nhận kết quả bầu cử. Bởi vậy mới có chuyện Trump ra đứng trước hàng rào Tòa Bạch Ốc “có hẹn nên gặp” hàng ngàn người cuồng Trump đến từ khắp nơi trên nước Mỹ để nghe Trump xúi giục họ tiến đến tòa nhà Quốc Hội (Capitol Hill) gây ra biến cố bạo loạn ngày 6-1 để hủy bỏ cuộc kiểm phiếu này.

Biến cố này là không tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ. Cuộc họp ngày hôm đó tại Quốc Hội để tổng kết số phiếu và xác nhận kết quả bầu cử (phiếu phổ thông và phiếu cử tri đoàn) là một sự kiện dân chủ tiêu biểu của chính trị Mỹ. Trong khi đó, cuộc bạo loạn mà Trump ngầm tổ chức, đạo diễn, thúc giục... chính là hành động khủng bố, phá hoại dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trump muốn với sự tràn ngập của bạo loạn trong Capitol Hill, người ta phải “ngưng đếm phiếu” và “xóa bài làm lại”. Ông ta còn muốn đám bạo loạn này trị tội một số phần tử thuộc cả hai đảng đã không đi theo ông ta. Ông ta bất kể sẽ có những người đương nhiên có thể bị đánh đập, có thể phải chết khi đám bạo loạn này tìm ra những nhà dân cử đang họp trong đó. May mà chúng chẳng tìm ra ai!

Bởi vậy, giới quan sát, bình luận chính lưu hầu như nhất trí trong nhận định về Donald Trump. Jamelle Bouie, một ký mục gia quen thuộc trên tờ The New York Times, trong bài xã luận đầu tháng tám, đã “cảnh báo”: “Trump quái đản và nguy hiểm” (Yes, Trump is ridiculous. He’s also dangerous). Chữ “ridiculous” cũng có thể hiểu là dị hợm, điên rồ, kỳ cục... Nói chung, ông ta ngu xuẩn một cách đáng sợ. Chuyện quái đản gì cũng có thể nghĩ ra và nghĩ là làm, không cần đắn đo, suy tính hơn thiệt, làm có thể thành công hay không, làm có hợp pháp hay không, hậu quả có thể có là sao...

Như chúng ta càng ngày càng rõ, Trump thực sự âm mưu cuộc bạo loạn 6-1 sẽ ngưng tiến trình dân chủ bao đời này, là công bố kết quả bầu cử tổng thống. Sau đó, Trump còn tưởng có thể vận động, thúc ép các tướng lãnh đạo quân đội ban hành thiết quân luật (bắn bỏ người xuống đường), rồi tổ chức bầu cử lại. Mỹ là một nước có truyền thống dân chủ lâu đời, nhưng Trump cứ mơ tưởng những chuyện lạc hậu, bạo chúa, độc tài... Bởi vậy mới có tiến trình luận tội, truất bãi Trump hồi tháng giêng tại Hạ Viện, và nay Hạ Viện cũng đang tiến hành điều tra về cuộc bạo loạn này sau khi hơn 500 người đã bị bắt. Thế nhưng Trump vẫn nói cuộc điều tra này nhằm triệt hạ uy tín của ông ta, vì những người tham gia rất ôn hòa và hòa nhã! (peaceful and loving).

Điều lạ lùng khiến chúng ta có lý do chính đáng lo ngại cho nền dân chủ Mỹ không phải chỉ là Trump – ông ta dù sao cũng chỉ là một cá nhân. Trừ phi ông ta là Hitler, là người từng được ông ca tụng. Mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ Mỹ chính là đảng Cộng Hòa, cho dù không phải 100% người Cộng Hòa đều bịt mắt bưng tai trước sự thật là Donald Trump âm mưu đảo chánh. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chỉ có hai đảng, và chỉ một trong hai đảng đi vào con đường bất chính, bất lương, không thấy được lẽ phải, không ý thức được những giá trị, nguyên tắc đạo đức chính trị căn bản phải bảo vệ, thì dân chủ nước Mỹ cũng bị dồn đến bờ vực. Dân chủ Mỹ mong manh chính là ở chỗ đó! Trước bao nhiêu chuyện hiển nhiên của Trump chà đạp dân chủ như những quan hệ với Nga, với Ukraine, với Trung Quốc... có tính phản dân hại nước (treasonous), đảng Cộng Hòa đã nhắm mắt làm ngơ. Trong vụ bạo loạn ngày 6-1, nạn nhân không chỉ là nền dân chủ Mỹ. Những nhà dân cử cả hai đảng đã may mắn thoát khỏi nhờ khéo trốn, nhưng nay phần lớn người Cộng Hòa vẫn không đủ can đảm để nhìn nhận và lên án. Tất cả chẳng qua chỉ là vì lá phiếu của cử tri theo Trump trong bầu cử 2022 và 2024. Bởi thế mà những nhà dân cử Cộng Hòa vẫn phải tung hô “hoàng thượng vạn vạn tuế” không ngượng miệng. Và bởi thế, suy cho cùng, chúng ta cũng phải đủ can đảm nói rằng mối đe dọa then chốt, chủ lực cho dân chủ Mỹ chính là khối cử tri cả 70 triệu người bỏ phiếu cho Trump ngày 3-11 năm ngoái!!!

Đó chính là những lý do thực sự khiến Trump “đếch sợ” (ngôn ngữ của Trump) bao cuộc điều tra về vụ bạo loạn. Thậm chí đối với lệnh của Bộ Tư Pháp của Joe Biden buộc cơ quan thuế IRS chuyển hồ sơ thuế của ông ta cho Hạ Viện đang điều tra ông ta, Trump đã kiện Bộ Tư Pháp để chống lại lệnh này mà Trump cho rằng do thù ghét chính trị. Thậm chí cuộc điều tra nhắm vào việc làm ăn gian dối “trốn sưu lậu thuế” của Trump Organization. Như chúng ta có thể đoán, tất cả mọi vụ đều có thể đưa lên Tối cao Pháp viện, nơi có 6/9 thẩm phán gốc Cộng Hòa, và 3/6 người này do chính Trump cài vào. Vả lại, ông thiếu gì tiền để mướn luật sư kiện tụng. Bao nhiêu tiền của cử tri cuồng Trump ủng hộ, ông đều có cách bỏ vào túi riêng dành cho “quỹ pháp lý của Trump” (khoang 100 triệu đô-la).

