11/23/12

Chuột hay bù nhìn

Ngô Nhân Dụng

duongtrungquoc120610Ngày xưa có anh chết xuống dưới âm phủ, sau một thời gian “cải tạo” với các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa anh được chuyển trại, cho đi đầu thai kiếp khác. Họ đưa anh ra trước Ủy ban Ðầu thai, mà theo báo cáo của Nam Tào, Bắc Ðẩu, hồ sơ, lý lịch của anh rất xấu; anh không thể đầu thai làm người nữa.

Anh năn nỉ xin được đầu thai làm kiếp trâu; nghĩ rằng làm thân con trâu thì lúc nào cũng có người nuôi ăn, không phải vất vả. Nhưng lũ quý sứ đầu trâu phản đối, vì đưa anh ta lên làm con trâu là xúc phạm đến tất cả lực lượng công an nhân dân dưới âm phủ. Cuối cùng Ủy ban Ðầu thai cho anh ta lựa chọn: Hoặc sinh ra làm một con chuột, hay làm một thằng bù nhìn đứng ngoài ruộng xua đuổi chim chóc. Làm chuột hay làm bù nhìn, anh ta nên chọn cách nào?

Câu chuyện cổ tích trên được nhớ lại sau khi chúng ta nghe những bản tin và lời bàn về vụ ông Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc Hội ở Hà Nội. Thứ Tư tuần trước, khi ông thủ tướng nước Việt Nam ra trước Quốc Hội, có một đại biểu là ông Dương Trung Quốc đứng lên hỏi ông rằng ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không. Nói văn hoa, theo báo chí tường thuật, thì ông Quốc hỏi ông Dũng có “hướng tới một văn hóa từ chức” hay không. Bởi vì, một người làm thủ tướng sai lầm mà chỉ ra trước Quốc Hội nói mấy lời xin lỗi thì kỳ cục quá. Câu hỏi bất ngờ của ông Dương Trung Quốc được cả nước chú ý. Và ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời một cách khéo léo, nhưng ý kiến rất rõ ràng và giản dị: Quý vị đại biểu Quốc Hội không có quyền đặt câu hỏi đó! Vì ông Dũng chỉ được đảng giao việc làm thủ tướng cho nên ông làm thủ tướng. Nói cách khác, ông Dương Trung Quốc muốn thấy cái “văn hóa từ chức” thì hãy đi gõ cửa đảng cộng sản mà hỏi; chứ đem hỏi ông Dũng là gõ nhầm cửa!

Phải nghe nguyên văn những lời ông Dũng nói mới cảm thấy được nỗi bẽ bàng của ông Dương Trung Quốc. Ông Dũng nói, “...gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin một chức vụ nào cả!” Ông còn nói, “và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi.”

Tức là ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn đóng vai thụ động, trách nhiệm sau cùng là của toàn thể đảng cộng sản, từ những cụ ngồi trên cho đến các đảng viên ở dưới. Ông không bao giờ xin giữ chức thủ tướng cả. Ông được đảng trao cho. Ông còn nói: “Ðảng, Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.” Tức là nếu ông có sai lầm, thì đảng đã biết trước rồi, chứ không có gì lạ cả!

Ðây là một lối tự biện rất hay. Con gái, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể nói giống y như vậy. Vì đảng giao phó cho nên cô này mới làm chủ tịch ngân hàng, cậu kia mới làm chức thứ trưởng. Các cô, cậu chỉ ngoan ngoãn nhận việc mà thôi. Có thể nói, những người phụ trách các công ty Vinashin, Vinalines, hay các ông đã làm PMU 18 hoặc, nhận làm xa lộ xuyên Sài Gòn để hàng triệu đô la của nhà thầu Nhật Bản, họ cũng có thể tự biện minh như thế: Tôi “không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi” đứng ra điều khiển công ty Vinashin (hay Vinalines)! Họ vô tội bởi vì trước khi trao nhiệm vụ, đảng “đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.” Khi họ tự biện minh như vậy thì các quan tòa phải thấy thương họ mà tha bổng. Bởi vì thủ phạm đích thực của các vụ cướp của công làm của riêng, ăn tiền mua tầu dỏm, không phải là những đảng viên ngoan ngoãn này. Thủ phạm đáng đem ra trước vành móng ngựa chính là đảng!

Tức là các ông bà đại biểu Quốc Hội cũng không có quyền nói chuyện “bất tín nhiệm” với ông thủ tướng hay bất cứ quan chức nào trong guồng máy nhà nước. Tất cả đều do đảng trao trách nhiệm! Mà chính cái Quốc Hội này, tất cả các đại biểu ngồi gật gù trong đó, cũng là do đảng chỉ định cho ngồi!

