2/10/22

Tiếng Chuông Long Thọ


Tiếng Chuông Long Thọ

Tiếng Chuông Long Thọ không phải là tiếng chuông của chùa Long Thọ. Đây là chuông tôi mua tại Phường Đúc, Long Thọ, Huế. Tiếng chuông Long Thọ trong bài này không huyền diệu, vang vọng, sâu lắng như tiếng chuông chùa.


Tam giáo Phật Nho Lão có ở nước ta đã nhiều thế kỷ. Mặc dầu ông bà, cha mẹ và tôi là tín đồ của tam giáo, nhưng tôi chỉ lõm bõm biết về ba tôn giáo này. Tôi chỉ biết lý thuyết Phật giáo là nhân quả và từ bi hỷ xả, của Nho giáo là Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín và Quân Sư Phụ. Lão giáo thì tôi mù tịt. Tôi chỉ biết Lão Tử là tác giả cuốn Đạo Đức Kinh với lý thuyết Vô Vi.

Trong ba tôn giáo thì Nho Giáo sâu đậm trong tôi nhất, mặc dù ngày nay ai hỏi tôi theo đạo nào thì tôi trả lời : Phật giáo. Lý do, trước đây ai hỏi tôi theo đạo nào, tôi trả lời : Đạo Thờ Cúng Ông Bà. Nho giáo ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, gia đình và cả học đường. Từ lớp năm (lớp 1 ngày nay) cho đến lớp đệ ngũ (lớp 8 ngày nay) tôi đã được học những bài tập đọc dạy về Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín và tôn sư trọng đạo, không thày đố mày làm nên, tiên học lễ hậu học văn. Trong thời gian học trung học, tôi đã đọc vài lần quyển Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân. Quyển sách này gồm những truyện ngắn rất hay và súc tích về những tư tưởng lớn của văn hóa Trung Hoa xưa như Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, Tuân Tử … vv … Tại sao tôi là Phật tử ? Tháng 05 năm 1975, tôi vào tù cải tạo tại Hóc Môn. Tôi phải khai lý lịch. Trong bản khai lý lịch có một câu hỏi : tôn giáo ? (theo tôn giáo nào). Tôi khai : Phật giáo. Buổi trưa hôm sau, anh cán bộ quản giáo kêu tôi ra ngoài sân. Anh quản giáo trạc tuổi tôi. Anh ta nói giọng Hà Nội. Anh ta nói với tôi :

- Anh theo Phật giáo, anh phải có họ Thích ? Anh là Thích gì ?

- Tôi chẳng Thích gì hết.

- Vậy anh phải khai không tôn giáo hoặc thờ cúng ông bà.

Tôi im lặng. Anh quản giáo ra về.

Lần khai lý lịch thứ hai, mục tôn giáo tôi vẫn khai Phật giáo. Anh quản giáo lại đến gặp tôi. Anh nói:

- Tôi bảo anh khai không tôn giáo hay thờ cúng ông bà, sao anh vẫn khai Phật giáo.

- Bà ngoại tôi, bố mẹ tôi là Phật giáo thì tôi là Phật giáo.

- Bà ngoại anh, bố mẹ anh là Thích gì ?

- Tôi không biết. Tôi thấy hàng đêm bà ngoại tôi lần tràng hạt trước ảnh Phật A Di Đà. Bố mẹ tôi đi chùa Hòe Nhai ở phố Hàng Than.

Anh quản giáo im lặng. Hai chúng tôi im lặng. Năm phút sau anh quản giáo đi về.

Những lần khai lý lịch sau, tất cả mười lần, tôi đều khai Phật giáo trong mục tôn giáo. Anh quản giáo không đến gặp tôi nữa. Tôi trở thành Phật tử từ ngày đó, mặc dầu tôi chẳng qui y và không có họ Thích.

Tôi còn nhớ trong khoảng năm phút anh quản giáo và tôi im lặng. Anh không nhìn tôi. Anh bỏ đi, không nói và cũng không nhìn tôi. Tôi nhìn anh cho đến khi anh đi khuất. Tôi chỉ gặp anh hai lần, đến bây giờ tôi vẫn nhớ anh. Sau này và cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng anh có người bà, người bố, người mẹ hằng ngày lần tràng hạt và ngày rằm, mùng một cũng đến một ngôi chùa nào đó cúng Phật.