Sự thực chính là ở chỗ Trump vẫn tập họp một đám quần chúng điên rồ không đeo mạng để nói chuyện “bầu cử gian lận” và nói xấu ông Biden (“người dân không tin Biden cho nên không chích ngừa, không đeo mạng, không đi làm...”). Thậm chí một vài người như ông chủ “My Pillow” hay các luật sư của Trump như Rudy Giuliani hay Sidney Powell nói rằng Biden sẽ bàn giao quyền lực cho Trump vào ngày 13-8 tới đây. Một người từng là bác sĩ của Bush, Obama, Trump tại Nhà Trắng, nay được bầu vào Hạ Viện, cũng đòi “chẩn đoán tinh thần và năng lực của Biden”. Thậm chí Trump vẫn tìm cách phá chính quyền Biden đương nhiệm trong chuyện di dân, chống COVID bằng cách ngầm xúi giục dân chúng không chích ngừa, không mang khẩu trang, không đi làm để cho Biden phải cấp dưỡng đến ngoài mức chịu đựng của ngân sách... Trong khi đó, các tiểu bang đỏ bất kể nạn dịch COVID đang tràn lan, đang dồn sức vào tu chính luật bầu cử để loại trừ thành phần cử tri “bất hảo” - người “da màu” mà người da trắng chưa hề thực sự nhìn nhận về quyền sống và quyền bình đẳng của họ - trong việc bỏ phiếu.

Điều rõ rệt nhất là đảng Cộng Hòa nay đã chính thức nhìn nhận Trump là lãnh đạo đảng, là điều lâu nay chưa có nhân vật Cộng Hòa nao được vinh dự đó. Những người đang ra tranh cử Hạ Viện hay Thượng viên năm 2022 và 2024 đều đang chạy chọt xin Trump ban phước.Và Trump còn đó thì chẳng ai trong đảng dám nói chuyện ra tranh cử tổng thống ba năm tới.

Câu chuyện chưa ngừng ở ngày 3-11. Câu chuyện cũng chưa ngừng ở ngày 6-1. Bao giờ câu chuyện chấm dứt thật khó nói vì Trump còn đó, đảng Cộng Hòa còn đó, bầu cử năm 2022 trước mắt, bầu cử năm 2024 chẳng phải là xa xôi... Trong khi cuộc sống của một đất nước vẫn có tính hữu hạn mà một ngày nào đó chúng ta sẽ phải cảm nhận. Và nếu cứ mãi nội chiến, dân chủ chẳng những sẽ suy sụp mà đất nước cũng không có cách nào vươn lên...

BEAUTIFUL SUNDAY!

 Hoàng Ngọc Nguyên
















Chủ nhật song bát 8-8 làm chúng ta nhớ đến Daniel Boone với “Beautiful Sunday” - một ngày vui với tin Thế Vận Hội Mùa Hè 2020 Tokyo đã bế mạc và nước Mỹ “của chúng ta” (nhiều người Mỹ da trắng hẳn bĩu môi, hỏi ngược lại “Của ai?”) cuối cùng đã qua mặt Tàu dẫn đầu số huy chương – kể cả vàng. Mấy hôm nay, thấy mặt ông Tập Cận Bình cứ vênh lên, không chịu được. Không phải là chuyện “bài Hoa”, nhưng là chuyện “ăn cây nào, rào cây ấy”. Cuối cùng, Mỹ đã được 113 huy chương (vàng bạc đồng) trong khi Trung Quốc 88. Và người ta cứ tưởng Mỹ sẽ thua Tàu về số huy chương vàng, nhưng cuối cùng (lại cuối cùng) Mỹ được 39 trong khi Trung Quốc theo sát nút 38. Có thế chứ!

Thứ ba là Nhật Bản với 58 huy chương, và thứ tư là Anh, tuy có 65 huy chương, nhưng thua Nhật về số huy chương vàng (Nhật 27, Anh 22). Tương tự, Ủy ban Thế vận Nga (ROC) chỉ được xếp hạng 5 cho dù tổng số huy chương là 71, vì chỉ có 20 huy chương vàng. Úc hạng 6, với 46 huy chương. Việt Nam “đất nước anh hùng” 98 huy chương giấy. Tại sao ROC mà không phải là Liên bang Nga? Vì Thế Vận Hội năm nay đặc biệt cấm cửa nước Nga về vụ tai tiếng dùng ma túy mà do chính nhà nước bảo trợ!!! Cho nên, Ủy ban TVH quyết định không cho Nga tham dự với tính cách một nước, không quốc ca, không quốc kỳ. Putin lần đầu tiên tỏ ra bất lực, không thể đem sức mạnh vũ khí hóa học hay không lực ra đe dọa được.

Làm sao Mỹ có thể dẫn đầu thế gìới về số huy chương cho dù đến ngày áp chót vẫn còn thua Trung Quốc? Ngay cả đội tuyển bóng đá Mỹ vốn là vô địch thế giới từ bao đời nay lại đứng hạng ba – xui xẻo thua đội Canada láng giềng 0-1 vì cú phạt đền giàu trí tưởng tượng của bà trọng tài đã mãn kinh, nhưng xứng đáng vì những nữ cầu thủ Mỹ đã quá hạn mà cứ phải chạy nhảy nhọc nhằn trên sân cỏ. Theo tổng kết của tờ USA Today, Mỹ được như thế tất cả là nhờ chị em đã vùng lên vào giờ phút chót. Tính ra, phái nữ của Mỹ đã đạt được đến 66 huy chương. Có nghĩa là mấy ông chỉ được 47 huy chương. Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái: Cái nợ này bao giờ mới trả xong.

