1/11/23

Ôn cố, bất tri tân - NHỮNG GHI NHẬN TỪ MỘT NĂM LỊCH SỬ BIẾN ĐỘNG

Quân Ukraine đánh đuổi quân Nga xâm lược


Ôn cố tri tân. 

Nhắc lại chuyện xưa để biết chuyện nay. Nhắc lại những chuyện trong năm đã qua để cố hình dung những gì có thể xảy ra trong năm mới là một thông lệ trí thức không thể thiếu được của người gõ máy, nhất là khi người ta đang sống trong một thời trí nhớ đang bị thử thách nghiêm trọng trên mọi mặt. Hơn nữa, năm 2022 vừa qua, năm Nhâm Dần, là một năm khó thể quên được, ít nhất khi ta nhớ đến cuộc chiến xâm lăng ngang ngược có tính sát nhân diệt chủng của Nga đánh vào Ukraine, một nước “láng giềng ruột thịt” - theo cách nói của bạo chúa Nga Sa hoàng Vladimir Putin. Đồng thời là cuộc bầu cử giữa mùa tại Mỹ vào ngày 8-11-2022 mà sự thất bại của đảng Cộng Hòa nói lên nhiều điều về nước Mỹ hiện nay.

Một cuộc chiến có thể thấy trước

Tính từ ngày quân Nga bắt đầu “cuộc hành quân đặc biệt” tràn vào miền đông nước Ukraine (24-2-2022), cuộc chiến xâm lăng ngang ngược của Nga đã kéo dài gần 11 tháng, ngoái nhìn phía sau, có nhiều điều chúng ta đã có thể thấy rõ; nhìn về phía trước, với ít nhiều bi quan, chúng ta vẫn thấy tương lai mù mịt.

Để tái lập đế chế Nga, Sa hoàng Putin đã có âm mưu xâm lăng Ukraine từ lâu, thể hiện rõ nhất là sự “sáp nhập” ngang ngược bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga năm 2014.  Vốn là một ông trùm tình báo nước Nga, Putin cho rằng nay là thời điểm thuận lợi nhất và cũng cần thiết nhất để tiến hành cuộc chiến xâm lăng Ukraine, ông ta tin rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ vì sức mạnh vô địch của Nga, sự yếu kém của Ukraine và sự bất lực của các nước phương Tây và khối NATO không dám can thiệp. 

Qua cuộc chiến kéo dài gần cả năm qua, chúng ta đã thấy Putin đã tính toán sai lầm đến như thế nào, và cũng thấy càng sai lầm, Putin càng có thể nguy hiểm đến tột độ. Putin đã không thấy được sự “lạc hậu” và lúng túng của quân Nga, mà ông ta cứ nghĩ rằng có sức mạnh rất hiện đại có thể nuốt chửng Ukraine trong chốc lát. Ông ta cũng không lường được lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường của người dân Ukraine, của người lính Ukraine, và của lãnh đạo Ukraine – đặc biệt là Tổng thống Volodymyr Zelinskyi (cùng tên, khác họ với Vladimir Putin). Ông ta cũng chẳng ngờ cuộc chiến xâm lăng, diệt chủng của Nga đã gặp phải phản ứng quyết liệt của khối Tây Âu, mà sự lãnh đạo của Mỹ đã sáng chói trong việc tạo lập sự đoàn kết, hợp tác, mở rộng (với sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào NATO) và đẩy lùi Nga.

Chưa thể biết chính xác tổn thất quân sự của hai bên trong cuộc chiến này. Tính đến nay, có thể quân Nga đã thiệt mạng hơn 100.000 lính và số bị thương ít nhất tương đương với số chết trận. Con số tử thương của quân Ukraine có thể vào khoảng 20.000-25.000, và số thường dân thương vong vì pháo kích hay tàn sát của quân Nga cũng trong khoảng đó. Tuy nhiên, sự mất mát, sụp đổ của các thành phố và khu dân cư của Ukraine được ước tinh vào khoảng ít nhất là 1.000 tỷ đô la với chính sách tàn phá của Putin. 

