4/19/23

Có những Ngày vui - TNAC Ăn Tết Quí Tị


TN Âu Châu Ăn Tết Quí Tị tại tư gia anh PT Khoát, Paris

Có những ngày vui - TN Họp mặt tại SG 2013

HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG. (8) - Lý thú, Hấp dẫn, Khúc Chiết, Bất ngờ.

 

Tứ đại Ác nhân

Truyện võ hiệp Kim Dung còn làm cho người ta cảm thấy lý thú, hấp dẫn với những tình tiết dí dõm bất ngờ, như cách đặt tên và danh hiệu cho các nhân vật; chẳng hạn trong truyện "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部" có "Tứ Đại Ác Nhân 四大惡人" là :

      - ÁC Quán Mãn Doanh 貫滿盈 là Tội Ác đầy cả trời đất : Đoàn Diên Khánh 段延慶. Ông là cha đẻ của Đoàn Dự.
      - Vô ÁC Bất Tác 無不作 là Không có cái ác nào mà không làm : Diệp Nhị Nương 葉二孃. Bà là mẹ của nhà sư Hư Trúc.
      - Hung Thần ÁC sát 凶神煞 là Ông thần hung ác dữ dằn : Nam Hải Ngạc Thần 南海鱷神. Ông muốn thu Đoàn Dự làm đồ đệ, kết cục phái bái Đoàn Dự làm sư phụ.
      - Cùng Hung Cực ÁC 窮凶極 là người Hung dữ ác độc hết mức : Vân Trung Hạc 雲中鶴. Rất giỏi về khinh công và cũng rất háo sắc.
      Ta thấy :
      - Người Ác thứ nhất thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng đầu : ÁC Quán Mãn Doanh.
      - Người Ác thứ nhì thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng nhì : Vô ÁC Bất Tác.
      - Người Ác thứ ba thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng ba : Hung Thần ÁC sát.
      - Người Ác thứ tư thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng tư : Cùng Hung Cực ÁC.
      
     Kim Dung đã rất dụng tâm khi tạo ra ngoại hiệu cho Tứ Ác Nhân nầy, khiến người đọc khi nhận ra thì cảm thấy thật lý thú.

     Chương mở đầu trong Truyện "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記" có "Côn Luân Tam Thánh 崑崙三聖". Ai cũng tưởng đó là "Ba ông Thánh ở núi Côn Luân", ngay cả nhân vật trong truyện là Quách Tương cũng tưởng là thế; Ai ngờ Côn Luân Tam Thánh chỉ có một người giỏi cả ba môn CẦM, KIẾM, KỲ; là Cầm Thánh, Kiếm Thánh và Kỳ Thánh; có nghĩa : Người nầy đàn thật giỏi là Thánh ở môn đàn cầm; Kiếm pháp thật hay là thánh về kiếm pháp và Đánh cờ thật siêu, là ông thánh của cờ vây. Nhưng lại có cái tên nghe thật khiêm tốn là họ HÀ, tên là TÚC ĐẠO, là HÀ TÚC ĐẠO 何足道.
     HÀ 何 là : Sao mà; TÚC 足 là : Đủ để; ĐẠO là : Nói đến. Vừa hiệu vừa tên đọc liền một dãy thành :"CÔN LUÂN TAM THÁNH HÀ TÚC ĐẠO 崑崙三聖何足道"; Có nghĩa :"Sao có thể nói được là Công Luân Tham Thánh chớ ?". Nghe bề ngoài như rất khiêm tốn nhưng trong thâm tâm cũng có ý rất tự cao, tự hào :"Tại mọi người gọi tôi là Tam Thánh chớ tôi không dám tự xưng đâu nhé !".
     Côn Luân Tam Thánh HÀ TÚC ĐẠO là ông Tổ khai sáng ra phái Côn Luân sau nầy, cũng như Quách Tương khai sáng phái Nga My, Trương Quân Bảo (Tam Phong) khai sáng phái Võ Đang trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký vậy.

     Còn trong TIẾU NGẠO GIANG HỒ 笑傲江湖 thì có HOÀNG HÀ LÃO TỔ 黃河老祖. Mới nghe ai cũng tưởng chỉ có một người, nhưng thật ra đến hai người, là cặp bài trùng : Lão Đầu Tử 老頭子, người bào chế ra Tục Mệnh Bát Hoàn để cứu con gái; và Tổ Thiên Thu 祖千秋, chuyên gia về rượu và ly chén dùng để uống rượu.

 
 Hà Túc Đạo                   Lão Đầu Tử  

TỔ THIÊN THU 祖千秋, Họ TỔ 祖 tên TÔNG 宗. TỔ TÔNG 祖宗 là Ông bà Ông vãi; hiệu là THIÊN THU 千秋. Tổ Thiên Thu là Ông Tổ của ngàn thu ngàn năm.

LÃO ĐẦU TỬ 老頭子, Họ LÃO 老 tên GIA 爺, ai cũng phải kêu bằng LÃO GIA 老爺, là Ông Nội, Ông Chủ; hiệu là ĐẦU TỬ 頭子, Lão Đầu Tử là : Ông già, Ông Cha, kêu theo kiểu bình dân. Lão Đầu Tử có cô gái vì tiên thiên bất túc bệnh rề rề suốt năm, nên ông ta đi khắp nơi tìm đủ loại được thảo quý hiếm để bào chế ra Tục Mệnh Bát Hoàn cho con gái tiếp tục kéo dài sinh mạng. Ông sợ con gái của mình chết yểu, nên đặt tên cho cô ta là LÃO BẤT TỬ 老不死; Có nghĩa là :"Đến già cũng không chết"! Cái con nhỏ bệnh ế rề rề mà lại có tên là "Đến già cũng không chết!). 

