Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Tuần vừa qua, có thể nói rằng tin tướng Võ Nguyên Giáp chết vào ngày thứ sáu tại Hà Nội đã gây xúc động mãnh liệt ở nhiều người. Người ta bị xúc động vì ai cũng tưởng ông đã chết từ hồi nào, cách đây 30 năm, 40 năm gì đó. Hóa ra ông vẫn còn sống, cứ sống mãi cho đến gần cuối tuần qua! Đến 102 tuổi, ông mới chịu vĩnh viễn từ giã cõi đời, cho dù trong tầm mắt của nhiều người Việt Nam, với những lý do khác nhau, ông đã không còn nữa! Hay chỉ còn hình ảnh hài hước của một ông già, thân xác thì còm cõi thê thảm, thế nhưng cứ luôn luôn đóng vào người bộ lễ phục quân đội thùng thình như thể sắp ra sân khấu trong vai một dũng tướng!
Phải nói rằng không có một nhân vật lãnh đạo hết thời nào của Hà Nội lại được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến như thế khi ông ta chết. Đương nhiên không thể so sánh ông với Hồ Chí Minh. Ông Hồ chết được nguyên cả một cái “lăng bác” nằm ngay giữa quãng trường Ba Đình. Nhưng khi qua đời năm 1969, Hồ Chí Minh mới 79, cuộc chiến tranh ở miền nam chưa ngã ngũ, và báo chí phương tây còn phần nào dè dặt trong việc “ca ngợi” một người lãnh đạo của một nước Cộng Sản.
Tình thế ngày nay dã khác đi. Thế giới đã khác đi. Việt Nam cũng đã khác đi. Dân chủ, tự do đương nhiên là không có. Nhưng cộng sản cũng là không. Họ chỉ giữ chuyên chính. Và nếu nhìn lại, so sánh với những người lãnh đạo khác ở Việt Nam đã chết rồi, ngay cả những người vai vế cao hơn Võ Nguyên Giáp như Lê Duẩn (chết năm 1986), Trường Chinh (1988), Lê Đức Thọ (1990), Phạm Văn Đồng (2000) – không nói gì đến các ông Nguyễn Văn Linh hay Võ Văn Kiệt – cái chết của Võ Nguyên Giáp được phương tây đề cập đến nhiều nhất, sâu nhất, và với những lời “ca ngợi” ồn ào nhất.
Tờ The New York Times đưa ra một cái tựa giật gân: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam, đã chết” (Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. From Vietnam, Is Dead) cho dù người đặt ra tựa này có thể hoặc không biết gì mấy về cuộc chiến tranh Việt Nam hoặc tự cho phép mình phóng đại hay cường điệu ngoài giới hạn được phép. Tờ The Washington Post đưa ra một cái tựa vừa phải hơn, cho dù không hẳn chính xác: “Võ Nguyên Giáp, tư lệnh Việt Nam mà quân đội đã đánh bại những lực lượng Pháp và Mỹ, đã chết” (Vo Nguyen Giap, Vietnamese commander whose army defeated French, U.S. forces, dies). Tờ Los Angeles Times có tựa: “Võ Nguyên Giáp chết vào tuổi 102; viên tướng đưa miền bắc đến chiến thắng” (Vo Nguyen Giap Dies at 102; Vietnamese General Led North to Victory). Nói chung, báo chí và nhiều nhà chính trị, nhà nghiên cứu sử học đều mô tả Giáp như một “thiên tài quân sự của thế kỷ 20” đã đánh đuổi được quân Pháp và quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Chính hiện nay ở Hà Nội, để cho người dân quên đi thực tế chính trị kinh dị hàng ngày, bộ máy tuyên truyền của nhà nước đang ra sức thổi phồng công trạng của Võ Nguyên Giáp, người đã có công đánh đuổi cả “thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, cho dù cuối cùng đảng cũng chỉ tín nhiệm “đại tướng” vào việc đặt vòng ngừa thai cho phụ nữ!