Cho nên nhà bình luận Mai Thái Lĩnh tại Việt Nam mới viết: “Mặc dù quy định về thủ tục ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ đã được ghi trong Luật Tổ Chức Quốc Hội 2002 và cả trong bản sửa đổi năm 2007, Quốc Hội lại không thể tự mình thực hiện quyền này. Thực tế cho thấy chế độ ‘đảng trị’ đã vô hiệu hóa công cụ hữu hiệu nhất của Quốc Hội để kiểm soát quyền lực của bộ máy hành pháp.” Cho nên ông Giáo Sư Tương Lai phải công nhận: “Câu trả lời của ông thủ tướng theo tôi nghĩ là chính xác.” Bởi vì chính Quốc Hội cũng chỉ là một Quốc Hội của đảng chứ không phải của dân; nó cũng chỉ được đảng cho lên ngồi đó chứ chẳng có quyền đặt câu hỏi nào với các quyết định của đảng.

Ðó là nỗi bẽ bàng của những đại biểu Quốc Hội, khi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng nói về 51 năm làm cách mạng chỉ biết nghe lệnh đảng. Ông đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân?” Nghe những lời ông Dũng đáp lại, người ngoài cũng thấy muốn đặt câu hỏi với ông Dương Trung Quốc: “Ông đại biểu nghĩ gì về ý kiến cho rằng, Quốc Hội đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân?”

Ðến đây, chúng ta thấy các đại biểu Quốc Hội ở Việt Nam hiện đứng trước hai lựa chọn. Một con đường là an phận, cứ ngậm miệng ăn tiền, chả bao giờ dại dột đứng lên nói như ông Dương Trung Quốc, chỉ thêm bẽ bàng thôi. Hai là mạnh dạn đứng lên, thoát xác, nhất định thi hành quyền hạn của một Quốc Hội, theo Hiến Pháp và đạo luật Luật Tổ Chức Quốc Hội quy định. Biết đâu, có nhiều người cũng gan to như ông Dương Trung Quốc, yêu cầu đặt vấn đề bất tín nhiệm chính phủ?

Hai lựa chọn, hoặc ngậm miệng, hoặc đứng lên cất tiếng nói, sẽ đưa tới những hậu quả nào?

Nếu các đại biểu Quốc Hội dám đứng lên đòi bất tín nhiệm, thì dù họ chiếm đa số, thì chắc cũng không đi tới đâu cả. Bởi vì tất cả những người cầm đầu cái Quốc Hội đó đều là người được đảng chỉ định, họ sẽ không cho biểu quyết. Các ông bà muốn nói gì thì nói, nhưng không bao giờ có thể đưa tới một quyết định, rồi đem quyết định đó trao cho bên hành pháp để bắt nó thi hành. Tình trạng này giống như một cái hội đồng trong chuyện cổ tích. Ðó là hội đồng của các con chuột quyết định sẽ đem cái chuông đi cột vào cổ con mèo, để mèo đi tới đâu thì họ hàng nhà chuột nghe biết trước mà chạy. Hội đồng đã quyết định xong, nhưng không ai có can đảm đem cái chuông tới buộc cổ con mèo cả. Giống như vậy, nếu cái Quốc Hội ở Việt Nam bây giờ mà quyết tâm đòi bất tín nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng, thì họ cũng chỉ là một cái Quốc Hội Chuột mà thôi!

Lựa chọn thứ hai, ngậm miệng ăn tiền, là con đường nhàn hạ hơn. Ðó là số kiếp đã được dành cho những ông bù nhìn giữ dưa, đuổi quạ. Tất cả các chế độ độc tài đều lập ra các quốc hội bù nhìn cả. Cho đến khi chế độ sụp đổ, các bù nhìn cũng rớt theo. Nếu có ai hỏi tội, họ cũng có thể tự bào chữa y như lời ông Nguyễn Tấn Dũng: Ðảng và Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi đấy chứ!

Trở lại câu chuyện cổ tích anh chàng được ra trước Ủy ban Ðầu thai dưới âm phủ, đứng trước câu hỏi: Giữa hai kiếp mới, làm chuột hay làm bù nhìn, anh ta chọn đầu thai làm cái nào? Quý vị có thể đoán ra, anh ta sẽ chọn làm bù nhìn, con đường an toàn, nhàn nhã hơn. Chắc các đại biểu Quốc Hội ở Việt Nam cũng lựa chọn như thế.

No comments:

Post a Comment