Bao Bất Thiện                   Bao Bất Đồng

        Làm cho ta nhớ lại BAO BẤT ĐỒNG 包不同 (Bao Bất Đồng có nghĩa : Bảo đảm không đồng ý!), người mà mở miệng ra là nói ngay bốn chữ "Phi dã, phi dã 非也,非也!"(Không phải, không phải đâu!). Bao Bất Đông có cô con gái tên là BAO BẤT TỊNH 包不靚. TỊNH 靚 là đẹp một cách lộng lẫy. Nên BAO BẤT TỊNH 包不靚 có nghĩa :"Bảo đảm không đẹp lộng lẫy chút nào cả !". Con gái ham đẹp mà lại có tên là : Bảo đảm Không đẹp chút nào cả !... Thì quả thật là tiếu lâm !

      Qua các cách đặt tên hiệu ở trên, cho ta thấy Kim Dung vừa hài hước và cũng vừa sâu sắc một cách dí dỏm, làm cho người đọc vừa hụt hẫng vì đoán sai lại vừa cảm thấy thích thú khi phát hiện ra sự thật.

        Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung còn hấp dẫn ở chỗ vượt qua khỏi những mô hình cổ điển "CHÍNH luôn thắng TÀ". Kẻ gian tà tuy võ công lợi hại nhưng rốt cuộc luôn bị bại bởi những người chính trực. Cứ rập khuôn như thế thì đọc riết cũng đâm ra thấy chán. Kim Dung đã bức phá ra khỏi cái khuôn khổ đó. Như trong "Tuyết Sơn Phi Hồ" và "Phi Hồ Ngoại Truyện" có Hồ Nhất Đao 胡一刀 là một anh hùng bản sắc chính trực lại trúng phải âm mưu ám toán của kẻ tiểu nhân thoa thuốc độc lên đao mà vong mạng; Còn kẻ tiểu nhân thất đức là Điền Quy Nông lại có được một ngoại mạo bề ngoài thật đoan trang tuấn tú, làm cho vợ của Miêu Nhân Phượng phải bỏ nhà đi theo. Còn trong "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" thì kẻ ác Tây Độc Âu Dương Phong không có bị người quang minh chính trực là Cửu Chỉ Thần Cái đánh bại, mà ngược lại Hồng Thất Công lại bị ông ta hại cho mất hết võ công. Những kẻ thuộc phe phản diện ác độc gian tà như Âu Dương Khắc, Dương Khang không phải do phe chính trực sát hại mà đều chết do tay của những người gian ác. Âu Dương Khắc bị Dương Khang giết, Dương Khang chết là do chất độc rắn của Âu Dương Phong. Còn Giang Nam Thất Quái chuyên hành hiệp trượng nghĩa, thì sáu người đều bị chết về tay của kẻ xấu. Kim Dung đã đặt những nhân vật của mình vào một hoàn cảnh lịch sử khắc khe. Như Thành cát Tư Hãn đánh tới đâu là tàn sát giết hại dân lành tới đó, đã ép buộc Quách Tĩnh đem binh đi đánh nhà Tống khiến cho mẹ của Quách Tĩnh phải tự sát, nhưng ông ta vẫn hoàn thành đại nghiệp Đế quốc Mông Cổ của mình, trong khi Quách Tĩnh là người dân lành chính trực cũng phải chịu bó tay mà không thể vãn hồi đại cục cho được...

         Kim Dung thường tổng hợp nhiều mô hình tiểu thuyết võ hiệp, như "Mô Hình Phục Thù 復仇模式" như con báo thù cho cha mẹ, đệ tử báo thù cho sư phụ... "Mô Hình Tranh Chấp 爭執模式" như tranh giành kho báu, tranh giành bí kíp võ công, Tranh giành Bảo đao Bảo kiếm hoặc Linh đơn diệu dược... rồi thêm vào những tình tiết thường thấy, như trên đường phục thù lại yêu nhầm con cái hay đồ đệ của kẻ thù. Ngoài ra còn có các mô hình khác như "Tranh Hùng 爭雄" xưng bá võ lâm, "Phục Ma 伏魔" trừng trị kẻ ác, "Kháng Bạo 抗暴" phản kháng chống lại bạo lực, bạo quyền, "Ngôn Tình 言情" tả lại những mối tình lãng mãn, những mối tình vượt lễ giáo... Như...

