9/16/10

Đại hội 11 đi về đâu và phục vụ ai ?

pDC&PT - Thời Sự 2010



Nhân dịp trước Hội nghị Trung ương 13
Đặt thẳng vấn đề với ông Nguyễn Phú Trọng:

Cương lĩnh Chính trị 2011 sẽ như thế ?

* Kéo dài „thời kì quá độ“ là tiếp tục đêm dài của bạo lực và đàn áp !
* Giành độc quyền cho Doanh nghiệp nhà nước là khuyến khích tham nhũng lên ngôi vua !
* Nguy cơ mất nước vì tâm lí tự ti và thái độ hèn nhát cúi đầu cầu vinh của nhóm lãnh đạo !
* Mọi tệ trạng văn hóa-xã hội và vấn nạn mất nước có thủ phạm là nhóm lãnh đạo vô đức,
bất tài đang núp dưới bóng đảng độc tài !


Âu Dương Thệ

Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 13 hôm nay Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho công bố ba Dự thảo văn kiện chính của Đại hội 11 sẽ được triệu tập vào đầu tháng 1.2011. Trong số này có „Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)“*. Dưới đây được gọi tắt là Cương lĩnh Chính trị 2011. Hội nghị Trung ương 13 là một trong vài hội nghị cuối cùng để chuẩn bị cho Đại hội 11. Vì thế Hội nghị này rất quan trọng, không chỉ bàn đề án nhân sự cho các cơ quan cao nhất của Đảng (Tổng bí thư, Bộ chính trị, Ban bí thư, Nhà nước (Chủ tịch nước, Thủ tướng) và Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội). Hội nghị Trung ương 13 còn chuẩn bị để thông qua Cương lĩnh Chính trị cho giai đoạn từ 2011 trở đi. Như vậy cả hai vấn đề nhân sự và đường lối có tính cách dài hạn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của gần 90 triệu dân và quyền lợi của đất nước trong các thập niên tới đang được một nhóm nhỏ người có quyền lực nhất trong chế độ độc tài toàn trị quyết định độc đoán. Nếu họ đưa ra để „xin ý kiến của nhân dân“ cũng chỉ là cách cho ăn bánh vẽ, một thủ đoạn đã từng được lập đi lập lại bao nhiêu lần!
Đúng ra Cương lĩnh Chính trị 2011 đóng vai trò quan trọng phải được phân tích, vì nó qui định sinh hoạt đời sống chính trị của VN trong các thập niên tới. Nhưng ai đọc qua nó sẽ thấy nó cũ như trái đất! Cho nên điều cần phân tích và bàn ở đây không phải là Cương lĩnh Chính trị 2011, nhưng chính là lời hướng dẫn giải thích của chính tác giả văn kiện này, tức là Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội và „Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI“, một người được coi là đang có thế mạnh và còn tính leo cao hơn. Trước đó ngày 5. 9 ông Trọng, giữa khi đang đi thăm Canada và Cuba đã cho phổ biến rộng rãi trên nhiều cơ quan báo chí của chế độ bài Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 „* giải thích một số bổ túc Cương lĩnh Chính trị 1991 để làm cơ sở cho tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản VN và Nhà nước của đảng này trong các thập niên tới.
Nhưng quan trọng hơn nữa, vào đầu tháng 5 những sự giải thích trong bài trên đã được Nguyễn Phú Trọng lí giải và nhiệt tâm bênh vực trong bài Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay „* đã được phổ biến trên tờ Nhân dân và Tạp chí Cộng sản số tháng 5.2010. Hiện nay bài này đã trở thành văn kiện chính thức quan trọng để cho các Ủy viên Trung ương đảng dùng vào việc học tập chuẩn bị cho Đại hội 11 vào đầu tháng 1. 2011. Trong các tháng vừa qua Bộ chính trị và Ban Tuyên giáo trung ương đã xếp bài trên là một tài liệu chính trị quan trọng dùng trong các hội nghị đảng bộ thành phố, tỉnh và các Ban trung ương. Nhưng đặc biệt hơn nữa, việc này cũng giải thích thế mạnh hiện nay của Nguyễn Phú Trọng ở trong Bộ chính trị. Ngoài tư cách là Chủ tịch Quốc hội, như đã nói ở trên, ông Trọng cũng đang kiêm nhiệm một số chức vụ then chốt trong việc chuẩn bị Đại hội 11, đó là „„Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI“. Trong thực tế ông Trọng mới là người chính soạn thảo hai văn kiện quan trọng nhất cho Đại hội 11 là Cương lĩnh Chính trị 2011 và Báo cáo Chính trị của Đại hôi 11. Nông Đức Mạnh đứng chỉ làm vì . (Xem Âu Dương Thệ, Hội nghị Trung ương 12:Đại hội 11 phục vụ ai?, trong www.dcpt.org)
Trong những ngày gần đây có những dấu hiệu còn cho thấy, những người có thế lực trong và ngoài Bộ chính trị đang ủng hộ cuộc vận động vừa công khai vừa âm thầm để „leo cao, ngồi lâu“ của ông Trọng và vây cánh: Sau việc dàn dựng vở tuồng để Quốc hội „bác“ Siêu dự án đường sắt cao tốc (19.6) uy tín của ông Trọng trong Đảng đã „leo cao“. Ngày 21.6 ông xuất hiện như cái đinh chính trong lễ Kỉ niệm 85 „Ngày Báo chí Cách mạng“ và cũng chính ông trao Huân chương Sao vàng (huân chương cao nhất của chế độ) cho báo chí. Như vậy là ông đã thay vai trò của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Quan trọng hơn nữa, vài ngày sau Nguyễn Phú Trọng còn là người chủ trì tại „Đại hội Thị đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII“ ngày 29.6 và ra huấn thị cho quân đội. Nghĩa là ông đảm nhận cả vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trong buổi lễ này ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Đại tướng Lê Văn Dũng, còn có sự hiện diện của của Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu, cả hai rất thần phục Bắc kinh. Như vậy hiện nay chỉ còn vài tháng trước Đại hội 11 ông Trọng được coi là người đang có quyền lực rất lớn trong Bộ chính trị. Cuộc vận động của ông Trọng và vây cánh để „leo cao hơn, ngồi lâu hơn“ tại Đại hội 11 cho tới thời điểm này dường như đang như diều gặp gió!
Bài này sẽ phân tích và nhận định về mục tiêu, hướng đi và chính sách dài hạn của nhóm lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay đang dự tính thực hiện trong việc soạn thảo Cương lĩnh Chính trị 2011 thay thế cho Cương lĩnh Chính trị 1991. Người đứng đầu trực tiếp soạn thảo văn kiện chính trị này chính là Nguyễn Phú Trọng. Ngoài các chức vụ then chốt ông đang nắm giữ trong Đảng và Quốc hội, trước đây ông Trọng đã từng là Bí thư thành ủy Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Lí luận trung ương và một trong những người đồng sáng lập các „Hội nghị Lí luận“ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung quốc. Chính ông Trọng đã là Trưởng phái đoàn đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc Hội thảo về lí luận và đường lối với Đảng Cộng sản Trung quốc.
* * *

