1/9/23

Ukraina : Starlink làm thay đổi cục diện chiến tranh


Tỷ phú Elon Must đã lập một kỳ công trong cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina qua tiết mục điểm tuần báo của

Thụy My - RFI tiếng Việt ngày 07.01.2022 

Những chú chó con bên cạnh một thiết bị Starlink gần thành phố Lyman vừa được quân đội Ukraina giải phóng. Ảnh chụp ngày 07/10/2022. REUTERS - STRINGER

The Economist dành nhiều giấy mực để nói về Starlink : « Làm thế nào các vệ tinh của Elon Musk có thể cứu vãn Ukraina và làm thay đổi cuộc chiến ». Đó là một trong những kỳ quan thế giới, hay đúng hơn, là bên ngoài thế giới. Thiên hà Starlink hiện có 3.335 vệ tinh đang hoạt động, chiếm phân nửa tổng số vệ tinh của cả thế giới. Trong nửa năm qua, cứ mỗi tuần trên 20 vệ tinh mới được phóng lên, cung cấp internet tốc độ cao cho 45 nước, với 1 triệu người thuê bao. Đa số giao dịch hiện ở Ukraina : Starlink đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của Kiev.

Câu chuyện bắt đầu từ một dòng tweet của Mykhailo Fedorov, bộ trưởng bộ Chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraina gởi cho Elon Musk, hai ngày sau khi quân Nga tràn sang : « Thưa anh, trong khi anh cố gắng chinh phục Hỏa tinh, thì Nga đang định xâm chiếm Ukraina ! Khi hỏa tiễn của anh đáp thành công từ vũ trụ, thì hỏa tiễn Nga tấn công vào thường dân Ukraina ! Xin anh hãy cung cấp cho chúng tôi các trạm Starlink ». Chỉ vài giờ sau, nhà tỉ phú trả lời rằng đã kích hoạt dịch vụ Starlink trên lãnh thổ Ukraina và thiết bị sẽ gởi sau. Trong vòng vài ngày, những xe tải chở đầy các thiết bị bắt đầu đến Ukraina.

Trong tháng Năm, mỗi ngày có 150.000 người kết nối vào hệ thống. Chính phủ Ukraina nhanh chóng dựa vào đó để làm truyền thông, kể cả việc chuyển các thông điệp của tổng thống Volodymyr Zelensky. Do gọn nhẹ, Starlink hết sức hữu ích tại một đất nước mà mạng điện và viễn thông thường xuyên bị Nga đánh phá, tin tặc luôn tìm cách xâm nhập mạng internet. Khi Kherson được giải phóng vào tháng 11, nhờ Starlink mà điện thoại và internet được tái lập trong vài ngày.

1/7/23

NHỮNG CÂU ĐỐI TẾT THÚ VỊ


    Trở lại với đề tài CÂU ĐỐI TẾT mà ta còn gọi là Câu Đối Mừng Xuân hay Liễn Xuân do chữ Nho là XUÂN LIỄN 春聯 mà ra. Bỏ qua những câu đối thông thường như : "Nghinh xuân nghinh phúc lộc, Đón Tết đón bình an" hay những câu chữ thường gặp trong ngày Tết như :"Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ 天增歲月人增壽; Xuân mãn càn khôn phúc mãn môn 春滿乾坤福滿"... Ta chỉ điểm qua những câu đối đặc biệt thú vị hay có tính nghệ thuật như câu đối Tết sau đây :
                     
                     Bộc trúc nhứt thanh trừ cựu tuế,   
                          爆 竹 一 聲 除 舊 歲
                     Đào phù vạn hộ cánh tân xuân. 
                         桃 符 萬 户 更 新 春
 Có nghĩa :  
              - Pháo nổ đùng một tiếng, năm cũ đã đi qua ,
              - Lá bùa nêu dán lên, mùa xuân mới lại đến.
* Ghi Chú : 
             Bộc trúc 爆 竹 : Bộc là nổ, trúc là tre. Bộc trúc là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là "tiếng mắt tre nổ."  Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm cũ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì tập quán ngôn ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc,  phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa! 
             Đào Phù 桃 符 : Phù là lá bùa. Đào phù là Lá bùa dán lên cành cây đào. Tương truyền, cây đào là loại cây có thể trừ được tà ma, nên vẽ lá bùa dán lên cành đào trước cửa có thể làm cho tà ma sợ mà tránh xa... Lâu dần thành tục lệ ngày Tết, Dùng cành đào để vẽ bùa, hoặc dán lá bùa lên một cành đào, rồi treo trước cửa để trừ tà ma trong những ngày Tết.  Ở Việt Nam ta gọi là Lá Bùa Nêu, và được treo lên trên một ngọn tre còn chừa đọt,  trồng ở trước cửa nhà, gọi là Dựng Nêu. Chắc mọi người cũng đã nghe qua câu hát Ca dao :

                        Cu kêu, ba tiếng cu kêu, 
                       Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè... rồi chứ ?

cũng vì vậy mà chữ Đào Phù phải được dịch là "Lá bùa Nêu," chớ không phải là Lá Bùa đào.

Đó là câu đối phổ cập rộng rãi trong dân gian, cao hơn một chút, có tính chất văn học và các nét chấm phá của hội họa, câu đối mang tính nghệ thuật mà phổ biến rất rộng rãi không kém gì câu vừa nêu ở trên. Đó chính là câu đối sau đây :

                    Bộc trúc tam lưỡng thanh, nhân gian thị tuế,  
                     爆 竹 三 两 聲, 人 間 是 歲 ;
                    Mai  hoa   tứ  ngũ   điểm, thiên hạ   giai  xuân.
                     梅 花 四 五 点, 天 下 皆 春 .
Có nghĩa  : 
                 - Hai ba tiếng pháo đì đùng, nhơn gian đón mừng năm mới,
                 - Bốn năm đóa mai lấm tấm, thiên hạ đều biết xuân sang.

