4/20/07

36 giờ phép

Không hiểu có phải vì đã vào nề nếp từ cái thuở tiểu muội của tôi mỗi lần từ Saigon đến trường Bộ Binh Thủ Đức đều mang theo một công văn của Bộ triệu hồi huynh trưởng hắc ám đang thụ huấn quân sự tại đây, mà từ ngày vị tiểu muội này về làm dâu của ba má tôi, mỗi lần muốn đi đâu, sư huynh cũng đều phải có phép của ... tiểu muội.
Lần đi Paris với anh xuôi này cũng không ra ngoài cái luật bất thành văn đó. Mãi đến sáng thứ sáu, tiểu muội của tôi mới thỏ thẻ bảo đưa nàng ra ngân hàng để rút một ít tiền. Đến lúc này tôi vẫn chưa biết được nàng sẽ tháo khoán bao nhiêu để cho đại huynh đi Paris vào ngày mai. Hỏi nàng chuyện tiền bạc là điều cấm kỵ số một nên tránh. Vì thế, dù đang đánh lô tô trong bụng khi nàng nhẹ nhàng lướt vào ngân hàng, tôi vẫn lặng thinh không ... dám hỏi.
Khi soạn xong cái túi hành trang vào lúc 11h đêm, nàng lặng lẽ dúi vào ví một xấp giấy màu đỏ, một cái thẻ và mẩu giấy ghi mật mã của thẻ ngân hàng, tôi mới có thể thoải mái vào internet gửi đến Văn Thượng cái điện thư báo tin giờ và địa điểm đến Paris. Từ giờ này tôi có thể an tâm nghĩ đến chuyến 36 giờ phép.
Tiểu muội của tôi là đồng môn thuộc môn phái nổi tiếng có tổ đình trấn ngự trên đường Trần Quốc Toản. Ngoài ra, trước khi được thu nhận vào môn phái này, tiểu muội cũng đã được các vị sư thái trường Hai Bà rèn luyện nên công lực cực kỳ thâm hậu, thần thông biến hóa vô lường... Nói nhiều về môn phái của tiểu muội, người viết e giang hồ nổi sóng... và bản thân người viết sẽ không còn có dịp được cấp phép ngao du giang hồ.
Xe lửa đến ga Lyon rất đúng giờ. Từ xa tôi đã thấy một người Á châu đang chăm chú nhận diện những hành khách đang rời đoàn tàu. Khi anh đi ngang qua chúng tôi, tôi chợt nghĩ đến những trò đùa của dân thụ nhân...Tôi lặng lẽ hướng tới ngõ ra và biết chắc người Á châu kia đang sốt ruột tìm người thân ... chưa biết mặt. Đang nói chuyện với anh xuôi ở đầu đoàn tàu thì người Á châu bước tới ‘ ... tôi muốn tìm anh Hải ... ‘và những cái cười bất hủ ... rủ nhau về quận 13 bằng xe điện ngầm.
Vào trong xe điện, anh xuôi và tôi vẫn còn lo không khéo thổ công Vũ Thượng sẽ tiếp tục giới thiệu hệ thống xe điện ngầm Paris sau khi đưa chúng tôi quan sát kỹ lưỡng cái ga Lyon. Thoải mái bước vào giang sơn của dân Á châu, ngắm những gian hàng trưng bày theo kiểu Á đông, nhìn đoàn người lũ lượt qua lại trong lối đi, tôi tưởng tôi đang đi trong passage Eden của Saigon những năm còn ở trên đất nước.
Chị Thúy đã vui vẻ chào chúng tôi khi thấy Thượng bước vào. Những câu hỏi rất ấm tình Dalat, những câu thăm hỏi, những mẩu chuyện về Huế làm cho chúng tôi thấy trở nên rất thân thuộc; mà không thân sao được khi đã là đồng môn thì ít nhất cũng đã có một số điểm giống nhau rồi. Anh xuôi của tôi hòa đồng với chúng tôi dễ dàng, anh vui vẻ trò chuyện, vui đùa; thì ra cái tình thụ nhân đã được mặc nhiên nới rộng. Thượng gọi điện thoại cho Sinh ‘ em đến ngay, em đến ngay, anh Hải từ Marseille lên mà không báo trước để em thu xếp đi chơi.‘ Đến ngay là hơn ba mươi phút đợi chờ vì Sinh ở cách Paris 40km.
Vẫn cái vẻ thư sinh dù nhuốm thêm chút phong trần, Sinh đã vui vẻ kể chuyện từ ngày rời Marseille theo tiếng gọi của Paris. Xa cách nhưng không đổi lòng, anh em tái ngộ với một chầu phở ‘ bò ‘ mà anh xuôi và tôi đã quyết định sẽ thưởng thức cho bằng được sau mấy tháng ròng rã bị hội các hiền phụ Marseille gạch tên ra khỏi danh sách thực phẩm vì lý do ‘ bò điên ‘.
Rồi chú Sinh cáo từ vì đã hẹn với các bạn trẻ vui chơi vào dịp cuối tuần. Người trẻ mãi đã bịn rịn từ giả ‘khi nào anh lên nhớ báo trước để em đưa anh đi chơi‘. Tôi cũng bịn rịn và thoáng buồn vì biết đến chừng nào mới lại được phép để mà báo trước cho anh em đây.
