Pensée-đàlạt
„Mới đó mà cha mất đã tròn một năm „!.
Hai chữ „Cha mất“ vang lên trong đầu nghe sao còn lạ quá, chưa quen, như thể là lầm lẫn... Đến lúc đặt chân vào nhà, mọi khi là tiếng nói của cha vang lên mừng rỡ thấy từng đứa con ở xa trở về - còn bây giờ là sự trống vắng, trơ chiếc giường cha đã nằm hai năm bệnh nặng, lên gác, nhìn ảnh cha trên bàn thờ, chỉ còn là một bức ảnh cuối cùng chụp lúc cha còn khỏe, mùi khói hương lan tỏa, đĩa trái cây ..., đến khi cắm ba nén nhang vào chiếc bình nhỏ đặt trước ảnh của cha thì nước mắt tôi ứa ra, tràn trề... „ Cha ơi !„.
Cha đã không còn trên đời này và tôi sẽ chẳng khi nào thấy lại cha của mình nữa.
Tôi nghe nhớ cha tôi kinh khủng ...
Ra đời trước tôi là hai người chị, chưa được làm người bao lâu đã ra đi trong một cơn dịch bệnh năm 1951 ở Hải Phòng khiến cha mẹ tôi thương tiếc, buồn rầu khôn nguôi. Nghe nhiều lời mách bảo, hai người đã đi cầu khấn khắp các chùa đền linh thiêng mong có lại được một đứa con gái để ẵm bồng cho nguôi nỗi đau mất một lúc hai đứa con. Ít lâu sau, tôi ra đời trong sự vui mừng mãn nguyện của cha mẹ và càng được cha thương yêu hơn khi cùng lúc cha làm ăn phát đạt hơn, gia đình sung túc khá giả hơn lên. Mẹ tôi bảo : „ Mỗi đứa con khi ra đời đều đem đến cho cha mẹ những phước lộc khác nhau“, tôi nhận thấy rất đúng từ kinh nghiệm này của mẹ, bởi gia đình cha mẹ tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với chín lần sinh hạ những đứa con thì lần mẹ sinh tôi ra ở ngoài Bắc là lần đầu tiên cha mẹ tôi trở nên giàu có, ở nhà cao cửa rộng, cha nuôi người giúp việc, người bế tôi là vài ba người chị họ gọi cha tôi bằng chú ruột trong nhà. Có lẽ từ nguyên nhân „thèm“ con gái của cha mẹ tôi, cộng thêm sự làm ăn khấm khá của cha mà ông thương yêu con gái hơn con trai nhiều phần. Sau này khi đã có thêm vài đứa con cả trai lẫn gái, gia đình tôi di cư vào Nam năm 54 , tôi cũng lớn dần để nhận biết tình thương của cha dành cho tôi là ưu ái hơn cả qua những lần thay đổi chỗ ở, đến một nơi xa lạ để gầy dựng sự nghiệp lại từ đầu, thì tôi bao giờ cũng được cha chăm chút nhiều hơn nên tôi càng quấn quít, gần gũi cha nhiều hơn theo mẹ.
Khi còn bé tôi không nhận biết được cha mình đã vất vả ra sao để đem về cho vợ con một cuộc sống đầy đủ, nhưng khi bỏ nhiều tài sản lại ngoài đất Bắc, cha tôi đã gồng gánh gia đình một cách vất vả nơi miền đất lạ phương Nam. Ông không đi làm công cho bất cứ một hãng xưởng hay công ty nào, mà tự thân gây dựng sự nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau : Thầu xây nhà cho người di cư ở các nơi tạm cư mới như bên Khánh Hội, Hố Nai-Gia Kiệm...; sửa chữa nhà cửa cho các trường học, bệnh viện, nhà dòng... Vào Nam được vài năm, khi đang ở tiểu học tôi đã nhận thấy cha mình mưu sinh nuôi đàn con lúc đó đã bốn đứa vất vả, nhọc nhằn như thế nào, rất thương cha tôi luôn cố gắng học hành chăm chỉ và ngoan ngoãn để cha vui.