    Qủa là những nét chấm phá độc đáo tiêu biểu cho ngày Tết, vừa có tính văn học lại vừa mang tính chất chấm phá của hội họa và nhiếp ảnh như những hình ảnh sau đây.








       Một câu đối khác dán lên trong đêm Giao Thừa cũng rất độc đáo và không kém phần thú vị sau đây :

                  一  夜  分  二  年,  年  年  如  意;
                Nhất dạ phân nhị niên, niên niên như ý;
                  五  更  連  兩  歲,  歲  歲  平  安。
                Ngũ canh liên lưỡng tuế, tuế tuế bình an.
Có nghĩa :
        - Một tối nối hai năm, mỗi năm đều như ý;
        - Năm Canh liền hai tuổi, mỗi tuổi thảy bình an.

       Đêm Giao Thừa là đêm nối liền giữa năm cũ và năm mới và chỉ trong năm canh thì người ta đã bước từ tuổi này sang tuổi kia và mỗi năm mỗi tuổi đều được BÌNH AN NHƯ Ý !
      Câu đối vừa bình dị, dễ hiễu, vừa thực tế biết bao nhiêu, nhất là đối với những người tuổi già như chúng tôi thì "Bình an, Như ý" là điều trên hết !

















    Nhớ lúc nhỏ, mỗi buổi sáng gần ngày Tết thường ra nhà lồng chợ Cái Chanh, Cái Răng để xem các ông Đồ vườn viết câu đối Tết. Một trong các câu đối mà tôi còn nhớ cho đến hiện nay, đó chính là câu :

               一室泰和真富貴;   Nhất thất thái hòa chơn phú quý;     
               滿門春色是榮華。   Mãn môn xuân sắc thị vinh hoa.
 Có nghĩa :
              - Một nhà hòa thuận là Phú Qúy,
              - Đầy cửa màu xuân ấy Vinh Hoa.

     "Vinh Hoa Phú Quý" có nghĩa là gia đình trên thuận dưới hòa và luôn luôn vui vẻ như mùa xuân, đó mới chính là cái VINH HOA PHÚ QÚY thật sự; chớ không cần phải có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, làm quan lớn mới là "Vinh Hoa Phú Quý". Câu đối ý nghĩa và mang tính xây dựng thực tế biết bao! 

Thư pháp của ĐCĐ

  Nhớ...
         Khi còn ở Việt Nam, năm 1996 là năm đầu tiên Nhà Nước Việt Nam cấm đốt pháo Ăn Tết. Tôi bèn làm và dán đôi câu đối thế nầy trước cửa :
 
                       Bộc trúc vô thanh xuân nhưng chí ,
                         爆   竹   無   聲   春   仍   至 ,
                      Huỳnh mai hữu sắc phước hoàn lai.
                         黄   梅   有   色   福   還   来.
Có nghĩa :
             - Pháo đã bặt tăm xuân vẫn đến;
             - Mai còn khoe sắc phước còn theo.

     Ý là mặc dù Pháo đã không còn nổ vang nữa, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến.(cấm pháo, chớ đâu cấm được mùa xuân !) và nếu Mai vàng vẫn còn khoe sắc, thì phước vẫn hãy còn đến nhà mà thôi !
      Câu đối đã đáp ứng được thời cuộc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế đang sống...Không cho đốt pháo, nhưng Xuân vẫn cứ đến, Mai vẫn cứ nở và Tết vẫn cứ ...ăn  như thường.... !

Ông Đỗ Văn Vi, ba của ĐCĐ đứng trước câu đối Tết năm 1996

  Lại nhớ...
         Khoảng đâu thập niên 60 của Thế kỷ trước, khi ba tôi còn bán "Tiệm Hàng-Xén" trong chợ Cái Chanh; Tết năm đó có ông bác họ từ Chợ Lớn về quê ăn Tết. Thấy các ông Đồ vườn bày bàn viết liễn Tết, bác cũng ngứa nghề nổi hứng viết theo. Một trong các câu đối mà bác viết năm đó đã làm cho tôi khó quên nhất chính là câu :

                不須着急求佳景;   Bất tu chước cấp cầu giai cảnh;
                自有奇逢應早春。   Tự hữu kỳ phùng ưng tảo xuân !
Có nghĩa :
           - Đừng vội cầu chi hoàn cảnh đẹp;
           - Sẽ có kỳ phùng sớm đón xuân !

   Ý là : Chớ có vội vàng gấp gáp mà cầu xin cho được hoàn cảnh tốt đẹp; Hãy cứ lạc quan vui vẻ mà đón xuân đi rồi sẽ có những bất ngờ may mắn sẽ đến với bạn sau !... Câu đối tự nhiên, đơn giản gãy gọn mà lạc quan ý nghĩa biết bao : Cứ tự nhiên vui sống trước đã, cái gì đến tự nó sẽ đến !...

Thư pháp của ĐCĐ
    
    Nhân ngày đầu XUÂN, kính chúc cho mọi người, mọi nhà đều tràn đầy PHÚC LỘC và quanh năm đều được BÌNH AN, NHƯ Ý !

      Hẹn bài viết tới !

                                                                杜紹德
                                                             Đỗ Chiêu Đức


1/5/23

2023 : Tiền, công cụ để Trung Quốc xây dựng một trật tự thế giới mới ?

