11/9/19

Kinh Sầu Trong Thơ Na Uy


GS.Lê Đình Thông




Nhạc sĩ Trần Thụy Minh gửi cho tôi bài thơ Salme của thi sĩ Sigbjørn. Salme dịch từ cổ ngữ hy lạp ψαλμός có nghĩa là thánh vịnh (psaume). Vì hơi thơ toát ra sầu muộn nên tôi tạm dịch là Kinh Sầu. Tôi xin chép lại nguyên bản cũng như bản dịch của Trần Thụy Minh :


Når den første tåre smelter,
da brister sorgen.
O Gud, giv mig den første tåre.
Hos mig er tåren is
og min sorg er isens rose.
Hos mig er tåren is,
og mit hjerte fryser.



Bản dịch của Trần Thụy Minh :

Khi giọt nước mắt đầu tiên tan ra,
nỗi đau chợt tan biến.
Ôi Thượng Đế, hãy cho con giọt nước mắt đầu tiên.
Với con giọt nước mắt ấy là băng đá
còn nỗi đau của con là đóa hoa hồng giá băng.
Với con giọt nước mắt ấy là băng đá,
và trái tim con giá lạnh.


Tôi mạn phép chuyển thể lục bát như sau :

Lệ sầu xóa hết niềm đau
Đoạn trường tan nát cung sầu đảo điên
Nguyện cầu giọt lệ đầu tiên
Biến thành băng giá triền miên một đời
Niềm đau rách nát tả tơi
Hồng hoa sướt mướt dưới trời tuyết sương
Trái tim lạnh giá sót thương
Trăm năm ướt đẫm vô thường khổ đau.

Tôi đem cả đoạn trường (斷腸) vào thơ, là vì Salme ở tận Na Uy, nhưng kinh sầu có khác chi truyện Kiều ở nước ta. Nhà thơ Sigbjørn phân biệt giữa giọt lệ đầu đời đã hóa băng và nỗi đau trong lòng cũng biến thành băng giá. Hẳn nhà thơ Na Uy sáng tác Salme vào mùa đông bắc âu, sương tuyết đã đóng băng, lê thê một kiếp người. Vì vậy, tôi mượn thuật ngữ nhà Phật vô thường (無常) để nói đến kiếp người chênh vênh, sóng vỗ.

Sigbjørn nói đến giọt lệ là tiếp nối truyền thống thánh vịnh : thung lũng nước mắt (vallée des larmes). Tại sao nhà thơ lại phân biệt giữa ‘‘giọt nước mắt đầu tiên’’ và ‘‘nỗi đau của con’’ ? ‘‘Giọt nước mắt đầu tiên’’ hẳn là :

Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì.

Nguyễn Công Trứ

Còn ‘‘nỗi đau của con’’ là sầu nhân thế, nói khác đi là vạn cổ sầu vì không có thời gian, và tứ phương lệ sầu, vì không có cả nơi chốn.


Sigbiørn lấy giọt lệ để diễn tả sự sầu muộn, cũng như mưa trong Verlaine :

Il pleure dans mon cœur
Comme il pleut sur la ville ;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon cœur ?


- ‘‘Il pleure sur la ville’’ của Verlaine chính là ‘‘giọt nước mắt đầu tiên’’ trong thơ Sighjørn. Cả hai đều là sầu đau ngoại tại (extrinsèque).

- ‘‘Il pleut dans mon cœur’’ là ‘‘nỗi đau của con’’ trong thơ Sighjørn vì mang tính nội tại (intrinsèque), day dứt (langueur). Sự khác biệt chỉ là lắng sâu băng giá trong vần thơ Na Uy.


Tôi muốn chuyển hóa bài Thánh vịnh (Salme) Na Uy thành Kinh sầu chính là muốn nói đến nỗi buồn băng giá.

- Kinh (經): Trong đạo Phật: sutra) ghi chép lời Phật dạy : nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả. Thánh vịnh 84 của Thiên Chúa giáo cũng nói đến thung lũng nước mắt.

- Sầu (愁) gồm chữ Thu (秋 : mùa thu) + Hòa (禾 : lúa) + bộ Hỏa (火) + Tâm (心). Nhìn lúa thu vàng làm ta nhớ lại nỗi nhọc nhằn đã qua. Sầu luôn là tiếc nuối, hoài niệm quá khứ. Nỗi buồn đau của người tha hương là tình hoài hương ngấn lệ, được Thôi Hiệu (崔顥) nói đến trong Hoàng Hạc Lâu.

Câu kết trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu cũng vương vấn một chữ sầu :

黃鶴樓



昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.



Tôi xin chuyển thể lục bát như sau :



Người xưa cưỡi hạc bay đi,
Chơ vơ Hoàng Hạc chốn ni một mình.
Hạc Vàng kiếp sống ba sinh,
Ba chìm bẩy nổi hành trình gió mây.
Cánh chim biền biệt chốn đây,
Hán Dương xanh lá sông đầy chiếu soi.
Cỏ thơm Anh Vũ một thời,
Quê nhà chập tối đôi lời hỏi han.
Trên sông buồn bã khói tàn,
Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.

Từ bài thơ Salme của Sigbjørn qua đến Hoàng Hạc Lâu là đã đi quá xa. Nay nhờ cánh hạc đường thi chắp đôi cánh, rong ruổi về lại Na Uy, mùa này còn đang băng giá.

GS.Lê Đình Thông


No comments:

Post a Comment