Vì muốn anh em chúng tôi được sống rộng rãi, thoáng mát nên cha tôi luôn thay đổi chỗ ở mới . Khi còn chân ướt chân ráo dắt díu gia đình vào Nam, sống ở Khánh Hội cùng với người bác - chị ruột của cha tôi, mở cửa hàng bán Phở, nhưng chỉ được ít lâu xảy ra mâu thuẫn giữa hai chị em, cha tôi kéo vợ con đi thuê nơi khác, thề sẽ không bao giờ gặp mặt người chị nhẫn tâm nữa. Sau lần đó, gia đình tôi đã cư ngụ, sinh sống ở nhiều nơi bằng các nghề khác nhau trong thành phố Sàigòn như : Đường Yên Đổ - Kỳ Đồng, ngã sáu SG (cửa hàng bán xe đạp)... Thất bại và thành công cứ xen kẽ trong bước đường lập nghiệp của cha nơi thành phố mới. Dù thay đổi nhà luôn nhưng cha không khi nào để việc học của chúng tôi bị gián đoạn. Trong trí nhớ của tôi, dáng cha khỏe mạnh, chắc chắn, gương mặt tuy nghiêm nghị nhưng khi cười lộ hai hàm răng đều đặn, gây được cảm tình ngay với người đối diện. Cha thường hay mặc bộ đồ màu kaki bốn túi, đi giầy đen, đội mũ phớt, tay lúc nào cũng cầm chiếc cặp da, đi xin học cho chúng tôi. Nhờ dáng người bệ vệ, thêm cách nói chuyện rất hoạt bát, lịch sự nên đi đến đâu, mọi người đều tiếp đãi, đối xử với cha tôi niềm nở, hết lòng. Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, chỉ biết ở nhà ngày càng sinh thêm nhiều con, nên tôi được ngủ với cha đến tận khi lên lớp nhứt trường tiểu học Võ Tánh Phú Nhuận mới ra nằm chung một giường với cô em gái thua tôi hai tuổi. Tôi nhớ lúc nằm bên cha, cha dặn hai chị em từng ly từng tí những việc kín đáo của con gái sắp lớn như phải vệ sinh thân thể mỗi ngày, hoặc cha dặn dò thật kỹ làm con gái, không được gần gũi với đàn ông con trai lạ, không phải là ruột thịt của mình; cha còn dặn dò, dạy bảo nhiều điều khác nữa... Những chuyện đó mẹ tôi đâu có thời gian nhớ tới, bởi mỗi năm mẹ cứ sinh hết em trai lại em gái. Tôi lớn lên cùng với nhiều thăng trầm của gia đình, lúc giàu lúc nghèo theo công ăn việc làm của cha tôi. Có một thời gian mẹ tôi đau bệnh tim, cha làm ăn thất bại tôi phải bế em đến chai cả hông hoặc dỗ cho em nín khóc sau mỗi cữ trưa ngủ dậy bằng cách đạp xe chở em đi khắp cùng ngõ hẻm gần nhà, nhìn tôi dỗ em, mắt cha xót lắm. Có thời gian dài cha mở hãng chế tạo các loại thuốc nông nghiệp nên mỗi kỳ nghỉ hè tôi đều được đi cùng với cha tới các tỉnh chào hàng và bỏ mối . Tiếng là đi phụ cha chứ tôi nào đã giúp được gì cho cha đâu !. Mỗi khi cha bưng những thùng carton sản phẩm đem giao trong các xã, huyện hay ở tít trong ruộng rẫy, tôi ngồi lại giữ xe và đồ đạc. Có lần ngồi chờ cả mấy tiếng, bụng vừa đói vừa mắc tiểu, mắt ngóng trông cha mỏi mòn mới thấy cha quay ra – từ xa cha giơ tay không lên cao và cười – dấu hiệu cha đã bán được hàng thì tôi cũng mừng vì sẽ được „giải quyết“ nhiều „vấn đề“!. Hai cha con rong ruổi trên đường, nay tỉnh này mai tỉnh nọ, cơm đường cháo chợ, đêm đến ngủ trong xe. Đi đường trường xa là vậy mà mỗi lần cha bảo tôi xuống xe, đi tiểu dọc đường, tôi đều lắc đầu quầy quậy, chẳng khi nào tôi làm được cái „ món“ đó nếu cha không cho xe ghé vào trạm xăng hay quán xá ven đường. Có vài lần do tôi dở chứng bất tử không chịu đi theo cha bán hàng, nên anh cả đi với cha, nhưng chuyến nào về đến nhà cha đều bảo cha buôn bán gặp may hơn khi đi với tôi. Vì những câu nói vô tình đó đã khiến anh tôi mang mặc cảm, ít gần gũi cha, luôn tìm cách lảng tránh.
Dần dà cha tôi cũng gây dựng cho gia đình được một công việc làm ăn ổn định, khấm khá, có của cải vật chất, của dành dụm cho tương lai con cái sau này. Anh chị em tôi đều được học hành đến nơi đến chốn, đủ thấy cha mẹ tôi đã phải tốn biết bao công khó nhọc để nuôi nấng, dạy dỗ chúng tôi nên người. Để trốn chiến tranh, gia đình tôi đã dời lên sống ở Đàlạt - mảnh đất hiền hòa chưa có bóng dáng của sự tương tàn – riêng cha vẫn một mình lái chiếc xe hơi cọc cạch, hàng tháng rong ruổi trên các dặm đường Sàigòn-Phan Rang-Đàlạt làm ăn, buôn bán nuôi cả một gia đình khi ấy đàn con đã lên tới chín đứa.