Người Pháp xưng tụng ông Giáp như danh tướng Napoléon của họ. Họ còn nói Napoléon còn nếm mùi đại bại ở Waterloo. Có nhà phê bình khác nói ông là bậc thầy về du kích chiến. Và ông giáo sư rảnh rỗi Carl Thayer của Học Viện Quốc phòng Úc cho rằng Giáp đã “mở ra một kiểu mẫu cách mạng cho các nước bị trị khác trên thế giới”, cho dù nay là năm 2013 và ông Thayer phải thấy sự hớ hênh trong nhận định “biếu không” của mình. Người Pháp dĩ nhiên phải ca ngợi ông Giáp vì họ cần có một lý do thuận tiện để giải thích tại sao họ thua trận Điện Biên Phủ và phải rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn lại những năm tháng đó, trận Điện Biên Phủ chỉ là giọt nước tràn ly đối với người Pháp. Người Pháp đã muốn bỏ Việt Nam lắm rồi – dù có hay không Điện Biên Phủ. Còn trận Điện Biên Phủ thì đúng là một sự lựa chọn đấu trường sai lầm, tuyệt vọng, ngu xuẩn, tự biến mình thành một cái đích mà không có lối thoát của những nhà chiến lược quân sự của Pháp, cho dù họ đã nếm mùi chiến tranh với Việt Minh đã tám năm và hiểu tình hình ngày càng rất phức tạp. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh (tác giả của cuốn “Kháng chiến trường kỳ, nhất định thắng lợi” – đọc lên giống như những “lời dạy” của “Mao chủ tịch”) đều có ý dựa vào Trung Cộng bằng nhiều cách để đánh thắng Pháp.
Khi ca ngợi Giáp là “thiên tài quân sự”, người ngoài đương nhiên không biết Việt Nam từng có những Lê Lợi 10 năm chiến đấu chống quân Minh, Nguyễn Huệ đã đánh thắng đại quân Thanh ở Thăng Long nhờ một cuộc hành quân thần tốc… Chiến tranh du kích của Võ Nguyên Giáp cũng vay mượn cảm hứng từ “chiến tranh nhân dân”, “quân đội nhân dân” của Mao Trạch Đông. Ngay cả lối đánh “sát quân” nổi tiếng của Võ Nguyên Giáp cũng chính là từ chiến thuật biển người của Mao.
Những “câu thiệu” tiếng Hán như “tiền pháo hậu xung”, “công đồn, đả viện”… không lẽ là của Võ Nguyên Giáp? Thực ra, khi Mao đuổi Tưởng ra đảo Đài Loan và thành lập nước Trung Hoa Cộng Sản vào năm 1949, cả Pháp và Hoa Kỳ đều thấy những nguy cơ lớn lao đang ngày càng hiển hiện. Việt Minh dựa vào vùng biên giới sát Trung Hoa để xây dựng chiến khu, căn cứ địa an toàn. Viêt Minh bắt đầu nhận quân viện từ miền bắc. và rồi cố vấn chiến tranh cách mạng của Bắc Kinh cũng được gởi đến – mật độ có lẽ còn hơn mật độ cố vấn Mỹ làm việc với quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở miền nam sau đó. Bắt chước bài học Trung Cộng mà ngay từ những năm 1951-52 cải cách ruộng đất đã bắt đầu được tiến hành theo chỉ thị của các “đại cố vấn”.
Tuy nhiên, để cho bài ca về Võ Nguyên Giáp được trọn vẹn, người viết sử của Hà Nội thường tùy tiện bôi mờ hay xóa hẳn nhiều yếu tố quan trọng. Có bao giờ người ta nghe nói bao nhiêu người lính, bao nhiêu thường dân, đã bị hy sinh trong “Chín năm làm một Điên Biên” này hay chăng. Cũng có bao giờ người ta nghĩ lại chuyện ngày nay Trung Quốc muốn thao túng, lũng đoạn lãnh đạo ở Hà Nội để dễ bề xâm phạm lãnh thổ Việt Nam chỉ là quen một cái nếp mà những người lãnh đạo Việt Minh đã mở ra từ hồi đó cho những bậc quan thầy xã hội chủ nghĩa “trước là đồng chí sau là anh em” hay chăng?