RFI - Thanh Hà 


Năm 2023, một năm « đầy khó khăn ». IMF dự báo « một phần ba kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào suy thoái, những biến thể của virus gây đại dịch Covid vẫn là mối đe dọa chính. Chiến tranh Ukraina không hồi kết tiếp tục làm rối loạn thị trường năng lượng và lương thực thế giới. Lạm phát thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất chỉ đạo ».

Nghe phần âm thanh:

Liệu đây có là lúc ể đồng nhân dân tệ Trung Quốc đọ sức với đô la Mỹ trên thị trường năng lượng thế giới ?

Quẻ bói đầu năm không mấy tươi sáng

Trong quẻ bói đầu năm, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bà Kistalina Georgieva, không mấy lạc quan về viễn cảnh trong 12 tháng sắp tới với dự báo 2023 sẽ « khó khăn hơn năm cũ », tăng trưởng tại Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc ba trọng tâm kinh tế toàn cầu đều « chựng lại ». Một nửa trong số 27 thành viên Liên Âu lâm vào « suy thoái » và « lần đầu tiên từ 40 năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc ngang bằng với tăng trưởng toàn cầu ». Chiến tranh Ukraina, tiếp tục « đè nặng » lên đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu người.

Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Fitch từ đầu tháng 12/2022 giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc cho năm 2023. Bước sang những ngày đầu năm mới, hiện tượng giá dầu hỏa và khí đốt giảm không hẳn là một tin vui. Trong phiên giao dịch hôm 02/01/2022, giá khí đốt trên thị trường châu Âu rơi xuống mức thấp nhất từ ngày 24/02/2022 khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang lãnh thổ Ukraina.

Covid sau đúng ba năm hoành hành vẫn chưa buông tha Trung Quốc. Tháng 12/2022 chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong 5 tháng liên tiếp. Báo kinh tế Caixin phát hành tại Bắc Kinh ghi nhận : công xưởng của thế giới đang bị đóng băng, trong 9 tháng liền, chỉ số tuyển dụng thêm nhân viên vào các nhà máy Trung Quốc tuột dốc.   

Nguy cơ xung đột tiền tệ Mỹ -Trung ?

Giới quan sát báo trước, chuỗi cung ứng toàn cầu, với một mắt xích quan trọng được đặt ở Hoa Lục sẽ còn « tắc nghẽn » trong thời gian sắp tới. Một số tập đoàn đa quốc gia tiếp tục tính đến giải pháp di dời cơ sở sang nơi khác, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào công xưởng lớn nhất thế giới này. Với những khó khăn kinh tế chồng chất, tham vọng của Bắc Kinh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có còn tính thời sự hay không ?

Bộ Tài Chính Nga hôm 30/12/2022 thông báo tỷ lệ của đồng tiền Trung Quốc trong Quỹ Tài Sản Quốc Gia FBN « đã được nhân lên gấp đôi », Nhân dân tệ chiếm 60 % quỹ để tài trợ thâm hụt ngân sách của chính quyền Liên Bang Nga. Đổi lại, các đơn vị tiền tệ khác như đồng bảng Anh hay đồng yen Nhật Bản đã « rơi xuống còn số không ». FBN tính đến ngày 01/12/2022 trị giá 186,5 tỷ đô la Mỹ. 

Trước đó, đầu tháng 12/2022, trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thanh toán các hóa đơn năng lượng của Bắc Kinh bằng nhân dân tệ và mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới.

Jean -Baptiste Nóe, tổng biên tập thời báo chuyên về các vấn đề địa chính trị Conflits, lưu ý trong một thời gian dài, « đô la là đơn vị tiền tệ duy nhất được dùng để thanh toán các khoản mua bán năng lượng » thế nhưng Trung Quốc đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền đó của Mỹ bằng cách « tạo điều kiện để mua dầu hỏa và khí đốt bằng đồng nhân dân tệ ». Dù vậy trên đài RFI tiếng Việt, ông Nóe đánh giá còn quá sớm để kết luận rằng tính toán của Bắc Kinh làm suy yếu Mỹ hay làm suy yếu vị thế của đồng đô la Hoa Kỳ :

Jean - Baptiste Nóe : « Đúng là có thể nói đô la mất thế độc quyền, không còn là đơn vị tiền tệ duy nhất để thanh toán các hóa đơn năng lượng, do giờ đây người ta có thể mua dầu khí bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong và đồng đô la vẫn là đơn vị tiền tệ được sử dụng phổ biển nhất trên thế giới. Sức mạnh của Hoa Kỳ và của đồng đô la chưa tới hồi kết (…). Từ nhiều năm nay, một số quốc gia đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền của đô la, nhưng tất cả đều đã thất bại, bởi đó là những nước nhỏ. Lần này Bắc Kinh tìm cách áp đặt luật chơi mới với Mỹ. Là nền kinh tế thứ hai toàn cầu nên Trung Quốc có trọng lượng để làm như vậy trên thị trường năng lượng, dầu khí. Washington không còn kiểm soát được hết tất cả. Dù vậy Hoa Kỳ có một ưu thế mà Trung Quốc không có được : Mỹ là một quốc gia sản xuất dầu đá phiến. Mỹ vừa sản xuất, vừa xuất khẩu năng lượng nhờ công nghệ mới này. Trung Quốc thì không. Đây là một lợi thế làm tăng thêm sức mạnh của Hoa Kỳ ».

