HOÀNG NGỌC NGUYÊN
Nó lú, còn chú nó khôn. Chú đây là những người lớn dẫn dắt, bảo trợ về mặt tinh thần. Chú cũng có thể là những người cố vấn, quân sư cho những nhà chính trị, giúp vào việc khai tâm, khai trí cho những người thich có quyền lực trong tay, cho dù chưa hẳn hiểu hết tất cả những hệ lụy khúc mắc, phức tạp trong sự tìm kiếm này. Đó là lý do không một ứng cử viên tổng thống nào dám hà tiện mà phải chi như nước để mướn cố vấn, chuyên viên, để bù đắp cho sự thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm của mình trên mọi lĩnh vực - thậm chí “không có” nữa, không nói gì đến “thiếu” chỉ có nghĩa là có nhưng chưa đủ - khiến nhiều người khi ra đứng trước công chúng phải ú ớ như trẻ con không thuộc bài hay không học bài và cứ phải lỡ miệng mãi. (Nào ta dễ gì quên được những ngưòi như nhà “pizza học” Herman Cain hay Thống đốc Texas Rick Perry trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa trong bầu cử tồng thống năm nay). Cố vấn, dùng ở thể “số nhiều”, là những người chỉ dẫn cho ứng cử viên những cách phát biểu hay ho nhất, những lời đối đáp tài tình nhất, trước những câu hỏi được giới truyền thông đặt ra. Chỉ có nhờ sẵn có cố vấn lềnh khênh trên thị trường chất xám, hay dùng chữ thông dụng với quần chúng: quân sư quạt mo, những nhà chính trị thường chỉ giữ một cái đầu rất giới hạn mới dám ra tranh cử. Cứ hỏi bà Michele Bachmann dân biểu Minnesota hay Sarah Palin từng sánh vai ông John McCain trong bầu cử tổng thống năm 2008 thì rõ.
Thế nhưng người ta bắt đầu đặt câu hỏi về những cố vấn, phụ tá, chuyên viên của ông Mitt Romney khi thấy chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Romney với danh nghĩa là ứng cử viên tồng thống của đảng Cộng Hòa đến ba nước châu Âu (Anh, Do Thái và Ba Lan) vào tuần qua xem chừng không khá. Ông là người thiếu vốn liếng về quốc tế là điều chẳng ai có thể phủ nhận, cho dù đôi khi ông vẫn làm như thực ra chẳng phải thế. Dẫu gì ông cũng đã có hai năm sống ở nước Pháp để làm công việc truyền giáo cho nhà thờ Mormon thời thanh niên. Qua cuộc thăm viếng kết thúc vào ngày thứ ba, người ta nghĩ rằng đúng hơn phải dùng chữ nghèo nàn thay vì chữ “thiếu vốn liếng” để chỉ về bản lĩnh đối ngoại của ông Romney, cho dù ông vẫn chỉ trích Tổng thống Obama là người “mềm yếu trước kẻ thù”, “không đủ thủy chung với đồng minh”... . Chẳng những thế, ủng hộ ông Romney hay chống đối ông, người ta phải đồng ý ông đã “lỡ lời” nhiều quá. Đi làm công tác ngoại giao mà cứ vấp váp mãi, nếu là tham vụ ngoại giao ắt bị đuổi, còn làm tổng thống thì chỉ đưa đến hậu quả “thêm thù bớt bạn” - như ta đã thấy dưới thời Tổng thống George W. Bush. Hay chẳng phải là ông lỡ lời mà chỉ là vì ông quá thành thật? Yêu ai thì bảo là yêu, ghét ai thì nói là ghét. Nhưng nếu ông ruột ngựa, nghĩ gì nói nấy như thế, thì mấy ông quân sư của ông ở đâu.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong chuyến đi này? Câu hỏi đầu tiên là mục đích của chuyến đi. Học hỏi hay quảng cáo quan điểm về thế giới nước Mỹ là chủ tể của ông? Nếu không xác định được mục đích, thì ông đi làm gì. Câu hỏi thứ hai, tại sao ông chọn nơi đến là những nước Anh, Do Thái và Ba Lan. Tại sao ông không có một sự lựa chọn thăng bằng hơn, nhất là vì một trong những mục đích phải là tìm hiểu tình hình, nắm tình hình, để nghe, đề nhìn, đề suy nghĩ, hơn là để nói, để có những cam kết và hứa hẹn, là điều người khôn ngoan không làm. Có lẽ ông vẫn có thói quen không bỏ được. Về mặt xã hội và chính trị, như ông vẫn bị phê phán, ông chỉ lui tới được với những người cùng giai cấp, cùng chủng tộc, cùng tôn giáo. Về mặt quốc tế, ông cũng chỉ “chơi với bạn”, chỉ biết đồng minh, và lánh xa kẻ thù, hay những nước không nhất thiết phải là kẻ thù nhưng ông không quen có quan hệ. Thông thường là một chính khách đang ra tranh cử công du nước ngoài, người ta có một thỏa thuận quân tử (gentleman’s agreement) là không bài bác chính sách hiện nay của chính quyền đương nhiệm. Tuy nhiên ở nơi nào, ông Romney và người của ông cũng chẳng để lỡ dịp công kích ông Obama hay tự đề cao mình. Vấn đề ông Romney chưa hiểu, và những quân sư của ông lạ lùng thay cũng không hiểu, một lời ông Romney nói ra, nó thuận tai với người bên phải, nghịch nhĩ với người bên trái, rốt cuộc người ta chỉ nhìn ông Romney như một nhân vật “ngoại giao” quái đản của thời đại: đi phê phán Olympic London ngay giữa thủ đô nước Anh (để đề cao Thế Vận Hội Mùa Đông của ông 10 năm trước), trong khi tán tụng “ông Obama (vì là người da đen) nên không hiểu mối quan hê thâm tình đặc biệt giữa những người Anglo Saxon chúng ta”. Tại Do Thái, ông tuyên bố phải xem Jerusalem là thủ đô Do Thái và Hoa Kỳ phải dời tòa đại sứ khỏi Tel Aviv để về đó. Ông cũng cho Nga xuống vị trí “kẻ thù số 2”, đưa Iran lên vị trí “nguy cơ hạt nhân số 1” và nói Mỹ tôn trọng nếu Do Thái quyết định tấn công gián chỉ Iran. Còn sợ người Do Thái chưa hài lòng, cả giới chính trị cũng như tài phiệt, nhất là vì nhiều nhà “hảo tâm Do Thái” có mặt trong chuyến đi của ông, người nào cũng vai mang túi bạc kè kè... đến mức người ta đã kháo nhau rằng trong chuyến đi này ông Romney “ắt hẳn kiếm ăn to”. Ông nói rằng “khác biệt về văn hóa đã khiến cho có khoảng cách trong đời sống giữa người Do Thái và Palestine! Tại Warsaw, ông ca ngợi “khuôn mẫu kinh tế” mẫu mực của Ba Lan: chính quyền nhỏ, giảm chi tiêu, ủng hộ kinh doanh. Càng có lời ca ngợi Ba Lan, sau khi gặp Lech Walesa, chủ tịch công đoàn Đoàn kết vào những năm 80 đã đấu tranh chống chế độ Cộng Sản cầm quyền, ông Romney đã không ngại ngùng công kích nước Nga láng giềng, xem như đó là một mẫu mực suy bại cùa việc xây dựng dân chủ. Nhưng khi ông ca ngợi vai trò của công đoàn Đoàn Kết Ba Lan, những người ở đây đã nhắc ông nhẹ nhàng: Hình như ông là ngưòi chủ trương tiêu diệt công đoàn ở Mỹ!
Vì những chuyện lỡ lời này mà ông bực bội, mới có quyết định không nói chuyện với báo chí nữa để giữ mồm giữ miệng, gọi là nhằm “kiểm soát thiệt hại” (damage control). Bởi thế mới có chuyện thêm trước khi lên máy bay về lại Mỹ.
Theo tin của hãng thông tấn CNN từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, hôm thứ Ba viên bí thư đặc trách báo chí tháp tùng ông Romney trong chuyến đi này đã mất bình tĩnh và chửi rủa thô tục với những nhà báo khi họ tìm cách đặt ra những câu hỏi cho ông Romney tại một khu phố công cộng gần Mộ Chiến sĩ Vô danh ở thủ đô Ba Lan. Theo lời kể lại, sau khi ông Romney đến nghiêng mình trước Đài Tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Ba Lan và bắt tay một nhóm cựu chiến binh, ông Romney mới bước đi, cách tượng đài khoảng 100 yards, vừa đi vừa trò chuyện với ông thị trưởng Warsaw. Khi Romney bước đến xe, các nhà báo sán đến gần và la lên các câu hỏi. Ông Romney thủy chung cả tuần chỉ trả lời có ba câu hỏi của báo chí trong chuyến đi này, làm bộ giả nai lãng tai. Khi những người truyền thông cố hỏi ông Romney về những chuyện không hay xảy ra trong chuyến đi này, ông tùy viên báo chí này tên Rick Gorka quyết định ra tay. CNN hỏi: “Thống đốc Romney, ông có quan tâm về những chuyện vấp váp trong chuyến đi của ông hay không?” Tờ New York Times hỏi: “Thống đốc Romney, ông có lời nào chăng cho người Palestine?” Tờ Washington Post lại hỏi: “Những chuyện ông lỡ lời thì sao?” Lại tờ NYT: “Thống đốc Romney, ông có càm tưởng chuyện lỡ miệng của ông đã làm mờ chuyền xuất ngoại của ông?” Lại CNN kèo nài: “Thống đốc Romney, cho vài câu hỏi đi, trong chuyến đi này ông chỉ mới trả lời có ba câu hỏi của báo chí.” Gorka can thiệp: “Yêu cầu giữ lễ độ một tí”. NYT phàn ứng: “Chúng tôi chưa có dịp hỏi câu nào cả...” Gorka nổi dóa: “Cái đít tôi đây này! (Kiss my ass!). Đây là nơi Thiêng liêng cho người dân Ba Lan. Hãy tỏ ra tôn trọng người khác với chứ!”
Điều đáng hỏi là hình như ông Romney không hề quan tâm đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở châu Âu, và làm sao người ở đây sống qua được thời này! Ông cũng không bận tâm tìm hiểu Mùa Xuân Á Rập! Một số câu hỏi đã được đặt ra cho chuyến đi nước ngoài này, và những câu trả lời có lẽ chỉ qui về một mối: ông Romney chưa hề nhận ra được ông đang ở vào thời điểm nào của lịch sử thế giới. Ông tưởng rằng đây là những năm chín mươi của thế kỷ trước - lúc ông đang còn điều hành Bain Capital, Liên Xô và hàng loạt nước cộng sản Đông Âu mới sụp đổ, và nước Mỹ đang là chủ tể của một thế giới chưa định hình được trật tự mới. Thế nhưng nay chúng ta đang ở vào năm 2012, túc thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Thế Giới đã biến chuyển triệt để theo hướng đa cực. Một thế giới được gọi là post-America World. Một thế giới đã chứng kiến al-Qaeda tấn công vào Mỹ. Sự ngang ngạnh điên cuồng của Iran và Bắc Hàn, Sự trỗi dậy của Trung Quốc thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Sự “phục sinh” của Nga theo cách của nó. Và mùa Xuân A Râp đang thách đố thế giới Hồi giáo.
Hãy cứ tưởng tượng một ông tổng thống Mỹ cứ ngủ mê mệt như thể không biết gì thế giới biến chuyển như chong chóng bên ngoài![HNN]
No comments:
Post a Comment