Trong cuộc chiến tranh “giải phóng miền nam” từ 1960 đến 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng của những năm đó, có đúng là người đã kiến trúc toàn bộ chiến thắng này như nhiều người vẫn nói một cách mơ hồ chăng. Trước hết, khi thấy rằng đây là một cuộc chiến vô ích về mặt lịch sử, có bản chất xâm lược của một bên tham vọng, hiếu chiến hay cùng quẫn… Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm đến chừng mưc nào trong quyết định dấy lên cuộc chiến này? “Dường như” ông Võ Nguyên Giáp, người Quảng Bình, chỉ quen với trận mạc ở phía Bắc, không biết gì chiến trường phía Nam (các yếu tố thiên, địa, nhân) chưa hề đặt chân một lần đến bất cứ nơi nào bên kia vĩ tuyến 17 trước năm 1975? Một nhà chiến lược quân sự với hiểu biết như thế thực sự dám quyết định gì. Bằng chứng là ông ta tưởng rằng có thể biến Khê Sanh 1968 thành một Điện Biên Phủ 1953, cho dù địa thế hai nơi khác nhau (một đồi núi, một lòng chảo) và Mỹ cũng rất khác Pháp.
Người ta đều biết trong cuộc chiến tranh của Hà Nội ở miền nam, lãnh đạo va chủ trương dốc lòng đánh là Lê Duẩn, tổ chức chiến trường là Lê Đức Thọ, điều khiển chiến trận cho đến khi chết năm 1967 là Tướng Nguyễn Chí Thanh. Ngay cả trong quyết định tổng tấn công Mậu Thân, từ yêu cầu của tướng Thanh vì lo sợ sự can thiệp ngày càng mạnh của Mỹ sẽ làm cho quân miền bắc và lực lượng Mặt trận ngày càng núng thế, cũng khó được xem là của Võ Nguyên Giáp. Về mặt quân sự, rõ rệt cuộc tổng tấn công này là một thất bại nặng nề và càng làm sáng danh người lãnh đạo Cộng Sản xem sinh mạng của người lính và người dân như cỏ rác. Ảo tưởng cuộc tổng tấn công này “một lần rồi xong”, người dân miền nam sẽ vùng dậy lật đổ “ngụy quyền tay sai” là của “Gia Cát Lượng Viet Nam” nào? Trong cuốn “Đại thằng Mùa Xuân”, tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ rõ Võ Nguyên Giáp có đúng là người chỉ huy quân sự của chiến dịch này hay chăng. Và cả loạt hồi ký của Võ Nguyên Giáp (Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Điểm hẹn lịch sử, Đường tới Điện Biên Phủ), một “hồi ức” do một ông Hữu Mai nào đó “thể hiện”, cũng chỉ tập trung vào chiến thắng Điện Biên Phủ mà không đá động gì đến cuộc chiến tranh ở miền nam sau đó.
Nhưng điều mà sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta hay nói về Võ Nguyên Giáp chính là cái dũng khí thiếu vắng nơi con nhà tướng của ông. Người ta từng có nhiều ảo tưởng, và do đó có nhiều mong đợi ở Võ Nguyên Giáp. Người ta nói ông là người hầu như duy nhất “có tây học” trong số những người lãnh đạo của Việt Minh, cho nên có kiến thức và lý luận của người phương tây. Ông đã từng dạy sử, đã từng rao giảng về hai cuộc cách mạng 1789 của Pháp và Cách mạng tháng mười của Nga, cho nên phải hiểu đôi điều về nhu cầu dân chủ, tự do của con người, cũng như sự bình đẳng giai cấp có tính Mác-xít. Và ông là một võ tướng, cho nên hẳn phải thừa con tim (dũng khí) để nói lên điều mình tin và đấu tranh cho điều mình tin. Ông phải dám làm một điều mà thời đó người ta đều sợ: “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không bảo yêu thành ghét, dù ai cầm dao dọa giết cũng không bảo ghét thành yêu”. Thế nhưng khi nhìn lại bao nhiêu giai đoạn lịch sử của Việt Nam, ông nổi lên như một người khéo câm nín!