Dầu đá phiến giúp Mỹ hạ Trung Quốc 1-0

Chính vì có dầu khí mà Hoa Kỳ không sợ thế độc quyền của đô la bị đe dọa. Bởi nếu quả thực là đồng nhân dân tệ phần nào có thể thay thế  đồng đô la Mỹ thì « đây sẽ là hồi kết của thế độc quyền không chỉ về mặt tiền tệ và tài chính, mà còn cả về mặt chính trị ». Vẫn ông Jean–Baptiste Nóe giải thích : « Nếu như Trung Quốc có thể dùng đơn vị tiền tệ quốc gia để mua dầu khí, thì có lẽ ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, tất cả các nước châu Á còn lại hiện đang nắm giữ nhân dân tệ cũng sẽ theo gương của Bắc Kinh ». Hơn thế nữa, một số quốc gia thù nghịch với Mỹ, từ Venezuela đến Iran, sẽ không ngần ngại bán dầu hỏa bằng nhân dân tệ thay vì đô la.

Giấc mơ còn xa vời

Thế nhưng kịch bản Bắc Kinh mong đợi ấy đã không xảy ra. Tháng 2/2022, vào lúc chiến tranh Ukraina bùng phát, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Swift, nhiều người đã tưởng rằng đồng tiền Trung Quốc sẽ từng bước được sử dụng nhiều hơn, thậm chí sẽ thay thế đồng đô la của Mỹ. Nhưng theo báo cáo hôm 30/09/2022 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đô la chiếm 59,5 % dự trữ ngoại tệ của các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới, tăng 9,5 điểm so với hồi 2020. Trong khi đó đồng nhân dân tệ vẫn không cất cánh, với chưa đầy 2,9 %.

Vẫn theo báo cáo này ghi nhận, « khoảng 1/3 dự trữ ngoại tệ bằng đồng tiền của Trung Quốc là do nước Nga nắm giữ ».

Trên đài RFI tiếng Việt, Jean-Baptiste Nóe giải thích thêm : Hiện tại Trung Quốc mới chỉ có thể mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia với các đối tác châu Á, trong lúc toàn cảnh thế giới đang bị chia ra thành hai cực, kể cả trên mặt trận tiền tệ :

Jean - Baptiste Nóe : « Hiện tại chúng ta thấy đồng nhân dân tệ chủ yếu được mua vào và sử dụng rộng rãi tại khu vực châu Á. Châu Âu ít bị ảnh hưởng, do vẫn ở trong quỹ đạo của đồng đô la. Thế giới hiện đang bị phân chia ra thành nhiều khối, mà Trung Quốc và Hoa Kỳ là trung tâm của những khối đó. Khu vực chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh càng lúc càng sử dụng nhiều hơn đồng nhân dân tệ. Liên Hiệp Châu Âu đã từng có tham vọng dùng đồng euro để thoát khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ, nhưng euro zone vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của đô la, của kinh tế Hoa Kỳ ».

Thiếu tin tưởng vào đồng tiền Trung Quốc là trở ngại chính của đồng nhân dân tệ. Sở dĩ thế giới vẫn ưa chuộng đô la, bởi cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Hoa Kỳ, vào kinh tế Mỹ, vào ảnh hưởng chính trị của Washington. Câu hỏi kế tiếp là liệu rằng Bắc Kinh có đủ sức đạt tham vọng áp đặt một trật tự tiền tệ mới với thế giới? Tổng biên tập thời báo Conflits Jean Baptiste Nóe trả lời :

Jean - Baptiste Nóe : « Đúng là kiểm soát được các luồng giao dịch tiền tệ tạo nên một sức mạnh rất lớn cho Trung Quốc mà đến nay quốc gia này không có được. Bắc Kinh đã thực hiện rất nhiều dự án đầu tự chủ yếu trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa mới thế kỷ 21. Đây là một khoản chi phí rất tốn kém cho dù phần lớn trong số đó do chính các quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc đài thọ. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chựng lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn hẳn so với những thập niên vừa qua, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có vượt qua được những khó khăn này hay không, hay đây thực sự là hồi kết của một chu kỳ phát triển chưa từng có của quốc gia châu Á này ».

Trước mắt, các nhà đầu tư quốc tế vào Hoa Lục phải liên tiếp giải quyết những vẫn đề nảy sinh từ chính sách zero Covid của Bắc Kinh, khủng hoảng địa ốc kéo dài và đang có khuynh hướng lan tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Thêm một dấu hiệu kém khả quan khác cho đồng tiền Trung Quốc trong năm 2023 là vào lúc Mỹ, rồi châu Âu tăng lãi suất chỉ đạo, giới trong ngành dự báo chính người dân Trung Quốc có thể sẽ mua đô la và euro để đầu tư ở nước ngoài. Đồng tiền Trung Quốc qua đó thêm suy yếu. Khuynh hướng này càng rõ nét nếu kinh tế Trung Quốc xấu đi thêm. Ở góc đài bên kia, sức mạnh của đồng đô la đã được củng cố đáng kể, bởi ngoài Mỹ, tình hình tại khắp mọi nơi trên thế giới đều bấp bênh, kể cả tại hai điểm tựa của kinh tế toàn cầu là Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản.

1/4/23

Tiểu sử chính thức của Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict

(Source: Vatican News - English: Death of Pope Emeritus Benedict: his official biography. https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2022-12/pope-emeritus-benedict-xvi-official biography.html

Xuất xứ: Tin Tòa thánh Vatican - Tiếng Anh: Sự qua đời của Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict: tiểu sử chính thức của Ngài - Phạm Văn Bân dịch, January 04, 2023)

Cố Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI 

VATICAN


Theo sau thông báo về sự qua đời của Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI vào ngày Thứ Bảy (12-31-2022) ở tuổi 95, chúng ta nhìn lại cuộc đời trường thọ của Ngài và các điểm nổi bật chính yếu với tiểu sử chính thức sau đây. Theo Tin Tòa thánh Vatican

Hồng y Joseph Ratzinger, Đức Giáo hoàng Benedict XVI, sinh tại Marktl am Inn, Giáo phận Passau (nước Đức) vào ngày 16-04-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) và được rửa tội cùng ngày.