Nếu là cương lĩnh của một nhóm chính trị nào đó thì không cần bàn. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đang độc quyền chính trị ở VN trong nhiều thập niên qua và ông Trọng còn có tham vọng để nó giữ độc quyền lâu dài nên đã gắn cho nó cái tên „Đảng cầm quyền“. Trong bài “Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” ông Trọng đã nêu ra một số định đề lớn, rất quan trọng, sẽ được dùng làm nền tảng cho Cương lĩnh Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới 20-30 năm tới, được gọi là Cương lĩnh Chính trị 2011. Khi đọc bài trên người ta thấy rất rõ bức tranh vẽ về VN trong các thập kỉ tới của Nguyễn Phú Trọng như thế nào, có khác với bức tranh vân cẩu của giai đoạn đã qua, hay vẫn tiếp nối con đường ảm đạm, tang thương và hoang dã ? Nói một cách hình tượng theo cựu Đại sứ và nhà nghiên cứu Nguyễn Trung vừa viết một luận thuyết rất có giá trị gởi tới Đại hội 11 cho nhóm cầm đầu chế độ, cũng như các trí thức, nhân sĩ và những ai đang trăn trở về vận mệnh dân tộc : „Nếu biết cái đích đi tới được sau 35 năm độc lập thống nhất là thực trạng mọi mặt đất nước như hôm nay, liệu dân tộc ta trước đây có dám hy sinh chiến đấu hết thế hệ này đến thế hệ khác như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?“ (Góp ý kiến Đại hội XI: Trách nhiệm lịch sử). Câu hỏi rất nghiêm túc này cần phải đặt ra ngay lúc này chứ không thể để 20 – 30 năm sau e rằng quá muộn! Tại sao?
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang độc quyền cai trị đất nước; cho nên mọi quan điểm, đường lối và quyết định của nhóm lãnh đạo Đảng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới quyền lợi và sinh mạng của gần 90 triệu người VN và vận mệnh của dân tộc. Như thế đây là một vấn đề rất hệ trọng và cực kì cấp bách, vì Đại hội 11 sẽ được triệu tập vào vài tháng nữa. Đề án nhân sự trong Bộ chính trị mới đang được thành hình, trong đó ông Trọng và một số người thân tín đang rốt ráo vận động cả trong Đảng lẫn bên ngoài bằng nhiều mánh khóe và thủ đoạn rất xấu để sẽ có thể đóng vai trò rất quan trọng từ trong Đảng đến chính quyền.
Nguyễn Phú Trọng đang là „nhân vật mạnh“ trong chế độ độc tài toàn trị, cho nên những quan điểm và chủ trương của ông sẽ chi phối trực tiếp tới quyền lợi và sinh mạng của gần 90 triệu người VN và ảnh hưởng trưc tiếp tới tương lai của đất nước trong một thời gian dài. Vì vậy những quan điểm, tư tưởng, thái độ, tư cách và cả khả năng của ông Nguyễn Phú Trọng cần phải được đặt lên bàn thảo luận công khai và dân chủ. Đây là một quyền đồng thời cũng là trách nhiệm của bất cứ một công dân nào có ý thức.
Trong bài “Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra 6 định đề chính về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, pháp luật, vai trò của Đảng Cộng sản và cấu trúc toàn bộ xã hội: 1. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. 2. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 3. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. 4. Giữ vững môi trường hòa bình, độc lập tự chủ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế 5. Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 6. Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc.
Dưới đây người viết sẽ phân tích các định đề này đồng thời so sánh với tình hình thực tế của VN hiện nay để nêu thẳng ra những câu hỏi yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng trả lời công khai.
Nhắm mắt sao chụp nguyên bản tại sao lại vẫn bảo là „trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn“? „Thời kì quá độ“ bao trùm bạo lực, vô nhân còn muốn kéo dài tới bao giờ ?