"Bích Huyết Kiếm" viết về Viên Thừa Chí phục thù rửa hận cho cha là Viên Sùng Hoán. "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" là tranh giành bảo đao Đồ Long và Ỷ Thiên Kiếm, "Anh Hùng Xạ Điêu" thì tranh giành Võ Mục Di Thư và Cửu Âm Chân Kinh, "Tiếu Ngạo Giang Hồ" là phục ma diệt bạo những ngườicó tham vọng như Tả Lãnh Thiền và Ngụy Quân Tử như Nhạc Bất Quần. "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" là kháng chiến chống lại bạo quyền... Kim Dung không lọt vào khuôn mẫu của các mô hình một cách cứng ngắt thụ động, mà kết hợp nhiều mô hình lại trong cùng một tác phẩm. Như trong "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện", hai gia đình của Quách Khiếu Thiên và Dương Thiết Tâm gặp nạn, Quách Tĩnh và Dương Khang cùng quyết tâm trả thù cho cha mẹ gia đình (Mô hình Phục Thù), cùng tìm kiếm và tranh giành Võ Mục Di Thư và Cửu Âm Chân Kinh (Mô hình Tranh Báu); Các cao thủ Luận Kiếm Hoa Sơn (Mô hình Tranh Hùng), Quách Tĩnh và Hoàng Dung cùng giúp quan binh giữ thành Tương Dương chống quân Mông Cổ (Mô hình Kháng Bạo)... Thậm chí còn chen vào một số tình tiết Trinh Thám, như Giang Nam Ngũ Quái bị sát hại trên đảo Đào Hoa, ai cũng nghi là do Hoàng Dược Sư gây nên, nhờ có Hoàng Dung tinh ý thông minh mới phá được án oan cho cha mình, nhờ vào hai nét chữ THẬP 十 là bên trái của chữ DƯƠNG 楊, chớ không phải chữ THẬP 十 trên đầu chữ HOÀNG 黃 và nhất là nhờ vào chiếc giày con có chữ Tỉ Võ Chiêu Thân bị Diệu Thủ Thư Sinh trước khi chết đã trổ tài "Diệu Thủ Không Không" lấy được trong mình của Dương Khang... Còn "Thần Điêu Hiệp Lữ" là quyển tiểu thuyết Ngôn Tình, mở đầu bằng mối tình ngang trái giữa Lục Triển Nguyên và Lý Mạc Sầu đưa đến sự tàn độc nhẫn tâm của Lý Mạc Sầu sau nầy; Mối tình vượt ra ngoài vòng lễ giáo giữa thầy trò Dương Quá và Tiểu Long Nữ; Những mối tình "Đơn Tư 單思" một chiều của Trình Anh, Lục Vô Song, Công Tôn Lục Ngạc và Quách Tương đối với Dương Quá; Song song cũng có những mối tình êm đẹp suôn sẻ như Quách Phù và Gia Luật Tề, Anh em nhà họ Võ với Hoàng Nhan Bình và Gia Luật Yến... và cũng có "Tranh Báu" như phái Cổ Mộ Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ tranh nhau bí kíp "Ngọc Nữ Tâm Kinh", "Kháng Bạo" như quần hùng giúp giữ thành Tương Dương chống lại quân Mông Cổ, Dương Quá dùng Đàn Chỉ Thần Công búng viên đá giết chết Đại Hãn Mông Ca. "Tranh Hùng" như Luận Kiếm Hoa Sơn ở phần cuối truyện...


         Tiểu Thuyết võ hiệp của Kim Dung còn hấp dẫn người ta bằng cách khơi dậy tính tò mò cố hữu của con người, nên ông luôn luôn tạo ra rất nhiều tình huống làm cho người ta thắc mắc, khó hiểu. Trong thắc mắc lớn có thắc mắc vừa, trong thắc mắc vừa có thắc mắc nhỏ. Hết lớp nầy đến lớp khác để khơi dậy tính hiếu kỳ làm cho người ta cứ mãi mê theo dõi miết đến quên ăn quên ngủ. Như truyện "Tiếu Ngạo Giang Hồ" vậy, mới vào truyện đã mở ra một tình huống hồi hộp khẩn trương để khơi dậy tính tò mò thắc mắc của người đọc...
       Thiếu gia Lâm Bình Chi của Phúc Uy tiêu cục cùng người ấu đả. Sau khi vô tình giết chết một người Tứ Xuyên họ Dư, thì trong đêm đó, các tiêu sư trong tiêu cục trên hai mươi người cứ nối tiếp nhau lăn ra chết một cách bí mật mà không có thương tích gì cả. Trước cửa tiêu cục lại có người dùng máu viết hàng chữ :"Ra khỏi cửa mười bước sẽ chết!". Bầu không khí khủng bố lan tràn. Tổng tiêu đầu Lâm Chấn Nam phải giải phẫu tử thi để tìm hiểu nguyên nhân, thì mới phát hiện ra rằng các tiêu sư chết vì Thôi Tâm Chưởng của phái Thanh Thành ở Tứ Xuyên. Trong tình cảnh nầy vợ chồng Lâm Chấn Nam quyết định bỏ tiêu cục thoát ra từ ngõ sau để lánh nạn. Nhưng vẫn bị giết hết cả nhà, chỉ có Lâm Bình Chi là thoát chết... 
      Mới đầu truyện đã treo lơ lửng nhiều nghi vấn : Tại sao lại xảy ra thảm kịch của Phúc Uy tiêu cục ? Nhà họ Lâm đã làm gì nên nỗi nầy ? Lâm Bình Chi thoát chết tương lai sẽ ra sao ? Có học được võ công thượng thừa để rửa thù tuyết hận hay không ?... Một lô thắc mắc thôi thúc đọc giả phải đọc tiếp xem cốt truyện về sau sẽ ra sao ? Nhưng khi truyện trước chưa giải quyết được tới đâu thì những biến cố sau đã dồn dập tới : Cao thủ của phái Hành Sơn là Lưu Chính Phong rửa tay gát kiếm, thoái ẩn giang hồ, nhưng Ngũ Nhạc kiếm phái lại hết sức cản trở, đến nỗi muốn sát hại cả nhà của Lưu Chính Phong, đó là vì lý do gì ? Đại đệ tử của phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Sung liều mạng cứu sư muội của phái Hằng Sơn là tiểu ni cô Nghi Lâm, thiếu chút nữa thì mất mạng, lại bị mọi người ghét bỏ, còn bị sư phụ trách phạt phải "Diện bích tư quá 面壁思過"là tại sao ?... Hết thắc mắc nầy đến nghi vấn khác cứ chồng chất lên nhau một cách chặc chẽ để lôi cuốn người đọc và sẽ được Kim Dung tháo gở lần lần, có lắm khi tới hồi kết thúc vẫn còn chưa tháo gở xong một cách dứt khoát, mà để dành phần cho đôc giả tự "tháo gở" lấy tùy theo thiên kiến của mỗi người. Như ở cuối truyện "Tuyết Sơn Phi Hồ", có người hỏi Kim Dung là :"Cuối cùng thì nhát đao đó Hồ Phỉ có chém xuống hay là không ?". Kim Dung đã cười mà đáp lại rằng :"Chính tôi cũng không biết nữa !". Ý là : Tùy theo cách nhìn và cách giải quyết sự việc của mỗi người. Nhát đao của Hồ Phỉ chém xuống thì sẽ như thế nào, không chém xuống thì sẽ như thế nào, và câu chuyện sẽ kết thúc ra sao ? Tất cả mọi người đều có quyền "tham gia" giải quyết và tháo gở cái gút mắc gây cấn, phức tạp và lý thú nầy !