Cha của ngài, một Ủy viên Cảnh sát, thuộc một gia đình nông dân lâu đời tại Lower Bavaria với tài lực kinh tế vừa phải. Mẹ ngài là con gái của một thợ thủ công tỉnh Rimsting bên bờ Hồ Chiem. Trước khi kết hôn, bà làm đầu bếp cho một số khách sạn.

Joseph trải qua thời thơ ấu và niên thiếu ở Traunstein, một làng nhỏ gần biên giới nước Austria/Áo, cách Salzburg ba mươi cây số. Trong môi trường này, chính ngài tự khẳng định là “Mozartian/người theo nhạc Mozart”, ngài nhận được đào tạo về Thiên chúa giáo, văn hóa và con người. 

Những năm tháng tuổi trẻ của ngài không hề dễ dàng. Đức tin của ngài và sự giáo dục nhận được  ở quê nhà đã chuẩn bị cho ngài kinh nghiệm khắc nghiệt trong những năm mà chế độ Quốc-xã  theo đuổi thái độ thù hằn đối với Giáo hội Thiên chúa giáo. Chàng thanh niên Joseph đã chứng  kiến cảnh một số lính Quốc-xã đánh đập Cha Giáo xứ trước buổi cử hành Thánh lễ. 

Đúng trong hoàn cảnh phức tạp đó, ngài khám phá ra nét đẹp và chân lý của niềm tin vào Chúa  Christ; nền tảng cho việc này là thái độ của gia đình ngài, là những người luôn luôn làm chứng rõ  ràng về lòng bác ái và hy vọng, được bắt nguồn từ một sự gắn bó vững chắc đối với Giáo hội. 

Ngài đã ghi danh vào một quân-đoàn-phòng-không-phụ-trợ cho đến tháng 9 năm 1944.

Tu sĩ

Từ năm 1946 đến năm 1951, ngài học triết học và thần học tại Trường Cao cấp Triết học và Thần  học Freising và tại Đại học Munich. 

Ngài thụ phong linh mục ngày 29-06-1951. Một năm sau, ngài bắt đầu giảng dạy tại Trường Cao  cấp Freising. 

Năm 1953, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học với luận án mang tựa đề “Dân chúng và Nhà Thiên Chúa  trong Học thuyết của Thánh Augustine về Giáo hội”. 

Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của giáo sư thần học căn-bản nổi tiếng Gottlieb Söhngen, ngài  hội đủ điều kiện giảng dạy tại đại học với luận án chuyên về: “Thần học về Lịch sử thông qua  Thánh Bonaventura”. 

Sau khi dạy thần học tín-lý và căn-bản tại Trường Cao cấp Triết học và Thần học Freising, ngài tiếp tục dạy tại Bonn, từ năm 1959 đến năm 1963; tại Münster từ 1963 đến 1966; và tại Tübingen  từ năm 1966 đến năm 1969. Trong năm cuối này, ngài giữ chức Chủ tịch Giáo lý và Lịch sử Giáo  lý tại trường Đại học Regensburg, nơi ngài cũng là Phó Khoa trưởng của trường. 

Từ năm 1962 đến năm 1965, ngài đã có những đóng góp đáng chú ý cho Công đồng Vatican II với  tư cách là một “chuyên viên”, có mặt tại Công đồng như là một cố vấn thần học của Đức Hồng y  Joseph Frings, Tổng Giám mục giáo phận Cologne. 

Hoạt động khoa học tích cực của ngài đã đưa ngài đến những vị trí quan trọng trong việc phục vụ Hội đồng Giám mục Đức quốc và Ủy ban Thần học Quốc tế. 

Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và các thần học gia quan trọng khác,  ngài khởi xướng tạp chí thần học Communio. (Communion/Rước Lễ). 

Giám mục và Hồng y

Vào ngày 25-03-1977, Đức Giáo hoàng Paul VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Munich và  Freising. Ngày 28-05 cùng năm, ngài thụ phong hồng y. Ngài là giám mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm để đảm nhận việc điều khiển mục vụ của Tổng giáo phận Bavarian rộng lớn. 

Ngài chọn phương châm giám mục của mình: “Những người đồng hành cùng với chân lý”. Chính  ngài giải thích tại sao: 

Một mặt, tôi xem đó như là mối tương quan giữa nhiệm vụ giáo sư trước đây với nhiệm vụ mới của tôi. Bất chấp những khuynh hướng khác nhau, bất chấp chuyện gì liên quan, và  vẫn tiếp tục như vậy, sự kiện là đi theo lẽ thật và phụng sự lẽ thật. Mặt khác, tôi chọn  phương châm đó bởi vì trong thế giới ngày nay, chủ đề về chân lý gần như bị loại bỏ hoàn  toàn, như là một điều gì đó quá vĩ đại đối với con người, nhưng mọi thứ sẽ sụp đổ nếu thiếu  vắng chân lý. 

Đức Giáo hoàng Paul VI phong ngài tước Hồng y với tước hiệu giám mục “Santa Maria  Consolatrice al Tiburtino” trong Hội nghị Hồng y vào ngày 27-06-1977. 

