Nguyễn Đạt Thịnh - 03.8.2015
Ông Jeb Bush phát biểu, “Mọi người đều có quyền vươn lên,”
và bà Hillary Clinton phản công, “Bệnh không có thuốc uống, sức đâu mà vươn lên.”
(Getty Images)
Điều làm nhiều người khó chịu là cảm tưởng ứng cử viên nào có nhiều tiền là có nhiều hy vọng đắc cử; hiện tượng đó đang ngự trị trên sinh hoạt bầu cử của Hoa Kỳ, mặc dù mua phiếu là việc không có cách nào thực hiện được. Khó khăn trong việc mua phiếu là khối cử tri Hoa Kỳ quá tự do, không túng thiếu đến mức phải bán phiếu, và quá lớn; 126,849,296 cử tri đã tham dự cuộc bầu tổng thống năm 2012, trong số này 65,915,796 người bầu cho ông Barack Obama, và 60,933,500 người bầu cho ông Mitt Romney.
Sự kiện gần 66 triệu cử tri - từ nghèo đến trung lưu - bỏ phiếu chọn một vị tổng thống Dân Chủ là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận; điều khó hiểu là số 99% của gần 61 triệu cử tri bỏ phiếu bầu ông Romney - một doanh nhân triệu phú - được sự yểm trợ tiền tài của giới triệu phú, tỉ phú, để, nếu đắc cử, phục vụ quyền lợi cho thành phần 1% cự phú.
Nghịch lý đồng bạc đâm toạc lá phiếu lại đang sắp tái diễn trong cuộc bầu tổng thống 2016. Vấn đề quyền lợi của cử tri nghèo được nêu lên qua câu “Bệnh không có thuốc uống, sức đâu mà vươn lên”; câu nó chỉ có 10 chữ, dịch từ câu (People can't rise if they can't afford health care).
Người nói câu này là ứng cử viên Dân Chủ Hillary Rodham Clinton; bà và ông Jeb Bush là hai trong tổng số năm diễn giả ứng cử viên tổng thống năm 2016, được Liên Minh Thị Dân Toàn Quốc mời trình bày lập trường tranh cử trong cuộc họp của Liên Minh hôm thứ Sáu, 31 tháng Bảy, tại Fort Lauderdale, Florida.
Florida là vùng đắc địa của Jeb Bush, ông từng làm thống đốc tại đây; khẩu hiệu tranh cử của ông là Right to Rise (quyền vươn lên), và lập trường của ông là cực lực chống ObamaCare mặc dù hàng triệu cư dân nghèo tại Florida không có bảo hiểm y tế.
Jeb Bush, còn được gọi là Bush 3, tuyên bố, “Không là đại diện của toàn dân, không ai đủ khả năng phục vụ toàn dân”; câu nói căn cứ vào hai sự kiện:
- một, ông đã là vị thống đốc được một số cư dân Florida có thiện cảm, và
- hai, vợ ông là người gốc Mễ, một chứng minh cho thành tích hòa đồng chủng tộc của ông.
Ngoài hai điểm mạnh này, điểm mạnh thứ ba của Bush 3 là tiền; cuộc tranh cử chưa đến giai đoạn “đảng cử” mà ông đã nhận được $103 triệu tiền ủng hộ của cử tri, trong số đó có $1 triệu của ông Jeffrey Katzenberg, CEO của công ty Dreamworks Animations; ông Steven Spielberg, cũng tặng $1 triệu, vợ chồng ông Haim Saban, tổng giám đốc công ty Saban Entertainment, mỗi người tặng $1 triệu; ngoài ra còn 5 người khác ủng hộ ông trên $1 triệu. Tổng số ủng hộ viên của ông là 42 người, trong số này chỉ có 6 người góp dưới $1,000.
Cũng cùng thời gian tiền “đảng tuyển” này, bà Clinton nhận được $15.6 triệu của 38,775 người ủng hộ, không người nào gửi vào quỹ ứng cử của bà trên $100.
Sau trên 300 năm sinh hoạt dân chủ, uẩn khúc lịch sử của những cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ vẫn là nghịch lý mà mỗi người Mỹ đều biết, mỗi người Mỹ đều hiểu, nhưng chưa ai giải quyết được. Nghịch lý, vì ứng cử viên Dân Chủ được nhiều người ủng hộ hơn, lại thất cử trước đối thủ Cộng Hòa, được nhiều tiền ủng hộ hơn.
Hiện tượng đó đi ngược chiều với lý thuyết dân chủ là người được nhiều người ủng hộ, phải đắc cử. Việc tiền giúp ứng cử viên nhiều tiền, mua được nhiều thời lượng truyền hình, truyền thanh, nhiều trang báo quảng cáo giúp giải thích nghịch lý ông Bush 3, với 42 người ủng hộ, có nhiều triển vọng thắng bà Clinton, với 38,775 người ủng hộ.