Trong phần „Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp“, ngay phần đầu ông Trọng đã khẳng định: „Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.“ Nhưng liền đó Nguyễn Phú Trọng đã xác nhận: „Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Ðó là điều mà Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta.“
Một người không biết cái đó là cái gì, nhưng cũng cứ đút vào miệng ăn. Một người không biết vực thẳm là gì mà vẫn lao đầu đi tới…Vậy là người khờ dại hay khôn ngoan? Lãnh đạo một chính đảng không biết „Chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên Chủ nghĩa Xã hội bằng cách nào“, nhưng vẫn khăng khăng bảo rằng „Chủ nghĩa Xã hội là mục tiêu, lý tưởng“ của mình, không những thế còn cưỡng bách gần 90 triệu nhân dân cả nước phải tuân theo suốt gần 6 thập kỉ. Xin hỏi ông Trọng, những người lãnh đạo đảng đó - trong ấy có ông- thông minh hay mù quáng cuồng tín, dân chủ hay độc tài?
Nguyễn Phú Trọng cũng còn khẳng định rằng, vì không biết „Chủ nghĩa Xã hội là gì và đi lên Chủ nghĩa Xã hội bằng cách nào“ cho nên trong hơn nửa thế kỉ qua „Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta.“ Là lí thuyết gia của Đảng và nắm vững lịch sử 80 năm phát triển của Đảng, ông Trọng hãy tạm gác vai trò Ủy vên Bộ chính trị qua một bên và thử giữ tư cách khách quan và nghiêm túc của một người làm khoa học để xem có thực là, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền tới nay mỗi khi ban hành một chính sách mới liên hệ tới cuộc sống của bao nhiêu triệu nhân dân và tương lai của đất nước các ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có thực „trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn“ không?
Căn cứ trên những dữ kiện lịch sử, ông Trọng hãy trả lời thành thực trước dư luận: Các người lãnh đạo trước đây và hiện nay từ khi cầm quyền ở miền Bắc vào giữa thập niên 50 của thế kỉ trước và từ 1975 trên cả nước tới nay có „trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn“ mô hình Chủ nghĩa Xã hội nào thích hợp và cách hành xử quyền lực nào phù hợp cho điều kiện của VN không, hay chỉ ngu muội và cuồng tín sao chép một cách máy móc của bên ngoài hoàn toàn trái với đạo lí, phong tục, tâm hồn của người Việt và điều kiện kinh tế, chính trị của VN?
Ai đã cuồng tín từ thập niên 20-30 của thế kỉ trước từng coi con đường của Lenin là bửu bối, là đũa thần cho cách mạng VN? Vì một khi đã coi một cái gì đó là „bửu bối, đũa thần“ rồi thì cứ nhắm mắt áp dụng ở bất cứ nơi nào nó cũng giải quyết được các khó khăn. Ai đã từng ẩn náu trong các chùa khi hoạt động cách mạng, nhưng khi cướp được chính quyền thì thực hiện khẩu hiệu „Tôn giáo là thuốc phiện“ của Lenin để đàn áp, chia rẽ tôn giáo và đày ải các nhà tu hành suốt trên nửa thế kỉ qua? Những ai đã du nhập và thẳng tay phát động phong trào „Đấu tố địa chủ“ sao chép nguyên bản của Mao Trạch Đông để giết hại hàng trăm ngàn nông dân, đồng thời loại trừ hàng chục ngàn đảng viên có công, chỉ vì họ có lí lịch là con của địa chủ phú hào vào giữa thập niên 50 của thế kỉ trước? Cũng vào thời gian đó ai đã phát động phong trào „Trăm hoa đua nở“ sao chép nguyên bản của nhà độc tài tàn bạo Mao Trạch Đông cho áp dụng ở miền Bắc để đàn áp và tù đày trí thức, chuyên viên, nhà báo và các văn nghệ sĩ dám nói lên những tư tưởng độc lập và phê bình những chủ trương độc tài tàn bạo và sai trái của nhóm cầm quyền? Song song vào đó, ai đã đào tạo những người viết báo, viết văn chỉ biết uốn cong ngòi bút, phải ngoan ngoãn đi vào „lề phải“, tô hồng chế độ, nịnh bợ lãnh đạo? Hậu quả của chính sách ngu dân này là cho tới nay suốt gần 60 năm cầm quyền VN không có một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học nào xuất chúng trong văn chương và khoa học thế giới. Trước đây dân tộc VN từng có những văn nhân, thi sĩ, nhà tư tưởng và các sáng tác văn học, tư tưởng xuất chúng.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta, vào thời kì phong kiến đã có một số bạo chúa, nhưng chưa có một thời đại nào mà người cầm quyền lại bạo ngược và tàn nhẫn khủng khiếp, có thể nói là phi nhân với chính người dân của mình như dưới thời Cộng sản!
