8/27/10

Di sản của GS Đặng Phong

Mai Kim Đỉnh

Kinh tế gia nghỉ hưu tại London
Trước tin Giáo sư Đặng Phong qua đời, kinh tế gia Mai Kim Đỉnh trò chuyện với BBC cảm nhận của ông về giáo sư Đặng Phong:
GS Đặng Phong
"GS Đặng Phong đã tìm đến kho tàng vô giá đồ sộ mà chính quyền Sài Gòn chưa kịp triển khai"
Với giáo sư Đặng Phong chúng tôi vẫn gọi nhau là anh em, và tôi biết ông từ khi ông còn làm ở Viện kinh tế Việt Nam, nơi ông là kinh tế gia chuyên biên khảo lịch sử kinh tế.
Hành trình đưa tôi đến gần với GS Đặng Phong [trước hết là] công việc của tôi trong chương trình Việt Nam khi làm việc khá mật thiết với Viện kinh tế Việt Nam ở Hà Nội, và Viện kinh tế tp.HCM.
Hai viện này, dưới mắt tôi, là hai 'think tanks', tức là hai cơ quan tư vấn đầu não cho kinh tế miền Bắc và kinh tế miền Nam.
Có thể nói tuyệt đại đa số các chuyên gia ở hai viện này cũng như nhiều nơi khác như Viện quản lý kinh tế trung ương hay Viện qui hoạch chiến lược dài hạn, đều rất tốt cả.
Kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc
Riêng với GS Đặng Phong thì còn trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, sau khi miền Nam giải phóng.
Ông là trí thức miền Bắc, tình cờ khi vào trong Nam đã đưa đẩy ông tìm đến kho tàng vô giá và rất là đồ sộ mà chính quyền miền Nam ở Sài Gòn ngày xưa chưa triển khai kịp.
Đó là những tập sách từ công trình nghiên cứu của GS Vũ Quốc Thúc với ông Lilienthal người Mỹ, qui hoạch chiến lược phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam thời hậu chiến, và còn rất nhiều công trình khác.
Ông Đặng Phong đã nói với tôi những bức xúc của miền Bắc, và đặc biệt là của những trí thức miền Bắc, của những người có học một chút về kinh tế.
Lúc đó kinh tế Việt Nam, sau thời kỳ quá độ đã đi tới thời kỳ gần như băng hoại, gần như trên bờ vực tan rã.
Tất cả các chương trình về hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn hoàn toàn thất bại, có thể nói là không đem lại bất kỳ hiệu quả kinh tế nào cả.
Thậm chí qui hoạch kinh tế lấy quận huyện làm cơ sở cũng là một sự phân tán hỗn độn.
Trước mắt bài toán lương thực và vật giá là khúc mắc rất lớn.
Trong thời kỳ đi vào miền Nam cùng một số chuyên gia kinh tế miền Bắc được gởi vào, ông Đặng Phong đã nói riêng với tôi, ông rất ngạc nhiên, rằng trước khi vào miền Nam và tìm đến mớ tư liệu đồ sộ của chánh phủ Sài Gòn còn để lại nguyên xi, ông tưởng rằng miền Nam không hề có sơ sở nào để đặt nền móng nghiên cứu một kế hoạch phát triển dài hạn cho miền Nam và cả miền Bắc Việt Nam nữa, trong thời hậu chiến.
Chuẩn bị cho đổi mới
Việt Nam
"Nông dân VN đã phá vỡ tất cả những hệ thống qui hoạch, hợp tác hóa"
Chánh phủ Sài Gòn đã làm, nhưng tiếc thay công trình đó rất cập rập, chỉ vài năm sau biến cố Tết Mậu Thân, thành ra không còn triển khai gì hết, và sau đó miền Nam tan rã.
Nguyên bộ sách đồ sộ đó được tàng trữ và không ai đụng tới.
Và khi ông Đặng Phong vào thì ông đã nói với tôi tất cả những ý kiến về vấn đề phát triển nông nghiệp, chiến lược phát triển công nghiệp, phát triển về giáo dục đã được định hướng khá chi tiết.
Dĩ nhiên cũng chưa phải là toàn hảo lắm, bởi vì nó chỉ là một phần miền Nam Việt Nam mà thôi, chưa có nhìn toàn diện luôn cả miền Bắc.
Lúc đó ông bắt đầu nghiên cứu, và càng nghiên cứu ông càng thấy cần phải đối chiếu, soi rọi, và cần phải xác định trở lại đâu là những đóng góp thực sự của những nhà kinh tế miền Nam trước đây.
Những nhà trí thức, cả kinh tế miền Bắc lẫn miền Nam, đã âm thầm, sau khi đã có đề cương đổi mới sau Đại hội Sáu, cùng ông mạnh dạn nghiên cứu và biên tập để trình lên cấp trên của ông để ứng dụng, vận dụng.
