11/9/19

MỘT THỜI CHÍNH LOẠN

HOÀNG NGỌC NGUYÊN
source: Daily Kos

Tháng Mười bỗng nhiên là một tháng rộn rã với những chuyện ma quái có thật – chẳng cần phải chờ đến ngày Halloween cuối tháng. Năm nay chưa phải là năm bầu cử tổng thống, cho nên tháng mười tưởng như người ta bình an vô sự. Thế nhưng Tổng thống Donald Trump đã thành công khi người dân, vốn sống nhắm mắt, bịt tai, ngậm miệng trước những chuyện “thế sự thăng trầm” xảy ra chung quanh thì nay không đành lòng nhìn vận nước đảo điên, nghiêng ngả, cho nên bỗng nhiên rành rọt chuyện thời sự cả quốc nội lẫn quốc tế. Ít nhất để phân biệt những chuyện đáng tin và cái gì đáng gọi là “fake news”.

Đặc biệt người dân hiện nay xem chừng quan tâm đến chuyện quốc ngoại hơn cả chuyện quốc nội, chẳng phải chỉ vì chúng ta đang sống vào một thời thách đố của “thế giới toàn cầu hóa”. Lý do chủ yếu chính là hai vụ tai tiếng có thể “làm lịch sử” mà người ta không thể không biết – đặc biệt cả hai đều là chuyện quốc ngoại xa vời. Một chuyện liên quan đến việc Mỹ rút quân ra khỏi Syria làm cho hầu như cả thế giới ngỡ ngàng – trừ ông Putin; và một chuyện là cú điện thoại lịch sử ngày 25-7, Tổng thống Trump gọi cho tổng thống tân cử của Ukraine, nay được gọi là cú điện thoại “quid pro quo”. Tôi sẽ tháo khoán viện trợ Mỹ cho Ukraine, nhưng anh cần phải giúp tôi điều tra cha con ông Joe Biden. Chính từ câu chuyện tai tiếng thứ hai này mà Hạ Viện với đa số thuộc về đảng Dân Chủ đang lôi ra điều trần, khai báo bao nhiêu nhân vật quan trọng thuộc hai ngành ngoại giao và quốc phòng, mục đích chính là luận tội để truất bãi Tổng thống Trump. Nếu ông Trump không điên mới là chuyện lạ.


Người ta đều hiểu Nga dưới thời Putin đang muốn đi vào Trung Đông và mở rộng ảnh hưởng cạnh tranh với Mỹ vốn độc chiếm vùng này từ bao thập niên qua. Syria chính là chốn địa đầu của Nga từ bao lâu nay. Chính quyền độc tài của Bashar al-Assad tại Damacus sở dĩ tồn tại được trong hơn tám năm qua từ Mùa Xuân Ả-Rập 2011 đến nay là nhờ Putin có căn cứ quân sự ở Syria và đã yểm trợ quân sự tối đa cho Assad chống lại những phe phái nổi dậy (trong đó có Nhà nước Hồi giáo ISIS). Mỹ đã có mặt ở Syria nhằm mục đích ưu tiên là tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, Mỹ có sự yểm trợ đắc lực của Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd “ly khai”. Lực lượng người Kurd là đồng minh mạnh nhất, trung kiên nhất, của Mỹ . Họ “lưu vong” ở Đông Bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ của Erdogan vẫn xem người Kurd là một mối đe dọa an ninh cho họ cho nên vẫn chủ trương tàn sát, tiêu diệt!

