(nguồn: BBC)
Bên cạnh các bài khá mạnh mẽ công kích Hoa Kỳ hoặc răn đe một liên minh của các nước quanh Biển Đông, hiện cũng có các ý kiến tại Trung Quốc cho rằng nước này cần nhìn lại mình khiêm tốn hơn.
Phản ứng bất ngờ của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì trước cách tiếp cận đa phương của Hoa Kỳ và Asean về Biển Đông tại Hội nghị ARF ở Hà Nội vừa qua cho thấy chính giới Trung Quốc ít chuyển hóa nhận thức so với diễn biến khu vực.
Trung Quốc lâu nay chỉ muốn nêu ra các vấn đề khu vực trong bối cảnh song phương, ví dụ như về Biển Đông thì muốn trao đổi trực tiếp với Việt Nam hoặc Philippines, tránh quốc tế hóa chủ đề này.
Về kinh tế, trong cơn sốt mua sắm, chính phủ và các tập đoàn được nhà nước hỗ trợ liên tục bành trướng ra bên ngoài, đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Bắc Kinh cũng tỏ ra thẳng tay khi hành xử với các công ty nước ngoài vào làm ăn, dù trong ngành khai khoáng hay công nghệ thông tin.
Quan hệ đối ngoại của chính quyền Trung Quốc những năm qua được xây dựng trên quan điểm tự tin rằng thế mạnh vươn lên của TQ là điều thế giới phải tính đến và chấp nhận.
Nhiều bài báo trên các trang Hoàn Cầu hoặc đài Phượng Hoàng gần đây nêu Bấm quan điểm cứng rắn đối với Việt Nam.
Thói kiêu ngạo này có gốc rễ trong nhận thức của chúng ta về mình
Diệp Hải Lâm
Nhưng cũng có những ý kiến khác.
Báo Trung Quốc, tờ International International Herald Leader vốn có quan hệ chặt với Tân Hoa Xã vừa chạy một loạt bài cảnh báo tính tự kiêu của Trung Quốc.
BBC Tiếng Việt xin giới thiệu một số đoạn trích:
Diệp Hải Lâm, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo về hiện tượng ông cho là Trung Quốc 'nhận thức sai về chính mình':
"Trung Quốc đang hiểu sai thế giới, và quan trọng hơn là hiểu sai chính mình. Việc hiểu sai này có lý do từ thái độ hết sức kiêu ngạo của Trung Quốc ngày nay. Thói kiêu ngạo này có gốc rễ trong nhận thức của chúng ta về mình, rằng chúng ta là 'có một không hai' sau 30 năm khai phóng, phát triển mạnh mẽ. Một cách vô thức, người Trung Quốc chúng ta đã biến sự tự tin vào tăng trưởng kinh tế thành sự tự lừa dối mù quáng."
Ông Diệp cũng chỉ ra rằng "Sự trỗi dậy của Trung Quốc chẳng phải là điều gì độc đáo trong lịch sử thế giới. Nhưng dù ít có bằng chứng về sự có một không hai, người Trung Quốc chúng ta đã tạo ra nó, và đó là 'sự kiêu ngạo có một không hai', rằng không nước nào trên thế giới sánh bằng."
Ông Dương Nhuệ nói người Trung Quốc chưa có tư cách công dân của một quốc gia vĩ đại
Dương Nhuệ, người dẫn chương trình có tiếng của đài CCTV9 thì chia sẻ ý kiến như sau:
"Kinh tế Trung Quốc lớn nhưng không mạnh, giới tinh anh Trung Quốc thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức và ý thức pháp luật. Ngày nay, Trung Quốc đang tự say mê với văn hóa của mình, tự lừa dối về kinh tế và tự cao về chính trị của mình."
Phê phán cả dân tộc Trung Hoa từ trên xuống dưới, ông Dương viết:
"Cả tầng lớp trên và dân chúng bên dưới trong đất nước này đều thiếu sự diễm lệ và tư thế mà đáng ra họ phải có với tư cách các công dân của một quốc gia vĩ đại."
Đỗ Bình, phân tích gia cho đài Phượng Hoàng ở Hong Kong thì nói "bất cứ phê phán nào từ Phương Tây đều chạm vào nọc bất bình ở Trung Quốc. Đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, thái độ của chúng ta là phản ứng quá mức, và việc coi (phê phán) là tế nhị đến từ chỗ chúng ta thiếu sự tự tin bên trong. Vì trong nội tâm chúng ta dễ tổn thương nên không thể đáp trả mạnh mẽ mà không tỏ ra hung hăng."
Trương Di Vũ, nhà bình luận thời sự nổi tiếng thì viết:
"Trung Quốc cần bỏ cảm giác tự tê tái về giai đoạn lịch sử đau khổ trong thế kỷ 20, vì nay chúng ta đã vươn tới một chân trời mới. Chúng ta có nhiều cơ hội để giành lại giá trị của mình trong tăng trưởng nhanh và định hình lại bản sắc dân tộc theo cách cân bằng hơn."
Có ý kiến nói Trung Quốc nên bỏ mặc cảm về giai đoạn lịch sử đau khổ trong thế kỷ 20
No comments:
Post a Comment