Và ông nói với tôi một câu, khi ông qua đây làm giáo sư thỉnh giảng ở đại học Oxford và đại học SOAS, rằng sự đổi mới, thành tựu đổi mới không chỉ nằm trong Đại hội Sáu - dĩ nhiên Đại hội Sáu đưa ra những đề cương lớn, mà nhờ vậy cả nước mới có một cái ô dù pháp lý để che chở - nhưng thực sự ra những anh hùng làm nên cuộc đổi mới kinh tế Việt Nam và thành tựu ngày hôm nay là phải ca tụng những nông dân ở miền Bắc và ở miền Nam, những người đã phá vỡ tất cả những hệ thống qui hoạch, hợp tác hóa để trả đất, trả ruộng vườn lại cho nông dân.
Nhờ vậy mà nền kinh tế Việt Nam từ đó trở thành một nước thay vì nhập khẩu gạo lại đi xuất khẩu gạo và nhờ vậy Việt Nam mới lần lần tích lũy và lần lần xây dựng được một hệ thống kinh tế đối ngoại khá, giống như ngày hôm nay.
Hòa giải, hòa hợp
Trong quá trình đi tìm hiểu đó GS Đặng Phong đã nhìn thấy, và cũng rất may là cái tâm của ông cũng rất là bao dung, phóng khoáng, không cục bộ, bản vị, cho nên mới nhìn được như vậy.
Và nhân đây tôi cũng nói lại, thí dụ chẳng hạn như chuyện cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, năm 1975 lúc gần giải phóng được đưa vào Nam để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.
Lúc đó ông Phan Văn Khải chỉ là một người rất nhỏ trong Ủy ban kế hoạch nhà nước, dọc đường đi vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư một phần nào ông đã nhìn thấy cơ sở kinh tế miền Nam.
Võ Văn Kiệt và nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hộ
"Đảng và nhà nước phải quyết tâm và mở rộng cánh cửa hợp tác"
Nó không giống như là mô tả trong những sách báo hay những cơ quan chính luận, chính thống của Đảng.
Khi ông vào rồi ông bắt đầu nghiên cứu thêm các tư liệu về kinh tế miền Nam, và nhờ vậy mà khi làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đi đôi với ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - đã tạo nên một viễn kiến lãnh đạo và tạo nên sự Đổi Mới.
Tóm lại, đối với GS Đặng Phong thì có thể thấy từ bên ngoài rằng các trí thức miền Nam cũ - kể cả GS Vũ Quốc Thúc mà tôi không biết khi ông đi sang Pháp có gặp hay không - và tất cả những công trình nghiên cứu của miền Nam trước đây đã được lọt vào đôi mắt, ít ra là đôi mắt xanh của một người thấu đáo, hiểu người, hiểu ta và nhìn thấy được đâu là vấn đề.
Thành ra qua đây tôi cũng muốn nói một điều, là tất cả sự Đổi Mới và thay đổi của Việt Nam, nếu muốn đi lên vững chắc hơn nữa thì không thể dừng ở vị trí hiện tại này.
Trí thức Việt Nam
Đảng và nhà nước thật sự phải quyết tâm và mở rộng cánh cửa, hợp tác thực sự để cho đội ngũ trí thức hiện nay ở ngoài cũng như ở trong nước, nhất là phía trong nước, có thể có những ý kiến, và những ý kiến đó cần được trân trọng, đánh giá, và khuyến khích.
Như vậy thì mới có thể làm được những kế hoạch tốt đẹp, chứ không thể nào dựa vào những chương trình ODA, dựa vào những ông ngoại quốc IMF hay World Bank.
Những ông đó thực sự ra họ chỉ biết một số vấn đề rất phiến diện.
Tôi đã làm chương trình Việt Nam trong 10 năm. Tôi đã gặp họ rất là nhiều.
Mỗi ông vào Việt Nam trang bị một số thống kê và tư liệu, mà các thống kê và tư liệu đó chỉ là con số hai chiều mà thôi.
Nó còn thiếu một độ dày là tâm hồn của người Việt Nam, tâm tình của người Việt Nam.
Tôi muốn nói tất cả những sự đổi mới ở trong kinh tế Việt Nam sẽ không thành công nếu không có những đóng góp của đội ngũ trí thức âm thầm ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, tất cả những cơ sở như Viện chiến lược, Viện kinh tế Việt Nam ở miền Bắc, Viện kinh tế tp.HCM, Viện qui hoạch dài hạn, Viện kinh tế đối ngoại, v.v.
Tôi nghĩ rằng chánh phủ Việt Nam nên vận dụng và khai triển thật sự chất xám của đội ngũ trí thức ở trong nước trước hết, rồi đến ở bên ngoài.
Thế hệ tiếp nối
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ở Nhật Bản
"Không nên dựa và kỳ vọng vào các nước cấp viện như ODA"
