1/3/23

Đ À L Ạ T, N G À Y T R Ở L Ạ I…

Trung Nguyên


Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi mình rời Viện Đại học Đà Lạt, từ giã thành phố mù sương này. Trong gần nửa thế kỷ ấy, có lúc mình đã trở lại, vội vội vàng vàng, rồi đi, chưa đủ thì giờ để thăm lại chốn xưa, nơi mình đã để lại những năm tháng đáng nhớ nhất trong thời sinh viên rực rỡ của mình.

Viện Đại học Đà Lạt (1957 – 1975, nay là Trường Đại học Đà Lạt), tọa lạc trên ba ngọn đồi thơ mộng, được gọi là Khu vực A, B, C. Khu vực A (gồm các cơ sở hành chính và giảng đưởng) nằm ở đường Phù Đổng Thiên Vương, nhìn ra sân cù về hướng phố, vẫn trầm mặc như thuở nào. Nơi đây, bao thế hệ sinh viên tài năng đã được đào tạo, tỏa ra khắp năm châu bốn bể, làm rạng danh ngôi trường danh tiếng bậc nhất ở thành phố cao nguyên, nơi thể hiện rõ nét triết lý giáo dục: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Những giảng đường cổ kính vẫn hầu như nguyên vẹn như xưa: Hội Hữu của SPCN, Tri Nhất của MPC, Spellman của Chính trị Kinh doanh, Dị An của Chính trị Xã hội, Minh Thành của Văn Khoa, Trung tâm sinh viên của Sư Phạm… 

Thông vẫn reo chào đón người về. Sương mù sớm mai vẫn giăng mọi lối đến giảng đường như ngày xưa đi học. Nhưng còn đâu hình bóng thầy cô. Nhưng còn đâu hình bóng bạn bè. Cổng trường im ỉm đóng. Giảng đường im phăng phắc. Chỉ có tiếng chim lạc đàn văng vẳng đâu đây. Chỉ có mùi hoa dại gợi nhớ một thời xa vắng.

Cà phê Tùng vẫn đông khách nhưng vẫn tĩnh lặng như ngày nào, ngày mà giới văn nghệ sĩ, giáo sư và sinh viên vẫn thường đến ngồi đồng, trầm ngâm bên những phin cà phê thong thả nhỏ từng giọt đậm đặc vào đáy cốc, giữa không gian đầy khói thuốc. Vẫn những bức tranh treo tường phủ bóng thời gian từ thập niên 60 thế kỷ trước của Đinh Cường, Thái Lãng, Nghiêu Đề… Vẫn những bộ ghế dài cũ kỹ bọc da màu đỏ đã phai màu kê sát hai bên tường. Vẫn cặp loa thùng bằng gỗ phát ra những âm thanh ma mị và sang trọng ngày xưa. Vẫn những vị khách kén chọn, tuy mỗi thời một khác, đắm chìm trong suy nghĩ với những mảng ký ức mơ hồ.
 
Với mình, cà phê Tùng có một không gian và thời gian riêng mà hiếm nơi nào có: ở đó, người ta đến để hoài niệm, để chiêm nghiệm về thân phận con người và lựa chọn cho mình một tâm thế sống; ở đó, thời gian như dừng lại ở một thời xa lắc xa lơ hoặc trôi rất chậm như kiểu sống chậm của những người đến đó, mặc cho cuộc đời có tất bật ngoài vuông cửa kính chia thế giới làm hai: hiện tại và quá khứ; thật và mơ...

Thủy Tạ trông rất điêu tàn so với Thanh Thủy ở bờ hồ đối diện. Cái quán “cà phê tím” ăn theo loài hoa Pensée gợi nhớ này, tuy có vẻ rất ăn nên làm ra, nhưng hoàn toàn không có trong tiềm thức của mình. Với mình, Thủy Tạ là những đêm mù sương, co ro thu mình trong góc tối, nhâm nhi một cốc cà phê đen, thả ước mơ lên trời theo khói thuốc và bỗng thấy thèm vòng tay của người tình. Người tình ấy chưa bao giờ lên Đà Lạt như mình hằng mong ước, nhưng em đã đến và vĩnh viễn ở lại trong cuộc đời mình hơn bốn chục năm nay.

Thung Lũng Tình Yêu đẹp hơn xưa rất nhiều và cũng nhộn nhịp hơn xưa. Ngày xưa mình đã đến, nhưng đến với các bạn học SPCN trong những chuyến du ngoạn tìm hiểu về các loài cây và hoa ở đó. Bây giờ trở lại nơi xưa với những người bạn già, trong đó có cả bạn đời. Tay trong tay, dung dăng dung dẻ, cứ tưởng mình là những cặp tình nhân trẻ gặp nhau trong những buổi hẹn đầu. Vậy là cuối cùng những người yêu nhau đã gặp được nhau ở thành phố mộng mơ ấy. Vậy là Thung Lũng Tình Yêu lại thêm một lần được chào đón những người yêu nhau lúc tóc đã không còn xanh nhưng tình thì vẫn rất nồng.

Có một nơi ngày xưa chưa có là Nhạc Quán Diễm Xưa, nơi hằng đêm nhạc Trịnh và nhạc Tiền Chiến vẫn vang lên giữa những khán giả đồng điệu và trung thành. Họ ngồi đó trong yên lặng, nuốt trọn những thanh âm, thắp lên cho mình một ngọn lửa, như những ngọn nến xung quanh thắp lên cho đêm tối một thứ ánh sáng lung linh, thứ ánh sáng huyền ảo và nhiệm mầu có thể hàn gắn những đổ vỡ, chữa lành những vết thương và quên đi những phận đời oan nghiệt. Người ta gọi đây là quán cà phê “điên”. Có lẽ có lý do nào đó, nhưng mình thì thích cái sự “điên điên” ấy. Khán giả đắm chìm trong hoài niệm, còn ca sĩ thì hát như trút hết nỗi niềm và nhạc công thì lặng lẽ cống hiến hết tài năng của mình cho một giai đoạn phát triễn lộng lẫy nhất của nền âm nhạc Việt Nam trong thập niên 40, 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Đêm đã khuya, trời rất lạnh, vậy mà không ai muốn ra về. Bọn mình ngồi đó bên nhau, mặc trời lạnh, mặc đêm khuya, nhìn vào một cõi xa xăm nào đó, chiêm nghiệm về những được mất trong đời, lòng nhẹ tênh, hồn bay bỗng, đến nỗi đã lạc mất lối về.

Vẫn còn nhiều con đường mình muốn đi. Vẫn còn nhiều nơi mình muốn đến. Nhưng làm sao đi hết một lần? Nhưng làm sao đến hết một lần? Phải còn, để mình còn luyến tiếc và trở lại những lần sau. Tạm biệt em, thành phố mù sương.

Trung Nguyen
Thụ Nhân Viện ĐH Dalat



No comments:

Post a Comment