      Kim Dung còn giỏi ở khâu cho cốt truyện diễn biến một cách đột xuất bất ngờ để gợi ý tò mò cuả độc giả một cách mạnh mẽ như trong một câu truyện trinh thám. Truyện "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", chỉ trong một đêm ngủ thức dậy thì Triệu Mẫn và thuyền Ba Tư biến mất, Hân Ly bị rạch mặt, Chu Chỉ Nhược bị xẻo tai, Ta Tốn và Trương Vô Kỵ đều cảm thấy trong mình uể oải... Ai, ai đã cướp đi Đồ Long Đao và Ỷ Thiên Kiếm ? Nếu là Triệu Mẫn, thì sao nàng ta phải làm như vậy ? Tại sao lại không giết hết mọi người để cho dứt hậu hoạn ?... Rất nhiều rất nhiều nghi vấn làm cho người đọc phải nóng lòng theo dõi miết mà quên cả ngủ nghê ăn uống !

     Kim Dung còn có thủ pháp tạo sự nghi ngờ như đánh đố để cho người đọc đoán già đoán non với những tình tiết mập mờ, khi mờ khi tỏ, khi tối khi sáng. Trong cái nghi ngờ lớn có cái nghi ngờ nhỏ, như trong truyện "Hiệp Khách Hành"...
     Bài thơ "Hiệp Khách Hành và Thái Huyền Kinh" trong các hang đá trên Đảo Hiệp Khách là cái gút mắt đánh đố lớn nhất của câu truyện, làm phát sinh những gút mắt đánh đố nhỏ tiếp theo sau đó để tạo nên diễn tiến của câu truyện. Vì không giải mã được các bí kíp võ công trong hang động trên Đảo Hiệp Khách, nên Long Mộc nhị Đảo Chủ mỗi mười năm mới cho hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác đi mời các Chưởng Môn, Bang Chủ, Người đứng đầu của các phe phái võ lâm về Đảo để ăn Cháo Lạp Bát và cùng nghiên cứu võ công trên vách trong hang động. Nhưng các Bang Chủ Chưởng Môn đều có đi mà không có về, vì ai nấy đều mãi mê nghiên cứu võ công, khi chưa giải mã được các bí kíp thì đều không chịu rời đảo. Nên hễ đáo hạn mười năm là võ lâm lại xôn xao về chuyện Thưởng Thiện Phạt Ác. Vì thế mà Trường Lạc Bang mới bóc đại một tên Cẩu Tạp Chủng lấy tên là Thạch Phá Thiên lên làm Bang Chủ vì có dung mạo giống hệt như là Thạch Trung Ngọc, một hoa hoa công tử chuyên ăn chơi và tán gái được đưa lên làm Bang Chủ trước đó để nạp mạng cho Đảo Hiệp Khách. Những gì mà tên bại hoại Thạch Trung Ngọc làm thì tên Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên đều phải lảnh hậu quả, tạo nên nhiều chuyện ngỡ ngàng tréo ngoe khó mà phân biệt được thân thế của hai nhân vật nầy. Đưa đến mối tình tay ba trước đây giữa Hắc Bạch Song Kiếm Thạch Thanh, Mẫn Nhu và Mai Phương Cô, cũng như mối tình tay ba giữa Uy Đức Tiên Sinh Bạch Tự Tại, Sử Tiểu Thuý và Đinh Bất Tứ... Tình tiết phức tạp cái nọ xọ cái kia. Đến kết cục, Kim Dung cũng chỉ giải quyết có nửa vời khi cho mẹ nuôi của Cẩu Tạp Chủng là Mai Phương Cô tự vẫn, khi Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên chưa kịp hỏi về thân thế của mình; Nên chỉ có Thạch Phá Thiên là còn thắc mắc :"Cha ta là ai ? Mẹ ta là ai ? và TA là AI đây ?" Nhưng mọi người đều tự hiểu ngầm rằng Thạch Phá Thiên là anh em sinh đôi với Thạch Trung Ngọc và đều là con của Hắc Bạch Song Kiếm Thạch Thanh và Mẫn Nhu.


