10/3/13

GIẤC MƠ TAN VỠ, ÁC MỘNG LẠI THÀNH!

Hoàng Ngọc Nguyên

Viet Tribune

Rốt cuộc, giấc mơ vẫn là giấc mơ, nhưng ác mộng ác nghiệt thay lại trở thành sự thật.

Khi người ta thấy có tin một số dân biểu Cộng Hòa có khuynh hướng ôn hòa đang muốn “nổi dậy” chống lại đường lối của đảng của mình tại Hạ Viện vào chiều thứ hai 30-9, tức ngày cuối cùng của tháng, của năm tài chánh cũ, để bước qua ngày đầu tiên của tháng kế tiếp, tức kỳ hạn ngân sách của năm tài chánh 2014, người ta đã khấp khởi mừng thầm. Và cho dù trời chưa hẳn tối, không ít người đã nằm mơ: có thể Hạ Viện sẽ có một biểu quyết dự luật ngân sách theo hướng mới, không còn điều khoản nào ràng buộc về luật cải tổ y tế nữa, do đó ngay trong tối thứ hai Thượng viện sẽ chấp thuận dự luật này, và đến nửa đêm có thể Tổng thống Obama sẽ ký ban hành ngân sách 2014, tránh được tai họa khủng khiếp chính phủ phải ngưng hoạt động.

Với đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện và “đồng tâm nhất trí”, viện dưới nay đã liên tiếp thông qua nhiều dự luật chuẩn chi ngân sách tạm thời cho chính phủ, nhưng lại kèm theo điều kiện tiên quyết, lúc thì không cấp kinh phí cho Luật cải tổ y tế, mà nay chúng ta đã quen gọi là Obamacare, lúc thì đòi hoãn thi hành điều khoản chính yếu của Obamacare, đó là mọi người ai cũng phải có bảo hiểm y tế, trong vòng một năm. Chẳng còn mấy người không hiểu nhánh Tea Party của đảng Cộng Hòa, được hình thành sau khi Luật y tế này được ban hành vào tháng ba năm 2010, đã tự cho mình một sứ mệnh “giáo điều” cao cả: đó là triệt hạ cho bằng được luật y tế này. Điều khoản buộc mọi người phải có bảo hiểm đến năm 2014 mới có hiệu lực, nhưng ngày 1-10 này chính là ngày thị trường giao hoán bảo hiểm y tế cá nhân tại các địa phương bắt đầu mở cửa cho những người không có bảo hiểm tìm kiếm, xem xét, đặt hàng. Chính cái ngày 1-10 này đã làm cho những người Tea Party tại Hạ Viện phát điên và mở ra chiến dịch công phá Obamacare từ mấy tuần qua, hy vọng “còn nước còn tát”. Có điều “lạ” là Tea Party này chỉ có khoảng tối đa là 50 thành viên trong số 232 người Cộng Hòa tại Hạ Viện, như thế mà họ kiểm soát được cả 180 người còn lại và nắm được cả những người lãnh đạo của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện như chủ tịch John Boehner, lãnh tụ phe đa số Eric Cantor… Chắc chắn những nhà phân tích chính trị sẽ phải viết nhiều trong thời gian tới về hiện tượng quái dị này.

Hạ Viện có 432 thành viên (có ba ghế trống), có nghĩa là một đa số quá bán phải là 217. Đảng Dân Chủ có được 200 người. Do đó họ cần 17 người Cộng Hòa đứng về phia họ trong trận giặc ngân sách này. Nói cách khác, những người Cộng Hòa ôn hòa cần tìm ra ít nhất 17 người đồng chí trong số 180 người Cộng Hòa không theo Tea Party trong đảng. Tức chưa đến 10%. Nhưng họ đốt đuốc cũng chỉ kiếm được sáu người. Đúng là kiếm cho ra người can đảm trong số đảng viên Cộng Hòa tại Hạ Viện thật khó. Một cái gương thiếu dũng cảm chính là ở ngay ông chủ tịch Boehner và lãnh tụ Cantor. Cho nên, giấc mơ của nhiều người, trong đó có cả ông Obama, đã tắt ngúm vào 10 giờ tối thứ hai.