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thực sự dám nói cuộc chiến sẽ kết thúc khi nào và như thế nào, bởi vì sự tàn ác và nguy hiểm của Putin khát máu là vô bờ bến. Và ông ta đang cố tình cho Ukraine và phương Tây biết ông ta là người thế nào, độc ác, tàn bạo và nguy hiểm vô hạn, nhằm mục đích làm chùn bước đối phương. Ông ta cứ “kêu gọi” Ukraine “hòa đàm”, nhưng với điều kiện tiên quyết Ukraine phải chịu mất miền đông Ukraine mà Nga đã chiếm (Crimea, Kherson, Kharkiv, Donetsk, Luhansk, Melitopol, Mariupol). Chúng ta đang đứng trước một số câu hỏi then chốt không dễ gì có câu trả lời ngoài việc phải chờ đợi. Ukraine chắc chắn chiến đấu tới cùng. Trong khi đó, dân Nga, quân Nga, kho vũ khí của Nga còn chịu được bao lâu nữa? Chi có điều chắc: cuộc chiến xâm lăng của Nga là nhằm mục đích tạo một trật tự thế giới mới với sự trỗi dậy của Nga là một thế lực quốc tế mới. Điều này chắc sẽ không bao giờ có!

Cuộc chiến Ukraine là một cuộc chiến người ta có thể thấy trước, trừ Putin!

Mỹ lùi khỏi bờ vực

Trong hơn một năm đầu của Tổng thống Joe Biden tại Bạch Cung, người ta vẫn sợ rằng nước Mỹ đang ở trên bờ vực. Có nhiều lý do cho những ám ảnh mất ăn mất ngủ này của người dân. 

Ông Biden tuổi già, sức yếu, nói năng có khi loạng quạng, trí nhớ có khi tầm bậy, và con tim khó đủ sức chịu đựng những vùi dập của thời mạt pháp chưa có lối ra ngày nay. Trong khi đó, Donald Trump thất bại trong bầu cử năm 2022, nhưng đến nay vẫn càm ràm “bầu cử gian lận” và hô hào sự nổi dậy của những phe nhóm cực hữu quá khích trong quần chúng bạch chủng. Đại dịch coronavirus vẫn còn là một mối lo (cho đến nay, 101 triệu trường hợp, 1.1 triệu người chết), không chỉ đe dọa sức khỏe và sự sống còn của người dân, mà còn ảnh hưởng dai dẳng trong 2-3 năm qua đến sự phát triển kinh tế của đất nước - những vấn đề về lạm phát, thất nghiệp và suy thoái. Lạm phát thông thường là do lạm chi của chính phủ và người dân, đồng thời một nguồn cung bất túc – hoặc do sản xuất suy giảm hoặc do nhập cảng bị tắc nghẽn. Kinh tế suy thoái một phần là do sản xuất không đủ, không kịp với nhu cầu và một phần là do chính sách lãi suất gia tăng nhằm hạn chế tín dụng và khuyến khích tiết kiệm để kiềm chế lạm phát… Nạn thất nghiệp ngày nay ngày càng phức tạp, vì nhiều kỹ nghệ đỏ mắt không tìm ra được người làm, trong khi nhiều người cũng đỏ mắt vì tìm không ra việc. Đó chỉ là những chuyện trước mắt, còn chuyện lâu dài của nước Mỹ thì vô kể.

Để hiểu khả năng và kinh nghiệm của Tổng thống Joe Biden, chúng ta chỉ cần nhớ rằng trong năm 2022 vừa qua, ông vừa có sinh nhật bát tuần để bàn với gia đình có nên tái ứng cử hay không, vừa kỷ niệm 50 năm ông đắc cử thượng nghị sĩ của tiểu bang Delaware để bước vào sân khấu chính trị. Cho nên trước những thử thách phức tạp của tình thế, ông đã xử sự với đầy đủ bản lĩnh. Người ta có thể ghi lại một vài điều vì sao Đảng Dân Chủ đã thắng lợi trong bầu cử Thượng Viện năm nay (duy trì thế đa số) và chỉ thua nhẹ nhàng trong bầu cử Hạ Viện (222/212) mặc dù trước đó giới bình luận chính trị e rằng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống của ông (2023 và 2024), ông Biden và đảng Dân Chủ chỉ có cách duy nhất là bó tay. 