Ngày xưa, nhà tôi ở Việt Nam nhỏ bé chật hẹp nên không có bàn thờ ông bà, cũng không có bàn thờ Phật. Chỉ có hình của những người thân quá vãng để ở góc nào đó trong nhà. Nay ở Mỹ, nhà rộng rãi hơn nên nhà tôi có một tủ thờ tổ tiên, nhưng không có bàn thờ Phật mà chỉ có chỗ trưng bày mà tôi gọi là Bàn Cảnh Phật.

Bàn Cảnh Phật gồm rất nhiều thứ của các con tôi, của tôi và của bạn tôi. Trên Bàn Cảnh Phật, tôi chỉ có bốn thứ trưng bày : Thứ nhất là Phật Di Lặc, tôi mua tại tiệm bán đồ cũ Value Village. Thứ hai là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng nhựa. Tượng này có sẵn trong chiếc xe của người chủ bán xe. Tôi giữ lại tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khi tôi cho hội từ thiện chiếc xe. Thứ ba là chuông đồng tôi mua tại Phường Đúc, Long Thọ, Huế. Thứ tư là tượng Phật Thích Ca bằng đồng tôi mua được trong chuyến đi du lịch Đế Thiên Đế Thích. Trong chuyến đi du lịch này, chúng tôi được ghé thăm thành phố Nam Vang. Cô hướng dẫn viên dẫn vợ chồng tôi vào Chợ Mới, Nam Vang. Tôi hỏi mua tượng Phật Thích Ca. Bà bán hàng đòi giá 32$ US. Tôi trả giá 20$ US. Bà bán hàng trả lời : Những hàng hóa khác thì trả giá, những gì về Phật bán chắc giá, không trả giá. Tôi mua tượng Phật giá 32$ US. Đặc biệt trong chuông Long Thọ, tôi có để lá Bồ Đề do anh bạn đồng môn Phan Bá Phi đem về sau chuyến đi hành hương Nepal tặng và bốn mặt nạ giống như những hung thần do con trai tôi mua tại Cairo, Ai Cập. Còn những thứ khác do các con tôi mua và để bừa bãi trong nhà.

Hằng đêm, tôi cầu nguyện trước Bàn Cảnh Phật và tủ thờ Tổ Tiên. Mỗi nơi cầu nguyện khoảng năm phút và nội dung cầu nguyện giống nhau : Cầu nguyện cho gia đình, cho anh em, con cháu được bình an mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc, tâm hồn thảnh thơi … vv… Sau khi cầu nguyện tại Bàn Cảnh Phật, tôi đánh ba tiếng chuông và cầu nguyện tại tủ thờ Tổ Tiên, tôi cũng đánh ba tiếng chuông.


Tiếng chuông Long Thọ tại Bàn Cảnh Phật thỉnh thoảng gợi nhớ trong tôi : Tiếng chuông chùa Linh Mụ. Rất hiếm được nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ. Ngày xưa, chỉ hai lần trong đêm khuya thanh vắng, tôi được nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ. Tôi chưa bao giờ được nghe tiếng chuông chùa Diệu Đế. Tôi nhớ bốn câu thơ trong bài Một Chút Tình Riêng Gởi Huế của anh bạn Đại Tâm - Hồ Phùng:

Đâu những chiều qua xóm Ngự Viên,
Lao xao mặt nước, bóng con thuyền,
Văng vẳng tiếng chuông chùa Diệu Đế,
Trong Huế và ta đượm gió thiền.

Tiếng chuông Long Thọ cũng gợi nhớ cho tôi hai lần tôi dộng chuông. Một lần tại đền thờ Huyền Trân Công Chúa nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc Phường An Tây, thành phố Huế.

Một lần tại đỉnh núi Bạch Mã, Huế trong chuyến đi du lịch Bạch Mã.