Năm 1971, khu khách sạn cha xây trên đường Trưng nữ Vương, thị xã Phan Rang cho các chuyên gia Mỹ thuê bị đặt chất nổ sập hết một dãy gồm mười lăm phòng trong lúc cha đang nghỉ ngơi cùng gia đình trên Đàlạt. Nghe ông ngoại tôi báo tin, cả nhà đều bàng hoàng, cha vội vã đi ngay để giải quyết sự việc. Sau lần đó cha hợp tác với một bà mụ góa chồng mở bệnh viện đa khoa được hai năm thì cha suýt rơi vào kế mỹ nhân của bà ta, nguy cơ mất hết tài sản sẽ không tránh khỏi nếu cha không tinh ý sớm nhận ra. Sau đó, vì chán nản, nơi đó cha bán lại cho công ty đường Hiệp Hòa làm xưởng sản xuất. Chị em chúng tôi không còn dịp đi - về Đàlạt-Phan Rang trong mỗi kỳ nghỉ hè như trước đây nữa.
Năm 73 anh trai tôi tử nạn trên đường đi công vụ cho sư đoàn 17 bộ binh ở Mỹ Tho khi anh còn chưa có một mối tình để vắt vai hay một người bạn gái nào khóc anh trong ngày tang lễ. Mãi mãi tôi không quên ngày có người lính đến báo hung tin, tôi và lũ em ngơ ngác rồi òa lên khóc trong lúc cha mẹ tôi đều vắng nhà vì sinh kế. Sống 21 năm tuổi đời, đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là nỗi đau mất mát người thân yêu, cảm giác hụt hẩng và không tưởng cứ quanh quẩn trong đầu óc tôi mỗi khi nhớ lại hình dáng người anh thân yêu sẽ mãi mãi không bao giờ còn gặp lại để anh em giỡn đùa, chọc ghẹo, và tôi luôn là con bé hay giận hờn, „thảo mai“ để rồi nhận phải những cái „cốc“ đau điếng lên đầu của anh.
Chiến tranh mỗi lúc mỗi ác liệt khiến cuộc sống của người dân miền Nam ngày càng khó khăn hơn. Nhà cửa, tiền bạc của gia đình hao hụt dần mà gia đình cha mẹ tôi, con cái ngày càng có nhiều nhu cầu hơn trong học hành, sinh hoạt...
Rồi thời cuộc đổi thay bi thảm, người người bỏ nước ra đi - may rủi tình cờ; người người ở lại - số phận đã an bài !.
Mấy mươi năm đổi đời nhớ lại vẫn thấy nhức nhối, hối tiếc tựa vết thương mãi không khít da liền thịt được bao giờ.
Trong hoàn cảnh tuyệt vọng vì chính sách cai trị khắc nghiệt, năm 1980 cha tôi cố gắng xé màn tăm tối trong xã hội mới để đi tìm tương lai cho đàn con, nhưng số phận đã cười nhạo báng vào mặt cha tôi khi ông trở về trắng tay và bóng tối vẫn bao trùm lên số phận.
Cha tôi nhụt chí, bạc đầu và già khọm đi trông thấy! ...
Một lần, hai lần rồi những lần sau nữa, từng đứa con trong nhà, dấu cha, chị em tôi lần lượt âm thầm đi tìm tự do, lúc đó tựa như một tia sáng nhỏ nhoi ở cuối đường hầm tuyệt vọng.
Tất nhiên, thành công nào ai cũng đều phải trả giá cho nó cả. Cha tôi chắc không ân hận gì khi gần hai mươi năm sau được nhìn thấy trọn vẹn những tia sáng rực rỡ do những đứa con đi xa đem về để sưởi ấm lòng cha mẹ và gia đình.
Nhìn ảnh của cha trên bàn thờ khói hương nghi ngút trong ngày giỗ đầu, một nỗi thiếu vắng cha già trong căn nhà rộng làm tim tôi thắt lại, ý nghĩ chẳng khi nào còn nhìn thấy hình hài cha già nữa làm cổ họng tôi nghẹn lại, nhưng... hình như ánh mắt của cha trong bức di ảnh không còn là tia nhìn tuyệt vọng, u buồn của những ngày đầu đổi đời tăm tối, cũng không còn là đôi mắt đầy nỗi đau đớn của những ngày nằm trên giường bệnh, mà trên gương mặt đó... đang phảng phất một nụ cười.
Đã đến lúc cha tôi phải trở về ...
Vu Lan 7 - 2010
No comments:
Post a Comment