     Cái đánh đố lớn nhứt, phức tạp nhứt mà cũng lý thú nhất là Thân thế của ba nhân vật chính trong truyện "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部".

     * ĐOÀN DỰ 段譽 : là một thư sinh vương tử của Đoàn Hoàng Gia nước Đại Lý, không biết võ công nhưng hay lo chuyện bao đồng, lấy đạo lý làm người để giảng cho những vũ phu chỉ biết lộng đao múa kiếm. Cũng chính vì tính chính nghĩa của chàng thư sinh gàn bát sách mà lại đánh động lòng yêu thương cảm mến của các cô gái đẹp mới lớn như Chung Linh, Mộc Uyển Thanh... Nhưng vì ông cha Đoàn Chính Thuần phong lưu hết mực, đi đến đâu là có người yêu đến đó, nên tất cả những cô gái mà Đoàn Dự cảm mến đều là em gái cùng cha khác mẹ với mình, kể cả người mà Đoàn Dự gọi là "Thần Tiên Tỉ Tỉ" Vương Ngọc Yến (sau Kim Dung đổi tên thành Vương Ngữ Yên) mà Đoàn Dự yêu chết mê chết mệt, đeo đuổi vất vả lắm mới được nàng yêu lại. Nhưng sau nầy phát hiện ra cũng là em gái cùng cha khác mẹ với mình, thì chàng ta lại thất vọng muốn buông xuôi tất cả kể cả tính mạng của mình. May mà nhờ Kim Dung... tháo gở cho ở nước chót ! Thì ra, mẹ của Đoàn Dự là Vương Phi Đao Bạch Phụng vì giận chồng quá hào hoa phong nhã, nên đi lấy một tên ăn mày dơ dáy để... trả thù. Nào ngờ tên ăn mày đó chính là Thái Tử Đoàn Diên Khánh bị thương vì loạn quân làm phản. Thế là theo phong tục tập quán của nước Đại Lý lúc bấy giờ (và có lẽ cho đến hiện nay?!) Dù là anh em chú bác hai đời nhưng không cùng cha cùng mẹ thì đều lấy nhau được cả !
    
    * KIỀU PHONG 喬峰 (sau nầy là TIÊU PHONG 蕭峰) : Thân thế của Kiều Phong là một bi kịch lớn cho đến hồi kết thúc. Trúng gian kế của Mộ Dung Bác, quần hùng Trung nguyên giết nhầm gia đình Tiêu Viễn Sơn. Là người Khất Đan, nhưng Kiều Phong lớn lên và thành Bang chủ của Cái Bang ở Trung nguyên. Vì là một bản sắc anh hùng chỉ chú trọng kết giao bằng hữu nên lơ là với tấm tình si của Mã Phu Nhân Khang Mẫn, mới bị người đàn bà dâm ác nầy làm cho thân bại danh liệt, và còn hại cho A Châu người yêu của Kiều Phong phải chết dưới chính tay của Kiều Phong. Truy tìm Thủ lĩnh đại ca, thì những người biết việc nầy đều bị giết hại. Khi vỡ lẽ ra, thì người giết hại những người đó lại chính là cha ruột của mình. Sau cùng mặc dù là Nam Viện Đại Vương của nước Đại Liêu nhưng luôn luôn muốn cho dân hai nước được chung sống hòa bình, không muốn dấy động can qua, nên đành phải hy sinh một cách oanh liệt hào hùng ở ngoài cửa ải Nhạn Môn Quan.

    * HƯ TRÚC 虛竹 : là một hòa thượng trẻ thuôc đời thứ ba của Thiếu Lâm Tự. Qua sự kết giao với Đoàn Dự và Tiêu Phong thân thế mới được từ từ lộ ra. Giải thích luôn là  tại sao Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương lại hay bắt con của người khác nựng nịu xong thì lại giết đi. Giải mã tại sao Hư Trúc vừa sanh ra thì đã làm hòa thượng rồi. Thông qua Tiêu Dao Tử, Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy, Công Chúa Tây Hạ... làm cho nhà sư HƯ TRÚC phải hoàn tục thành HƯ TRÚC TỬ 虛竹子 và là Phò Mã của nước Tây Hạ hưởng trọn vẹn vinh hoa phú qúy mà trước đó có nằm mơ nhà sư Hư Trúc cũng không bao giờ dám nghĩ đến !

      Ba câu truyện, ba thân thế, ba hoàn cảnh sống được Kim Dung sắp xếp cho hòa quyện vào nhau, hô ứng nhau một cách chặc chẽ tạo nên một truyện võ hiệp không tiền khoáng hậu đầy đủ cả Tham Sân Si, lục dục thất tình, ân oán giang hồ với những võ công tuyệt thế làm nền cho những câu truyện sau nầy như Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp của Cái Bang; Nhất Dương Chỉ của Đoàn Hoàng Gia vẫn còn âm hưởng ở các truyện "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" và "Thần Điêu Hiệp Lữ" sau nầy !

Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德

4/18/23

Nghiệp

Vài hôm trước, một người bạn chia sẻ video: "Những Điềm Báo Chấn Động Tại Trung Quốc". Nội dung là, người dân Trung Quốc đang sống trong xã hội động loạn và hoàn cảnh kinh hoàng bất an gồm:

- Thủ đoạn khủng bố trong cuộc đàn áp tín ngưỡng.

- Đặt hàng trăm triệu Camera trên toàn quốc để tăng cường khả năng giám sát.

