12/9/22

Sự Khai Sinh Một Trật Tự Quốc Tế Mới

Joschka Fischer, “The Birth of a New International Order“, PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Nguồn: Hội cựu sinh viên QGHC Liên bang Úc châu

Những di tích còn lại của trật tự lưỡng cực thuộc thế kỷ 20 cuối cùng cũng đang biến mất, nhường chỗ cho một trật tự ngũ đại (pentarchy) mới trên toàn cầu. Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ là những tác nhân với ưu thế trong thế kỷ 21, nhưng Âu Châu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ có thể vận dụng những ảnh hưởng đáng kể trên các dải đất rộng lớn của địa cầu.

BERLIN – Chúng ta đang chứng kiến sự hội tụ chưa từng thấy của các cuộc khủng hoảng lớn và nhỏ. Từ đại dịch COVID-19, giá năng lượng dâng cao và nạn lạm phát đã trở lại trong các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, cho đến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt đoạn, cuộc chiến tội ác của Nga ở Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều cuộc khủng hoảng này không những chỉ là dấu hiệu của sự suy tàn mà còn là của một trật tự thế giới mới đang được khai sinh.

Khi những di tích còn sót lại của trật tự lưỡng cực thuộc về thế kỷ 20 cuối cùng cũng biến mất, một bàn cờ ngũ đại trên toàn cầu đang mới xuất hiện. Hoa Kỳ và Trung Cộng – hai siêu cường quân sự, kỹ thuật và kinh tế của thế kỷ này – sẽ là những tác nhân chiếm ưu thế, nhưng Âu Châu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng có thể vận dụng những ảnh hưởng đáng kể trên các dải đất rộng lớn trên địa cầu.

Saul Loeb/AFP via Getty Images

Một dấu hỏi lớn đang treo lơ lửng trên đầu nước Nga, bởi vì địa vị, năng lực và tư thế chiến lược trong tương lai của nước này sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc xâm lăng liều lĩnh của họ. Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga đã bám víu một cách tuyệt vọng vào quá khứ, tìm cách tái lập trở về thế kỷ 20 hoặc ngay cả vào cuối thế kỷ 19. Nhưng với nỗ lực sai lầm thật thảm hại trong mục đích tiêu diệt Ukraine, cuối cùng họ đang tự hủy diệt chính mình.

Sự thất bại về quân sự của Nga ở Ukraine đã là điều chắc chắn – nếu không, đó chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng vẫn còn quá sớm để tiên đoán những hậu quả có thể xảy ra. Liệu chế độ của Putin sẽ sống sót, hoặc liệu sự thất bại của Nga sẽ đưa tới một thời kỳ của sự suy đồi và tan rã trong nội bộ. Cho đến khi câu hỏi đó được giải đáp, chúng ta vẫn chưa có thể biết được liệu nước Nga có cố gắng duy trì vị thế cũ của vai trò bá chủ ở Đông Âu và phần lớn lục địa Á-Âu hay không.

Nếu Điện Cẩm Linh buộc phải từ bỏ vị thế đó, thì vai trò cường quốc thế giới của họ có thể sẽ không còn nữa. Điều chắc chắn là ngay cả một nước Nga bị suy yếu và sỉ nhục, thay vì đi vào tình trạng bị động về địa chính trị, họ rất có thể sẽ vẫn là một nguồn bất ổn chính trong trật tự thế giới mới, và đặc biệt là ở lục địa Âu Châu. Nhưng điều rõ ràng là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga không còn đủ để bảo đảm cho vị thế địa chính trị của họ trong thế kỷ 21. Nền kinh tế của họ nhất định sẽ trở nên suy yếu trầm trọng khi phần còn lại của thế giới chuyển qua việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch – trụ cột chính cho nền kinh tế Nga.

Trong khi Nga đặt ra những mối rủi ro mới do tình trạng bấp bênh và suy yếu của họ, thì các rủi ro của Trung Cộng đặt ra do sự giàu có và sức mạnh ngày càng tăng của mình. Dựa vào đợt sóng toàn cầu hóa khổng lồ được khởi động vào giai đoạn đầu của những năm 2000, Trung Cộng đã xoay sở để thoát khỏi đói nghèo và đưa tới vị thế có thể đạt mức lợi tức cao. Và với cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 đã làm Tây Phương mất phần nào uy tín, Trung Cộng đã có thể mở rộng vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ và tự biểu hiện như một siêu cường toàn cầu bên cạnh Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, không giống như Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Trung Cộng đã không phạm phải sai lầm là chỉ chú trọng về sức mạnh quân sự của họ mà thôi. Ngược lại, sự trỗi dậy toàn cầu của họ phản ánh việc dấn thân hội nhập vào các thị trường thế giới do Mỹ và Tây Phương thống trị qua vai trò “ một công xưởng mở rộng” cho thế giới, đồng thời đầu tư mạnh vào việc cạnh tranh với Tây Phương trong các lĩnh vực biên cương mới về khoa học và kỹ thuật. Hiển nhiên Trung Cộng đã không kềm hãm việc đầu tư về quân sự, nhưng họ không để cho các chi tiêu quốc phòng và an ninh lấn át các lĩnh vực khác. Sự khác biệt rõ rệt giữa Trung Cộng và Nga ngày nay là, không giống như Putin, giới lãnh đạo Trung Cộng đã tỏ ra sống động trong một thời gian khá dài của thế kỷ 21.

Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Bali đã thể hiện sự khác biệt căn bản này về triển vọng và mục tiêu của họ. Trong khi Nga cảm thấy bị cô lập về mặt ngoại giao, thì Trung Cộng là trung tâm của tất cả các cuộc thảo luận và việc định hình bản thông cáo chung cuối cùng. Mặc dù họ không chấp nhận quan điểm của Tây Phương về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng các nước lớn như Trung Cộng và Ấn Độ đã rõ ràng tận dụng cơ hội này để lánh xa Điện Cẩm Linh, chỉ trích chính sách về chiến tranh và các mối đe dọa hạt nhân của nước này. Nếu cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp xoa dịu mối căng thẳng Trung-Mỹ, thì hội nghị thượng đỉnh Bali sẽ mở ra cơ hội định hình lại quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ đem lại một lý do khác cho sự hy vọng, khi “làn sóng đỏ” của Đảng Cộng Hòa đã từng được nhiều người mong đợi đã không trở thành hiện thực. GOP đã không chiếm được Thượng viện và chỉ vừa đủ để chiếm đa số tại Hạ viện. Như năm 2018 và 2020, cựu Tổng thống Donald Trump một lần nữa đã kềm chế đảng của mình. Hầu hết người Mỹ không muốn quay trở lại với chính sách cô lập “Nước Mỹ trên hết” của ông ta.

Nói chung lại, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ và Hội nghị thượng đỉnh Bali mang đến lý do lạc quan vào một thời điểm đầy lo âu. Nhưng chúng ta sẽ cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc hợp tác toàn cầu. Cuối cùng, hai cuộc khủng hoảng lớn nhất của chúng ta – cuộc chiến gây suy thoái của Nga ở Ukraine và biến đổi khí hậu – chỉ có thể được khắc phục nếu các cường quốc chủ chốt của thế giới tìm ra cách hợp tác với nhau.

Joschka FischerBộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005, lãnh tụ của Đảng Xanh nước Đức trong gần 20 năm.

No comments:

Post a Comment