6/3/11

Đức chính thức từ bỏ điện hạt nhân

Giới lãnh đạo Đức trong cuộc họp báo ngày 30/05/2011. Từ trái qua phải: Bộ trưởng Môi trường Norbert Roettgen, Thủ tướng Angela Merkel, Bộ trưởng Kinh tế Philipp Roesler, Bộ trưởng Giao thông Peter Ramsauers.
Giới lãnh đạo Đức trong cuộc họp báo ngày 30/05/2011. Từ trái qua phải: Bộ trưởng Môi trường Norbert Roettgen, Thủ tướng Angela Merkel, Bộ trưởng Kinh tế Philipp Roesler, Bộ trưởng Giao thông Peter Ramsauers.
REUTERS/Wolfgang Rattay
Ngày 30/05/2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố quyết định là cho tới năm 2022, Đức sẽ hoàn toàn ngưng các nhà máy điện hạt nhân và thay thế vào đó bằng các loại năng lượng tái tạo. Đây là một quyết định lịch sử vì Đức sẽ là nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới đi tiên phong trong việc từ bỏ điện hạt nhân.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Dortmund (Đức)
02/06/2011
by Trọng Nghĩa

Tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Dortmund (Đức)
(08:16)

Trả lời phỏng vấn của RFI, Tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Đức ghi nhận thái độ dè dặt của nhiều nước, nhưng phản ứng thuận lợi của người Đức về quyết định từ bỏ hạt nhân của thủ tướng Merkel.
Quyết định này đã gây chấn động nhiều nước công nghiệp khác, đặc biệt là các nước trong EU, nhất là Pháp, một nước dùng điện hạt nhân cao nhất trong EU và cho tới nay Tổng thống Sarkozy vẫn coi điện hạt nhân là không thể thay thế được. Một số nước khác lại lo ngại, cho rằng Đức rút khỏi năng lượng điện nguyên tử, nhưng nếu mở rộng năng lượng sử dụng than đá thì Đức sẽ gia tăng mức khí độc C02.

Trước quyết định của Thủ tướng Merkel ít ngày thì chính phủ Đức cũng đã công bố kết quả điều tra khả năng an ninh của 17 lò điện nguyên tử ở Đức. Kết quả điều tra cho biết, hầu hết các lò điện nguyên tử ở Đức khó tránh được các rủi ro của khủng bố, tai nạn do máy bay và cả do sơ suất kĩ thuật của nhân viên các nhà máy điện nguyên tử !
Quyết định của Thủ tướng Merkel không bất ngờ nhưng có phần miễn cưỡng
Tuy trong cuộc họp báo ngày 30.5 bà Merkel tự khen về quyết định này, coi Đức là nước đi tiên phong trong việc này. Nhưng trong thực tế đây không phải quyết định từ thâm tâm của bà cũng như của các chính đảng trong chính phủ liên hiệp hiện nay ở Đức. Bà Merkel đã phải đi đến quyết định này vì tình thế, vì những khó khăn chính trị rất lớn mà các chính đảng trong chính phủ liên hiệp hiện nay ở Đức đang phải đối phó.

Trong các cuộc bầu cử Quốc hội mới đây ở một số tiểu bang ở Đức, các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Tự do – hai chính đảng trong chính phủ liên hiệp- đã mất phiếu lớn và mất chính quyền tại các tiểu bang này. Ngay tại tiểu bang Baden- Württemberg, nằm cạnh Pháp, cuối tháng Ba đảng Xanh đã được cử tri dồn phiếu cao và lần đầu tiên đảng này có một Thủ tướng ở tiểu bang này, đánh bại đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã từng cầm quyền trên nửa thế kỉ. Sự thắng cử vẻ vang của đảng Xanh ở đây phần chính vì cử tri đã ủng hộ đảng này đòi chấm dứt hoạt động của các lò điện hạt nhân, nhất là sau sự cố khủng khiếp của các lò nguyên tử ở Fukushima tháng 3 vừa rồi.
Cho nên quyết định ngày 30.5 của bà Merkel thật ra không bất ngờ, nhưng bất ngờ là bà đã phải huỷ bỏ quyết định của chính bà vào tháng 9 năm trước. Mới hơn nửa năm trước đây chính bà Merkel đã đưa ra quyết định cho kéo dài hoạt động thêm 12 năm các lò nguyên tử trước đó đã được chính phủ tiền nhiệm thời TT Schröder dự tính cho ngưng hoạt động. Tháng 9 năm ngoái khi đưa ra quyết định kéo dài thêm hoạt động của các nhà máy điện nguyên tử bà TT Merkel đã từng ca ngợi đó là hợp lí!
Phản ứng thuận lợi của công luận Đức
Các chính đảng đối lập như Dân chủ Xã hội và đảng Xanh ủng hộ quyết định về ngưng hoạt động các lò nguyên tử của bà Merkel, vì đây chính là quyết định của họ từ năm 2000 dưới thời chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Schröder. Trong khi ấy đa số dự luận cử tri ở Đức cũng đồng ý với quyết định ngày 30.5.