Từ cuối thập niên 50 của thế kỉ trước ở miền Bắc và sau 1975 ở cả miền Nam, ai là người đã sao chép máy móc các phương thức „kinh tế tập thể“ trong nông nghiệp của Stalin và Mao, cưỡng bách mấy chục triệu nông dân VN phải gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp? Kết quả của chính sách độc tài phản động và không phù hợp với nông dân VN là nạn đói đã đe dọa cả nước vào thập niên 80 của thế kỉ trước! Ai là người đã sao chụp chính sách „doanh nghiệp quốc doanh“ của Liên xô (cũ) vào VN và phá sạch „tư sản mại bản“ ở miền Nam sau 1975 đưa đến kết quả khốc hại là làm cho kinh tế VN lụn bại và tụt hậu so với hầu hết các nước trong khu vực ?
Sao chép mù quáng các mô hình Chủ nghĩa Xã hội của bên ngoài và sự ngu dốt của giới lãnh đạo đã dẫn tới áp dụng một cách cuồng tín suốt bao nhiêu thập niên như thế, tại sao Nguyễn Phú Trọng một lí thuyết gia của Đảng nay lại vẫn mở miệng nói càn là, Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta“ được? Đây là những sự kiện chính trị có thực đã diễn ra, tại sao ông Trọng lại vẫn phủ nhận ?
Sau khi Liên xô - thành trì của thế giới Cộng sản và điểm tựa mà các Ông từng quả quyết là „vững chắc“ của chế độ Cộng sản Việt Nam - sụp đổ vào đầu thập niên 90, lúc đó các Ông đã lo sợ cuống cuồng, để tự cứu nên đã phải từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa sơ cứng và vội vàng chụp giựt đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình của Đảng Cộng sản Trung quốc được thực hiện ở Trung quốc từ 1978. Các Ông chỉ đổi cái tên „cải cách“ thành „đổi mới“ mà thôi, trong đó quan trọng nhất là du nhập đường lối kinh tế tư bản nhưng Đảng Cộng sản vẫn giữ độc quyền. Nhiều năm là lí thuyết gia và Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam và từng cầm đầu các phái đoàn VN tham dự các cuộc hội thảo về lí luận và đường lối với Đảng Cộng sản Trung quốc chắc chắn ông Trọng phải biết rõ việc này. Nhưng tại sao trong bài nói trên ông Trọng dám khẳng định là „khái niệm Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là một đột phá lí luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lí luận quan trọng qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.“ ? Chả lẽ Ông đã „lú“ như lời truyền miệng của người dân trong nước, hay Ông đã đánh lừa và gian dối với đảng viên và nhân dân? Nếu quả thực mắc bệnh lú, bệnh hay quên thì Ông không còn đủ năng lực sức khỏe để làm người lãnh đạo VN. Còn nếu đánh lừa và gian đối với nhân dân thì Ông không đủ tư cách đạo đức tiếp tục làm lãnh tụ, thế mà tại sao không tự xét lại còn đang tìm cách „leo cao hơn, ngồi lâu hơn“!
Những sao chụp rất máy móc các mô hình sơ cứng Xã hội Chủ nghĩa của cựu Liên xô và Trung quốc trong chính trị, kinh tế và trong cách đối xử vô cùng tàn bạo với nông dân, trí thức, tôn giáo và các đoàn thể chính trị trong suốt gần 60 năm qua rõ ràng như thế mà tại sao ông Trọng lại tự vỗ ngực „Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta.“ ! Mọi người đều biết sự sao chụp máy móc này bắt nguồn từ sự ngu dốt và bệnh cuồng tín của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị đã nhắm mắt cho thi hành ở VN bất kể tới đạo lí, phong tục và các điều kiện chính trị-kinh tế đặc thù của VN. Nhưng mỗi khi phát động một phong trào mới hay một chính sách mới sao chép của Trung quốc hay Liên xô cũ, họ đều huyênh hoang khoác lác nói là đường lối sáng tạo, đúng đắn để bịt miệng và cấm đoán mọi sự phản biện và tiêu giệt những ai dám chống lại.
Nếu là một nhà lãnh đạo có tư cách, thành thực và dám vượt qua cái bóng của mình thì ông Trọng phải kết án nghiêm khắc các chính sách trên là sao chép mù quáng, thiển cận và vô trách nhiệm, đồng thời phải nêu đích danh những người có trách nhiệm, chứ không được phép im lặng hoặc nói chung chung vô thưởng vô phạt như „đơn giản, ấu trĩ“. Là người đang đứng đầu cơ quan lập pháp tất ông Trọng phải biết, bất cứ một hành động vi phạm pháp luật nào cũng phải có thủ phạm và thủ phạm phải bị trừng trị nghiêm minh. Như thế chả lẽ những hành động giết hại hàng trăm ngàn người, bỏ tù và đày đi cải tạo hàng triệu người lại không có thủ phạm, chẳng lẽ trời làm!
Nhưng Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là Chủ tịch Quốc hội –cơ quan quyền lực cao nhất của nước- đã không thành tâm xin lỗi, không can đảm công khai gởi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình và con cháu của hàng triệu nạn nhân vô tội đã bị giết hại, giam cầm và nhục mạ vì bệnh cuồng tín và ngu dốt của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị. Một sự im lặng hèn nhát thật đáng kinh bỉ đã kéo dài gần 6 thập niên ! Chẳng những thế ông Trọng lại vẫn cố ý bênh vực và lên giọng đạo đức và tự tâng bốc là sáng suốt !