Bởi thế mà cơn ác mộng trở thành sự thật.

Ngày 1-10 đã đến. và chính phủ đúng là phải “shutdown” - lần đóng cửa đầu tiên kể từ cuối năm 1995 của ông Bill Clinton (nhờ thế ông mới có dịp gặp Monica Lewinsky ôm ông an ủi!). Ít nhất 800.000 công chức liên bang này phải nghỉ làm việc không lương (furlough) trong một thời gian vô hạn định nếu chính phủ không mở cửa lại. Khoảng 1.3 triệu công chức liên bang “tối thiết” vẫn tiếp tục làm việc, nhưng tạm thời sẽ không lĩnh lương vì chính phủ chưa có tiền. Một số dịch vụ xã hội cho người dân đương nhiên bê trễ vì số người làm việc ít hơn, một số dịch vụ xét thấy không cấp thiết đương nhiên bị ngưng. Và chúng ta sẽ thấy các nơi công cộng như công viên, lâm viên, đền đài… sẽ đóng cửa. Quan trọng hơn cả là tác động đối với nền kinh tế quốc gia. Theo ông Mark Zandi, kinh tế gia đầu đàn của tổ chức Moody’s Analytics, việc chính phủ phải đóng của một phần “dù chỉ trong vài ngày” sẽ làm cho kinh tế quốc gia trong quí tư này thiệt mất 0.2- 0.3% tỷ lệ tăng trưởng. Nếu đóng cửa một tháng, cái giá phải trả cho tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 1.4%. Nếu đóng cửa hai tháng: suy thoái trở lại. Cũng đương nhiên, nếu Tea Party đi xa hơn nữa khi kỳ hạn 17-10 đến, tức ngày chính phủ lại phải xin Quốc Hội cho tăng mức giới hạn tối đa của nợ để có thể vay nợ thêm chi dùng cho những khoản đã được ngân sách cho phép, thì “tai họa khôn lường” này (chính phủ “phá sản”) không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả thế giới, một trong những hậu quả chính là sự mất uy tín trầm trọng của Hoa Kỳ khi sự thiếu “văn minh” chính trị của Washington đã làm cho nước Mỹ tắc trách một cách vô nhân trước nhu cầu bình an của thế giới này.

Do đó, có hai điều tối thiểu chúng ta cần nhận định. Thứ nhất, thời ông Clinton, chính phủ ngưng hoạt động chưa phải là một tai họa ghê gớm lắm vì lúc đó kinh tế đang ở thời kỳ tăng trường bùng nổ. Trong khi đó, kinh tế của nước Mỹ hiện nay là còn rất yếu kém. Ám ảnh suy thoái vẫn còn nặng nề đâu đây bởi vì phục hồi trầy trật, chưa có dấu hiệu gì ổn định vững chắc. Tỷ lệ tăng trưởng cũng như tỷ lệ thất nghiệp đều có thể làm cho người ta mất ăn mất ngủ. Người Cộng Hòa buộc cho chính phủ phải ngưng hoạt động chỉ vì chuyện Obamacare thì đúng là họ xứng đáng với cách mô tả của nhà bình luận thời danh Fareed Zakaria: ngu xuẩn, điên rồ, tàn bạo và không có tí nào nhận thức về một cách cư xử chính trị văn minh, phải đạo – civility. Bởi thế mà có điều thứ hai. Nước Mỹ cứ nói đến sự “ngoại hạng”, “đặc biệt” (exceptional) của mình để cho thấy mình vẫn còn xứng đáng trong vai trò lãnh đạo thế giới. Khôi hài thay một trong những người ưa rao giảng chuyện này cho dù có lẽ ông ta trong thâm tâm chẳng có tin gì mấy chính là nạn nhân số 1 của “American exceptionalism”: Barack Obama. Thế nhưng từ châu Âu, và ngay cả từ một số nước văn minh ở châu Á, người ta lắc đầu nói nước Mỹ này điên rồi. Cái hệ thống chính trị của Mỹ đang trở nên bệnh hoạn như một người quẫn trí, rõ rệt tình trạng tâm thần đang phổ biến trong xã hội, trong chính giới nước Mỹ. Chẳng thế mà người ta cho chơi súng thả giàn. Tha hồ bắn giết. Ngăn chận chuyện bảo hiểm y tế cho quần chúng vì xem tầng lớp dưới trong xã hội như cùi hủi. Cho phép Quốc Hội bắt chính phủ phải ngửa tay xin vay cho dù ngân sách đã cho phép chi tiêu. Hay ngành lập pháp dùng ngân sách để bắt bí hành pháp… Đúng nước Mỹ thật là “exceptional”. Hơn thế nữa, “abnormal” - tức là mất bình thường (tâm thần!).