“Bỗng dưng” ngày chủ nhật 13-10, Tổng thống Trump tuyên bố rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria. Lực lượng này thực ra chỉ có khoảng 1.500 quân, nhưng sự có mặt của nó lâu nay có ý nghĩa quan trọng về sự cam kết (commitment) của Mỹ tại Syria. Bởi vậy, khi Trump rút quân Mỹ ra khỏi Syria, người ta không thể có kết luận nào khác: Mỹ đã nhẫn tâm bỏ rơi một đồng minh trung kiên nhất (người Kurd) cho quân thù (Thổ Nhĩ Kỳ) thẳng tay tàn sát – đó là sự phản bội đồng minh; Mỹ rút khỏi Syria có thể mở đường cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo sống dậy, Mỹ đã rời bỏ tắc trách một cứ điểm chiến lược ở Trung Đông và nhường hoàn toàn cho Putin xử dụng Syria, một đầu cầu chiến lược cho Nga vào Trung Đông, làm một thuộc địa kiểu mới. Giới bình luận chính trị đã nghiêm khắc phê phán: đó là hành động phản bội, bán đứng đồng minh cho Thổ Nhĩ Kỳ; là một thể hiện nhường dân, nhường đất cho một thế lực đế quốc thù nghịch – cũng tương đương với sự phản bội.

Bởi vậy, Hạ Viện đã bỏ phiếu lên án hành động triệt thoái này: 354/60 – trong đó đến hơn 2/3 thành viên đảng Cộng Hòa cũng tham gia. Đáp lại, ông Trump chỉ có thể nói bâng quơ “Người Kurd cũng chẳng giúp gì Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến, trong cuộc đổ bộ Normandy” – đương nhiên làm người ta ngẩn ngơ. Ông còn nói chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đánh qua biên giới Syria là chuyện của người ta – “chẳng phải là biên giới của chúng ta”. Ông khoe đã viết thơ cho Tổng thống Erdogan đe dọa chế tài kinh tế, và nói ông này “đừng găng, đừng điên”, ông Erdogan tức giận ném thơ của ông Trump vào xọt rác. Sau đó, Phó Tổng thống Mike Pence ngày 13-10 phải đích thân qua Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quôc gia Robert O’Brien năn nỉ xin ông Erdogan năm ngày ngưng bắn để cho người Kurd có thời gian rút đi an toàn sau đó muốn làm gì thì làm. Ngày16-10 sau đó, ông Trump tiếp một phái đoàn lãnh đạo Quốc Hội tại Tòa Bạch Ốc. Khi bị bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi chất vấn về quyết định rút quân này, ông nổi dóa, nói thẳng vào mặt bà Nancy Pelosi: “Bà là một nhà chính trị lớp ba” (You’re a third grade politician).

Và ngày 23-10, ông Trunmp khoe rằng ông đã đạt được một “thắng lợi vĩ đại” với Thổ Nhĩ Kỳ cho nên Mỹ không cần cấm vận nước này nữa. Người ta nói ông không biết gì thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về việc chia nhau quyền kiểm soát vùng biên giới giữa Thổ, Iraq và Syria, cũng như làm ngơ trước những cuộc tấn công tàn sát người Kurd ngay sau khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria!

Tuy là người sợ chiến tranh, nhát lính, nhưng ông Trump không phải là “hiền nhân” – như ông đã cho thấy trong câu chuyện Ukraine. Phải triệt hạ đối thủ bằng mọi giá! Một động thái quen thuộc trong kinh doanh: phải tiêu diệt cạnh tranh từ trong trứng nước! Trong bầu cử năm 2016, đối thủ cạnh tranh số 1 là bà Clinton. Trong bầu cử năm 2020, đối thủ số 1, theo ông Trump, là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Chúng ta đã thấy ông Trump đã từng công khai nhờ người Nga hợp tác triệt bà Clinton như thế nào. Và nay là câu chuyện Ukraine và Joe Biden. Trong một thời chính trị đầy chuyện tai tiếng, thì tiếng tăm bậc nhất vẫn là câu chuyện Ukraine.

Câu chuyện Ukraine không phải là câu chuyện về cha con ông Joe Biden như một số người cố lèo lái dư luận lạc hướng qua trang mạng của ngưòi Nga rt.com, đang tung tin “Đảng Dân Chủ rất sợ hãi”. Người đang “rất sợ hãi” chính là Tổng thống Trump vì câu chuyện Ukraine “quid pro quo” mua bán, đổi chác chính trị. Ông Trump vẫn giữ tâm địa của một nhà kinh doanh chỉ biết lợi ích riêng tư của mình trong khi lương tri của một tổng thống phải xem lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Ông xem quyền lợi, tài sản của đất nước (quân viện) như một món hàng, lợi dụng để mua chuộc cho lợi ích riêng tư của mình. Đó là một hình thức tham nhũng.