Theo bà Sarah Hirshland, tổng giám đốc của Ủy ban Thế vận và Tiểu Thế vận Hoa Kỳ: “Căn bản vấn đề chính là phụ nữ trong đất nước chúng ta đã có cơ hội đến với thể thao dễ dàng hơn, đến mức cao chuyên nghiệp và chúng ta may mắn đạt được nhiều tiến bộ... Khả năng đạt được mức cao nhất trong nhiều môn chơi và nhiều bộ môn khác nhau đã nói nhiều về những nỗ lực nhiều người đã ra sức... và bắt đầu có kết quả”.

Đội nữ bóng rổ đoạt huy chương vàng lần thứ bảy liên tiếp, trong khi đội bóng nước huy chuơng vàng lần thứ ba và đội bóng chuyền huy chương vàng đầu tiên. Cô Sunisa Lee, cô gái Mỹ gốc Hmong, là nhà vô địch thứ năm trong môn thể dục toàn năng và cũng là người Mỹ thứ tư liên tiếp đoạt được huy chương vàng này. Allyson Felix giành huy chương thứ 11 trong sự nghiệp với huy chương vàng môn điền kinh tiếp sức nữ 4x400 mét. Cô gái da màu này trở thành nữ vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử điền kinh Olympic khi cô giành huy chương đồng ngày thứ sáu. Cô vượt qua nhân vật lịch sử Carl Lewis giành danh hiệu vận động viên đoạt nhiều huy chương điền kinh nhất so với bất cứ vận động viên nào của Mỹ. Trong số 11 huy chương của cô, bảy huy chương là vàng. Chúng ta cũng có thể thấy tính chủng tộc đa dạng nổi bật trong những chiến thắng của nước Mỹ, có thể giúp trả lời những câu hỏi: sức mạnh của nước Mỹ ở đâu ra?

Tuy nhiên, suy cho cùng, mục đích của TVH không phải là tranh tài hơn thua – đó chỉ là cơ hội. Ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban TV Quốc tế, đã nói với các vận động viên: “Các bạn đã tạo cảm hứng cho chúng tôi bằng cách thể hiện năng lực của thể thao tạo sự đoàn kết. Điều này còn đáng kể hơn nữa khi chúng ta nhìn đến nhiều thách đố các bạn đã phải đối đầu bởi vì đại dịch. Các bạn đã cho thế giới này món quà quí giá nhất, đó chính là hy vọng”. Không phát biểu nào có thể hàm xúc hơn thế vào thời đại dịch này. Trong mùa đại dịch này người ta vẫn có thể đến với nhau. Váo một thời nhân tâm toàn cầu xao xuyến vì mất niềm tin cộng hưởng, chính quyền Nhật Bản vẫn quyết tâm thúc đẩy TVH đi tới. Có động thái nào văn minh hơn thế?

TVH lẽ ra được tổ chức trong năm 2020, nhưng vì đại dịch phải chuyển qua năm nay. Người ta cứ bán tin bán nghi: Tokyo dám tổ chức không? Các nước có dám tham dự không? Các vận động viên dám chơi không? Thế nhưng từ bao đời chúng ta đã biết những dịp TVH như thế thật là hiếm hoi để cho con người có thể đến với nhau – nhất là trong một thời mà chính trị trở thành trò chơi gieo rắc thù hận, oán ghét. Và cả những lối lý luận ngu xuẩn, điên rồ. TVH Tokyo đã cho thấy người ta đã chấp nhận sự thách đố của đại dịch, nhất là trong giai đoạn biến thể bùng phát hiện nay, để đến với nhau cho dù bất đồng ngôn ngữ, dị biệt chủng tộc, khác biệt văn hóa.

Nhưng chúng ta không thể quên đại dịch được. Và người ta hẳn nói trong tình hình biến thể Delta đang hoành hành như thế thì vui nỗi gì?

Đương nhiên, chúng ta chẳng thể ngờ được người Mỹ có thể điên đến thế khi không chịu đi chích ngừa, không chịu đeo mạng, chẳng lường được sự nguy hiểm chết người của biến thể Delta. Chẳng lẽ người ta chẳng biết đến nay đã có gần 650.000 người Mỹ chết vì đại dịch, hơn 40 triệu đã nhiễm bệnh trong một năm rưỡi qua, và nay lứa tuổi dưới 64 chẳng an toàn gì. Sự ngu xuẩn, điên rồ không chỉ của cựu tổng thống mà còn của cả một số thống đốc, thượng nghị sĩ, dân biểu đương nhiệm trong đảng Cộng Hòa. Hãy xem một thí dụ mà thôi: Florida đang đứng đầu nước Mỹ về đại dịch, dân số tròm trèm 21 triệu, đã có hơn 40.000 người chết, và 2.7 triệu người nhiễm, chích ngừa đầy đủ chỉ mới 50%... Nay giữa tháng tám, đã đến lúc trẻ trở lại trường, và nhiều trường cùng thầy cô lo sợ, muốn học trò phài đeo mạng. Thực tế là các bệnh viện nhi đồng ở Florida đang đầy ắp trẻ. Như thế mà thống đốc Ron DeSantis, người đang có tham vọng được ông Trump chọn đứng chung liên danh ra tranh cử tổng thống năm 2024, đã nói “Nhà trường không được bắt học sinh đeo mạng. Đó là quyền, là sự lựa chọn của phụ huynh học sinh”.