Thứ nhất, ông Biden đã hành động rõ ràng và quyết liệt trong việc tích cực ủng hộ Ukraine chống xâm lăng của Nga. Bằng chủ trương này, ông đã đưa Mỹ trở lại nắm vị thế lãnh đạo khối đồng minh phương Tây (trước đây là “Thế giới Tự do”) mà người trước ông đã buông vì chủ nghĩa MAGA -“làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng chính sách “America First” của ông ta. Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã có kết quả trông thấy. Thứ hai, ông Biden đã mạnh dạn lên án những người Cộng Hòa theo đường lối MAGA đang cổ vũ cho thuyết âm mưu “bầu cử gian lận” để biện minh chuyện bạo lực súng đạn và khủng bố cử tri. Theo giới quan sát, chính sự kiện ông đã ra mặt công kích sự đe dọa của lớp cử tri Cộng Hòa MAGA theo chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc giáo (Christian nationalism) đã thúc giục lớp người trẻ, lớp trí thức và người da màu nô nức đi bỏ phiếu. Thứ ba, Biden làm rõ sự lựa chọn của ông trong những vấn đề sinh tử như kiểm soát súng đạn, quyền tự do lựa chọn trong việc mang thai (pro-choice hay pro-life), sự bình đẳng giới tính… Thứ tư, ông Biden đã mạnh dạn ký ba đạo luật có tác dụng mạnh mẽ với đời sống và công ăn việc làm của người dân: luật giải trừ hậu quả đại dịch 1.900 tỷ (American Rescue Plan), luật phát triển cơ sở hạ tầng khoảng 1.000 tỷ, và luật chi phí cho y tế và khí hậu, còn được gọi là Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) nhằm cho phép chương trình Medicare thương lượng giá của dược phẩm theo toa bác sĩ… 

Cử tri có thể đã tiên liệu rằng nếu để cho đảng Cộng Hòa nắm cả hai viện trong vài năm tới thì tất cả những chương trình phúc lợi của Biden sẽ “tắt” hết. Đàng khác, người ta cũng có đủ thời gian và thực tế để hiểu rằng lạm phát đang bị kìm chế bởi hàng loạt quyết định tăng lãi suất cơ bản của ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve), trong khi kinh tế Mỹ vẫn ổn định hơn so với Trung Quốc hay cả châu Âu, và tỷ lệ thất nghiệp thật ra đáng mừng hơn đáng lo (3.5% thời Biden so với 6.2% thời Trump) với chỉ 5.1 triệu người thất nghiệp. 

Dân chủ suy đồi, nước Mỹ ấu trĩ

Nhưng ông Joe Biden hẳn phải hiểu rằng đã mang cái nghiệp vào thân, ông vẫn còn lắm lý do để phải dùng Zolpidem trước khi lên giường. 

Tuy bầu cử giữa mùa đã qua, những mối lo của nước Mỹ vẫn còn đó, nhất là khi chúng ta có trong tay tác phẩm hiện nay rất gần gũi của Nick Bryant, một nhà quan sát chính trị Mỹ lâu đời của BBC. When America Stopped Being Great – A History of the Present. Dân chủ Mỹ đang bị thử thách nghiêm trọng hơn bao giờ cả, trật tự chính trị của Mỹ bấp bênh hơn bao giờ cả vì ông Trump vẫn còn đó, quần chúng MAGA dường như có thể mạnh hơn, và đảng Cộng Hòa từng được xem là đảng của Abraham Lincoln thời trước, của Eisenhower và Reagan thời nay xem chừng nay là đảng của Trump, đảng của MAGA. Hay ít nhất đang bị phân hóa thành hai nhánh mà những người Cộng Hòa chính thống, ôn hòa đang bị át giọng.

