6/22/11

Cách mạng: Bạo động hay bất bạo động?


Tác Giả: Huỳnh Thục Vy


Một nhân vật nữ, thuộc thế hệ 8x, có những bài viết sôi nổi đang gây quan ngại cho đảng csvn.
Xin bày tỏ khâm phục sự can đảm, thẳng thắn của người con gái này .


Cách mạng hay cách mạng xã hội theo nghĩa rộng, được hiểu như một sự thay đổi sâu rộng trong xã hội nhằm biến cơ cấu cũ đã lỗi thời thành một cơ cấu mới tiến bộ và phù hợp trong một thời gian tương đối ngắn. Đó chính là những biến đổi mang tính chất cơ bản và trọng yếu trong bản chất của thượng tầng xã hội, chứ không phải những cải cách nhỏ mang tính thứ yếu trong một vài lĩnh vực cụ thể nào đó. Đây càng không phải là những đổi chác chính trị nhắm đến mục tiêu thay người lãnh đạo quốc gia của một nhóm người nhỏ (đảo chính).


Theo nghĩa hẹp, cách mạng chính là một biến cố chính trị lớn – thường được gọi là cách mạng chính trị. Cuộc cách mạng chính trị này sẽ dẫn đến những thay đổi toàn diện từ trật tự xã hội, chế độ chính trị của quốc gia đến tầng lớp những người lãnh đạo. Những cuộc cách mạng chính trị thường bắt đầu bằng những cuộc đấu tranh của đa số quần chúng nhằm lật đổ chế độ chính trị hiện thời để tạo điều kiện xây dựng một chế độ chính trị mới tiến bộ hơn.

Tính chất bạo lực

Khi nói đến cách mạng, chúng ta luôn liên tưởng ngay đến bạo lực. Những ai từng ngồi trong nhà trường xã hội chủ nghĩa đều thấm nhuần quan điểm rằng bạo lực cách mạng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu trong việc giành chính quyền. Nhiều người phủ nhận Marx, cho rằng ông đã cổ súy bạo lực. Nhưng Marx đã đúng trong nhận thức về lịch sử chính trị đối với những giai đoạn trước khi chúng ta tạo dựng được những Nhà nước Hiến pháp trị.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta không thể phủ nhận rằng hầu như bất cứ một cuộc thay đổi chế độ chính trị nào cũng đẫm máu. Ngay cả việc tạo dựng một định chế chính trị tiến bộ như sự hình thành Nghị viện Anh cùng với sự ra đời của bản Đại Hiến chương Tự do vào thế kỷ 13 ở Anh Quốc cũng chỉ đạt thành qua cuộc đấu tranh mang đầy bạo lực. Sau này vào thế kỷ 17, để thành lập được một thế chế quân chủ lập hiến ở Anh với Nghị viện kiểm soát quyền lực của nhà Vua cũng phải trải qua cuộc Nội chiến và cuộc Cách mạng Vinh quang (Glorious Revolution) đẫm máu. Cuộc Cách mạng Pháp – một chuyển biến chính trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử nước Pháp, với sự ra đời của Hiến pháp 1791, xóa bỏ chế độ phong kiến không còn phù hợp với nguyện vọng người dân và tình hình kinh tế xã hội Pháp lúc bấy giờ, đã diễn biến trong một quá trình thậm chí còn phức tạp và đẫm máu hơn nữa. Và còn rất nhiều minh chứng khác – không chỉ có Marx – khi nghĩa đến cách mạng thì ai trong chúng ta đều nghĩ ngay đến những phong trào khởi nghĩa, những cuộc chém giết gay gắt giữa phe đại diện cho quần chúng và nhà cầm quyền đương thời.

Nhân loại đã phải trả những cái giá rất đắt, những tổn thương nhân mạng to lớn để đi từ những trang sử cổ đại đến thời hiện đại, vượt qua thời kỳ của chế độ nộ lệ, chế độ phong kiến mới có thể xây dựng được những Nhà nước dân chủ tiến bộ. Nhưng Marx đã mắc một sai lầm to lớn khi ông cho rằng nhân loại cần phải tiếp tục lật đổ, xóa bỏ những nhà nước dân chủ tư sản (theo cách gọi của ông) bằng những cuộc “cách mạng vô sản” với “bạo lực cách mạng”.

Thực tế cho thấy vào cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa cộng sản đã mê hoặc những quốc gia nghèo đói, trình độ dân trí thấp, nền công nghiệp nghèo nàn và chưa có đủ điều kiện phát triển, để “làm cách mạng”. Họ luôn hô hào xóa bỏ chủ nghĩa tư bản nhưng thực tế họ cũng chỉ xóa bỏ được chế độ phong kiến, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của tình hình xã hội đương thời đang chất chứa những quả bom bất mãn chỉ chờ thời cơ là phát nổ.
Chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không “làm cách mạng” thành công ở những xứ sở có truyền thống pháp trị và tự do. Chúng ta có thể thấy cách mạng chính trị, tức sự thay đổi chế độ chính trị không thể xảy ra ở những nơi người dân có thể dùng lá phiếu để thay đổi chính phủ. Các thể chế dân chủ tự do chỉ có khủng hoảng chính phủ chứ hoàn toàn không hề có khủng hoảng chế độ. Vậy nơi nào có sự chuyên quyền thì nơi đó có cách mạng, mức độ chuyên quyền càng cao thì khả năng xảy ra sự phản kháng bằng bạo lực càng lớn.