Tôi nhớ hơn cả là anh bạn học cùng lớp tại Viện Đại Học Đà Lạt : Lisa Nguyễn Văn Sơn. Anh Sơn là nhà thơ, nhà văn. Kiến thức anh rất rộng. Tuy là bạn học nhưng kiến thức của anh như bậc thày của tôi. Thỉnh thoảng tôi gọi anh là thày Sơn, nhưng trong đối thoại hai chúng tôi vẫn mày tao. Tôi nhớ anh vì anh có trái tim Đà Lạt và đôi khi anh thuyết giảng cho tôi về Thiền. Anh gửi cho tôi hai bài thơ về Thiền của anh khi biết tôi dự định viết Bóng Dáng Phật Về*

THIỀN TÌNH

Chiều sương bảng lảng Lâm Tì Ni
Gác mõ lầu chuông tiếng vọng bi
Cột lở tường loang đôi mái rũ
Vãng chùa cảm thán mấy vần thi.
Ngõ vắng đong đưa hàng liễu rũ
Đường trăng thư thả bước thiền di
Then cài cửa đóng khô vườn hạnh
Sân sau xơ xác khóm tường vi.

LISA Nguyễn Văn Sơn


THIỀN THI

Nước trong trôi ra biển
Mây xanh cuốn lên ngàn
Vô hạn trùm trời đất
Sương mù trắng Phật lên

Xuân đến cây nở hoa
Cuối mùa lá lay rụng
Cúc vàng chào Thu đến
Hạt nắng chờ sương tan

Lập Đông nồng thạch thảo
Trắng tím chiều hư vô
Hang sâu tìm dã hồ
Năm trăm kiếp hóa khô

Khóm trúc lặng tiền đình
Mẫu đơn đón mùa Xuân
Lá xanh sau cơn tuyết
Gió rì rào mái tranh

Ngàn ngọn trúc đong đưa
Thông xanh soi đường vắng
Thì thầm gọi suối rừng
Ong bướm vờn dậu thưa

LISA Nguyễn Văn Sơn

Tiếng chuông Long Thọ tại bàn thờ Tổ Tiên gợi nhớ cho tôi những đoạn nhạc tuyệt vời trong bài Nguyên Vẹn Hình Hài* của nhạc sĩ Phạm Duy :

Ai có về Thành Nội Gia Hội
Hay đi ra Nghệ Tĩnh, ngoài Thanh
Xuống bến đò ở dòng Hương Thủy
Xin cho tôi nghe lại điệu hò
Ai có về biển dài cát rộng
Nơi công dân nào cũng làm thơ
Tôi hết thuộc lời vàng châu ngọc
Xin ru tôi nghe truyện Kiều xưa.
Quê hương tôi thi vị đầy trời
Con tim tôi luôn được đầy vơi
Nơi tha hương, sống thật nặng lòng
Mang con tim khắc khoải chờ mong.


Ai có về Hà Nội, Nam Định
Lên trung du rồi tới thượng du
Qua sóng Gầm rồi về núi Tản
Xin cho tôi nhớ lại cội nguồn
Ai có về ở bờ sông rộng
Nơi văn minh của giống Việt ta
Nơi trống đồng gọi hồn dân tộc
Cho tôi nghe tiếng gọi tổ tiên.
Quê hương tôi, dân tộc tuyệt vời
Thông minh ôi nhất bực trần ai
Nơi tha hương mê muội hằng ngày
Cho tôi khôn, trước ngày đầu thai.

Đôi khi nghe tiếng chuông Long Thọ, tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, tôi cảm thấy Phật gần tôi, tôi cảm thấy tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân và bạn bè quá vãng hiển hiện gần tôi. Nghe tiếng chuông Long Thọ, tôi nhớ quê hương tôi. Quê hương tôi có dân tộc thi sĩ, nói đúng là dân tộc có tâm hồn thơ, và thông minh.

Quê hương tôi như những cánh chim vút lên trời xanh, như một vệt nắng xuyên đám mây mù sau cơn mưa; tâm thức tôi vượt qua buộc ràng quá khứ, mộng tưởng tương lai, hòa tan trong phong hoa tuyết nguyệt.

Tôi hãnh diện tôi là người Việt Nam. Những đêm ấy, tôi ngủ ngon và không mộng mị.

Quang Già Cơ
__________

* Bấm vào Link để nghe/đọc bài liên quan




No comments:

Post a Comment