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Obama, ông Leon Panetta, từng cảm khái nói về cái giá đối với công cuộc “trị quốc, bình thiên hạ” khi chính quyền phải đứng trước hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. “Người dân Mỹ sẽ mất niềm tin vào hệ thống chính trị của chúng ta, và thế giới cũng sẽ cho rằng nước Mỹ chẳng có khả năng hiện thực những lời hứa to lớn của mình”. Cứ nhìn vào thực tại ngày nay, những nhà chính trị của Mỹ chẳng thấy gì cả, chẳng biết gì cả chuyện gì đang xảy ra trên thế giới, và họ cũng chẳng thực sự nhìn được vấn đề gì của nước Mỹ ngày nay – không nói gì đến nước Mỹ trong trường kỳ.

Người Mỹ còn không chịu được nước Mỹ nữa là. Nếu không thì người ta chẳng nói đến sự tan vỡ của “giấc mơ nước Mỹ” (the American Dream) ở mọi lứa tuổi. Theo thăm dò của CBS/New York Times, chỉ có 24% dư luận ủng hộ cách làm ăn của Cộng Hòa trong vụ ngân sách và Obamcare này, trong khi đến 34% đồng tình với người Dân Chủ và 41% ủng hộ cách xử sự của ông Obama. Có đến 27% nói chung không tín nhiệm cả ba. Một thăm dò khác của CNN/ORC kết quả được công bố vào chiều thứ hai, cho thấy chỉ có 10% dân chúng ủng hộ cách làm việc của Quốc Hội, là mức thấp nhất trong lịch sử. Đến 87% nói họ không đồng tình với Quốc Hội liên bang. Cần nói thêm trong cuộc thăm dò này, Tổng thống Obama được 44% ủng hộ và 53% phê phán. Tỷ lệ ủng hộ và không ùng hộ cho đảng Dân Chủ là 43%/52%, và cho đảng Cộng Hòa là 32%/63%. Về Tea Party, tỷ lệ họ chiếm được lạ lùng thay hơn đảng Cộng Hòa của họ nói chung: 31%/54%.

Giới quan sát chính trị trong vài tuần vừa qua đã có dịp viết miên man về phong trào Trà Hội và những người bảo thủ trong đảng Cộng Hòa. Những người đọc có cảm tưởng như đang thấy nước đổ lá khoai. Nhiều người đọc sử nước Mỹ có khuynh hướng xem Tea Party như một phong trào “ái quốc”, “anh hùng” trong thời lập quốc, nhưng nay người ta mới thấy được rõ hơn cái ý thức hệ lỗi thời, lạc hậu và nặng tính giáo điều của Tea Party là nguy hiểm đến chừng nào: chống thuế má, tức là chống nghĩa vụ ngân sách của công dân, và chủ trương một chính quyền thu nhỏ chẳng làm gì cả để cho người dân khỏi phảỉ nộp thuế nhiều, mà một chính quyền thu nhỏ, trong xã hội giai cấp phân hóa đời nay, là một chính quyền quay lưng với những trách nhiệm xã hội của đất nước đối với đại đa số người dân. Những người bảo thủ của Cộng Hòa cũng có thể chủ trương không khác thế, nhưng họ có đường lối thực tiễn chính trị cho thấy có ý thức giáo dục về phúc lợi xã hội hơn: đó là sự thỏa hiệp để đi tới, thay vì thái độ quá khích đổ tất cả trà xuống sông, xuống biển! Vì đường lối bảo thủ thực tiễn đó, cựu Tổng thống George W. Bush đã khôn khéo gọi là “đường lối Cộng Hòa nhân ái” (compassionate Republicanism), mà các ông Dwight Eisenhower, Ronald Reagan… đã giành được cử tri!

Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là do sự xung đột thường xuyên nhưng thường có lối thoát giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Cuộc khủng hoảng hiện nay là do sự mâu thuẫn nội bộ không lối thoát giữa những người Cộng Hòa bảo thủ chính thống và những người Cộng Hòa bảo thủ Tea Party. Hai phe này xung đột gắt gao tới độ những người Cộng Hòa ôn hòa, đứng giữa kinh sợ, lặng thinh, cứ nhìn ông John Boehner, chủ tịch của đảng, để xem ông xử trí ra sao, nhưng ông Boehner lãnh đạo không nổi. Dân biểu Cộng Hòa đã bầu ông làm chủ tịch không phải để có người dẫn dắt họ mà để có người cầm đầu mà họ có thể dẫn dắt được. Trong mắt của ông Boehner, chỉ có khối cử tri Cộng Hòa nhỏ bé của đơn vị bầu cử của mình tại tiểu bang Ohio là có ý nghĩa. Cứ hai năm, ông phải chiêu dụ họ một lần. Làm sao ông nghĩ được chuyện quốc gia đại sự mà lãnh đạo. Bởi thế ông cứ lãnh đạo từ đàng sau. Và bởi thế chẳng định hướng được cho tập thể tiến tới, làm sao ông khiển được Tea Party ồn ào như thế, “populist” như thế, cho nên đành để cho họ khiển, vì ông không xây dựng được sức mạnh đa số trong đảng Cộng Hòa.

Phản ứng phẫn nộ trong dân chúng là có nhiều vô kể và vô vàn chính đáng. Nói thay cho họ là bà Petula Dvorak một bỉnh bút của tờ Washington Post, cho dù tờ báo nào cũng có cả loạt nhà bình luận gay gắt và mỉa mai lên tiếng. Theo bà, “535 thành viên Quốc Hội của lưỡng viện đã đóng cửa chính phủ này cần bị trừng phạt ngay tức thì ” vì “họ đã không làm xong việc mà chúng ta trả cho họ hậu hỉ $174.000 một năm để làm”. Bà đề nghị phải hành động ngay tức thì vì “cử tri Mỹ có trí nhớ kém cỏi”, bao nhiêu chuyện xảy ra mà người dân cứ quên hết, nên họ không thể chờ đợi đến bầu cử sang năm được. Bà hỏi ý kiến độc giả về biện pháp trừng phạt. Nhiều người cho rằng những vị dân cử này là những kẻ “phản quốc” và họ đề nghị những biện pháp nặng nề như “xử bắn”, “chặt đầu”, bỏ tù”. Người ta đề nghị người dân phài ào ạt xuống đường để “kéo cổ tụi nó xuống”. Có người đề nghị phải cúp hết tất cả những gì “chúng nó đang hưởng”: lương bổng, xe cộ, bảo hiểm y tế, internet… Cũng có người nói những người dân cử này nay phải đi làm những chuyện hốt rác cho dân.

Điều duy nhất có thể hay trong cuộc khủng hoảng rất dở này là chúng ta thấy rõ hơn nữa những giới hạn vô kể và nguy hiểm nơi những nhà chính trị Mỹ và hệ thống chính trị của Mỹ. Nếu cần có một “case study” để minh chứng sự cần thiết phải tu chỉnh hiến pháp và viết lại những tu chánh án lỗi thời, có gì hay hơn là chuyện đang xảy ra tại Capitol Hill và Tòa Bạch Ốc khiến cho người dân đêm ngày đứng ngồi không yên?

No comments:

Post a Comment