--@--

Một lý thuyết đấu tranh mới
Đầu thế kỷ 20, thế giới chứng kiến cuộc đấu tranh dành độc lập của nhân dân Ấn Độ từ tay Anh Quốc với hình thức đấu tranh bất bạo động đầy ngoạn mục dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi. Từ đó, chúng ta có một phương thức đấu tranh mới, làm thay đổi nhận thức đấu tranh của những nhà cách mạng thời hiện đại.

Tác phẩm Từ độc tài đến Dân chủ của Gene Sharp đã phân tích khá toàn diện và cụ thể việc tổ chức và tiến trình của một cuộc cách mạng bất bạo động. Như một bài đã viết cách đây khá lâu, là một Phật tử, tôi cho rằng đây là phương pháp đấu tranh đầy nhân bản và mang lại nhiều niềm hi vọng cho các dân tộc đang sống dưới các chế độ độc tài, tạo cơ hội cho quần chúng “tay không tất sắt” có thể đoàn kết sức mạnh chống lại những chính quyền độc tài vũ trang hùng mạnh.

Gần đây, đối với những người đang cổ vũ cho phương pháp đấu tranh “bất hại” này, niềm tin và lý luận của họ lại một lẫn nữa được khẳng định khi có thêm những minh chứng hùng hồn cho việc thực hành một cuộc đấu tranh bất bạo động của quần chúng với sự sụp đổ của hai thể chế độc tài ở Tunisia và Ai Cập. Dù có thương vong, nhưng người dân hai nước này đã thành công bằng các cuộc xuống đường không vũ trang để phản đối và cuối cùng hai nhà độc tài Ben Ali và Mubarak phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực. Trong khi đó, tình hình tại Libya có vẻ ngược lại và phức tạp hơn nhiều. Phong trào chống chính phủ đã trở thành cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa ngả ngũ.

Có ai trong chúng ta đã tự hỏi vì sao có sự khác nhau ấy? Dù là các quốc gia ấy thuộc thế giới Ả Rập có nhiều điểm tương tự về cơ chế chính trị, lấy nền công nghiệp dầu khí là trụ cột kinh tế quốc gia, và đất nước đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng cao…, nhưng cuộc phản kháng của người dân Libya đã diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác so với sự thành công của Tunisia và Ai Cập. Phải chăng chính những người lãnh đạo và những người tham gia đấu tranh không thể tự quyết định được phương pháp và chiều hướng đấu tranh? Đây mới là câu hỏi thực sự mà chúng ta nên tìm hiểu, phân tích.

Những yếu tố chi phối tính chất cuộc đấu tranh

Trong trình độ tri thức hạn chế của mình, người viết cho rằng ở đây chắc hẳn phải có những yếu tố khách quan vô cùng quan trọng chi phối con đường đấu tranh của người dân chống lại độc tài, các điều mà những nhà đấu tranh không thể can thiệp bằng ý chí chủ quan (ý chí chủ quan thể hiện qua trình độ tổ chức đấu tranh và ý thức chính trị của những người tham gia đấu tranh).

Với Libya, chúng ta thấy Gadhafi là nhà độc tài sắt máu và ngoan cố hơn hẳn Ben Ali và Mubarak. Trong một thời gian dài, chế độ Gadhafi được nhiều nước xem là một chế độ khủng bố, còn bản thân cá nhân Gadhafi bị Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan gọi là “con chó dại”. Đó chính là yếu tố đầu tiên tôi muốn nhắc đến – bản chất và mức độ độc đoán, tham quyền cố vị của nhà độc tài hay nói chung là chế độ độc tài sẽ chi phối nổ lực, thời gian và chiều hướng đấu tranh của chúng ta. Tiếp đến là sức mạnh nội tại của chế độ. Chế độ độc tài càng mạnh, sự đoàn kết nội bộ của họ càng cao thì khả năng ra đi của họ khi có một cuộc phản đối bất bạo động của người dân càng thấp.

Ngoài ra, mối liên kết chế độ độc tài với các thế lực bên ngoài, quan hệ mật thiết về ngoại giao và phụ thuộc chính trị vào cường quốc nào đều là những điểm quan trọng. Nếu “đàn anh” ngoại giao của họ là một nước có thể chế chính trị tiến bộ, có ý thức hệ phóng khoáng thì khả năng nhượng bộ tăng lên và khả năng đàn áp bằng vũ trang giảm xuống, so với việc “đàn anh” của họ là một nước có chế độ chính trị cực đoan và độc tài hà khắc. Có thể thấy rằng Mubarak là vị tổng thống độc tài nhưng được người Mỹ ủng hộ, vì thế sự ra đi của ông tương đối êm thấm hơn.