Tháng trước, tại Iowa, bà Clinton đã nêu lên uẩn khúc này; bà nói: “Tôi muốn chấn chỉnh lại sinh hoạt dân chủ của Hoa Kỳ bằng cách bạch hóa những khoản tiền đang được tung ra để thao túng chính trường; tôi quan niệm những khoản tiền đó làm ung thối hệ thống chính trị của Hoa Kỳ.”
Ý bà Clinton là trả lại quyền lực đa số cho khối 38,775 cử tri không đủ sức ủng hộ cuộc tranh cử của bà trên $100, mặc dù bà là ứng cử viên đại diện ước vọng chính trị của họ.
Việc bà muốn làm, chưa ai làm được, kể cả Tổng Thống Barack Obama, người hùng biện hơn bà. Vì ông thất bại mà, chỉ trong 6 năm cầm quyền, ông để chính khách Cộng Hòa chiếm đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, kiểm soát Quốc Hội.
Chỉ thành công trong việc vạch trần được tệ trạng quan điểm chính trị của 42 người Mỹ giầu, mạnh hơn quan điểm chính trị của 38,775 người Mỹ nghèo cũng đã khó; cải thiện tệ trạng đó lại càng khó hơn.
Jeb Bush chỉ là một trong những ứng cử viên Cộng Hòa nhận bạc triệu của giới cự phú Hoa Kỳ; việc ủng hộ cũng hơi phức tạp.
Tính cho đến ngày mùng 1 tháng Tám, thì ngân khoản ủng hộ mỗi ứng cử viên trong tổng số 20 ứng cử viên, được ghi nhận như sau:
- Jeb Bush, $119,429,897.64
- Hillary Clinton, $62,653,725.88
- Ted Cruz, $51,299,050.09
- Marco Rubio, $45,178,957.37
- Rick Perry, $17,879,521
- Bernie Sanders, $15,114,621
- John Kasich, $11,500,000
- Chris Christie, $11,000,000
- Ben Carson, $10,624,399.68
- Bobby Jindal, $9,178,758
- Mike Huckabee, $8,004,360.63
- Rand Paul, $6,884,966.79
- Carly Fiorina, $5,099,128
- Lindsey Graham, $3,698,152.93
- Martin O'Malley, $1,991,793.82
- Donald Trump, $1,901,046
- Rick Santorum, $607,617
- Lincoln Chafee, $392,743
- George Pataki, $255,794.96
Một phần lớn những số tiền này lại không do các ứng cử viên tự ý sử dụng, mà do các PAC (political action committee-ủy ban hành động chính trị) tiêu pha trong việc vận động dư luận ủng hộ ứng cử viên.
Muốn ủng hộ ứng cử viên, giới tỉ phú Mỹ lập ra những PAC để tài trợ việc vận động cử tri, PAC nắm trong tay nhiều tiền hơn ứng cử viên; một thí dụ: ứng cử viên Rick Perry, cựu thống đốc Texas chỉ quyên góp được trên $1 triệu, nhưng ba cái PAC ủng hộ ông lại có sẵn gần $17 triệu để yểm trợ những nỗ lực tranh cử của ông.
Tin CNN nói, chỉ riêng nhà tỉ phú Dallas, ông Kelcy Warren, đã góp $6 triệu vào một trong ba cái PAC ủng hộ Perry; một nhà tỉ phú khác, cũng ở Dallas -ông Darwin Deason- góp $5 triệu; ân nhân thứ ba (ẩn danh) góp $4 triệu.
Chỉ ba người này đã góp $15 triệu vào tổng số ngân khoản ứng cử $17 triệu của ông Perry.
PAC ủng hộ ứng cử viên John Kasich -thống đốc Ohio- đang sẵn sàng tiêu $11 triệu rưỡi để giúp ông tranh cử.
Tỉ phú Toby Neugebauer tặng $10 triệu cho PAC vận động tranh cử giúp nghị sĩ Ted Cruz, gia đình tỉ phú Farris và Dan Wilks, tặng $15 triệu.
Việc chỉ hai nguồn tài trợ này cũng đã giúp đến $25 triệu trong tổng số $51 triệu quỹ tranh cử của Ted Cruz, chứng minh yếu tố “có tiền” quan trọng hơn yếu tố “thuận lòng dân.”
Điều chưa được chứng minh là phương thức biến tiền thành phiếu, có tiền là có phiếu; làm cách nào những ứng cử viên nhận tài trợ của năm, bảy nhà tỉ phú thuyết phục được hàng trăm triệu cử tri nghèo bầu họ lên để họ cắt ObamaCare rồi bảo cử tri là họ chủ trương “quyền vươn lên” Right to Rise của người nghèo.
Nguyễn Đạt Thịnh
* Read more: Hillary Clinton takes on Jeb Bush on racial equality issues
No comments:
Post a Comment