10/26/21

Câu Chuyện Nhỏ về Con Gián

Đầu năm, có một gia đình dọn đến ở cạnh nhà tôi, hai vợ chồng trẻ cùng hai con nhỏ.

Cuối tuần vừa rồi, hai đứa nhỏ nhà bên đang bàn tán lao xao ngoài đường, tôi tò mò đến gần tìm hiểu. Thì ra là hai anh em bắt được hai con gián trong nhà xe, đang bàn tính cách "chấp hành xử quyết". Chuẩn bị châm lửa đốt hai con gián, để xem hai con gián oằn oại trong ngọn lửa.

Tôi nói với hai cháu nhỏ: "Làm vậy tàn nhẫn quá! Các con có thấy đau khi vô tình chạm phải đồ nóng hay không? Huống chi là hỏa thiêu lửa đốt."

Hai cháu ấy không ngờ có một ông lão xuất hiện trước mắt, đồng thời khuyên chúng không nên giết gián bằng cách đốt chúng, bầu không khí đột nhiên trở nên yên lặng và nặng nề.

Một chập, một trong hai cháu nói: "Gián là loài côn trùng có hại, chúng ăn lén và phá hoại đồ đạc nhà con."

Tôi nói: "Con nói như vậy, thì nếu kẻ trộm ăn trộm đồ vật cũng phải bị phạt bằng lửa đốt hay sao? Có thể hai con gián này đánh cắp thức ăn nhà con, đem về phụng dưỡng cha mẹ gián già, không chừng chúng là những đứa con hiếu thảo.”

Cháu nhỏ lại nói: "Nếu chúng ta không giết gián, gián sẽ sinh nở càng lúc càng nhiều, và làm tổn hại cho đời sống của chúng ta.”

Tôi nói: “Mỗi ngày có hàng triệu người tìm đủ mọi cách tiêu diệt loài gián, nhưng gián vẫn tồn tại; có nhiều người trong hội bảo vệ động vật hoang dã, cố gắng tạo môi trường sống cho loài thú hoang, nhưng những nỗ lực của họ cũng không làm gia tăng đáng kể số lượng của loài thú hoang. Mọi sinh vật trên thế gian, bất kỳ tốt hoặc xấu, đều có quyền sinh tồn, chúng ta không nên tùy ý giết hại.”

Hai trẻ em không lên tiếng, im lặng một hồi, bỗng nhiên nói: “Thôi thì chúng tôi không giết chúng nữa, phạt chúng vào bụi cây ăn đất.”

Nhìn bóng dáng hai em đi xa, tôi có nhiều cảm xúc. Mọi người đều có thiện căn, nhất là trẻ con đầu óc như tờ giấy trắng, người lớn cần có trách nhiệm dìu dắt và dẫn giải lòng nhân ái của trẻ, cho các em biết không nên đối xử tàn nhẫn với loài vật khác.

Lòng nhân ái chân thực không phải chỉ là tình thương đối với người và vật tốt, mà là lòng từ bi với mọi người và mọi vật, không phân biệt tốt hay chưa tốt.

Một vị Sư về Tịnh Thổ nói rằng: "Tịnh Thổ được tạo ra để dạy dỗ người không lương thiện."

Có người hỏi Sư: “Tại sao Tịnh Thổ là cho người không lương thiện chứ không phải cho người lương thiện?"

Sư trả lời: "Nơi người lương thiện đang sống tức là Tịnh Thổ, vậy thì cần Tịnh Thổ làm gì nữa? Vả lại kẻ bất thiện lâm chung giác ngộ, thành tâm niệm Phật mười tiếng cũng có thể vãng sinh Tịnh Thổ, huống chi người thiện."

Lúc còn nhỏ vì ngu muội vô tri, thường tùy ý sát sanh hại vật, bắn chim giết kiếng, ngắt đầu dế, giết sâu bọ. Sự vô tri này tiếp diễn từ đời này qua đời nọ. Hiện nay, xã hội công nghiệp hóa nhả khói đen lên bầu trời xanh một cách vô tội vạ, xả nước hóa chất xuống những dòng sông trong lành một cách vô ý thức, sử dụng quá độ thuốc sát trùng vào ruộng đồng nương rẫy chỉ vì tư lợi ích kỷ.

Chúng ta muốn cứu không phải là những con gián thỉnh thoảng bị bắt gặp.

Chúng ta muốn cứu là cứu tấm lòng của trẻ thơ và lương tri của mọi người.

Kinh sách có kể một câu chuyện:

Nhân có một đám cháy rừng, thú vật trong rừng trốn chạy hoảng loạn, có một con chim nhỏ bay ra khỏi đám cháy, nhưng không phải để tránh nạn, mà bay tới một dòng sông ở xa, ngậm vội một ngụm nước, rồi bay về nhả ngụm nước xuống đám rừng đang hừng hực lửa cháy. Ngụm nước ấy không đủ xoa dịu được ngọn lửa, con chim nhỏ lại tiếp tục không ngừng nghỉ, vẫn với thao tác ấy, ngậm nước về chữa lửa.

Đạo Phật nói: “Tận hình thọ, cứu thế giới” (盡形壽, 救世界).
Có nghĩa là ngày nào còn sống còn sức, thì cố gắng đem hết khả năng của mình để cứu giúp chúng sinh.

Đạo Phật lại nói: “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” (無緣大慈,同體大悲).
Có nghĩa là chúng sinh và tôi sống chung trên một quả đất, bất luận quen thân xa lạ, chúng ta phải thương xót và giúp đỡ lẫn nhau.

Đạo Nho có nói: “Tri kỳ bất khả vi nhi vi chi” (知其不可爲而爲之).
Có nghĩa là chúng ta cố gắng làm một việc gì, không mong mỏi phải đạt được kết quả, mà là muốn theo đuổi một lý tưởng, thể hiện một tinh thần.

Đạo Lão cũng nói: “Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bá tánh tâm vi tâm” (聖人無常心,以百姓心爲心)
Có nghĩa là Thánh Hiền không có lòng ích kỷ, thường nghĩ đến người khác; Thánh Hiền không có tâm phân biệt, thương người như thể thương thân.

Lời nói của ba nhà “Thích Đạo Nho” đã soi sáng con đường để dẫn đến một xã hội lý tưởng, một thế giới đại đồng mà mọi người hằng ao ước và theo đuổi.

Tôi nguyện học hỏi tinh thần của con chim nhỏ trong kinh sách vừa kể, nhả hạt châu thanh tịnh lên thế gian đang bị nóng cháy bởi lửa lòng của người đời.

“Lạy trời cho nước thật trong
Cho mây thật trắng cho lòng thật xanh
Cho tình người mãi chân, thành
Gia đình êm ấm, con thành trò ngoan

Lạy trời cho gió thong dung
Thổi lan nhân ái trùng phùng khắp nơi
Biển xanh xanh ngát tầng trời
Chim con thú nhỏ cả đời bình an

Lạy trời giáo dục con người
Giữ lòng thương mến vui cười cùng nhau
Hãy đem mọi thứ ngọt ngào
Lời hay ý đẹp gửi trao đời đời.....”

Trường
10-25-2021

No comments:

Post a Comment