Điều tiếp theo cần được xem xét là mức độ phẫn uất của lòng dân. Mức độ căm phẫn được quyết định bởi mức độ bất công xã hội, hố ngăn cách giàu nghèo, tình trạng tội tệ của nền luật pháp, hạn chế các quyền tự do, số lượng những hành động làm tổn hại quốc gia và dân tộc của chính quyền, và mức độ tổn thương của lòng dân…. Sự phẫn uất do những yếu tố nói trên gây ra và nung nấu trong lòng dân càng lâu dài và càng lớn thì nguy cơ bạo động càng gia tăng. Bởi sự căm giận của lòng người như một quả bom, nó càng lớn thì mức độ công phá và thiệt hại càng nhiều.

--@--

Cuối cùng điều phải kể đến là cục diện chính trị quốc tế. Nếu xu hướng tự do dân chủ trên thế giới ngày càng vững mạnh, các chế độ độc tài ngày càng yếu và ít đi, một số các cường quốc bất hảo rơi vào khủng hoảng thì các chế độ độc tài sẽ phải xem xét lại sự thiệt hơn giữa một cuộc ra đi bình yên hay tiếp tục ngoan cố để trở thành tội đồ của cả dân tộc.

Tình hình Việt Nam

Riêng về tình hình Việt Nam, tôi thiễn nghĩ Việt Nam giống Trung Quốc nhiều hơn so với các quốc gia Ả Rập kể trên. Khi đánh giá tình hình, tôi hi vọng những người hoạt động dân chủ hãy so sánh tình hình nước ta với Trung Quốc để nhận ra những bất lợi và thuận lợi, chứ không so sánh với những nơi cách mạng vừa thắng lợi ở Bắc Phi . Việt Nam và Trung Quốc tuy khác nhau về diện tích lãnh thổ và quy mô chính quyền nhưng lại có nhiều điểm tương đồng: chế độ chính trị, ý thức hệ của giai tầng lãnh đạo, cách thức và mức độ siết chặt các quyền tự do, bản chất nền kinh tế, tình trạng bất công xã hội… Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là mô hình thu nhỏ của Trung Quốc. Thêm vào đó, ta nhận thấy ở đây một sự phụ thuộc về chính trị và sự tồn vong mang tính liên đới giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tất nhiên cuộc Cách mạng Hoa Lài đã mang lại cho nhiều người niềm cảm hứng và hi vong to lớn về một thế giới không độc tài, về tiền đồ dân chủ tự do của Việt Nam, bởi chúng ta đã cảm nhận sâu sắc rằng sức mạnh của ý chí và sự đoàn kết của người dân Bắc Phi một lần nữa đã minh định khao khát tự do của nhân loại là không gì cản nổi.

Theo một số nhà quan sát thời cuộc thì Việt Nam chưa thể có một cuộc cách mạng tương tự Bắc Phi vì sự quan tâm chính trị của người dân chưa cao, và sự thiếu vắng một lực lượng đối lập mạnh cùng với một trình độ tổ chức cần thiết. Điều đó có thể đúng, nhưng đó chỉ xét về mặt chủ quan mà chưa để tâm đến tình hình khách quan; đó cũng là sự tùy thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau rất nhiều ở mọi quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa này.

Khi nào Trung Quốc rúng động vì sự nổi dậy của người dân thì đó cũng là lúc cho chúng ta hy vọng một cuộc “đổi đời” trong tầm tay. Đây không phải là sự bắt chước, rập khuôn mà là sự suy xét mối tương quan tồn tại và tình hình thực tế khách quan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thiết nghĩ, sự phát hiện đúng thời cơ và hành động đúng thời điểm là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho mỗi thắng lợi. Và việc cuộc cách mạng tương tự (ở Việt Nam) sẽ xảy ra trong bạo động hay bất bạo động tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan nằm ngoài ý chí của tất cả chúng ta.

Trên đây chỉ là những ý kiến gợi mở và chắc chắn bài viết còn nhiều thiếu sót không thể tránh khỏi. Bài viết chỉ nhằm trình bày quan điểm và những ưu tư của cá nhân tác giả. Chúng tôi – thế hệ 8x, vẫn còn quá trẻ để có một tầm nhìn mang tính chiến lược về con đường dân chủ hóa Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi trông cậy rất nhiều vào những bậc trưởng thượng – những người sẽ vạch ra con đường và dẫn dắt chúng tôi, để từ đó chúng tôi có cơ hôi đóng góp sức mình cho đất nước và biết được mình sẽ phải làm những gì. Bởi nếu những người đi trước nhầm đường thì cả dân tộc sẽ khốn đốn và những người trẻ chúng tôi sẽ gặp thảm họa.
H.T.V
13/3/2011

No comments:

Post a Comment