Quyết định cấm nhà trường bắt học sinh đeo mạng là một quyết định sát nhân, bởi vì chỉ cần một học sinh mang bệnh mà không đeo mạng vào trường cũng có thể ảnh hưởng lây lan đến bao nhiêu học sinh khác. Sát nhân như chuyện hơn năm trước đây, ông tổng thống quyết định chẳng làm gì cả để ngăn chận COVID-19 vì sợ “rúng động nhân tâm”, cho nên chỉ sau hơn hai tháng bùng phát đã có hơn 65.000 người chết. Đến nay, tuy đã rút về Maralego, Florida, và “xin nhận nơi này làm quê hương”, xem chừng ông chẳng lo lắng gì đến mối đe dọa đại dịch với hàng triệu người “đồng hương mới” ở tiểu bang này. Đồng thời, nhiều phần tử Cộng Hòa “phản ứng” (thay vì dùng chữ phản động) vì quyền tự do cá nhân (như chuyện có súng, hay tự do ngôn luận, tự do tư tưởng...) mà phủ nhận quyền bảo vệ lợi ích tập thể có tính sống còn của một nhà trường có trách nhiệm với biết bao người trong đó. DeSantis sẽ làm gì để kiểm soát đại dịch ở Florida hay đổ thừa tất cả cho Tổng thống Joe Biden bất lực và chẳng chịu ngăn chận di dân? Hay ông ta sẽ nói tình hình ở khắp nước Mỹ đều xấu, chẳng riêng gì ở Florida, và tiểu bang anh hùng của ông ta sẽ vượt qua thử thách này?

CNN hôm chủ nhật 8-8 nêu ra năm điềm xấu của đại dịch hiện nay, một thảm trạng phần lớn do chủ nghĩa “dân quyền Cộng Hòa”: không chích ngừa, không mang mạng.

1. Kể từ đầu tháng bảy đến nay, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng đến chín lần, phần lớn từ những tiểu bang có số chích ngừa thấp.

2. Số người nằm viện cao nhất kể từ tháng hai đến nay.

3. Số trường hợp trẻ em và thiếu niên tăng 84% trong một tuần.

4. Biến thể Delta chiếm đến 93% trường hợp COVID-19.

5. Phần lớn người Mỹ (97%) sống trong khu vực COBVID-19 dễ lây lan.

Tin lành duy nhất: người ta dường như đã bắt đầu biết sợ. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn cho tập thể cùng duy trì hoạt động sản xuất, nhịp độ tăng trưởng, đã ra lệnh nhân viên phải chích ngửa, nếu không cứ tự động ở nhà, không ăn lương. Chính quyển liên bang cũng như quân đội đã có lệnh bắt buộc công chức và quân nhân đều phải chích ngừa. Một tin tích cực khác là Dick Farrell, một ngưòi dẫn chương trình phát thanh cực hữu ở Florida (lại Florida), vẫn chửi bới bác sĩ Anthony Fauci hàng ngày vì “ông ta bịa chuyện đại dịch để bắt chúng ta chích ngừa để làm giàu cho các công ty Pfizer, Moderna, Johnson Johnson...”, hôm 4-8 đã chết trong bệnh viện sau ba tuần chạy chữa COVID-19. Ông lên tiếng trăn trối: Xin các bạn của tôi đừng nghe lời tôi nói trước đây. Hãy đi chích ngừa ngay đi!” Đương nhiên, thực sự thì mấy ai chờ ông ta nhắc!

Con số chích ngừa hàng ngày đã đạt mức 464.700, là mức trung bình cao nhất trong hai tháng 6 và 7 và tăng 19% so với tuần cuối tháng 7. Những tiểu bang đỏ phía nam nay cũng đã biết sợ. Khoảng 58.5% dân Mỹ đã được chích ngừa ít nhất một mũi; 50.1 % (164 triệu người) chích ngừa đầy đủ. Và cuối cùng, mục tiêu của ông Biden đã đạt được, tuy có chậm một tháng: 70% người có thể chích ngừa (eligible) - tức không phải trẻ em dưới 12 - đã được chích ngửa. Cũng theo CNN, hơn 99.99% những người đã được chích ngừa đầy đủ đã không phải chịu nhiễm bệnh đột phá khiến phải nằm viện hay chịu tử vong. Chưa đến 0.001% những người này – 1,507 - thiệt mạng, chưa đến 0.005% (7,106) phải nhập viện.

Chúng ta đều hiểu rằng chính trị chưa bao giờ dơ bẩn như thời nay trước sự vô hiệu của dân chủ bởi vì truyền thông xã hội với nhiều người đội lốt “thức giả” (“giáo sư”) đang đầu độc dư luận nghiêm trọng trong khi truyền thông chính lưu ngày càng ngoài tầm của độc giả “bình dân”. Cho nên, không ít người vẫn mong đại dịch này sẽ làm cho ông Biden “biết mặt”, vì nếu mức nhiễm lên cao, số người tử vong và số người nằm viện tăng vọt, thì chắc chắn Tổng thống Mỹ phải khốn đốn vì kinh tế suy thoái trở lại. Người ta không hiểu nếu suy thoái trở lại, ông Biden khốn đốn 1, người dân khốn đốn đến 10. Và nếu đại dịch phát tác, xin hãy nghĩ đến những người bất hạnh đã lìa trần trong cô đơn, và tấn thảm kịch để lại cho biết bao gia đình khi người ta nhìn đến những mất mát, trống vắng không làm sao có thể lấp đầy, chuộc lại được. Hãy nghĩ đến những người bất hạnh - nghĩ đến những tấn thảm kịch để biết im lặng một cách con người!

Tin vui thực sự có thể ghi lại cuối tuần qua là ở một vài con số về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo thêm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, và sự cải thiện trong mức sống của người nghèo.

Trước hết là con số tăng trưởng giá trị Tổng sản lượng Nội địa (Gross Domestic Product – GDP) 6.5% có tính thuyết phục. Kinh tế lên hay xuống là ở con số này vì GDP nói chung là thước đo về hoạt động kinh tế của một đất nước, là tổng giá trị về tiêu thụ của người dân, đầu tư của giới kinh doanh, ngoại thương xuất nhập và chi tiêu chính phủ. Con số này có nghĩa là Tổng giá trị trong quí 2 là quí gần nhất (tháng 4-5-6) đã tăng 6.5% so với quí 1 trước đó. Trước đó, quí 1 là 6.3%, quí 4 của năm ngoái tăng 4.5%, quí 3 tăng đến 33.8% sau khi quí 2 kinh tế suy thoái với mức giảm 31.2% vì đại dịch. Với mức tăng trưởng 6.5% này sau khi tính yếu tố lạm phát, GDP đã trở lại mức đã có trước đại dịch.