Năm 1978, ngài tham gia Mật Nghị Hồng y vào ngày 25 và 26 tháng 8, bầu chọn Đức Giáo hoàng  John Paul I, người đã bổ nhiệm ngài làm Đặc Phái viên tại Đại Hội Thánh Mẫu Quốc Tế III, được  tổ chức tại Guayaquil (Ecuador) từ ngày 16 đến 24 tháng 9. Vào tháng 10 cùng năm, ngài tham  gia Mật Nghị Hồng y bầu chọn Đức Giáo hoàng John Paul II. 

Ngài là Người-Tường-thuật của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ V của Thượng Hội đồng Giám  mục xảy ra vào năm 1980 với chủ đề: “Vai trò của Gia đình Thiên chúa giáo trong Thế giới Hiện  đại”, và là Chủ tịch Đại biểu của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ VI năm 1983 về “ Hòa Giải và  Sám Hối trong Sứ Mạng của Giáo Hội Ngày Nay”. 

Tổng trưởng 

Ngày 25-11-1981, Đức Giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Thánh bộ Giáo  lý Đức tin và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh và Ủy ban Thần học Quốc tế. Ngày 15- 02-1982, ngài từ chức điều khiển phụng sự cho Tổng giáo phận Munich và Freising. 

Đức Thánh Cha nâng ngài lên Dòng Giám Mục và giao Tòa Thánh ngoại ô Velletri-Segni cho ngài  phụ trách vào ngày 05-04-1993. 

Ngài là Chủ tịch Ủy ban Chuẩn bị cho Giáo lý của Giáo hội Thiên chúa giáo, sau sáu năm làm việc  (1986-1992), đã trình sách Giáo lý mới lên Đức Thánh Cha. 

Vào ngày 06-11-1998, Đức Thánh Cha phê chuẩn việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger làm Phó  Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, do các hồng y của Dòng Giám Mục đệ trình. Vào ngày 30-11-2002,  Đức Giáo hoàng John Paul II phê chuẩn việc bầu ngài làm Niên Trưởng Hồng Y Đoàn; cùng với  văn phòng này, ngài được giao phụ trách Tòa Thánh ngoại ô Ostia. 

Năm 1999, ngài là đặc phái viên của Đức Giáo hoàng cho Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo  phận Paderborn, nước Đức, xảy ra vào ngày 3 tháng Giêng.

Trong Giáo triều Roman, ngài là thành viên của: Hội đồng Quốc vụ khanh về Tương quan với các  Quốc gia; Thánh bộ Giáo hội Đông phương, Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Giám mục,  Truyền giáo Dân tộc, Giáo dục Thiên chúa giáo, Giáo sĩ và Phong thánh; các Hội đồng Giáo hoàng  về Cổ vũ Văn hóa và Hiệp nhất Thiên chúa giáo; Tối cao Pháp viện của Tòa án Tông đồ, và của  Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latin, “Ecclesia Dei/Hội Thánh Đức Chúa Trời/天主的教會:  Thiên Chúa đích Giáo hội: Giáo hội của Thiên Chúa”, Thánh bộ Giải thích về bộ Giáo luật, và Tu  chỉnh về bộ Giáo luật của Giáo hội Đông phương. Kể từ ngày 13-11-2000, ngài là Viện sĩ Danh dự của Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Về học thuật 

Trong số nhiều ấn phẩm của ngài, một điều đặc biệt cần nhắc đến là cuốn Introduction to  Christianity/Nhập môn Thiên chúa giáo, một tuyển tập của các bài giảng đại học về Tín điều Sứ đồ, xuất bản năm 1968; và Dogma and Preaching/Tín lý và Mạc khải (1973), một tuyển tập của  các tiểu luận, bài giảng đạo và phản ánh suy tư dành riêng cho các lập luận mục vụ. 

Bài thuyết giảng của ngài trước Học viện Thiên chúa giáo Bavaria về “Tại sao tôi vẫn ở trong Giáo  hội” đã gây tiếng vang lớn; trong đó, ngài tuyên bố rõ ràng như thường lệ: “người ta chỉ có thể là  tín đồ Thiên chúa giáo ở bên trong Giáo hội, không thể ở bên cạnh Giáo hội”. 

Nhiều ấn phẩm của ngài đã được phổ biến trong nhiều năm và tạo thành một điểm tham khảo cho  nhiều người, đặc biệt cho những người quan tâm đến việc nghiên cứu sâu hơn về thần học. Năm  1985, ngài xuất bản cuốn-sách-phỏng-vấn về tình hình đức tin (The Ratzinger Report/Báo cáo của  Ratzinger) và vào năm 1996, Salt of the Earth (nguyên tựa đề là Salz der Erde, Licht der Welt:  Muối của trái đất, ánh sáng của thế giới). Nhân dịp sinh nhật 70 tuổi của ngài, tập sách At the  School of Truth/Ở tại Trường Chân lý được xuất bản, bao gồm các bài viết của một vài tác giả về các khía cạnh khác nhau về tính cách cá nhân và tác phẩm của ngài. 

Ngài nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự: năm 1984 từ Đại học St. Thomas tại St. Paul,  (Minnesota, Mỹ); năm 1986 từ Đại học Thiên chúa giáo Lima (Peru); năm 1987 từ Đại học Thiên  chúa giáo Eichstätt (Đức); năm 1988 từ Đại học Thiên chúa giáo Lublin (Poland); năm 1998 từ Đại học Navarre (Pamplona, Spain); năm 1999 từ LUMSA (Libera Università Maria Santissima  Assunta) của Rome và năm 2000 từ Khoa Thần học của Đại học Wrocław tại Poland. 

Đức Giáo hoàng 

Hồng y Joseph Ratzinger được bầu vào ngày 19-04-2005 là Đức Giáo hoàng 265th

Ngài là người lớn tuổi nhất được bầu làm Đức Giáo hoàng kể từ năm 1730, và là vị Hồng y trong  một thời gian lâu hơn bất cứ Đức Giáo hoàng nào kể từ năm 1724. 