- Nạn bắt cóc trẻ em phụ nữ ngang nhiên hoành hành khắp nơi ở Trung Quốc.

- Nạn buôn người và buôn bán nội tạng càng lúc càng nghiêm trọng. Đạo đức xã hội Trung Quốc xuống thấp nhất trong lịch sử, và có lẽ cũng thấp nhất thế giới.


Rồi bạn tôi hỏi: Anh nghĩ sao về Nhân Quả?


Quả nhiên thế, mọi sự việc trên đời đều vận hành và được chi phối bởi luật Nhân Quả. Theo thiển kiến của tôi, ngoài luật Nhân Quả, còn một yếu tố quan trọng khác mà chúng ta thường thấy trong kinh Phật, đó là chữ "Nghiệp." Nhằm mục đích trau dồi và khuyến khích trong tinh thần học hỏi, nên xin chia sẻ một vài cảm nghĩ về Nghiệp.


                    Nghiệp                                                


Chúng ta đang sống trong thế giới đại thị phi, nếu cần phải dùng một chữ để hình dung, đó là chữ "LOẠN". Thực vậy, nếu chúng ta để ý quan sát, hầu hết các hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng lưới đều truyền đạt tin tức phiến diện: thiên tai nhân họa, tranh giành đấu đá, gian tham lừa đảo, ân oán tình thù ... Vì vậy, tâm tư của chúng ta thường bị giao động và bất an trước sự giao lưu tạp nhạp của hệ thống mạng lưới và sự thông tin quá mức của môi giới truyền thông.


Nhà Phật cho rằng trong nhân gian, cõi đời là cõi ta bà. "Ta Bà" là Phạn ngữ, dịch ý là "thế giới kham nhẫn," có nghĩa là con người phải chịu đựng các phiền não, khổ lụy, bất bình, bất mãn, bất như ý...


Chúng ta thường thắc mắc băn khoăn tự hỏi khi đứng trước những nghịch cảnh trớ trêu, nhất là những điều có phần vô lý. Tại sao nạn cơ hàn cứ xảy ra tại Châu Phi? Tại sao cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm và sau đó dấy lên làn sóng vượt biên tạo nên những mất mát thê thảm của thế kỷ? Tại sao Putin phát động cuộc xâm lăng Ukraine khiến hàng triệu người dân vô tội sống trong cảnh màn trời chiếu đất? Thậm chí có câu hỏi nghịch lý: Tại sao đời cha ăn mặn lại để đời con khát nước? Vân vân và vân vân…


Quả nhiên thế.


Cuộc đời là dòng chảy muôn thuở. Bao điều khiến chúng ta suy ngẫm mãi: thiên tai nhân họa, điềm báo kinh động.... Những tưởng là nghịch lý nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy các sự kiện trong cuộc sống luôn liên kết với nhau bằng những mắt xích. Và rồi trong những góc khuất đâu đó của cuộc đời bất ngờ chúng ta ngộ ra lắm điều ý vị và cơ duyên từ những điều kỳ diệu trong cuộc sống.


Kỳ thực, thế giới chúng ta đang sống là một sân khấu không bao giờ hạ màn tắt ánh sáng. Trong vòng luân hồi truyền kiếp làm sao chúng ta tránh khỏi những tương tác liên quan đến những cá nhân, sự kiện khác.


Và rồi khái niệm chữ “nghiệp” trong kinh Phật được người ta đề cập đến. Nghiệp nói nôm na là nhân duyên tạo thành từ những hành vi gồm thân khẩu ý mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác. Tuy nhiên nghiệp có thể thay đổi, nói đúng hơn là nghiệp có thể chuyển hóa. Nó sẽ xấu đi nếu mình không biết duy trì những đạo hạnh tinh tấn. Hoặc nó sẽ được cải thiện nếu như ai đó thực hiện những việc làm đạo đức nhân bản từ bi rộng lượng với muôn loài.


Trở lại vấn đề tại sao ở hiền nhưng không gặp lành. Ở ác lại thong dong tự tại? Tại sao chúng ta phải sống tốt, phải sống thiện, trong khi những tồi tệ và điềm dữ vẫn cứ xảy ra không ngừng khắp thế giới. Nhân quả cuộc sống xem ra chẳng đi theo những quy luật bình thường như ta kỳ vọng. Cuộc sống phũ phàng khiến ta có câu nói mỉa mai: "Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt!"


Rồi nếu chúng ta quay về nội tâm để phản tỉnh quán chiếu, những lời dạy trong kinh Phật về "biệt nghiệp và cộng nghiệp" chính là những nỗ lực cố gắng giải thích các sự kiện mang tính mâu thuẫn nghịch lý trong cuộc sống hầu giúp người tu tập có một hướng đi trên đường đời lẫn đường đạo chững chạc và tốt đẹp hơn. 


Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải có điều xấu điều ác. Nghiệp cũng có nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng thì gọi là biệt nghiệp và nghiệp chung thì gọi là cộng nghiệp.


Chúng ta sinh ra đời, mỗi người mang theo nghiệp riêng của mình, mà cùng sống chung với nhiều người khác. Khi chúng ta biết mỗi người có mỗi nghiệp riêng, mình là kẻ ngoại cuộc không có nghiệp đó thì không hiểu được nghiệp của người khác, cũng chính vì nghiệp riêng của họ mà khiến họ hành xử nhiều khi không hợp lô-gích của người đời. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ có thái độ sống dung hòa không thắc mắc, mà thông cảm được hoàn cảnh và tình huống của người khác.