Hơn nữa, ông đã bất kể một qui luật chính trị của Mỹ dựa trên hiến pháp: trong vận động tranh cử. Ông đã tìm sự giúp đỡ của một thế lực bên ngoài để triệt hạ đối thủ. Ông Trump trực tiếp gọi điện thoại đúng là một hành động táo tợn – ngay cả Tổng thống Nixon trước đây cũng không dám làm. Trong tất cà các tổng thống, bạo gan như thế chỉ có ông. Chẳng những thế, ông huy động cả bộ máy của ông, bộ máy chính quyền của ông, vào việc “bươi móc rác rưởi” (dirt search) này, và bao nhiêu người trong ngành ngoại giao và cả quốc phòng được đặt dưới quyền điều khiển của luật sư riêng của ông, đại ma đầu Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York City. Ông vẫn quen với tâm lý của một ông chủ: muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, muốn triệt hạ ai thì triệt hạ (như mafia), muốn đuổi ai thì đuổi, muốn mướn ai thì NHÀ. mướn… Cho nên bây giờ làm tồng thống thì ông cứ nghĩ như mình là vua. Cho nên muốn nói gì thì nói. Ví dụ như ông vừa khoe sẽ xây tường cho Colorado ngăn chận di dân và giữ lời hứa với cử tri của ông, người ta mới nhắc ông Colorado giáp giới với tiểu bang New Mexico, không phải giáp giới với nước Mexico, ông mới hiểu ra tiểu bang New Mexico thuộc Mỹ, không thuộc nước Mexico.

Không chỉ mình ông Trump sợ hãi mà nhiều nhà dân cử theo đảng Cộng Hòa tại lưỡng viện đang thấy tuyệt vọng. Tại Hạ Viện, ngày 23-10, gần 30 dân biểu Cộng Hòa đã nổi loạn, trong đó không ít người trên tuổi thất thập cổ lai hi. Họ tràn vào một phòng họp kín tại Hạ Viện, nơi Ủy ban Điều tra Truất bãi đang định tiếp bà thứ trưởng quốc phòng ra điều trần về việc Mỹ ngưng viện trợ quân sự cho Ukraine. Những người này la ó, đập bàn đập ghế, không cho tiến hành phiên điều trần. Phải mất năm giờ, họ mới hả hê đi ra, cho dù cuôc điếu trần vẫn tiếp diễn kín. Trong khi đó, tại Thượng Viên, Thượng nghị sĩ gia nô Lindsay Graham đưa ra dự thảo nghị quyết “lên án” cuộc điều tra là “vi hiến” và “trấn áp” Nhà Trắng. Cũng trong ngày thứ năm 24-10, luật sư của ông Trump tại Tòa Bạch Ốc nói rằng một khi ông Trump còn làm tổng thống, “còn lâu mới đụng được ổng”, “cho dù ngay cả trong trường hợp ông bắn người ta ở Fifth Avenue New York”, luật pháp cũng chẳng truy tố ông được. Đừng nói gì chuyện một cú điện thoại “bình thường” giữa hai tổng thống, hay hồ sơ thuế ông không chịu công bố.
Ông Trump cũng nghĩ thế cho nên vừa mong cuộc điều tra sẽ sớm được chuyển qua Thượng Viện đang do Cộng Hòa chiếm cứ. Đồng thời, nếu đảng Dân Chủ cứ lình xình trong việc đỏ mắt tim ra một ứng viên sáng giá nhất trong đám đông cả 18 người đều muốn thay ông Trump ở Tòa Bạch Ốc, thì nhờ ơn trên, nếu nền kinh tế còn vững vàng phần nào, thi ông lại đắc cử thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa. Còn sau năm 2004, ông đã được 78, tuổi gần đất xa trời, ông còn sợ gì ai nữa…


No comments:

Post a Comment