Khi kinh tế đã đi lên, có nghĩa là người ta có thêm công ăn việc làm và có thêm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp tháng bảy nhờ thế đã xuống thêm nữa, chỉ còn 5.4% so với 5.8% trong tháng sáu. Báo cáo lao động cho biết trong tháng bảy có thêm 943.000 việc làm mới. Con số 5.4% là mức thấp nhất trong thời đại dịch, trong khi 943.000 là mức tăng việc làm lớn nhất kể từ tháng tám năm ngoái, tháng có thêm hơn 1 triệu công việc mới sau những tháng trước ngưng trệ vì đại dịch phát tác. Mức việc làm có trong tháng sáu cũng được điều chỉnh lên đến 938.000 – cho thấy sự hồi phục kinh tế trong mùa hè. Tính từ tháng năm 2020, kinh tế đã lấy lại được 16.7 triệu việc làm sau suy thoái quí hai năm ngoái. Tuy nhiên, so với mức trước đại dich, số việc làm bị mất vẫn còn 5.7 triệu. Kỹ nghệ hiếu khách và giải trí điêu đứng vì đại dịch năm ngoái, nay đứng đầu trong số việc làm được tạo ra thêm, chiếm đến 1/3 tổng số công việc mới phục hồi. Trước những tin tức “hồ hởi” này, ta cũng cần nhớ rằng số người làm việc trong khu vực nhà hàng, khách sạn... vẫn còn kém 1.7 triệu so với cao điểm tháng hai năm 2020. Nhớ để hiểu kinh tế Mỹ vì đại dịch vẫn đang có nhiều vấn đề nhức đầu.

Mức công xá (wage) hiện nay tiếp tục gia tăng qua tháng thứ tư, đến mức trung bình $30.54/giờ, lý do là vì các xí nghiệp hay cửa hàng bán lẻ đang đỏ mắt tìm người, và nhiều nơi như Target, Walmart đang tung ra nhiều chính sách chiêu dụ “người tài” (bán hàng, thủ kho, kế toán, lái xe hàng....). Một số công ty cũng đang tìm kiếm các chuyên viên giỏi kỹ thuật và sẵn sáng cho người ta làm viêc ở nhà. Nhưng người giỏi thời nay khó kiếm hơn, cho nên mở cửa cho nhiều người Hoa, người Ấn xin thẻ xanh theo diện lao động chuyên môn... Mặt khác, nhiều người thất nghiệp bỗng nhiên “chảnh”, không chịu đi làm vì nhiều lý do: sợ đại dịch, ở nhà để bảo vệ con cái, đi tìm việc khác ngon lành hơn, hưởng cho hết trợ cấp của chính phủ đã rồi hãy tính. Tỷ lệ lực lượng lao động (đang đi làm hoặc đang kiếm việc)/dân số lao động (trên 18 tuổi) lên mức 61.7%, trong khi tỷ lệ lao động/dân số lao động tăng đến mức 58.4%. Tuy nhiên, hai tỷ lệ này đều dưới mức tháng hai năm 2020, là thời điểm lao động và kinh tế hăng say nhất dưới thời Trump, trước khi đi vào đại dịch.

Chính sách kinh tế của ông Joe Biden (chủ yếu là tăng trợ cấp cho toàn xã hội và kéo dài trợ cấp thất nghiệp để bảo vệ an toàn) rõ rệt còn có hiệu quả trong việc giúp thành phần người nghèo đói, cùng khổ ở Mỹ, ít nhất cũng 15% dân số, qua một thời đen tối với những khoản trợ cấp cho người thất nghiệp cũng như cho trẻ em. Có hai quan điểm đối nghịch về chính sách này: ông Biden “xã hội chủ nghĩa” làm cho ngân sách liên bang thêm thiếu hụt, nợ chính phủ thêm chồng chất, chỉ có những thế hệ sau gánh chịu; Giúp người nghèo trong thời điểm đại dịch, suy thoái cực kỳ khó khăn này là rất đúng, vừa khôn ngoan, vừa có tính nhân đạo, làm cho xã hội giảm bất công, chênh lệch và thêm thỏa hiệp giai cấp, cho nên Quốc Hội, tức những nhà dân cử lưỡng đảng, lưỡng viện nên hiểu điều đó mà tăng thuế cho người giàu để có tiền giúp người nghèo, hơn là vì giai cấp thiểu số 10% thượng lưu mà bỏ đa số người nghèo trong bể khổ, nguồn mê... Ông Biden đang có hai dự luật trước Quốc Hội, một dự luật về cơ sơ hạ tầng đến mấy ngàn tỷ, một dự luật về bảo vệ gia đình người Mỹ bằng cách chăm lo đầy đủ cho trẻ em. Đó là hai thử thách rất lớn cho chính trị Mỹ...

Nhất là trước mối đe dọa về lạm phát, tức giá cả đâu đâu cũng gia tăng 15-20% vì cung và cầu chưa tương hợp, mà lối ra chưa hẳn đã thấy ánh sáng cuối đường hầm... Nhất là vì đại dịch vẫn còn đó!

6/11/21

LẠM PHÁT LÀ SỨC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG!

Hoàng Ngọc Nguyên

 

Janet Yellen, phụ nữ đầu tiên cầm vận mệnh kinh tế Mỹ

                

Theo một thăm dò dư luận không chính thức gần đây của một cơ quan hữu thực vô danh, công luận vẫn quan tâm nhiều nhất đến COVID-19, cho dù tình hình kiểm soát đại dịch ở Mỹ nay được xem là khả quan nhất thế giới. Ngưởi đã chích ngửa có thể đang tự trách mình sao quá vội vàng, người chưa chích thì có thể đang rung đùi, ngâm nga: “Dục tốc bất đạt”.