Vào cuối phần 1 Nguyễn Phú Trọng còn đưa ra một bức tranh vẽ rất đẹp các mục tiêu cho nhân dân và đất nước mà ai cũng đã từng nghe cả hàng chục ngàn lần. Sau khi vẽ bức tranh về một „thiên đàng chính trị“, „niết bàn chính trị“, ông Trọng đã nhìn nhận là chưa biết bao giờ tới được, vì hiện nay vẫn còn ở trong „giai đoạn quá độ“. Nhưng ông Trọng lại tự mâu thuẫn khi vội vã khẳng định là, muốn thực hiện các mục tiêu này thì chỉ có Đảng Cộng sản mới làm được và theo Logik của Ông, nhân dân và đất nước phải tiếp tục „dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản“. Tiếp đó ông còn khuyên mọi người phải kiên nhẫn, vì hiện nay đất nước còn trong thời kì quá độ và „quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp“.
Trước đây gần một thế kỉ ở cựu Liên xô Lenin và Stalin đã từng nói tới „thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội“ và hứa là thời kì quá độ sẽ sớm kết thúc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền gần 60 năm nay cũng nhai lại luận điểm và niềm tin này. Ông Trọng biết rất rõ luận điểm này. Nhưng nay Liên xô đã tan, thế giới Cộng sản đã sụp, vậy tại sao ông Trọng lại vẫn nhắc tới một chuyện không tưởng như vậy được và lại còn lên mặt khuyên mọi người phải kiên tâm làm việc để đến một ngày nào đó sẽ tiến lên xã hội Cộng sản không còn người bóc lột người, một thế giới đại đồng bốn bể đều là anh em? Nhưng để lên được cái thế giới (không tưởng) đó ông Trọng khuyên mọi người phải theo Đảng Cộng sản. Nghĩa là cứ để ta độc tôn cầm quyền tiếp tục rồi sẽ có một ngày….!!!
Một số tôn giáo đã nói tới Niết bàn hay Thiên đàng để chỉ sự hạnh phúc vĩnh cửu, đó là niềm của tôn giáo, tin hay không tin là quyền của mỗi người, không ai bị cưỡng bách phải tuân theo. Nhưng người làm chính trị không được phép lầm lẫn chính trị với tôn giáo. Nhiệm vụ của chính trị, tức là các chính quyền, các chính đảng, đặc biệt là đảng đang cầm quyền phải giải quyết các nhu cầu và cải thiện các điều kiện sống trước mắt về vật chất lẫn tinh thần của người dân và đất nước. Nếu không giải quyết được ổn thỏa các nhu cầu chính đáng này thì tự đánh mất vai trò lãnh đạo, khi đó cách tốt nhất là phải trả lại quyền cho nhân dân tự quyết định.
Nhân dân VN không biết xã hội Cộng sản (nếu có) có phải là thiên đàng chính trị hay không. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày gần 90 triệu dân VN đang phải chịu đựng những đàn áp về tinh thần, các quyền tự do căn bản bị tước sạch; mọi thành phần đang bị bịt mắt, bịt miệng và bịt tai; ai chống đối thì bị quẳng vào nhà tù. Không những thế, đại đa số nông dân và công nhân vẫn phải chịu đựng trong cảnh đói nghèo và bị bóc lột không khác thời thực dân ở đầu thế kỉ trước. Rõ ràng thời kì quá độ gần 60 năm qua của Chủ nghĩa Xã hội cũng chính là thời kì VN biến thành trại giam khổng lồ, là địa ngục trần gian, là tụt hậu và nghèo đói. Trong đó bọn đao phủ và bọn bóc lột chính là các Ủy viên Bộ chính trị! Nay Nguyễn Phú Trọng lại hô hào tiếp tục luẩn quẩn trong „giai đoạn quá độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản“ là giam cầm thể xác và tinh thần nhân dân tiếp tục, là đẩy đất nước càng rơi sâu vào tụt hậu và đói nghèo, là để cho chủ nghĩa cuồng tín, ngu dốt và cái ác thống trị xã hội !
Tại sao ông Trọng không dám dứt khoát đoạn tuyệt với con đường sai lầm và độc ác mà nhiều nước Cộng sản Đông Âu đã dám vượt qua và đang đưa dân tộc họ thực sự giầu mạnh và hạnh phúc? Các đảng Cộng sản này đã sáng suốt nhận ra được là đã đi ngược chiều bước tiến văn minh của nhân loại, nên họ đã dám có can đảm làm quyết định “đằng sau quay” để „hòa nhập vào dòng chảy tự nhiên của nhân loại“. Mới đây ông Hà Sĩ Phu, một tư tưởng gia và nhân sĩ dân chủ mặc dù đang bị chế độ độc tài toàn trị khủng bố, đã thành thực khuyên những người cầm đầu Cộng sản VN cũng nên và cần phải có can đảm „đằng sau quay“ như vậy ! (Ý kiến nhỏ nhân ngày lễ lớn - về lý luận và thực tiễn)
Chẳng cần phải đi đâu xa, nếu ông Trọng dám thành thực với chính mình thì phải thừa nhận một sự thực là, ngay nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á không theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa nhưng đang vượt xa VN về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cả hàng mấy chục năm và chính đảng Cộng sản VN cũng đang phải ngửa tay xin viện trợ của họ. Người dân các nước này đang được hưởng một đời sống vật chất sung túc và được nhà cầm quyền đối xử văn minh, chứ không như dân tộc VN phải lặn ngụp trong đói nghèo và quằn quại trong bạo lực của Đảng Cộng sản VN suốt gần sáu thập niên „giai đoạn quá độ Xã hội Chủ nghĩa“, nhưng vẫn hoàn toàn chưa thấy ánh sáng của cuối đường hầm!
Trước đây những người lãnh đạo tiền bối của ông Trọng và hiện nay cả ông Trọng –Lí thuyết gia của Đảng- cùng các thân tín sau gần 60 năm cầm quyền vẫn lẩn quẩn không biết bao giờ thì chấm dứt „giai đoạn quá độ“, giai đoạn tàn bạo hơn cả thời Trung cổ mà nhiều sử gia trên thế giới đã từng gọi là đêm dài vô tận của nhân loại. Sự thực của thời kì quá độ vô tận này ông Trọng đã phải nhìn nhận, nhưng tại sao nay trong Đại hội 11 sắp tới lại vẫn cưỡng bách gần 90 triệu nhân dân VN tiếp tục phải chịu đựng với việc qui định như vậy trong Cương lĩnh Chính trị 2011? Trong chính trị đây là sự u mê ngu muội và là một đòi hỏi vô lí đối với nhân dân, đối với dân tộc. Đây là thái độ rất vô trách nhiệm của người cầm quyền !