Ông Trump không tin ở “lưới trời lồng lộng”, ông chỉ tin ở cái số của ông là một “con trời” (God’s son) hay ông trời con, cho nên làm gì cũng được, bao nhiêu thử thách cũng vượt qua, cho nên luật pháp nằm trong tay ông – giống như hai thần tượng của ông là Putin và Tập Cận Bình, những “hoàng đế suốt đời” . Trump đã thoát ít nhất ba vụ trọng án (impeachment) trước khi rời Nhà Trắng (thông đồng với Nga trong bầu cử năm 2016, o ép Ukraine để phá Biden năm 2019, và tổ chức bạo loạn ngày 6-1-2021) nhờ một Thượng Viện trong những năm đó nằm trong tay Cộng Hòa của Mitch McConnell, cho nên Trump càng tin ở cái số của mình. Trong năm 2022, một ủy ban điều tra đặc biệt của Hạ Viện đã đi đến kết luận chính Trump đã chủ mưu gây bạo loạn nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.  Georgia cũng đang kết thúc điều tra việc Trump năn nỉ xin thêm “chỉ 11.000 phiếu” để thắng được ở tiểu bang này. Bộ Tư pháp của New York đang đòi Trump phải ra tòa trong vụ án làm ăn gian giảo với khoản phạt 250 triệu đô-la cùng lênh cấm Trump Organization hoạt động ở tiểu bang này. Một vụ án khác là một nhà báo kiện Trump vào tội cưỡng hiếp bà trong một phòng thay y phục cách đây 23 năm và còn nhục mạ bà. Còn bao nhiêu vụ án khác, mới nhất chính là vụ FBI ngày 8-8-2022 đã bất ngờ tiến hành khám xét căn cứ địa của trump tại Mar-a-Lago, Trump đã ngang nhiên cất giấu những hồ sơ, tài liệu của ông ta trong thời làm tổng thống mà theo luật ông ta phải giao nộp khi rời Bạch Cung… Thế nhưng năm 2022 đã chấm dứt, ông ta vẫn bình chân như vại với một đội ngũ đông đảo luật sư bao quanh. Trong năm 2022, một số ứng cử viên Quốc Hội gà nhà của ông đã thất cử, cho nên một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa chủ trương phải thoát ly khỏi ông ta. Trump phản pháo bằng cách công bố sớm quyết định tranh cử tổng thống năm 2024. Người ta vẫn nói Trump là người không có cái đầu. Thực ra, Mary Trump, cháu gái của Trump đã mô tả đúng đắn ông chú của mình: the world’s most dangerous man.

Trump chính là vấn đề bế tắc của dân chủ Mỹ. Đúng hơn nữa chính đảng Cộng Hòa là vấn đề của dân chủ Mỹ, và nhìn xa hơn nữa, chính quần chúng theo đảng Cộng Hòa, hay đúng hơn quần chúng MAGA, đang là vấn đề nan giải của dân chủ Mỹ. Vấn đề không mới mẻ nhưng ngày càng nghiêm trọng với sự bành trướng của những thế lực như Proud Boys, Quanon, Oath Keepers, KKK… đang rao giảng “chủ nghĩa da trắng thương tôn” (white supremacy) với cái vỏ MAGA của Trump. 

Cứ xem cuộc bầu cử chủ tịch Hạ Viện trong bốn ngày 3-6 tháng giêng vừa qua. Kevin McCarthy, lãnh tụ phe đa số Cộng Hòa, phải cần đến 15 lần bỏ phiếu để nắm được các dân biểu Cộng Hòa hầu như toàn bộ đi theo ông ta trong khi nhánh MAGA có ít nhất cũng 20 người đang làm giá. Cuối cùng, McCarthy cũng thành công trong ô nhục khi phải rạp người cảm tạ ông Trump đã bảo những người của Trump đừng chống đối nữa, sau khi McCarthy cam kết hàng loạt nhượng bộ theo tôn chỉ của Trump, chống Biden và đảng Dân Chủ triệt để.  