Hôm nay khi phát biểu qua BBC, tôi nghĩ ông Đặng Phong cũng sẽ nhìn thấy tôi, khi gặp ông, từ hoàn toàn đối kháng - tôi ở miền Nam, ở tù 10 năm sau giải phóng - nhưng rồi tất cả đều gặp nhau trên một đại vận, nhìn thấy con đường đi đích thực của đất nước, chúng tôi đã gặp nhau.
Tôi xin mượn câu của Nguyễn Du trước khi mất đã than: "Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như", không biết 300 năm sau ai là người có thể hiểu được tâm tình của Nguyễn Du qua Đoạn trường tân thanh để nhỏ lệ cho ông.
Ngày hôm nay, dù tôi từng gặp ông Đặng Phong rất ít, và hiểu ông rất ít, trong một công trình đồ sộ mà ông đã nghiên cứu, biên tập, biên khảo, tôi có những lời tâm tình này mong ông từ bên kia cũng nhìn thấy, và nhìn thấy ít ra cũng có một người không biết nhiều, nhưng đã chia sẻ phần nào nhãn quan của ông.
[Như vậy theo nhận định của ông, GS Đặng Phong không chỉ là người nghiên cứu, tổng hợp lại lịch sử kinh tế Việt Nam mà còn đại diện cho nhóm người có thể coi là đã tạo ra nội lực và phương pháp cho Đổi Mới của Việt Nam?]
Đúng như vậy. Vì tất cả những công trình của ông Đặng Phong đều không phải một mình ông làm được.
Ông được hậu thuẫn rất nhiều từ Viện kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Gs Đỗ Hoài Nam mà tôi cũng từng gặp, là Viện trưởng, cũng như từ phía Nam, khi Viện kinh tế tp.HCM được thành lập, với tiên phong đầu tiên là GS Bạch Văn Bảy, GS Tôn Sĩ Kinh, và hiện nay là ông Trần Du Lịch.
Tất cả những người đó, dĩ nhiên "ăn cơm chúa" không thể nào nói khác 100% nhưng tất cả những câu nói, đề án, đề cương nghiên cứu không hoàn toàn xu nịnh, mà có sự thanh nghị rất chính xác, rất khoa học, rất cơ sở.
Tôi nghĩ rằng chánh phủ Việt Nam nên và tất cả Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ khoa học công nghệ, Bộ tài nguyên môi trường v.v. phải sử dụng thật sự, phải đưa vị trí các viện chiến lược đó lên hàng đầu trong quá trình qui hoạch kinh tế Việt Nam, chứ không phải dựa vào, kỳ vọng vào các ông donors (các nước cấp viện) như ODA mỗi năm cho bao nhiêu tiền, rồi phán và dạy dỗ những câu gì đó.
World Bank (Ngân hàng thế giới) không phải là cái gì hoàn hảo cả, để những nghiên cứu phát triển về ngư nghiệp này nọ phải nhờ WB hay IMF.
Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn phi lý, trong khi tất cả những viện ở tại Việt Nam có rất nhiều anh em trí thức rất rất giỏi.
Di sản của GS Đặng Phong
Tôi nghĩ rằng cái di sản lớn nhất GS Đặng Phong để lại là ông là người hòa giải giữa những xung đột ít ra có thể gọi là về ý thức hệ hay trí hệ giữa trí thức miền Nam cũ với trí thức Việt Nam hay tức là trí thức miền Bắc sau 30 tháng Tư.
Ông là người đã nhìn thấy được tất cả. Ông đến với tất cả những người đã có đóng góp trong nghiên cứu kinh tế miền Nam trước đây.
Ông đã đến với tôi trước khi tôi đến với ông. Tôi nghĩ vị trí lớn nhất của ông chính là sự hòa giải đó.
Cũng giống như ông Võ Văn Kiệt, vị trí lớn không phải là công trình đổi mới gì cả, mà là đã hòa giải thực sự, đã đến với những trí thức miền Nam còn lại ở Sài Gòn, và đã thực sự sử dụng họ.
Khi thành lập cơ quan tư vấn ông đã mời rất nhiều anh em trí thức miền Nam, trong đó có những người đi ở tù cải tạo về, vào tham vấn cho ông. Đó là những điều hết sức quan trọng.
Cho nên tôi nghĩ những công trình lớn của ông Đặng Phong không phải là biên tập, bởi vì chữ nghĩa cũng chỉ là 26 chữ cái mà thôi, chỉ là hai chiều, không có tâm tình phía trong đâu.
Nếu không có sự hòa giải, hòa hợp thực sự, ngồi lại với nhau, thì không bao giờ có được một đất nước suôn sẻ để đi lên.
Tôi nghĩ công trình lớn của ông Đặng Phong không phải là những nghiên cứu của ông, mà chính là sự hòa giải, cái tâm hồn hòa giải thực sự của ông, tiêu biểu cho một phần của người trí thức chân chính là biết ta, biết người, thành ra đến với nhau.(Nguồn: BBC)

No comments:

Post a Comment