Lữ Giang
Trong ngày 10.9.2014, không phải chỉ dân chúng Hoa Kỳ mà nhiều nước trên thế giới đã nóng lòng chờ đợi bài diễn văn của Tổng Thống Obama công bố kế hoạch đối phó với nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State - IS). Rồi việc đến cũng đã đến. Lúc 9 giờ tối, giờ Washington DC, ngày 10.9.2014, từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama đã đọc một bài diễn văn tuyên bố sẽ “làm suy yếu rồi cuối cùng tiêu diệt IS hoàn toàn thông qua một chiến lược toàn diện và bền vững.”
Nhiều người cho rằng bài diễn văn dài 15 phút này chỉ là bảng tóm lược những điều ông Obama đã tuyên bố trong cuộc họp báo tại Estonia hôm 6.9.2014 khi ông đến dự hội nghị của các nước NATO ở Âu Châu. Trước đó, hôm 3.9.2014, khi nói chuyện trên kênh Fox News, Phó Tổng Thống Joe Biden còn nói mạnh hơn: “Chúng ta sẽ theo bọn chúng (IS) đến tận cửa địa ngục cho đến khi chúng bị đưa ra trước công lý bởi vì địa ngục là nơi chúng cư ngụ!” (We will follow them to the gates of hell until they are brought to justice because hell is where they will reside!).
Nhưng chúng ta đừng quên rằng hôm Chúa Nhật 7.9.2014, trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” trên NBC News, khi mở đầu câu chuyện, ông Obama đã thông báo ngay: “Hôm thứ tư, tôi sẽ có một bài nói chuyện và mô tả kế hoạch ván bài của chúng ta sẽ đi tới.” (On Wednesday, I'll make a speech and describe what our game plan's going to be going forward). Trong lời tuyên bố này ông đã chính thức dùng chữ “game plan” để chỉ kế hoạch mà ông sắp làm. Thực tế cho thấy ông Obama không phải chỉ xài “game plan” để tiêu diệt nhóm Hồi Giáo quá khích và phân hóa khối Hồi Giáo mà còn dùng “game plan” để làm áp lực đối với công luận tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới, và nhất là để đối đầu với Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử Thượng và Hạ Viện trong tháng 11 sắp đến.
TÓM LƯỢC NỘI DUNG BÀI DIỄN VĂN
Kế hoạch ván bài của ông Obama được nêu ra trong bài diễn văn gồm bốn điểm chính:
1.- Làm suy yếu rồi cuối cùng tiêu diệt IS hoàn toàn thông qua một chiến lược toàn diện và bền vững.
Ông tuyên bố sẽ không ngần ngại chống lại IS dù ở Syria hay Iraq và “nếu ai hăm dọa Mỹ, kẻ đó sẽ không thể tìm được nơi trú ẩn an toàn.”
2.- Tăng cường hậu thuẫn các đơn vị chiến đấu mặt đất chống lại bè lũ khủng bố. Ông cho biết sẽ gửi thêm 475 cố vấn nữa đến Iraq. Đơn vị này sẽ không tham gia chiến đấu và người Mỹ sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến trên bộ nào nữa. Nhưng sự có mặt của họ là cần thiết để giúp quân đội Iraq và người Kurd đào tạo, huấn luyện, tìm kiếm thông tin tình báo và nâng cấp trang bị.
Ở bên kia biên giới, tại Syria, Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh viện trợ quân sự cho phe đối lập ở đây, nhưng không hợp tác với al-Assad trong việc tiêu diệt IS, vì “Nhà nước này sẽ chẳng bao giờ lấy lại được tính hợp pháp đã đánh mất.”
3.- Tiếp tục nâng cao khả năng chống khủng bố của Hoa Kỳ, cắt đứt nguồn tài chính của IS, cải thiện hệ thống tình báo, tăng cường sức mạnh quốc phòng của Hoa Kỳ.
4.- Vẫn sẽ viện trợ nhân đạo cho dân thường vô tội, những người bị mất nơi sinh sống bởi tội ác của tổ chức khủng bố. Họ gồm cả người Sunni, người Hồi giáo Shiite, đang phải đối mặt với mối nguy hiểm trầm trọng, cùng hàng chục nghìn tín hữu và dân chúng thuộc các tôn giáo thiểu số khác.
Một câu hỏi được đặt ra: Nếu không dùng bộ binh để tấn công nhóm IS, Hoa Kỳ sẽ tiêu diệt IS bằng cách nào? Tổng Thống Obama nói:
“Tháng trước, tôi lệnh cho lực lượng quân đội thực hiện ngắm bắn vào IS để ngăn chúng mở rộng và phát triển. Từ đó đến nay, ta tiến hành thành công hơn 150 cuộc không kích ở Iraq. Các đợt tấn công này đã bảo vệ được nhân viên và phương tiện của Mỹ tại đây, giết chết nhiều tay súng IS, phá hủy vũ khí, đồng thời giúp quân đội Iraq và người Kurd chiếm lại những vùng lãnh thổ trọng yếu. Chúng ta đã cứu mạng hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ vô tội.”