Đảng Cộng Hòa đang ở vào thời điểm “mất nhân dạng” (loss of identity). Chúng ta cứ lướt qua những nhân vật nổi đình nổi đám nhất hiện nay: Cori Lake ở Arizona bắt chước Trump cứ nhất định nói “bầu cử gian lận” và tự phong mình làm “thống đốc hợp lệ” sau khi thất bại trong bầu cử; George Santos, dân biểu New York mới tuyên thệ  nổi tiếng vì chưa hề biết nói thật, từ nguồn gốc gia đình đến trình độ học vấn (chưa hề lên đại học) và nơi mình làm việc – chưa kể từng bị truy lùng ở Brazil về tội dùng chi phiếu đánh cắp của người khác; Marjorie Taylor Greene, dân biểu Georgia “vô cùng tự hào” là thành viên “dân tộc Cơ Đốc giáo” và “nếu tham dự vào cuộc bạo loạn ngày 6-1 tôi đã mang theo vũ khí”…  Vấn đề có thể là từ nay chúng ta sẽ thấy hai đảng Cộng Hòa: Cộng Hòa Hạ Viện theo Trump và Cộng Hòa Thượng Viện đang lúng túng tìm cách xác định lý lịch của mình. Hai năm tới, người Cộng Hòa đang xôn xao với những cuộc bầu cử tổng thống, Thượng Viện và Hạ Viện… Nước Mỹ sẽ bất ổn ở chừng mực nào khi chế độ lưỡng đảng đòi hỏi sự hợp tác, nhưng thực tế đường ai nấy đi, nhất là khi người ta xem chừng quá bận rộn với quyền lực cho nên không thể nghĩ gì đến chuyện nước nhà một cách nghiêm chỉnh?

Dân chủ vô hiệu, nước Mỹ về đâu?

Bình thường, chúng ta có thể thấy chính trị nước Mỹ thường làm ngơ trước những vấn đề sống còn của đất nước, chỉ vì sự vô hiệu của dân chủ làm cho chính trị bế tắc. Tổng thống Mỹ chỉ quen tính toán từng nhiệm kỳ bốn năm, sau đó thường phủi tay, cho nên chẳng thể nhìn xa hơn. Các thượng nghị sĩ hay dân biểu cũng chỉ tìm cách chạy theo cử tri thay vì dẫn dắt cử tri theo mình trong một hành trình phát triển, xây dựng đất nước. 

Là công dân Mỹ với ý thức về bổn phận phải hiểu biết và trách nhiệm của người dân, chúng ta có thể kể ra những vấn đề lớn mà nước Mỹ chưa có giải đáp:

- Di dân: Liệu nước Mỹ phải xác định như thế nào về chế độ mở cửa cho di dân khi đất nước này đang bị bế tắc trong vấn đề “land of immigrants”.

- An ninh súng đan: Trong những ngày gần đây, có ba vụ án nhưng người ta vẫn chưa tỉnh ngộ: một người Mormon ở Utah bắn chết vợ, mẹ vợ và 5 con nhỏ rồi tự sát; một sinh viên Ph.D. về khoa tội phạm học vô cớ bắn chết bốn người trẻ trong một căn nhà trọ “để thử nghiệm”, và một bé trai 6 tuổi cầm súng bắn cô giáo trọng thương. Không thể cứ tiếp tục lạm dụng một Tu chánh án này chỉ có ý nghĩa lịch sử.

- Phân hóa: Một đất nước của di dân và “đa văn hóa” nhưng sự phân hóa về màu da, về địa phương, về tôn giáo, về lợi tức… đang làm cho xã hội ngày càng bất ổn. Cứ nhìn sự hình thành của những nhóm vũ trang da trắng đang tự cho mình quyền “điều phối xã hội” – tâm lý còn tệ hại hơn thời Nội chiến 1861-65.

- Giáo dục: Giáo dục của nước Mỹ đang sụy giảm trong ngôi thứ trên thế giới, và điều ai cũng thấy là học sinh Mỹ khoảng lớp 9 nói chung yếu ở hai môn toán và đọc (báo cáo của Đại học Harvard tháng 9-2022). Bài toán phức tạp này cựu Tổng thống Obama từng nêu ra vì cơ chế giáo dục liên bang, tiểu bang, nhưng sau đó bị bỏ lửng. Và vì cha mẹ một phần.

- Hiến pháp: Trong nhiều thập niên đã qua, những nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử đã kêu gọi khẩn thiết phải tu chỉnh hiến pháp vì một số nội dung của nó lỗi thời, gây trắc trở cho điều hành luật pháp và sự hòa hợp liên bang-tiểu bang, các chủng tộc, tôn giáo (tách rời tôn giáo khỏi chính trị)… Một đất nước, dù mang tên “hợp chủng quốc”, không thể vận hành như một tập thể gồm 50 nước riêng biệt…

Một thời trăn trở

Nhìn lại, trên toàn cầu, năm 2022 chẳng dễ sống tí nào. Đúng hơn, thời nay là cao điểm của thời mạt pháp diễn ra sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt.