Chính vì uy tín của “người hùng Điện Biên” mà Hà Nội đã đưa ông ra tạ lỗi trong vụ cải cách ruộng đất sai lầm năm 1958. Nhưng ông chỉ dám nói lầm, không dám nói sai. Ông im lặng trong vụ án Nhân văn Giai phẩm. Sau Đại hội đảng lần thứ 3, Lê Duẩn lên làm bí thư thứ nhất, hợp với Lê Đức Thọ đánh Võ Nguyên Giáp tơi tả trong biết bao vụ. Ông Hồ Chí Minh chẳng che chắn được gì mấy cho Giáp – như trong vụ dựng chuyện Võ Nguyên Giáp lui tới riêng với sứ quán Liên Xô. Ông Võ Nguyên Giáp ngồi yên khi bao tay em thân Liên Xô bị thanh trừng bởi thế lực “Mao-ít” trong đảng trong hai đợt 1962 và 1968. Về sau, để an thân, Võ Nguyên Giáp có khuynh hướng thân Bắc Kinh và giữ khoảng cách với Mạc Tư Khoa, cho nên khi Việt Nam và Trung Quốc nối lại bang giao vào năm 1990, Giáp là một trong ba nhân vật được Trung Nam Hải chỉ định cho qua Bắc Kinh nói lời xin lỗi.
Năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc, và hầu như cũng kết thúc chính thức sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp. Lúc đó ông chỉ mới 64, vừa “đánh thắng xong đế quốc Mỹ” nhưng nhanh chóng được chỗ ngồi chơi xơi nước. Trong hai ba thập niên sau năm 1975 đó, Việt Nam đứng trước bao thử thách, nan đề, về đối ngoại (làm sao hội nhập với thế giới, quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc phải như thế nào) cũng như đối nội (những vấn đề thực tiễn của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền nam) – ông Giáp hoàn toàn im lặng. Trong vụ chinh phạt Campuchia năm 1979 và chống lại Bắc Kinh – ông Giáp im lặng. Trong quá trình tìm kiếm con đường đổi mới để tránh chuyện xuống bờ vực, ông Giáp cũng im lặng. Ông cứ làm mình như một thứ đồ cổ bỏ trong viện bảo tàng để cho du khách tới ngắm. Cho nên ông rất sẵn sàng khoác nhanh vào người bộ lễ phục. Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách còn dám chống Trung Quốc. Tướng Trần Độ còn dám lên tiếng phê phán sự thoái hóa chính trị và xã hội của đất nước. Ông Giáp thì vẫn im lặng là vàng. Như thế mà cách đây cả 20 năm, những kẻ thù của ông còn dựng chuyện “Năm Châu, Sáu Sứ” nhằm nhận chìm ông sâu hơn nữa.
Nghe nói ông Ngoại trưởng Pháp còn hỉ mũi chưa sạch Laurent Fabius khi Pháp rút ra khỏi Đông Dương còn cao hứng nói Võ Nguyên Giáp là một nhà đại ái quốc. Một nhà ái quốc không dám sống cho mình (những gì ông có thể tin là đúng, là tốt cho đất nước) cho nên chẳng có mấy dũng khí. Hay sống quá vì mình cho nên cũng chẳng có dũng khí.
Dĩ nhiên, trước cái chết của Võ Nguyên Giáp, sẽ có những người bỗng dưng thấy tự hào mình là người Việt. Nhưng chắc chắn nếu suy nghĩ kỹ lại, phải có người thấy nực cười và kinh ngạc trước sự dễ dãi, tào lao đến ngu xuẩn của công luận cả thế giới! Nếu không nghĩ rằng tất cả chỉ là một tấn kịch đã lỡ và ngôn ngữ của kịch mà thôi!
No comments:
Post a Comment