Sau chuyến xe bus nối liền quận 13 đến Choisy, chúng tôi viếng căn ép đít (F10) của Văn Thượng. Giữa thành phố Paris mà có được một cái F10 như thế này thì quá huy hoàng. Nhà Văn Thượng ở tại một khu thương mãi, gần trạm xe bus, métro và tòa thị chính, những địa điểm cần thiết cho cư dân của thủ đô nước Pháp. Từ cửa sổ phòng khách, nhìn dòng sông uốn khúc giữa phố xá, tôi chợt nhớ đến con sông chảy ngang thành phố Tây Ninh, nơi tôi đã từng sống vui, sống buồn trong thời trẻ.
Đang bâng khuâng ngắm cảnh Paris và hồi tưởng... thì lại phải vội vã ra đi vì đến giờ hẹn với anh chị Thương. Lần đầu tiên gặp anh Kinh, phu quân của chị Thương, tôi thấy anh rất hiền hòa, tuy ít nói nhưng rất vui vẻ. Tôi đã mừng gặp lại chị Thương, dù không nói ra, tôi thực sự đã rất mừng khi thấy một đồng môn có được đấng phu quân như ý. Chúng tôi đã vui vẻ trò chuyện và không quên thỉnh thoảng liếc cái đồng hồ. Văn Thượng thì cứ quan sát, chờ đợi và ... dĩ nhiên tất cả đều mong anh Thái đến trễ ít ít thôi !!!
Và rồi anh cũng tới! Từ xa tôi đã nhận ra dáng đi chữ bát bất hủ từ thuở còn ở trong đại học xá. Lần này đặc biệt không nghe tiếng anh nói từ xa như lúc còn sinh viên. Phong trần, già dặn, tôi và anh đã nhận ra ngay, và chỉ một phút sau là những tràng âm thanh ngày cũ lại vang lên ... Đúng là một cuộc tái ngộ của các lão ngoan đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã sống lại với kỷ niệm thời sinh viên. Chúng tôi đã trở về quá khứ cho tới lúc cảm thấy bụng đói nên tiếp tục cuộc hàn huyên trong một quán ăn Việt Nam lịch sự của khu thương mãi quận 13.
Trong bữa ăn, chúng tôi đã làm sống lại những kỷ niệm cũ. Chúng tôi cũng phần nào biết thêm về thời kỳ mà chúng tôi đã không gặp nhau, một bữa ăn rất thân mật đã cho chúng biết rõ về nhau hơn, đã nối lại những đứt quảng do chiến tranh và mất nước... Chị Thương đã cho chúng tôi một bữa ăn rất đậm tình đồng môn. Văn Thượng không còn trách tôi hứa lèo. Thái không còn cự nự về những hứa hẹn của mùa hè 2000. Anh Kinh, chị Thương cho biết vẫn thường đi Montpellier, thành phố không xa Marseille. Tôi lạc quan nghĩ đến hè này sẽ còn tái ngộ với bạn cũ.
Chúng tôi chia tay nhau dưới cơn mưa nặng hột của Paris trong mùa chưa ấm. Ngày chúa nhật, Thượng và chúng tôi trở lại quận 13 để chờ anh Thái. Lần này anh không tới trễ lắm. Chúng tôi đã hẹn nhau đi nghe cựu đại sứ Bùi Diễm thuyết trình. Sau buổi ăn trưa, anh Thái vội vã đi lo giải quyết một vụ hẹn và sẽ trở lại đón chúng tôi đi. Nhìn Thượng là chúng tôi biết anh đang đánh lô tô trong bụng. Không sao đâu, trễ giờ là chuyện thường, và chúng tôi đã đến trễ thật sau khi được anh Thái và Thượng đưa đi một vòng Paris ... để tìm địa điểm họp.
Chúng tôi đến trễ nhưng cũng đã được tiếp đón nồng hậu. Anh xuôi tôi gặp lại những bạn thân sau một ngày bụi đời mà các bạn của anh đã mất dấu vì anh mãi vui với nhóm thụ nhân. Trong dịp này, tôi cũng gặp lại giáo sư Vũ Quốc Thúc, giáo sư Vương Văn Bắc và phu nhân. Cô Bắc đã nhắn về tiểu muội của tôi : ‘...tên cô ấy, tôi nghe quen, tôi chỉ nhớ tên những học trò giỏi...’
Rồi cũng đến lúc phải ra về. Anh Thái và Thượng đã tiễn chúng tôi ra ga Lyon. Hai người đã không ngần ngại tiễn chân chúng tôi đến tận toa tàu, chờ đoàn xe lăn bánh anh Thái mới lững thững trở ra. Buồn vui lẫn lộn. Trên đường trở về, anh xuôi và tôi đã nói rất nhiều về những gặp gỡ tại Paris. Những hảo cảm, những luyến tiếc. Ba mươi sáu giờ quá ngắn để tái ngộ. Ba mươi sáu giờ đã đủ để hâm nóng lại tình đồng môn. Lại hẹn trở lại Paris.
Dương Tấn Hải

No comments:

Post a Comment