Trung Quốc “làm gương” cho cả thế giới bằng xác lập chế độ chuyên chính vĩnh viễn, Tập Cận Bình nay trọn đời làm chủ tịch đảng, chủ tịch nước, Tổng tư lệnh quân đội - miễn ông thoát được quy luật sinh lão bệnh tử. Nhưng Tâp thận trọng hơn Putin – ngoài và trong nước, vì biết rằng những khó khăn của thời đại (COVID, kinh tế…) đang làm cho Trung Quốc đi xuống.

Một đàn em của Trung Cộng là Bắc Hàn, tuy thế, là một biểu tượng điên rồ của thời đại. Kim Jong-ủn vẫn cứ muốn xác nhận mình là đại đế cho nên cứ ngồi trên ngai cho triều thần tung hô và ra lệnh bắn hỏa tiễn bừa bãi.

Những nước Trung Đông ngày càng nguy hiểm khi mở ra quan hệ với Nga để “dằn mặt” Mỹ . Chính trị và quân sự vẫn bất ổn, lạc hậu ở Syria, Iraq, Afghanistan. Hai nước Iran và Saudi Arabia vẫn ở hai cực và Iran đang nổi tiếng nhất trong sự đàn áp giết chóc người dân đang phản kháng và Tehran cung cấp hỏa tiễn cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Thế nhưng vào tháng 12 cả thế giới sôi nổi với một World Cup tại Qatar mà Argentina thêm một lần nữa đoạt Cúp Vàng và giới hâm mộ bóng đá nay có một thần tượng mới: Messi (không messy tí nào cả), sự thành công vượt bậc không làm cho người ta quên hàng trăm người đã nằm xuống dưới các khán đài hoành tráng.

Nói chung, sự thử thách đang tràn qua các nước châu Âu. Nước Anh lần đầu tiên trong lịch sử có một thủ tướng tỷ phú gốc Ấn Độ nhưng thuộc một gia đình tỷ phú. Một số nước dân chủ đang chuyển qua hướng khuynh hữu vì người dân bực bội trước làn sóng di dân tỵ nạn từ Trung Đông. Bởi thế các chính phủ tại Ý, Thụy Điển, Ba Lan, Hungari, và nhất là Do Thái… đang đổi màu… Thử thách cũng đang đổ đến Nam Mỹ, khi người ta chứng kiến tại Brazil, ngày 8-1-2023, những người theo cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (vừa thất cử) không chấp nhận kết quả bầu cử tràn vào tòa nhà Quốc Hội, Tối cao Pháp viện và Dinh Tổng thống đập phá. Ông Trump hẳn phải vui khi thấy ảnh hưởng 6-1 của mình đi xa như thế! 

Và không thể quên Việt Nam “đất nước ra ngõ gặp thằng khùng”. Nguyễn Phú Trọng 79 tuổi vẫn muốn bắt chước Tập Cận Bình. Sự phân hóa bắc nam ngày càng sâu sắc, nạn tham nhũng càng thêm “phổ biến”, khiến cho ý thức về luật pháp chỉ là trò cười. Và những người đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam vẫn lẻ loi vào tù – ít người dân nào biết đến.

Tri cố, bất tri tân

Kể bao nhiêu chuyện đời xưa cũng chưa vừa, chúng ta vẫn cảm thấy xốn xang, không yên tâm vì không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra cho đời nay. 

Sẽ có nhiều chuyện lớn xảy ra trên đất Mỹ, trong chiến tranh Ukraine, trên nước Nga, tại nước Tàu, ở khu vực Trung Đông… trong năm 2023 này.

Chúng ta chỉ biết chờ xem… Không thể nói gì trước. 

Bởi thế mà tuổi thọ của người Mỹ đang giảm nhanh chóng vì mất ăn mất ngủ.


No comments:

Post a Comment