Những ai đã từng coi TV hay video của Mỹ chiếu cảnh các máy bay không người lái của Mỹ đã tấn công IS như thế nào, chúng ta có thể hiểu Tổng Thống Obama đã nói gì. Bằng những chiếc máy bay không người lái được gắn những dụng cụ đặc biệt, người điều khiển ở hậu cứ có thể nhìn thấy mọi hoạt động của địch trên chính trường, ra lệnh cho các hỏa tiễn phá hủy các mục tiêu được chỉ định. Địch rất khó chạy thoát. Đây cũng là cách Hoa Kỳ dùng để tiêu diệt các lãnh tụ Hồi Giáo như Abu Hajar Al-Suf ở Iraq, Anwar al-Awlaki ở Yemen, Ahmed Abdi Godane ở Somalia, v.v. Nhưng với chiến thuật này, Hoa Kỳ phải thiết lập một hệ thống tình báo sâu rộng mới phát hiện được mục tiêu. Đây là kế hoạch Hoa Kỳ đang cho thực hiện.
DÙNG TRUYỀN THÔNG GÂY ÁP LỰC CÔNG LUẬN
Để công luận yểm trợ hay không ngăn cản kế hoạch tiêu diệt những người hay tổ chức mà Hoa Kỳ muốn tiêu diệt, công việc trước tiên là điều khiển công luận đứng về phía Hoa Kỳ.
Chúng ta nhớ lại, năm 1963 khi muốn lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trước hết CIA đã đưa điệp viên William Kohlmann từ Anh qua Sài Gòn phối hợp với Trần Quang Thuận và Thích Đức Nghiệp tổ chức vụ thiêu Thích Quảng Đức để gây chấn động dư luận. Sau đó CIA bảo Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA và là “con cưng” của ông Diệm, xúi các tướng vào gặp ông Diệm yêu cầu ban hành tình trạng khẩn cấp, lục soát các chùa và đưa các sư sãi ở tỉnh về lại quê quán để ổn định tình hình, nếu không quân đội sẽ không chiến đấu nữa. Họ đã soạn sẵn một sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp và trình ông Diệm ký. Ông Diệm tưởng thật nên đã ký vào và trúng kế của CIA. Sau khi việc xét chùa xảy ra, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gởi công điện cho Đại Sứ Cabot Lodge ở Sài Gòn ra lệnh đảo chánh.
Ngày nay, Hoa Kỳ cũng đã dùng “game” này khi muốn thanh toán nhóm IS. Trong mấy tuần qua, chúng ta thấy trên các cơ quan truyền thông những cảnh ghê rợn do IS gây ra đã được chiếu đi chiếu lại một cách liên tục để gây xúc động, sau đó là cảnh Hoa Kỳ dùng “Sức Mạnh Không Lực” (Air Force Power) để thanh toán IS. Những hoạt cảnh này đã kiến công luận chấp nhận kế hoạch của ông Obama một cách dễ dàng. Những gì đàng sau, dân chúng không cần biết đến.
TRANH THỦ VỚI KHỐI HỒI GIÁO SUNNI
Trong bài diễn văn, Tổng Thống Obama cho biết: “Ngoại trưởng Kerry hôm nay đang ở Iraq gặp gỡ chính quyền mới tại đây đồng thời giúp họ đẩy nhanh quá trình thống nhất. Trong những ngày tới, ông sẽ đến Trung Đông và châu Âu để thuyết phục thêm đối tác khác tham gia, đặc biệt là các nước Ả Rập. Họ có thể khích lệ cộng đồng người Sunni ở Iraq và Syria chung sức đẩy lùi những tên khủng bố khỏi mảnh đất quê hương.”
Như chúng ta đã biết, Hồi Giáo có hai hệ phái lớn là hệ phái Sunni và hệ phái Shiite. Hệ phái Shiite chủ trương giáo quyền nắm quyền lãnh đạo, còn Sunni chủ trương thế quyền. Hiện nay hệ phái Sunni chiếm 90% số người theo Hồi giáo. Hai hệ phái không đội trời chung. Nhưng tại Trung Đông hệ phái Shiite tập trung ở Iran (92%) và Iraq (60%) và đang nắm quyền. Tại Syria, Sunni chiếm đến 74% nhưng Tổng Thống Bashar al-Assad theo giáo phái thiểu số Alawites. Lãnh tự Hồi Giáo Sunni ở Qatar là Yusef al-Qaradawi, người yểm trợ tích cực các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, đã tuyên bố giáo phái thiểu số Alawites là "những kẻ ngoại đạo nguy hiểm hơn các Kitô hữu và các tín hữu Do Thái". Ông cảnh báo rằng người Hồi Giáo Shiite ở Iran đang cố gắng "nuốt trọn" người Hồi giáo Sunni. Do đó, khi phong trào Nhà Nước Hồi Giáo nổi lên ở Syria, đa số các nhân vật quyền thế ở Saudi Arabia, Kuwait và Qatar đã yểm trợ cho phong trào này với tin tưởng rằng IS có thể thanh toán hệ phái Shiite và Alawites. Hoàng tử Saud Al-Faisal của Saudi Arabia đã từng tuyên bố: “Ngày tàn của Shiite đã đến”! Do đó, khi phát động chiến dịch tiêu diệt IS, Ngoại Trưởng Kerry phải thương lượng với các nước A-rập để các nước này không yểm trợ cho IS nữa.