Nếu theo dõi dư luận chung ở Đức về thái độ đối với các nhá máy điện nguyên tử thì từ sau sau vụ nổ lò điện hạt nhân ở Chernobyl 4.1986 (Liên Xô cũ, nay là Ukraina) nhân dân Đức ngày càng quan ngại về những rủi ro có thể xẩy ra từ các lò điện hạt nhân đối với sinh mạng và sức khoẻ của hàng triệu người cho nên đã có khuynh hướng giảm dần các lò điện nguyên tử và thay thế vào đó là tìm những nguồn điện năng mới sạch và ít tốn kém hơn. Biến cố Fukushima từ tháng 3 vừa qua đã làm áp đảo những khuynh hướng cuối cùng trong xã hội Đức vẫn muốn giữ các lò điện nguyên tử.
Hiện nay chỉ có các công ti lớn chủ nhân nhiều lò điện hạt nhân ở Đức như E.on, RWE, EnBW và Vattenfall là tỏ ý chống lại quyết định này. Riêng công ti E.on còn tính kiện chính phủ Đức về quyết định ngày 30.5.
Tìm nguồn điện nào thay thế và các giải pháp tiết kiệm năng lượng như thế nào ?
Từ các thập niên gần đây các nguồn năng lượng tái tạo thay thế điện nguyên tử đã phát triển nhanh ở Đức, nhất là sử dụng điện mặt trời, sức gió và một số nguồn điện năng khác. Vì thế tỉ lệ điện hạt nhân ở Đức hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 22-23% tổng số năng lượng điện. Hiện chỉ có tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Theo chương trinh dự tính thì 8 nhà máy điện nguyên tử cũ sẽ không hoạt động nữa, 6 nhà máy khác sẽ ngưng hoạt động vào năm 2021 và một năm sau (2022) 3 nhà máy cuối cùng cũng sẽ ngưng hoạt động.

Hiện nay mức tổng số năng lượng điện sản xuất ở Đức là 90 GW (Gigawatt), trong đó phần điện từ các lò hạt nhân là 20 GW. Mức tiêu thụ điện cao nhất vào mùa đông ở Đức là 80 GW.
Khi công bố quyết định chấm dứt điện hạt nhân vào năm 2022 chính phủ Đức cũng công bố một loạt các biện pháp để giải quyết nhu cầu năng lượng điện cho công nghiệp và dân dụng. Các biện pháp bao gồm từ lãnh vực kĩ thuật, kinh tế và tài chánh.
Về kĩ thuật, chính phủ Đức sẽ khuyến khích cải tiến kĩ thuật trong điện năng mặt trời, điện năng gió, khai thác các nguồn nước nóng dưới lòng đất… Đặc biệt, một số công ti lớn về năng lượng của Đức đang có kế hoạch đầu tư cả hàng chục tỉ Euro để xây dựng các khu sản suất điện mặt trời khổng lồ ở châu Phi, nhất là khu vực sa mạc Sahara để cung cấp điện cho Đức và Âu châu. Mục tiêu chính phủ Đức đưa ra là tới năm 2020 sẽ gia tăng tổng số điện xanh (tái tạo) từ 17% hiện nay lên tới 35%, đồng thời chính phủ sẽ khuyến khích để giảm mức tiêu thụ điện ở Đức là 10%
Để thực hiện các mục tiêu này, về mặt kinh tế và tài chính, chính phủ Đức dự tính bỏ ra hàng năm 1,5 tỉ Euro để khuyến khích tư nhân tiết kiệm năng lượng trong các khu nhà ở. Theo đó người dân nào xây dựng hay sửa chữa các ngôi nhà theo kĩ thuật tiết giảm năng lượng thì sẽ được trợ giúp một phần tài chánh, hoặc có thể vay quĩ của nhà nước với mức lời thật thấp so với các ngân hàng tư.
Đáng lưu ý nữa là, chính phủ Đức tuyên bố vẫn giữ nguyên mục tiêu giảm 40% thán khí (C02) tới năm 2020. Gần đây ở Đức đã có một số thí nghiệm thành công trong việc ép khí CO2 xuống sâu trong lòng đất.
Tương lai kinh tế Đức khi không còn năng lượng hạt nhân
Xã hội Đức có một số đặc điểm : Là một nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới và cũng là nước xuất cảng đứng thứ hai trên thế giới. Người dân Đức chi tiêu rất tằn tiện. Cho nên muốn duy trì vị thế kinh tế của Đức trên thế giới và sự thịnh vượng thì các sản phẩm của Đức phải có sức cạnh tranh cao so với các nước công nghiệp khác. Nghĩa là giá điện ở Đức phải giữ ở mức vừa phải.

Vì thế quyết định của TT Merkel ngày 30.5 cho ngưng hoạt động của các lò diện nguyên tử sẽ là một thử thách lớn cho nền kinh tế của Đức cũng như sự ổn định xã hội của Đức trong thời gian tới.
Nhưng nếu Đức thành công trong việc thay thế điện hạt nhân thì Đức sẽ là nước công nghiệp đi đầu trong việc giải quyết thành công tìm các nguồn điện năng xanh tái tạo sạch hơn !

No comments:

Post a Comment