Người dân xem chừng đã khá yên tâm, vui vẻ với tình hình kinh tế. Theo chương trình cứu trợ (American Rescue Plan) của Tổng thống Joe Biden ban hanh từ đầu tháng ba, những người cần tiền đã có tiền, thậm chí không cần cũng có; lao động cần việc làm nay cũng đã có việc làm; giới buôn bán và sản xuất cần khách hàng có khách hàng. Trợ cấp cho người thất nghiệp, cho trẻ em... đang khiến cho các cửa hàng siêu thị bao giờ cũng đông đúc, chen chúc... Những nét tổng quan đó về hiện tinh kinh tế chẳng thể phủ nhận được.

3/5/21

NỘI CHIẾN CHƯA NGÃ NGŨ!

NỘI CHIẾN CHƯA NGÃ NGŨ!

Hoàng Ngọc Nguyên


Hội nghị Bảo thủ Hành động Chính trị (CPAC - Conservative Political Action Conference) năm nay đã được nhóm trong bốn ngày cuối tháng hai, địa điểm là Orlando, Florida, nay là quê nhà mới của Donald Trump, và diễn viên chính đương nhiên cũng là Trump. Nếu chẳng phải vì Trump thì chẳng có thời và địa này. Trump đang làm đủ mọi cách để cho mọi người hiểu rằng ông nay đang tìm cách trở lại cho dù tai tiếng đầy mình. Và ông muốn nhấn mạnh đảng Cộng Hòa vẫn là đảng của Trump, nằm trong tay Trump. Nhất là giữa khi người ta đang nhìn đến “di sản” của ông sau khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết bắt ông phải giao nộp hồ sơ thuế cho tòa án ở New York liên quan đến vụ án tham nhũng, lươn lẹo của Trump Organization.

Vòng Đai Xanh

11/30/20

Nga và Do Thái độc diễn ở Trung Đông

11/14/20

NÓI KHÔNG CÙNG - CE N’EST QU’UN AU REVOIR

Hoàng Ngọc Nguyên


Nay tôi đã có thể “dũng cảm” nói rằng mình đã phần nào sai lầm khi từng nghĩ rằng sau ngày bầu cử 3-11 vừa qua, tôi có thể coi như “mission accomplie”, nay có thể rửa tay gác kiếm, an hưởng thái bình, vui thú điền viên. Dũng cảm vì dám nhận mình sai lầm, so với Donald Trump, thiên tài rất ổn định, chưa hề thấy mình có khuyết điểm gì. Ít ra mình đã không từng bị “bone spur” như tổng thống, cho nên đã từng qua những ngày tháng ở Quang Trung, Thủ Đức, nay khi đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh như ông Trump thì không thấy ngượng lắm. Sai lầm vì nghĩ rằng sẽ có “thời thái bình cửa thường bỏ ngõ”, mọi việc coi như đã xong.

Đúng là ông Joe Biden đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, và đất nước đã thoát được một tai ương “nguy hiểm nhất thế giới” – như người cháu ruột của tổng thống đã cảnh báo và kêu gọi giới khoa học tâm thần của nước Mỹ hãy lên tiếng. Nhưng mọi việc đã xong đâu. Cứ nhìn con số 71 triệu phiếu mà ông Trump đã nhận được – cho dù ông vẫn chưa hả dạ. Không chỉ người da trắng “tuyệt chủng” (tức “chủng tộc tuyệt vời”) lao động ở vùng thôn dã và ngoại ô bỏ phiếu cho ông. Cũng có những người bạch chủng ở đô thị, có học, vì bực bội hay bất an (Black Lives Matter và di dân) mà “cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Cũng có người Latino (Texas và Florida) muốn dằn mặt người da đen mà quay qua ông Trump. Hay cả những người già, “em biết tin ai bây giờ”, thôi thì... Ôn Biden tuy hơn ông Trump hơn 4 triệu phiếu, nhưng nếu tuổi già khó ngủ, nhắm mắt suy nghĩ vẩn vơ, ông phải thấy sợ và thương bà phó của mình, nếu mình có mệnh hệ nào...Còn những bậc thức giả (tức thực sự tỉnh thức) đương nhiên mối lo cho nền dân chủ Mỹ vẫn canh cánh bên lòng vì chẳng có gì có thể gọi là ánh sáng cuối đường hầm.

Câu chuyện đã yên đâu! Nào ai dám sớm hân hoan, lạc quan cho rằng dân chủ Mỹ cuối cùng đã lên tiếng với một cuộc bầu cử mà người dân nô nức đi bầu trong an toàn và chính xác hiếm có. Bởi vì chúng ta đang chứng kiến ngay từ Nhà Trắng những động thái thiếu và đủ. Thiếu văn minh, thiếu văn hóa, Thiếu giáo dục. Đủ ngang ngược, đủ vô tâm, đủ bất nhân. Bất kể liêm sĩ chính trị ở một người mà văn hóa, văn minh, giáo dục, ngay thực và sĩ khí có khả năng định đoạt vận nước. Tóm tắt, ông là người thua cuộc trong một cuộc chơi dân chủ. Nhưng chính là vì tính ngang ngược của bạo chúa Caligula mà ông vẫn tin mình là “con trời”, có khả năng đảo ngược những kết quả bầu cử dân chủ. “God’s son” thì muốn gì chẳng được. Ông từng nói thế với bao phụ nữ, và nay nói thế với “my fellow compatriots”. Chẳng ai ưa những chữ ông ưa dùng để chỉ những người lính bất hạnh: “losers”, “suckers”. Người ta đã nằm xuống, thế mà ông còn gọi là “thứ bại cuộc”, “kẻ dại khờ...”.

Ngày thứ sáu 13-11, có kết quả đếm phiếu ở hai tiểu bang cuối cùng: Biden thắng ở Georgia (28 năm, lần đầu tiên tiểu bang này chuyển qua màu xanh Dân Chủ), và Trump thắng ở North Carolina. Kết quả chung cuộc: Biden thắng Trump với tỷ số Trump đã thắng bà Clinton bốn năm trước: 306-232. Cái khác là năm 2016, “Crooked Hillary” (Hillary gian xảo) đã nhanh chóng chúc mừng Trump. Năm nay, Trump nói bị gian lận đến 2.7 triệu phiếu cho nên quyết tâm đi tìm đến cùng. Người ta nghĩ ngay đến số tiền thuế Trump đã nộp bốn năm trước: 750 đô-la!

Hôm nay ngày 13-11, 10 ngày đã qua đi, nhưng Trump vẫn chưa lên tiếng chính thức lần nào với quần chúng Mỹ và đối thủ của mình. Ông ta im lặng. Bỏ rơi đại dịch COVID-19. Bỏ rơi nền kinh tế đang chao đảo, lâm vào tình trạng bế tắc vì gánh nặng đại dịch đè lên. Ông ta im lặng để khỏi phải chống chế và để dồn sức vào toan tính phá hoại, hủy bỏ kết quả bầu cử. Cho dù phải bạo loạn. Bởi vì ông đã có hàng loạt các nhà “dân cử” Cộng Hòa như Mitch McConnell, Lindsey Graham... xúm xít dưới ghế. Nhưng ta có thể vẫn mong đợi và tin tưởng chỉ trong tháng 11 này, tức trong vòng hai tuần nữa, Trump sẽ lẳng lặng rút về Mar-a-Lego. Không phải ông ta là người có “dignity” hay “civility”. Nếu có, ông đã có cung cách "sạch" hơn. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đếm phiếu tuyệt vọng, những khẳng định của giới hữu trách, hữu quyền về sự an toàn và chính xác trong bầu cử Mỹ, Trump sẽ thấy ông ta ngày càng bị cô lập, soi gương chẳng giống ai.

Nhiều người nay đang kính cẩn nói “chúng con cảm ơn Cô”. Cô đây là Cô-Vy. Sự thật thì không có cô, chưa chắc ông Trump phải đả phá bầu cử kết quả. Nhưng thay vì ông phải lo lắng cho cô, ông lại bỏ luống. Và còn tim cách phá cô bằng cách cổ vũ những chuyện ngu xuẩn: không đeo mạng, không cách ly, uống thuốc tẩy trùng cho “sạch đường ruột”, và bỏ rơi cả bác sĩ Anthony Fauci và bà bác sĩ Deborah Birx và cả nhóm đặc nhiệm phong tỏa CôVy. Cho nên cô ra tay là phải. Và chúng ta đã phải trả giá quá đắt.

Cho đến nay, tính ra đã có 10.6 triệu ca nhiễm ở Mỹ, gần 250.000 người chết. Con số trung bình từ đầu (tháng ba) đến nay là 41.000/ngày; số người chết khoảng 1.000 người/ngày. Nhưng trong mười ngày qua, kể từ 3-11, con số trung bình là 123.270. Số người chết/ngày: 1.060! Như thế mà Trump dám nói đây là những con số giả. Người già chết vì tới số, không phải vì cô. Còn người trẻ bị nhiễm cảm cúm trong mùa này cũng là chuyện bình thường. Muốn cho kinh tế trỗi dậy thì phải chịu hy sinh. Bịt tai không hề nghe tiếng kêu cứu từ nhà thương, không chỉ từ nạn nhân mà cả bác sĩ, y tá đang bị cô lập, tràn ngập, hãi hùng, khủng hoảng...

Chẳng thể không nhắc đến Utah của mình. Ngày 12-11, con số nhiễm vọt lên mức chưa từng có: 3.919 ca. Tổng cộng: 146.000 ca và 701 người chết. Con số trung bình hàng ngày trong tám tháng qua là 572, nhưng con số trung bình hai tuần đầu là xấp xỉ 2.400. Nhiều người vẫn chưa hiểu được sự cần thiết của đeo mạng, cách ly và không tụ họp đông đúc. Bởi thế, đêm 9-11, đúng chín giờ rưỡi tối, ông Herbert, nay sẽ rời khỏi chức vụ thống đốc vào tháng giêng sang năm cho nên bớt sợ khối quần chúng Cộng Hòa theo Trump, ban bố tình trạng khẩn trương với bốn biện pháp khẩn cấp: phải đeo mạng, phải cách ly, cấm tụ họp, cấm học sinh và sinh viên chơi bóng trong sân trường, và tất cả trong lứa tuổi 15-24 đều phải thử nghiệm COVID-19. Ông Herbert nhấn mạnh tình trạng ngặt nghèo của các bệnh viện, bác sĩ và điều dưỡng. Và cả sự bế tắc của những người mang những chứng bệnh khác nhưng nay không dám đi bệnh viện...

Hai thống đốc của Utah, một cũ, một mới, đều quả cảm. Ông Herbert nhấn mạnh người dân Utah cần phải nghĩ đến người khác, nhất là người già – là một đặc tính nhân bản. Đây không phải là lúc cãi cọ về chuyện đeo mạng hay cách ly có ích hay không. Đừng trông đợivaccine. Có hãy hay. Chưa có: Phải đeo mạng! Phải cách ly. Còn Thomas Cox, tân cử. Ông mạnh dạn bác bỏ chuyện bầu cử gian lận, vốn là một đề tài thích thú của nhiều người, cứ nói “chính mắt tôi trông thấy” Ông công khai lên tiếng kêu gọi ứng xử có văn hóa (civility) - đừng lạm dụng facebook, chỉ phơi bày nhân dạng của mình - và “chuyển giao quyền hành êm thắm”.