TRỞ NGẠI PHÍA TRUNG QUỐC, NGA, IRAN VÀ SYRIA
Trong các bài trước, chúng tôi đã đưa nhiều bằng chứng cho thấy Nga và Trung Quốc vì bị mất nhiều quyền lợi khi Hoa Kỳ đưa ra chính sách một “Trung Đông Mới”, đã chống lại sự thống trị Trung Đông của Hoa Kỳ. Nhưng với một sự hứa hẹn ngầm của Mỹ, Trung Quốc đã âm thầm rút khỏi Trung Đông và quay về giành độc quyền khai thác Biển Đông. Nga vẫn ngăn cản Mỹ tấn công Syria. Mỹ đã dùng lá bài xúi Ukraina xin gia nhập NATO để đổi chác với Nga. Nhưng Nga đã ra tay trước, biến quần đảo Crimea của Ukraina thành lãnh thổ của Nga!
Trong diễn văn tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Putin đả phá điều ông xem là "thế giới đơn cực" - một thế giới mà Hoa Kỳ là ông chủ duy nhất. Sau vụ Crimea, ông Putin tuyên bố thời kỳ đơn cực đã chấm dứt. Nhưng trong bài diễn văn nói trên, Tổng Thống Obama tuyên bố: “Ở bên ngoài, sự lãnh đạo của Mỹ là hằng số bất biến trong một thế giới luôn thay đổi. Chính nước Mỹ là bên có khả năng và ý chí để kêu gọi cả thế giới chống lại khủng bố. Chính nước Mỹ tập hợp các nước lại để phản đối sự hung hăng của Nga, và hỗ trợ quyền lợi của người Ukraine.” Nói cách khác, ông Obama vẫn coi Mỹ là nước duy nhất lãnh đạo thế giới.
Hôm 11.9.2014, Bộ Ngoại Giao Nga cảnh báo việc Hoa Kỳ không kích dân quân ở Syria là "vi phạm rõ ràng" luật quốc tế. Theo Bộ này, bất kỳ hành động nào như vậy, mà không có sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc, sẽ là "một hành động xâm lược".
Syria cũng tuyên bố bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài vào Syria cần có sự đồng ý của Damacus, nếu không, nó sẽ bị coi là sự khiêu khích.
Tuy nhiên, trong vụ Syria, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã đồng ý để cho Hoa Kỳ xử dụng máy bay không người lái thanh toán các sào huyệt của IS ở Syria. Để đổi lại, Mỹ ngưng yểm trợ Ukraina gia nhập NATO. Hôm 10.9.2014, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Nga đã rút 70% lực lượng khỏi lãnh thổ nước này.
Trong những ngày qua, các cơ quan truyền thông quốc tế đã liên tục đăng tải bức ảnh ông Qassem Suleimani, Tư Lệnh lực lượng đặc nhiệm Vệ Binh Cộng Hòa Iran, có mặt tại Amerli ở Iraq để bàn thảo kế hoạch đẩy lui IS với các viên chức Hoa Kỳ. Giới quan sát cho rằng Iran cũng có thể chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ về IS nhưng trong bí mật, vì Iran cũng có nhu cầu tiêu diệt IS như Hoa Kỳ. Syria cũng có nhu cầu đó nên sẽ im lặng để máy bay không người lái của Hoa Kỳ thanh toán các sào huyệt của IS trên lãnh thổ Syria.
TRỞ VỀ VẤN ĐỀ ĐỐI NỘI
Trong bài diễn văn, ông Obama đã nói: “Chính phủ của tôi đã nhận được sự đảm bảo của cả hai đảng ở Mỹ xung quanh phương pháp tiếp cận này. Tôi có đủ quyền hành để xử lý các mối nguy mà IS gây ra. Nhưng tôi tin rằng ta mạnh nhất với tư cách một quốc gia khi mà Tổng thống và Quốc hội có thể cùng hợp tác. Vì thế tôi hoan ngênh mọi sự ủng hộ từ Quốc hội để cho thế giới thấy rằng người Mỹ đang thực sự đoàn kết đương đầu với hiểm nguy.”
Với đoạn văn ngắn này, ông Obama đã dồn Đảng Cộng Hòa vào cái thế phải ủng hộ kế hoạch tiêu diệt IS của ông, vì với công luận đã được Đảng Dân Chủ tạo dựng lên hiện nay, nếu Đảng Cộng Hòa chống lại, sẽ bị mất nhiều ghế ở cả hai viện trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ngày 11.9.2014
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment