Tác Giả: Chu Thập
Hôm thứ bảy 14 tháng 4 vừa qua, thế giới tưởng niệm đúng 100 năm ngày chiếc tàu Titanic bị đắm ngoài khơi Đại tây dương.
Với không biết bao nhiêu huyền thoại, thảm kịch đã trở thành nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương và điện ảnh. Duy có một thực tế ít được nói đến hay cố tình tránh né, đó là lòng kiêu hãnh và tính mong manh bất toàn của con người. Không những được đặt tên là “Titanic”, nghĩa là “vĩ đại” (dĩ nhiên “vĩ đại” nhứt cho đến năm 1912), chiếc tàu chở khách này còn được những người chế tạo ra ủy thác cho một định mệnh rất kiêu hùng là “unsinkable” (không được phép chìm!).
Vậy mà, theo ước tính, chỉ trong 10 giây đồng hồ sau khi chạm phải tảng băng ngầm cách thành phố Newfoundland, Canada khoảng 640Km về hướng nam, chiếc tàu tưởng sẽ không bao giờ bị chìm đã từ từ vỡ vụn và chìm sâu trong đại dương, khiến cho 1496 người trong số 2208 người gồm hải đoàn và hành khách bị thiệt mạng. Đây là một tai nạn khủng khiếp nhứt trong lịch sử hàng hải.
Đã nói đến “tai nạn” thì phải nói đến chữ “ngờ” mà dù có tiến bộ và đề phòng đến đâu, con người cũng chẳng bao giờ “học” được. Mới đây, thế giới lại một phen đứng tim nhìn về “thiên đàng trần gian” Bắc Hàn khi lãnh tụ mặt búng ra sữa Kim Jong Un chơi trò mà ký giả Ngô Nhân Dụng gọi là “bắn pháo”. Thật ra, chuyện hỏa tiễn Teapodong-2 của Bắc Hàn có “tịt ngòi” và nổ tung liền sau khi được phóng lên không gian không đáng làm cho thế giới phải ngạc nhiên. Văn minh, giàu có và có kỹ thuật tối tân như Liên Xô, Hoa kỳ, Nhựt bản...mà tai nạn cứ xảy ra dài dài, thì huống chi một quốc gia nghèo xơ nghèo xác và lạc hậu như Bắc Hàn.
Tai nạn gắn liền với thân phận bất tất, có cùng và “phải chết” của con người. Đã làm người thì không thể tránh khỏi tai nạn và cuối cùng phải chết. Đó là chân lý nghìn đời mà ở đâu và thời đại nào chẳng có con người nào có mặt trên trần gian này có thể tránh né được. Gắn liền với thân phận phải chết là câu hỏi xem ra còn nhức nhối hơn: chết rồi sẽ đi về đâu?
Nhiều lúc tôi thích được làm một người vô thần. Vô thần là người không tin có Thượng Đế hay thần linh và do đó cũng chẳng màng đến cuộc sống mai hậu hay chuyện thiên đàng hỏa ngục. Nếu chết là một “tận cùng bằng số không” thì cần gì phải bận tâm với cuộc sống mai hậu hay cố gắng sống lương thiện trong cuộc sống tại thế này. Khổ nỗi, còn làm người là còn thao thức, còn ray rứt và cứ vẫn cứ suy tư. Còn làm người thì cứ phải tự hỏi: sống để làm gì? sống như thế nào cho cuộc đời này có ý nghĩa và đáng sống?...Ngay cả tuổi thơ vô tư lự cũng mơ mộng một thiên đàng: “một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé ra đồng, đạp phải trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân.., bờ môi dường thầm hỏi, có thiên đường hay không?” (Trịnh công Sơn, một buổi sáng mùa Xuân). Lẽ ra, nhạc sĩ họ Trịnh nên đặt câu hỏi trên đây cho những người cộng sản là những người có chủ trương lấy bom đạn, chiến tranh, hận thù, chết chóc...để xây dựng thiên đường trần gian. Thiên đường mai hậu bị khước từ đã đành, mà thiên đường trần gian chỉ còn là một bãi tha ma buồn thảm.
Tôn giáo, mà ông tổ của những người cộng sản cho là “thuốc phiện ru ngủ quần chúng” hay “tiếng thở dài của những con người bị áp bức”, xét cho cùng, vẫn có sức mang lại cho con người niềm hy vọng để phấn đấu , để ít ra, cố gắng tồn tại trong cái thiên đường trần gian “chó má” của người cộng sản hay để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.
Trên đây là tư tưởng được gợi lên cho tôi nhân đọc được một bài viết trong tuần báo Time số ra ngày 16 tháng 4 vừa qua. Nhân mùa Phục Sinh của Kitô giáo, tạp chí Time đã dành trang chủ để bàn về sức tác động của niềm tin vào cuộc sống mai hậu đối với cuộc sống tại thế này. Với tựa đề “Thiên đường không chờ đợi. Tại sao suy nghĩ lại về cuộc sống mai hậu có thể làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn?” ký giả Jon Meacham lướt qua một vòng những quan niệm thông thường của các tín hữu Kitô về cuộc sống mai hậu.
Mở đầu bài viết là câu chuyện được kể lại trong một cuốn sách bán chạy có tựa đề “Thiên đường có thật” (Heaven is for real) của tác giả Lynn Vincent. Trong câu chuyện, cậu bé 4 tuổi tên là Colton Burpo kể lại cho cha em là mục sư Todd Burpo rằng em đã được viếng thăm thiên đàng khi trải qua cuộc giải phẫu về ruột thừa. Cậu bé cho biết cậu đã leo ngồi trên đùi của Chúa Giesu, người đang mặc chiếc áo choàng trắng và mang trên vai một tấm khăn choàng mầu đỏ. Chúa Giesu đã gọi các thiên thần “có cánh” đến và yêu cầu các vị cho nhạc trổi lên. Bên cạnh Chúa Giêsu là Đấng ngự bên hữu Chúa Cha, còn có một con ngựa trắng và vô số những hào quang sáng chói. Cậu bé cũng cho biết đã gặp thánh Gioan Tẩy giả mà cậu nói là rất lịch sự tử tế. Dĩ nhiên cậu cũng thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, là người luôn cư xử như Mẹ của Chúa Giêsu...
Không những trẻ con như cậu bé Colton Burpo trên đây mới tưởng tượng hay tin có một thiên đàng “đầy mầu sắc” như thế. Biết bao nhiêu người lớn cũng vẫn tin ở một thiên đàng như thế. Chẳng hạn như mới đây, khi được tạp chí Time phỏng vấn, cha mẹ của người thanh niên da đen Trayvon Martin bị bắn chết một cách oan ức tại tiểu bang Florida Hoa kỳ, cũng tin rằng con trai họ “hiện đang ở với Chúa và đang mặc trên người cái áo “hoodie” quen thuộc (Hoodie là chiếc áo gió có một cái nón gắn liền, thường được sinh viên Mỹ thời thập niên 60 mặc. Một đêm nọ, cậu Trayvon Martin đã khoác lên người chiếc áo này và ra phố để mua bánh kẹo. Một người tình nguyện viên chuyên canh chừng an ninh của khu xóm đã lầm anh với một thanh niên băng đảng và đã nổ súng hạ sát anh. Tất cả chỉ vì cái áo Hoodie ấy. Lê Phan, Câu chuyện Hoodies, Việt luận 3/4/2012).
Câu chuyện của cậu bé Colton Burpo hay niềm tin của cha mẹ người thanh niên Trayvon Martin cũng chính là câu chuyện thần tiên mà lúc nhỏ tôi thường hay tưởng tượng ra và ngay cả khi đã trưởng thành, thỉnh thoảng tôi cũng thấy lại trong một số giấc mơ hay những cơn mê sảng khi bệnh nặng. Là một tín hữu Kitô, dĩ nhiên tôi tin có cuộc sống mai hậu, tôi tin có thiên đàng. Nhưng với một niềm tin trưởng thành hơn, tôi biết và tin rằng thiên đàng chẳng phải là một nơi để đi đến mà trước tiên chính là “cách thế tôi sống cuộc sống tại thế gian này”. Như trong một bài thánh ca, cố nhạc sĩ Hùng lân đã hát “thiên đàng ở trong tôi nếu tôi ăn ở thuận hòa...” Thiên đàng mai hậu sẽ là một nơi xa lạ đối với tôi, nếu ngay từ cuộc sống tại thế này tôi đã không tập làm quen với thiên đàng ấy.
Tôi thích câu chuyện về thiên đàng mà một người bạn đã sưu tầm và gởi đến cho tôi để cùng suy gẫm về “đời sau”: “Vừa nhắm mắt lìa đời, vị tu sĩ già và thánh thiện đã thấy mình đứng xếp hàng ngay trước một cánh cổng. Lòng ông hơi lo lắng. Chẳng lẽ mình được lên thiên đàng sao? Sao mà dễ dàng và nhanh chóng như vậy!
Khi đến phiên ông đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, vị thánh được trao chìa khóa để giữ cửa thiên đàng, thánh nhân chỉ nhìn lướt qua cuốn sổ rồi lẹ làng trao cho một chiếc chìa khóa, rồi chỉ vào một lối đi trước mặt và nói: “Này con, hãy đi theo lối này. Khoảng nửa tiếng là đến Thiên Đàng. Ta đang bận một tí. Con chịu khó tự đi tìm phòng và nghỉ ngơi. Chút nữa xong việc ta sẽ đến thăm con”.
Vị tu sĩ già ngẩn ngơ. Ông không tin vào tai mình. Ông đã được lên Thiên Đàng. Thiệt đúng là một giấc mơ!
Đi theo lối mà thánh Phêrô đã chỉ khoảng mươi phút, ông gặp một ngã ba. Vị tu sĩ già phân vân. Theo bên phải hay bên trái bây giờ? Cuối cùng, ông nghĩ, thôi thì cứ theo sự khôn ngoan mà quẹo phải, nếu không đúng thì quay lại. Chỉ có hai ngã, chẳng lạc đi đâu mà sợ.
Đi khoảng muời lăm phút, ông bắt đầu nghe tiếng ca hát, tiếng nói chuyện và cười đùa. Vui như một ngày hội. Ông nghĩ bụng: như vậy là đúng đường rồi. Trước mắt ông hiện ra một hội đường thật lớn. Đến gần, dòm qua cửa sổ ông thấy không khí trong hội đường thật vui tươi. Ông quan sát và thấy có nhiều nhóm khác nhau đang sinh hoạt. Gần nơi ông đứng là một nhóm đang cầu nguyện. Cạnh bên là một nhóm đang chuẩn bị bữa ăn. Bên trái là nhóm đang lau chùi, giặt giũ. Những nhóm xa hơn thì làm những công việc khác. Nhưng dù làm gì thì họ cũng làm chung và tỏ ra săn sóc cho nhau. Điều làm cho ông ngạc nhiên nhứt là: dần dà khi mắt đã làm quen với khung cảnh, ông nhận ra rằng hầu hết những người đã từng đến nghe ông giảng dạy đều có mặt ở đây. Ông cũng nhìn thấy hầu hết học trò của mình, những tu sĩ đã từng theo ông. Tất cả bọn họ đang sum vầy trong hội đường này. Và họ thật vui vẻ. Đây chắc chắn phải là Thiên Đàng thôi. Niềm hãnh diện chợt bừng lên trong tâm hồn ông. Như vậy những gì ông giảng dạy đã mang lại kết quả tốt đẹp cho quá nhiều người. Với tất cả phấn khởi và tự tin, ông đẩy cửa bước vào.
Quả như ông dự đoán, ai cũng ùa ra chào đón ông. Nhìn quanh dáo giác một hồi, ông hỏi họ: “Chúa Giêsu đâu?” Họ đồng thanh đáp: “Chúa không có ở đây”. Rồi họ đưa mắt nhìn nhau và hỏi ông: “Thánh Phêrô có cho cha biết là cha sẽ ở đâu không?” Giơ cao chiếc chìa khóa phòng, vị tu sĩ già hãnh diện nói: “Tôi được ở đây với các bạn, trên Thiên Đàng”.
Thế là một người trong bọn mới vội xua tay: “Ồ cha đã đi lộn chỗ rồi. Đây không phải là thiên đàng. Đây chỉ là luyện ngục thôi”. Ông ngạc nhiên: “Luyện ngục, sao lạ vậy. Tôi chưa từng nghe nói có một thứ luyện ngục tốt đẹp và vui vẻ như vầy”.
Người kia trả lời như giảng dạy: “Không đâu, người trần thế nghĩ như vậy là vì họ không hiểu được Thánh Ý Chúa. Chúa muốn cho chúng tôi ở đây là vì khi còn ở trần gian, chúng tôi đã được dạy để biết cách “lên” Thiên Đàng nhưng lại chưa hề học biết làm sao để “sống” trên Thiên Đàng. Sống ở thiên đàng cũng không khác gì nơi trần gian, ngoại trừ, bạn không cần lo cho bản thân bạn, mà phải hết sức quan tâm và làm điều tốt cho người khác. Khi nào tất cả chúng tôi có thể chăm sóc lo lắng cho những người trong nhóm theo mong muốn của họ, lúc đó chúng tôi mới có thể ở bên thiên đàng”.
Nghe giải thích xong, vị tu sĩ già lầm lũi quay lại đường cũ. Vừa đi vừa suy nghĩ miên man, ông đến trước cửa phòng lúc nào không hay. Thánh Phêrô đang lóng ngóng chờ ông với cái gà-men cơm đã nguội. Ngài hỏi ông: “Con có sao không? Bị đi lạc hả? Không sao đâu. Con về đây được là tốt rồi. Bây giờ thì ta yên tâm. Vậy còn vô phòng tắm rửa, ăn uống chút đỉnh rồi nghỉ ngơi sớm. Ngay mai ta đưa con đi gặp Chúa Giesu, Đức Mẹ và các thánh”.
Vị tu sĩ lắc đầu: “Không thưa ngài, con không muốn ở đây nữa”. Thánh Phêrô tròn xoe đôi mắt: “Trời ơi, đừng dại dột con à. Đã được lên Thiên Đàng mà con còn không ưng nữa thì ở đâu mới chịu”.
Vị tu sĩ thưa: “Con muốn qua bên Luyện ngục”.
Thánh Phêrô lại dỗ dành: “Con có nói điên không vậy. Tại sao lại muốn chuyện ngược ngạo như thế?”
Ông trả lời: “Thưa là vì hình như cả đời, con chưa bao giờ nghĩ đến chuyện học để biết cách sống trên Thiên Đảng”
Câu chuyện tưởng tượng trên đây gợi lên cho tôi một ý nghĩ không biết có “lạc đạo” không: nếu tôi không làm quen và sống với thiên đàng trong trần thế này thì tôi sợ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy thiên đàng ở đời sau. Như ký giả Jon Meacham của tạp chí Time viết, “Thiên đàng là thực tại mà con người tạo ra qua sự phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, người bị áp bức, kẻ bị bắt làm nô lệ. Không phải thiên đàng trên trời cao mà chính những hành động của vị kỷ và yêu thương mới mang không gian thánh thiện và ân sủng của Chúa vào trong một thế giới đầy dẫy thảm họa cho đến khi, nói theo ngôn ngữ thần học, vào một giờ khắc không ai biết được, thế giới mà chúng ta đang cố gắng hàn gắn sẽ được hợp nhứt trở lại.”
No comments:
Post a Comment