Tuy nhiên, cố vấn kinh tế tối cao của Trump, Peter Navarro, một kinh tế gia vốn chủ trương đánh thuế tận mạng trên hàng Trung Quốc mà không biết chính người mua hàng sẽ lãnh đủ, đã gợi ý chính quyền Trump đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai! Thế nhưng ông ta không nói nổi Trump sẽ lãnh đạo thế nào nền kinh tế hiện nay khi kinh tế đang bị đại dịch chuyển hóa: thất nghiệp còn cao, tỷ lệ không dưới 7%, số người thất nghiệp cả 11 triệu người, là vì nhiều ngành không thể khôi phục nổi; du lịch, dịch vụ, bán lẻ... Phải suy nghĩ cách chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đan kết chặt chẽ với những vấn đề về bình đẳng xã hội và trợ cấp an sinh xã hội. Nhưng chắc chắn tuyệt đối trong đầu, ông Trump cũng không màng, không nghĩ đến.

Người ta đang đặt câu hỏi Trump rồi đây sẽ làm gì?

Tiếp tục hoat động chính trị? Còn lâu. Trumpism có thể còn, nhưng Trump không phải là người có đầu óc để làm chính trị một khi đảng Cộng Hòa phải chuyển hướng.

Tiếp tục làm ăn? Còn lâu. Kinh doanh của Trump đang có xu hướng sập tiệm.

Vui thú điền viên? Còn lâu. Trump đương nhiên muốn “Nếu anh còn trẻ như năm cũ, Ép mấy em vào ..” Nhưng không được.

Vậy thì Trump chỉ còn mỗi một chuyện: Ra tòa trước 5-6 vụ đang chờ sẵn!

Đây chính là viễn ảnh, ám ảnh lớn nhất của Trump từ mấy tháng qua khiến cho bất cứ hành động, lời nói nào của Trump cũng mang tính tuyệt vọng. Người ta đang tính rằng ông sẽ quậy chơi vài tuần, rồi ra lệnh đại xá hết cho con, dâu, rễ, rồi từ chức để phản đối “bâầu cử gian lận”, Mike Pence lên thay, và sẽ đại xá cho ông chủ cũ của mình (như Ford trước đây đã làm với Nixon năm 1974). Trước khi rút lui vào ngày 20-1-2021.

Cứ chờ xem.

Nhưng với người viết, nay đã đến lúc ca bài “tạm biệt”.

Sự thật, viết lách là một sứ mạng “đổi đời” không bao giờ hoàn thành.

Sự thật, mình phải biết lúc nào rút lui, trước khi đột ngột biến mất khỏi thế gian.

Sự thật, đây là một thankless job, hay đúng hơn, thankless task.

Sự thật, đây cũng là niềm vui sống bao lâu nay vì lý tưởng, vì lương tâm, cho nên bạn cũng nhiều, thù cũng lắm.

Ce n’est qu’un au revoir, mes frères ce n’est qu’un au revoir...

7/28/20

HIỂM HỌA DA VÀNG? HAY NGƯỜI DA VÀNG TRƯỚC HIỂM HỌA?


Hoàng Ngọc Nguyên



 Thật ra, chẳng có gì là khó hiểu về quan hệ xập xám chướng giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Có một cái “lô-gích” trong sự đổ vỡ hiện nay.
        Chính là vì hoàn cảnh “dị sàng đồng mộng” giữa hai người. Ông Trump nay đã phải lên tiếng như Châu Du thời Tam Quốc: “Thiên sinh Trâm hà sinh ông Tập” - Thượng đế đã sinh ra ta (như những người cuồng Trâm vẫn nói), tại sao còn sinh ra ông Tập.
        Hai người khác giường là đúng rồi. Người Trung Nam Hải, xem chừng sẽ dùng địa chỉ đó trong suốt mấy chục năm còn lại; người thì Tòa Bạch Ốc, ít nhất hay may ra cho đến tháng giêng sang năm, trừ phi cuộc vận động tái tranh cử tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

7/24/20

Tấm Lòng Vô Hạn



(Bài của một người Quảng Trị viết về người bạn Quảng Bình)
Gần đây, Hàn Sĩ Phan đã xuất hiện khá thường xuyên trên Diễn Đàn Thụ Nhân 1-2 với những vần thơ nhẹ nhàng, có phần trào phúng nhưng chẳng hề châm biếm. Trào phúng làm người ta cười. Châm biếm đưong nhiên có người đau. Nhưng anh chẳng muốn làm ai đau! Chẳng ai muốn đau, chỉ muốn làm người khác đau!
Tuy không ra sân chung đá cho đội banh nào, tôi từng chung màu áo với anh cách đây hơn nửa thế kỷ trong một giai đoạn chính trường tao loạn và chiến trường tồi tệ của đất nước, Trường Chính trị Kinh doanh (phải nhắc đến Mai Kim Đỉnh ở đây) cũng như Hội Thanh Niên Thiện Chí Công tác và Nghị luận (không thể không nhớ đến Nguyễn Khải và Chris Jenkins). Tôi đương nhiên phảỉ biết và hiểu ít nhiều vể Hàn Sĩ. Một người không mang màu sắc tôn giáo hay địa phương hay thành phần xã hội, bình dị nhưng không bình dân,  cho nên dễ đến với người khác với cách ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, vui vẻ.
Nhờ trở lại trên mạng, cho nên anh đến được với nhiều bạn cũ. Và nhiều bạn cũ tìm ra lại anh. Bạn học thời xưa của anh trong khối Thụ Nhân 1-2 này đương nhiên đã già, quá già, phần lớn (đến 98% - theo thống kê học của thầy Trần Văn Mừng) đều đã trên 75. Củng phải 5% mấp mé hay trên 80. Nhưng chẳng phải hàng trăm người này ai cũng có mặt trong danh sách thành viên của mạng. Và ngay cả trong số thành viên ít ỏi này, chẳng phải ai cũng mang “tật” lên mạng sáng trưa chiều tối. Ít nhất một phần ba ở trong nước.  Hai phần ba còn lại rải rác trên nước Mỹ. Hàn Sĩ rất hiểu điều này. Nhìn chung quanh thấy ngày càng thưa thớt. Một khuôn mặt quen thuộc thời đó Nguyễn Tường Cẩm vừa ra đi. “Where have all these old men gone? Graveyard pick them everyone”. Nghe “the sound of silence” mà tưởng như thấy bóng tối âm u trước mặt.