Vào ngày 11-02-2013, trong Công nghị Công khai Thường lệ để Bỏ phiếu về một vài Án Phong  Thánh, Đức Giáo hoàng Benedict công bố quyết định từ chức Phụng sự Thánh Peter/Petrine  ministry với những lời như sau:

Sau khi lặp đi lặp lại xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã chắc chắn rằng sức lực của  tôi, do tuổi cao, không còn thích hợp để thực hiện việc Phụng Sự Thánh Peter một cách  thỏa đáng nữa. Tôi ý thức rất rõ rằng việc phụng sự này, do bản chất tinh thần thiết yếu của nó, phải được thực hiện không những bằng lời nói và việc làm, mà còn không kém  phần cầu nguyện và chịu đựng đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, bị hướng về nhiều biến chuyển mau lẹ và bị lung lay bởi những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về đời sống  đức tin nên để điều khiển chiếc thuyền của Thánh Peter và loan truyền Phúc-âm thì cần có  sức mạnh cả thể xác lẫn tinh thần, một sức mạnh mà trong vài tháng vừa qua đã bị sa sút  trong tôi đến nỗi tôi phải nhận thức rằng tôi không có khả năng để hoàn thành một cách  thỏa đáng cho việc phụng sự đã được trao phó cho tôi. Vì lý do này, và ý thức rất rõ ràng  về sự nghiêm trọng của hành động này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ chức phụng sự Giám mục Roma, Người Kế vị Thánh Peter. 

Triều đại giáo hoàng của ngài kết thúc vào ngày 28-02-2013. 

Sau khi việc từ chức của ngài có hiệu lực, Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI sống bên trong  Tòa Thánh, trong Tu viện Mater Ecclesiae cho đến khi ngài qua đời. 



Bản gốc tiếng Anh: 

(Vatican News - English: Death of Pope Emeritus Benedict: his official biography. https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2022-12/pope-emeritus-benedict-xvi-official biography.html.) 


1/3/23

Trích Phóng sự - Họp mặt truyền thống Thụ Nhân 12-2022

Tập 2/1: Họp mặt khoa-khóa của Út Tam

Cũng theo thông lệ, đêm trước của đêm diễn ra đêm Gala của toàn thể TN/VĐHĐL, các khoa-khóa thường tụ tập riêng với nhau để hàn huyên, tâm sự, ăn uống, nhảy nhót...tùy theo số lượng tham dự của mỗi khoa-khóa mà chọn đia điểm thích hợp. Nếu ít thì có thể chọn...quán nhậu làm vài xị, vài ve cho ấm lòng chiến sĩ vừa dzô...dzô vừa chuyện trò rôm-rả, nếu đông thì có thể chọn hàng quán, nhà hàng rộng rãi, có phông nền, sân khấu, âm thanh...Theo thông tin ghi nhận được thì K8 + K11 tổ chức ở Thung Lũng Trăm Năm có sân rộng hát hò, nhảy múa cồng chiêng...Các khoa khóa khác thì không ghi nhận được. Riêng năm nay là tròn 50 năm K9 QTKD và K1 CTXH nhân dịp này kết hợp tổ chức chung với nhau cũng nổi đình, nổi đám lắm.

Đúng 5g30 chiều ngày 17/12/2022 chỉ huy trưởng CTXH qua hệ thống viễn liên vô tuyến điện (đã được mã hóa) phòng ngừa phe ta nghe lén...phục kích phe mình từng tốp 4 người lên xe chuyển quân 4 bánh chiếm đồi Guava Hill(KS) ở khu Chi Lăng gấp, nơi sẽ tập trung quân K9 QTKD và CTXH tránh tập trung quân đông người ở bản doanh dễ bị...pháo kích.
CTXH không tập trung quân vì sợ pháo kích nên đã phân tán mỏng đi hết rồi, do vậy không có tấm hình chụp chung nào😃😃😃 ở bản doanh trước khi...hành quân.
Tại đồi Guava hill quân ta đánh mạnh quân mình, tịch thu được 1 con heo quay 70 kg thơm phức, giòn rụm.

Hình K9 QTKD

Quang cảnh kỷ niêm 50 năm K9 QTKD và K1 CTXH vào trường

Xem  Video Khiêu Vũ:



Đ À L Ạ T, N G À Y T R Ở L Ạ I…

Trung Nguyên


Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi mình rời Viện Đại học Đà Lạt, từ giã thành phố mù sương này. Trong gần nửa thế kỷ ấy, có lúc mình đã trở lại, vội vội vàng vàng, rồi đi, chưa đủ thì giờ để thăm lại chốn xưa, nơi mình đã để lại những năm tháng đáng nhớ nhất trong thời sinh viên rực rỡ của mình.

Viện Đại học Đà Lạt (1957 – 1975, nay là Trường Đại học Đà Lạt), tọa lạc trên ba ngọn đồi thơ mộng, được gọi là Khu vực A, B, C. Khu vực A (gồm các cơ sở hành chính và giảng đưởng) nằm ở đường Phù Đổng Thiên Vương, nhìn ra sân cù về hướng phố, vẫn trầm mặc như thuở nào. Nơi đây, bao thế hệ sinh viên tài năng đã được đào tạo, tỏa ra khắp năm châu bốn bể, làm rạng danh ngôi trường danh tiếng bậc nhất ở thành phố cao nguyên, nơi thể hiện rõ nét triết lý giáo dục: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Những giảng đường cổ kính vẫn hầu như nguyên vẹn như xưa: Hội Hữu của SPCN, Tri Nhất của MPC, Spellman của Chính trị Kinh doanh, Dị An của Chính trị Xã hội, Minh Thành của Văn Khoa, Trung tâm sinh viên của Sư Phạm… 

Thông vẫn reo chào đón người về. Sương mù sớm mai vẫn giăng mọi lối đến giảng đường như ngày xưa đi học. Nhưng còn đâu hình bóng thầy cô. Nhưng còn đâu hình bóng bạn bè. Cổng trường im ỉm đóng. Giảng đường im phăng phắc. Chỉ có tiếng chim lạc đàn văng vẳng đâu đây. Chỉ có mùi hoa dại gợi nhớ một thời xa vắng.