Nếu thực tình muốn dân giầu nước mạnh và bài trừ tham nhũng thì phải cắt đứt cái đuôi „định hướng Xã hội Chủ nghĩa“ và giải thể các tập đoàn và tổng công ti. Nhưng tại sao ông Trọng lại vẫn đòi các Doanh nghiệp Nhà nước làm „nền tảng“ kinh tế ?
Điểm quan trọng khác ông Trọng cũng đang đưa vào Cương lĩnh Chính trị 2011 là nhất định tiếp tục giữ „phát triển Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa“. Như phần trên đã trình bày, sau khi Liên xô sụp đổ những người tiền bối của ông Trọng đã phải vội vã từ bỏ mô hình phát triển sơ cứng của Xã hội Chủ nghĩa trong kinh tế và chụp giựt mô hình „cải cách“ của Đặng Tiểu Bình theo phương châm „mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột“, áp dụng phương thức sản xuất và kinh doanh Kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo độc nhất của Đảng Cộng sản Trung quốc. Ở VN đường lối phát triển kinh tế này từ sau Đại hội 9 (4.2001) được gọi chính thức dưới cụm từ „Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.“ Nghĩa là áp dụng một số phương pháp làm ăn của Kinh tế thị trường nhưng đặt dưới quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản. Một số đặc điểm chính của đường lối kinh tế này hiện nay ở VN là: 1. Đất đai và tài nguyên thiên nhiên thuộc độc quyền Nhà nước, hiểu ở đây là thuộc độc quyền của Đảng Cộng sản, mà thực tế là sự thoán đoạt của một vài người có quyền lực lớn nhất. 2. Kinh tế Nhà nước (danh từ cũ doanh nghiệp quốc doanh) được coi là chủ đạo. 3. Mở cửa trải thảm đỏ mời đón các tư bản nước ngoài, nhất là các nhà tư bản chịu „chia hoa hồng“ và trao „phong bì“ cho các quan chức Cộng sản có máu mặt được dễ đàng vào VN làm ăn.
Hậu quả của các chủ trương này trong nông nghiệp là không thể công nghiệp hóa nông nghiệp, vì nông dân không được làm chủ ruộng đất, vẫn phải thuê ruộng đất của Nhà nước, nên không kích thích được nông dân hiện đại hóa nông nghiệp. Vì thế tuy VN là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, nhưng thành phần nông dân chiếm trên 60 triệu người vẫn bị bạc đãi và có đời sống rất thấp, vì các Tổng công ti lương thực của Nhà nước đang làm ăn theo lối ích kỉ, lợi ích nhóm.
Chủ trương Kinh tế Nhà nước làm chủ đạo đã cho phép thành lập các tập đoàn, tổng công ti và công ti do chính các bộ hay cơ quan Nhà nước trực tiếp chỉ huy, nhưng thực tế các người có quyền lực đã để cho các thân tín vào nắm giữ các ban giám đốc và ban quản trị. Các tập đoàn và tổng công ti đang nắm các huyết mạch kinh tế chính của VN, được tự do sử dụng đất đai, tài sản, được Ngân hàng Nhà nước cho vay ưu đãi từ tiền thuế của nhân dân. Cách tổ chức vận hành này của các Doanh nghiệp Nhà nước đã tạo sự ỷ lại vào Nhà nước, mất óc sáng kiến, vì thế hầu hết các Doanh nghiệp Nhà nước đều làm ăn thua lỗ và trở thành một gánh nặng cho nhân dân. Hiện nay với sự cho phép của những người có quyền lực, nhiều tập đoàn và tổng công ti đã trở thành quốc gia trong một quốc gia, dùng cửa trước hợp pháp hóa lấy tiền của Nhà nước do dân đóng thuế và dùng sân sau để cho gia đình và vây cánh giành các chỗ béo bở và tự do chia chác, sài sẻo tiền của của nhân dân, bất kể tới thua lỗ và thiệt hại cả hàng trăm ngàn tỉ đồng. Các tệ trạng điển hình hiện nay như Tập đoàn công nghiệp tầu thủy VN (Vinashin), Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn than-khoảng sản (TKV)… Chỉ riêng tập đoàn Vinashin nội trong bốn năm (2006-2010) đã nợ tới 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD). Chính việc phí phạm tài sản quốc gia nghiêm trọng này đã được Bộ chính trị -trong đó có ông Trọng- xác nhận ngày 31.7.2010.
Mặt khác do cơ chế độc đảng, nên những người có quyền lực ở trung ương và địa phương đang lợi dụng việc mở cửa với bên ngoài theo lối tháo khoán đã để dễ dàng và giành ưu đãi (như lập các sân golf và xây biệt thự) cho các tư bản nước ngoài biết chịu chi cho các quan chức, khiến cho hàng trăm xí nghiệp của nước ngoài đang là nơi bóc lột trắng trợn và tàn bạo hàng triệu công nhân VN như thời thực dân trước đây. Nguyên Phó thủ tướng Đức và cựu đảng trưởng đảng Dân chủ Xã hội Đức Fr. Münterfering đã từng ví bọn tư bản bóc lột (khác với các nhà tư bản làm ăn đứng đắn có lương tâm) như những con châu chấu cào cào, thấy chỗ nào có ăn, chúng đổ xô tới ăn sạch cánh đồng lúa, ăn hết chúng bỏ đi tìm nơi khác có ăn ! Chủ trương dung túng và cùng nhau chia phần với bọn tư bản bóc lột còn đưa tới một hậu quả rất bất lợi cho kinh tế VN là các máy móc sản suất đưa vào VN phần lớn thuộc các thế hệ kĩ thuật đã lỗi thời có năng suất thấp, việc truyền giao kĩ thuật công nghiệp mới không được đề cao, công nhân VN chỉ làm theo lối gia công với đồng lương chết đói. Thiếu hẳn một chính sách nhằm khuyến khích và phát triển tầng lớp doanh gia và kĩ thuật gia hiện đại VN để làm đầu tầu phát triển kinh tế và canh tân đất nước.
Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản với các đặc điểm trên đang trở thành nơi nuôi dưỡng và bảo vệ các quan tham nhũng, nơi bóc lột và đàn áp người lao động khiến cho hàng trăm ngàn công nhân đã phải đứng lên tổ chức các cuộc đình công trong các năm qua. Đây chính là tái sinh các khuyết tật tàn bạo của chế độ tiền tư bản thời kì hoang dã…Khi đó vua chúa và quí tộc đã liên kết với các nhà tư bản bóc lột tàn bạo và ngược đãi công nhân. Nay ở VN thì bọn tham quan „thẻ đỏ tim đen“, bọn chủ nhân bóc lột của các xí nghiệp nước ngoài và bọn giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước cũng đang toa rập với nhau bòn rút máu mủ công nhân VN!
Sự thực này đã được chính một phần báo chí của chế độ, nhiều chuyên viên trong nước tố cáo và cả một số tổ chức quốc tế có uy tín đã lên tiếng cảnh báo. Họ đã đưa ra đề nghị chấm dứt hoặc giảm bớt tối đa vai trò của các Doanh nghiệp Nhà nước… Nhưng trong bài “Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” Nguyễn Phú Trọng lại đưa ra chủ trương ngược lại, đòi vẫn duy trì tăng cường „Kinh tế Nhà nước cùng với Kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân“. Ở đây ông Trọng chỉ đổi tên „chủ đạo“, đã bị kết án, thành „nền tảng“ mà thôi, còn nội dung vẫn giữ nguyên. Nếu đòi hỏi này của ông Trọng được dùng làm nền tảng trong lãnh vực kinh tế của Cương lĩnh Chính trị 2011 thì rõ ràng đây là cách đi thụt lùi, ngang nhiên chống lại những đòi hỏi chính đáng của các chuyên viên và trí thức và đi ngược lại lợi ích của nhân dân!
Nếu chủ trương tăng cường vai trò của các tập đoàn và tổng công ti trở thành nền tảng của hoạt động kinh tế ở VN được nhìn nhận trong Cương lĩnh Chính trị 2011, như Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh, thì VN sẽ đứng trước các nguy cơ bọn quan tham nhũng gia tăng cấu kết với bọn tư bản ngoại quốc bóc lột: Mọi tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào túi tham của các quan „thẻ đỏ tim đen“ và làm giầu cho bọn tư bản bóc lột nước ngoài, VN tiếp tục tụt hậu trong kinh tế, tham nhũng càng bất trị, bất công xã hội tiếp tục gia tăng, công nhân và nông dân bị bóc lột tàn nhẫn hơn!
Chủ nghĩa cuồng tín cộng với đảng trị đẻ ra các quái thai trong văn hóa và pháp luật: hận thù, bạo lực, lai căng, đạo đức giả, tham nhũng và quyền-tiền ngồi trỗm trệ trên pháp luật
Trong phần về văn hóa và pháp luật ông Trọng đã nói tới những đóng góp to lớn của ý thức hệ Marx-Lenin và công lao của đảng trong việc phát triển văn hóa này vào VN trong gần 60 năm qua và từ đó ông đi đến kết luận được coi là hướng đi của văn hóa trong giai đoạn tới thể hiện trong Cương lĩnh Chính trị 2011: „Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội phải làm cho chủ nghĩa Mác-Lê-nin …giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.“
Nếu hiểu văn hóa là các phương thức sinh hoạt của một xã hội trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục, tôn giáo…; là cách xử thế giữa người với người, giữa giới cầm quyền với công dân –trong đó vai trò của người cầm quyền rất quan trọng, nó là cái gương cho toàn xã hội nhất là những nước chưa đạt tới mức phát triển cao- thì gần 60 năm qua chế độ toàn trị đã dựng lên một loại văn hóa ở VN có một số đặc điểm: 1.Đây là một nền văn hóa độc thoại và ra lệnh chứ không phải là văn hóa đối thoại và thảo luận bình đẳng giữa người với người và giữa các tổ chức, kể cả với chính quyền. Trong đó kẻ có quyền ra lệnh còn nhân dân chỉ biết nhận lệnh. 2. Đây là một nền văn hóa đề cao hận thù, bạo lực, nghi kị và chia rẽ thay cho bao dung, hòa bình và tin cậy lẫn nhau. 3. Đây là một nền văn hóa ngoại lai, lai căng, đã được nhập khẩu không có cân nhắc chọn lựa, chứ không phải là nền văn hóa biết gìn giữ và phát triển các tinh hoa của dân tộc VN và biết hấp thụ các trào lưu văn hóa, khoa học tiến bộ và nhân bản của thời đại . 