9/24/14

Vệ tinh Ấn Độ vào quỹ đạo sao Hỏa

24 tháng 9 2014

140924042225_mars_orbiter_512x288_isro_nocredit

Vệ tinh Mangalyaan đã mất 10 tháng để đi từ Trái đất đến quỹ đạo sao Hỏa

Ấn Độ đã phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo sao Hỏa ngay trong lần phóng đầu tiên.

Vệ tinh thăm dò Mangalyaan đã vào quỹ đạo vào sớm thứ Tư ngày 24/9 sau một hành trình kéo dài 10 tháng đi từ Trái đất.

Động cơ đốt trong vòng 24 phút đã làm cho vệ tinh đi với tốc độ đủ chậm để nó bị hút vào quỹ đạo sao Hỏa.

‘Điều không thể’

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có mặt tại trung tâm điều khiển tại thành phố miền Nam Bangalore. Ông nói Ấn Độ đã ‘làm được điều gần như không thể’.

“Xác suất thành công là không có lợi cho chúng ta. Trong tổng số 51 lần phóng trên thế giới chỉ có 21 lần thành công. Chúng ta đã thắng lợi,” ông nói.

Cho đến nay, chỉ có Mỹ, châu Âu và Nga là đã phóng vệ tinh thành công lên sao Hỏa. Vệ tinh mới nhất của Mỹ, Maven, đã đến sao Hỏa vào hôm 22/9.

Nếu vệ tinh Mangalyaan vào được quỹ đạo sao Hỏa an toàn, nó sẽ bắt đầu chụp ảnh và nghiên cứu khí quyển hành tinh này.

Một mục tiêu chủ yếu là tìm khí methane trong bầu khí quyển ở đây. Nếu phát hiện được khí methane thì đây sẽ là dấu hiệu của hoạt động sinh học trên sao Hỏa.

Chính phủ Ấn Độ xem đây là cơ hội để phát triển khả năng kỹ thuật của họ.

140924021530_isro_mars_control_room_512x288_isro_nocredit

Thành công này khẳng định trình độ công nghệ của Ấn Độ

Một số nhà bình luận nhận định rằng vệ tinh Mangalyaan cũng gửi một thông điệp địa chính trị mạnh mẽ đến đối thủ của Ấn Độ trong khu vực là Trung Quốc – nước có các hoạt động vũ trụ đến Mặt Trăng.

Động cơ của vệ tinh được đốt bắt đầu vào lúc 7h30 giờ địa phương, tức 9h sáng giờ Việt Nam ngày 24/9.

Mối quan tâm trong những tuần gần đây tập trung vào việc liệu động cơ chính có hoạt động một cách đáng tin cậy hay không do nó đã không được dùng đến kể từ khi phóng vệ tinh Mangalyaan từ quỹ đạo Trái đất hồi tháng 12 năm ngoái.

Hồi đầu tuần, các kỹ sư Ấn Độ đã tiến hành việc đốt động cơ ngắn trong vòng bốn giây để chứng tỏ rằng hệ thống vẫn chạy tốt.

Khi Mangalyaan đi chậm lại, nó sẽ nằm ở phía sau sao Hỏa khi nhìn từ cả Trái đất và Mặt trời. Điều này có nghĩa là sẽ có lúc nó nằm hoàn toàn trong vùng tối và mất liên hệ với Trái đất.

Vệ tinh Mangalyaan, thường được biết đến với tên gọi chính thức là MOM, được phóng từ cảng hàng không vũ trụ Sriharikota nằm trên bờ biển Vịnh Bengal vào ngày 5/11 năm 2013.

Chi phí tổng cộng cho dự án này là 4,5 tỷ rupee, tức 74 triệu đô la Mỹ. Đây là một trong những dự án không gian xuyên hành tinh có chi phí thấp nhất từ trước đến nay.

Trong một chuyến thăm Sriharikota hồi tháng Sáu, ông Modi còn nói rằng ‘bộ phim Gravity của Hollywood còn đắt hơn sứ mạng sao Hỏa của chúng ta’.

No comments:

Post a Comment