Biệt nghiệp là nhân duyên của mỗi cá nhân, là ai làm nấy chịu. Cộng nghiệp là ảnh hưởng của các mối quan hệ nhân duyên giữa ta và những thành viên khác. Khi nạn động đất vừa xảy ra  gần đây tại Turkey, nhiều người đã tỏ ra ái ngại và xót thương cho những nạn nhân kém may mắn. Nếu động đất gây ra tác hại lớn và bao khó khăn cho cả một vùng ảnh hưởng đến nhiều người phải chăng đó là cộng nghiệp? Dân chúng sống tại nơi đó ai cũng bị thiệt hại, không ít thì nhiều. có những trường hợp tồi tệ nghiêm trọng hơn? Tức cùng sống trong vùng có thiên tai nhưng có kẻ bị nặng, tỷ như mất mạng; người bị nhẹ, tỷ như hư hao nhà cửa? phải chăng đó là biệt nghiệp?


Từ lâu, chúng ta thường nghe nói tạo nhân thì phải thọ quả báo, tức là gây nhân nào thì chịu quả nấy. Có một số người mới tu lại nghĩ rằng : Xưa kia làm điều tội ác, ngày nay tu hành là mong giảm bớt khổ đau. Nhưng, nếu trước đã gây nhân nào sau phải chịu quả nấy thì tu để làm gì ? Bởi thế, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu luật nhân quả tường tận hơn để không thối chí trên con đường tu hành và truy tầm chân lý.


Phật có dạy trong Kinh A-hàm: Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ chuyển hóa, đổi thay. Đức Phật dùng thí dụ hạt muối để diễn giải về sự chuyển nghiệp, mà vẫn không trái với định luật nhân quả. Người tạo nghiệp bất thiện, nhận lấy nghiệp quả xấu, như người bỏ nắm muối vào một ly nước, nước trong ly sẽ rất mặn không thể uống được. Nếu như trong đời sống hiện tại, người ấy biết sống thiện, tạo duyên lành thì ví như người bỏ nắm muối vào lu nước lớn, vị muối loãng ra, có thể uống được. Nếu người ấy sống đạo đức, tu thân, tu giới, tu tâm, thì ví như người bỏ nắm muối vào trong hồ ao, thì nước sẽ không còn mùi mặn. “Muối” là nghiệp nhân ác, còn “nước” là nghiệp nhân thiện, nước càng nhiều, muối càng loãng ra cho đến vị mặn còn rất ít, không đáng kể.

Cho nên tu là chuyển quả xấu. Chuyển nghiệp không phải là tạo nhân mà không chịu quả, mà là chuyển không thọ đúng như khi gây nhân. Tới đây, đi xa hơn một chút, chúng ta cùng tìm hiểu lý "nhân quả" theo tinh thần Thiền tông. Trong “Chứng đạo ca” của thiền sư Huyền Giác có nói: "Nghiệp chướng bổn lai không." Có nghĩa là nghiệp chướng vốn dĩ là không có thật.


Trong công án của Thiền tông có ghi cuộc đối thoại giữa thiền khách Hạo Nguyệt và thiền sư Trường Sa.

Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi:

- Nghiệp chướng bổn lai không. Nhưng tại sao Tổ Huệ Khả lại còn phải chịu quả báo?

Thiền sư Trường Sa trả lời :

- Vì thiện tri thức chưa biết bổn lai không.

Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi tiếp:

- Thế nào là bổn lai không?

Thiền sư Trường Sa trả lời:

- Nghiệp chướng.

- Thế nào là nghiệp chướng ?

- Bổn lai không.

Tại sao nói nghiệp chướng bổn lai không?


Tu hành của Thiền tông là phải biết soi lại để nhìn thẳng nội tâm, biết cái gì hư dối thì buông xả, cái gì chân thật để nhận lại. Khi tâm chúng ta mê là chúng ta còn mang nghiệp, nếu biết thức tỉnh chuyển nó thì nó sẽ thay đổi, nên nói nghiệp vốn không thật. Tuy không thật, nhưng nếu chúng ta mê thì nó kéo đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử không dừng.


Đã nói “Nghiệp chướng bổn lai không” tại sao Tổ Huệ Khả chết trong tù ? Trong kinh, Phật nói có nhân là có quả, nhưng quả đến còn tùy theo sức tu cao thấp mà chuyển hóa.

Tổ Huệ Khả cũng vậy, khi Ngài ngộ đạo ở Tổ Bồ-đề-đạt-ma, sau Ngài truyền tâm ấn cho Tổ Tăng Xán. Ngài nói : “Ta còn chút duyên phải đi trong nhân gian”. Rồi Ngài đến giáo hóa ở một vùng nọ, bị ngoại đạo sàm tấu cho là Ngài truyền bá tà giáo. Quan địa phương tin lời gièm pha và bắt giam Ngài. Khi bị giam trong khám, Ngài không giận không buồn. Ngài nói duyên ta hết ở đây, rồi Ngài tịch trong khám. Tổ Huệ Khả là người tu hành đắc Đạo, minh tâm kiến tánh. Ngài thấy rõ đầu đuôi gốc ngọn của nhân duyên. Như vậy trả mà không khổ, rồi từ đó được giải thoát sanh tử. Thậm chí cái quả mà chúng ta nghĩ là Ngài trả, nhưng đối với Ngài thì không có trả.