Cà phê Tùng vẫn đông khách nhưng vẫn tĩnh lặng như ngày nào, ngày mà giới văn nghệ sĩ, giáo sư và sinh viên vẫn thường đến ngồi đồng, trầm ngâm bên những phin cà phê thong thả nhỏ từng giọt đậm đặc vào đáy cốc, giữa không gian đầy khói thuốc. Vẫn những bức tranh treo tường phủ bóng thời gian từ thập niên 60 thế kỷ trước của Đinh Cường, Thái Lãng, Nghiêu Đề… Vẫn những bộ ghế dài cũ kỹ bọc da màu đỏ đã phai màu kê sát hai bên tường. Vẫn cặp loa thùng bằng gỗ phát ra những âm thanh ma mị và sang trọng ngày xưa. Vẫn những vị khách kén chọn, tuy mỗi thời một khác, đắm chìm trong suy nghĩ với những mảng ký ức mơ hồ.
 
Với mình, cà phê Tùng có một không gian và thời gian riêng mà hiếm nơi nào có: ở đó, người ta đến để hoài niệm, để chiêm nghiệm về thân phận con người và lựa chọn cho mình một tâm thế sống; ở đó, thời gian như dừng lại ở một thời xa lắc xa lơ hoặc trôi rất chậm như kiểu sống chậm của những người đến đó, mặc cho cuộc đời có tất bật ngoài vuông cửa kính chia thế giới làm hai: hiện tại và quá khứ; thật và mơ...

Thủy Tạ trông rất điêu tàn so với Thanh Thủy ở bờ hồ đối diện. Cái quán “cà phê tím” ăn theo loài hoa Pensée gợi nhớ này, tuy có vẻ rất ăn nên làm ra, nhưng hoàn toàn không có trong tiềm thức của mình. Với mình, Thủy Tạ là những đêm mù sương, co ro thu mình trong góc tối, nhâm nhi một cốc cà phê đen, thả ước mơ lên trời theo khói thuốc và bỗng thấy thèm vòng tay của người tình. Người tình ấy chưa bao giờ lên Đà Lạt như mình hằng mong ước, nhưng em đã đến và vĩnh viễn ở lại trong cuộc đời mình hơn bốn chục năm nay.

Thung Lũng Tình Yêu đẹp hơn xưa rất nhiều và cũng nhộn nhịp hơn xưa. Ngày xưa mình đã đến, nhưng đến với các bạn học SPCN trong những chuyến du ngoạn tìm hiểu về các loài cây và hoa ở đó. Bây giờ trở lại nơi xưa với những người bạn già, trong đó có cả bạn đời. Tay trong tay, dung dăng dung dẻ, cứ tưởng mình là những cặp tình nhân trẻ gặp nhau trong những buổi hẹn đầu. Vậy là cuối cùng những người yêu nhau đã gặp được nhau ở thành phố mộng mơ ấy. Vậy là Thung Lũng Tình Yêu lại thêm một lần được chào đón những người yêu nhau lúc tóc đã không còn xanh nhưng tình thì vẫn rất nồng.

Có một nơi ngày xưa chưa có là Nhạc Quán Diễm Xưa, nơi hằng đêm nhạc Trịnh và nhạc Tiền Chiến vẫn vang lên giữa những khán giả đồng điệu và trung thành. Họ ngồi đó trong yên lặng, nuốt trọn những thanh âm, thắp lên cho mình một ngọn lửa, như những ngọn nến xung quanh thắp lên cho đêm tối một thứ ánh sáng lung linh, thứ ánh sáng huyền ảo và nhiệm mầu có thể hàn gắn những đổ vỡ, chữa lành những vết thương và quên đi những phận đời oan nghiệt. Người ta gọi đây là quán cà phê “điên”. Có lẽ có lý do nào đó, nhưng mình thì thích cái sự “điên điên” ấy. Khán giả đắm chìm trong hoài niệm, còn ca sĩ thì hát như trút hết nỗi niềm và nhạc công thì lặng lẽ cống hiến hết tài năng của mình cho một giai đoạn phát triễn lộng lẫy nhất của nền âm nhạc Việt Nam trong thập niên 40, 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Đêm đã khuya, trời rất lạnh, vậy mà không ai muốn ra về. Bọn mình ngồi đó bên nhau, mặc trời lạnh, mặc đêm khuya, nhìn vào một cõi xa xăm nào đó, chiêm nghiệm về những được mất trong đời, lòng nhẹ tênh, hồn bay bỗng, đến nỗi đã lạc mất lối về.

Vẫn còn nhiều con đường mình muốn đi. Vẫn còn nhiều nơi mình muốn đến. Nhưng làm sao đi hết một lần? Nhưng làm sao đến hết một lần? Phải còn, để mình còn luyến tiếc và trở lại những lần sau. Tạm biệt em, thành phố mù sương.

Trung Nguyen
Thụ Nhân Viện ĐH Dalat