4. Ý thức hệ Marx -Lenin, những phương pháp bạo ngược của Stalin và Mao đề cao bạo lực và khủng bố trong việc cai trị đối với nhân dân hoàn toàn xa lạ với các truyền thống đạo đức và các tôn giáo chính ở VN… 5. Riêng tại VN từ hơn 20 năm nay với việc du nhập Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa dưới sự chỉ huy độc đoán của Đảng Cộng sản còn phát sinh văn hóa phong bì, quan lớn ăn lớn quan nhỏ ăn nhỏ… 6. Đây là một nền văn hóa đã bị thực tế phủ nhận, đã bị nhiều dân tộc từng là xuất xứ của nền văn hóa này nay đã dứt khoát loại bỏ vì nó phi nhân, phản động và độc tài.
Nền tảng văn hóa VN từng được coi là văn minh, nhân bản có sức tự canh tân, biết đoàn kết nội lực và đánh bại các xâm lấn từ bên ngoài. Nhờ thế VN đã tồn tại và phát triển suốt mấy ngàn năm, trong nhiều thời kì đã trở thành một cường quốc độc lập và phú cường trong khu vực. Nhưng hệ tư tưởng độc tôn cộng với một đảng độc quyền và nhất là sự độc quyền kéo dài gần 60 năm qua đang tiêu hủy và phá hoại các tinh hoa của nền văn hóa này.
Chủ nghĩa „xin-cho“, một đặc tính căn bản của chế độ độc tài toàn trị, đang ngự trị trong tư duy, hành động và thái độ cư xử giữa kẻ có quyền thế và người dân thấp cổ bé miệng trong nhiều lãnh vực. Trong việc tuyển chọn nhân tài cũng như trong việc kiếm sống hàng ngày, kẻ “cho“ đã lợi dụng quyền lực tỏ thái độ hống hách và thiên vị để chỉ đưa các đảng viên thuộc vây cánh và thân nhân giữ các chức vụ quan trọng hay các nơi hái ra tiền. Các người „xin“ chỉ còn biết vâng dạ và nịnh hót! Trong giáo dục, chủ nghĩa „xin-cho“ nẩy sinh tác phong chạy trường, chạy lớp, chạy điểm và bằng giả ngồi ghế cao đang được coi là những chuyện bình thường trong xã hội Xã hội Chủ nghĩa. Việc này không chỉ thanh thiếu niên VN đang là nạn nhân mà cả các đại sứ nước ngoài đều biết và mới đây họ đã lên tiếng công khai cảnh báo nhóm lãnh đạo! Trong cuộc sống hàng ngày, từ thời áp dụng Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, chủ nghĩa „xin-cho“ đã đẻ ra tác phong „phong bì“, kẻ có quyền tìm cách moi tiền ăn bẩn bằng mọi cách, kẻ có tiền dùng tiền mua quyền. Quyền-tiền đang đánh bạt đạo đức, phá tan các kỉ cương của xã hội và đạp lên luật pháp! Do đó tham nhũng và cửa quyền càng trở nên bất trị, vì chế độ độc tài toàn trị lại chính là mụ đỡ vừa khuyến khích vừa bao che cho những kẻ có quyền và có tiền!
Với những đặc tính như vậy cho nên, nếu cố giữ lấy chế độ độc đảng để tiếp tục thực hành nền văn hóa đã được các bạo chúa khai sinh như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và đã được một số người cầm đầu Cộng sản Việt Nam thiển cận và ngu muội du nhập vào VN thì hiển nhiên là đang chống lại hướng đi của loài người, chống lại trào lưu của thời đại và đặc biệt chống lại những khát vọng chính đáng của nhân dân VN.
Thật là mỉa mai, chính những người phá hoại nền Văn minh Dựng nước-Giữ nước-Thăng long và Văn hóa Bao dung Đoàn kết Diên Hồng của dân tộc Việt lại đang tự vỗ ngực đứng ra tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng long!
Những tàn bạo khốc hại của văn hóa Marx-Lenin-Stalin-Mao đã bị đại đa số các dân tộc trên thế giới kết án nghiêm khắc, ngay chính nhiều nước từng tôn thờ nó nay cũng đã đứng lên rũ bỏ, chọn một văn hóa khác có tính nhân bản cao để hồi sinh nước mình. Nhưng tại sao Nguyễn Phú Trọng trong bài “Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” lại vẫn lú lẫm khăng khăng tiếp tục đòi „chủ nghĩa Mác-Lê-nin... giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần“ để ghi trong Cương lĩnh Chính trị 2011? Như vậy chủ trương duy trì văn hóa này không chỉ thoái hóa, đi thụt lùi, chống lại trào lưu văn minh của thời đại và còn cản trở lối ra và hướng đi lên của cả dân tộc ! Đây là một chủ chương cực kì nguy hiểm và phi nhân !
Tài liệu
· Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay
· Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991
· Cuonglinh2011.doc. (TTXVN 14.5)
(Xem phần tiếp theo vào ngày mai 15.9)

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net

Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam Trở về Mục Lục

No comments:

Post a Comment