Tâm có nhiễm tất mê, tâm không nhiễm tất giác, cũng như chúng sanh vô minh vọng chấp tạo ra các nghiệp dữ nên bị luân hồi sanh tử, nếu giác ngộ tu hành chuyển nghiệp thì sẽ thoát vòng tục lụy. 


Trên con đường từ mê tới giác cũng như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Cuộc hành trình ngàn dặm từ Đông Thổ Đại Đường đến Tây Phương Thiên Trúc, thầy trò Đường Tăng gặp thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối; cũng như trên đường đời của cõi ta bà, con người phải luôn đương đầu với nhiều trắc trở, nghịch cảnh và khó khăn, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải cố gắng phấn đấu, học hỏi rồi trưởng thành.


Nhân sinh bất như ý thập thường bát cửu, ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Đến khi nào chúng ta cố gắng lòng trong gạn đục, giữ tâm thanh tịnh và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bình tâm trước những nghịch cảnh và thử thách, trân quý những bài học giá trị tiềm ẩn trong những sự kiện của cuộc sống, cả tốt lẫn xấu.


Nghiệp là vậy. Duyên cũng là vậy? Đều có điều tốt đẹp sau mỗi lần chúng ta trải qua những dằn vặt đau khổ. Lúc đó, chúng ta sẽ bình tâm trước những ảnh hưởng của cộng nghiệp xấu khi chứng kiến cảnh bất công của chúng sanh (chính mình và người khác) ngụp lặn giữa bể khổ sân si.


"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành." “thiêng” và “lành” ở đây không phải ở việc cúng bái, cầu xin, lạy lục, mong bề trên ban phước lành ...  mà ở tâm của con người. “Sống là động nhưng lòng luôn bất động, sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.” Dầu là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nhân duyên hay quả báo, hẳn chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời mãi mãi là một dòng chảy vô thường trong đó mỗi chúng ta bất quá chỉ là một giọt nước đắm chìm trong dòng chảy mênh mông bao la vĩnh hằng ấy.


Trường

04-15-2023


4/15/23

Giai thoại văn chương : LÝ HẬU CHÚA với bài từ NGU MỸ NHÂN

Tống Từ : 
LÝ HẬU CHÚA với bài từ NGU MỸ NHÂN
 
Lý Hậu Chúa và bài từ Ngu Mỹ Nhân

LÝ DỤC 李煜 (937-978), vua của nước Nam Đường trong thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979), tự là Trùng Quang, hiệu là Chung Ẩn, Liên Phong Cư Sĩ, người đất Bành Thành. Ông là con trai thứ 6 của Đường Nguyên Tông Lý Cảnh 唐元宗李璟, lên ngôi từ năm 961 đến năm 975 thì mất nước, sử gọi là Lý Hậu Chúa 李後主. 

Năm Khai Bảo thứ 8, quân Tống công phá kinh đô của Nam Đường, Lý Dục đầu hàng, bị bắt về an trí ở thành Biện Lương và được phong là Vi Mệnh Hầu (vị Hầu tước Trái mệnh Vua) vì trước đó ông đã đóng cửa thành để chống lại vua Tống. Sau vì cảm tác bài từ nổi tiếng 《Ngu Mỹ Nhân 虞美人》để nhớ về cố quốc mà bị Tống Thái Tông ban thuốc độc giết chết. 

Lý Hậu Chúa tuy thất bại về mặt chính trị, nhưng ông lại là một tài tử tài hoa tinh thông thư pháp, giỏi hội họa, rành âm luật, thi từ ca phú đều thuộc hàng siêu đẳng, nhất là về Từ. Ông được tôn xưng là “Thiên cổ từ đế 千古詞帝”. Có nghĩa : Là ông vua về Từ từ ngàn xưa tới nay.  
  
Theo bút ký trong "Mặc Ký 默記" của văn học gia đời Bắc Tống là Vương Chí ghi lại : Sau khi đã an trí Lý Hậu Chủ ở thành Biện Lương và phong cho tước Vi Mệnh Hầu rồi. Một hôm Tống Thái Tông triệu kiến cưụ thần của Nam Đường là Từ Huyền để chất vấn về việc có thường xuyên liên lạc với Lý Hậu Chúa hay không. Từ Huyền vô cùng sợ hãi bảo là không có lệnh vua nên không dám đến thăm chúa cũ. Tống Thái Tông bèn ra lệnh cho Từ Huyền đến thăm Lý Dục để thoả lòng tôi chúa cũ. 

Khi gặp Từ Huyền, Lý Hậu Chúa đã cất tiếng khóc to mà than rằng : Vì không nghe theo lời khuyên của Phan Hựu và Lý Bình chấn chỉnh triều chính, chỉnh đốn binh mã nên mới đưa đến tình trạng mất nước như hiện nay. Khi trở về phục mệnh, Từ Huyền đã không dám giấu giếm  đem những lời than ấy mà kể lại với vua Tống; nên Tống Thái Tông đã sinh lòng muốn sát hại Lý Dục. Vào đêm Thất Tịch của năm đó (mùng 7 tháng 7 Âm lịch) cũng là ngày sinh của Lý Hậu Chúa, lúc bấy giờ là Vi Mệnh Hầu vì cảm khái cho thân phận mất nước của mình, ông đã sáng tác bài từ "Ngu Mỹ Nhân 虞美人" và cho các ca nhi hát trong buổi tiệc sinh nhật của mình để bộc bạch lòng nhớ thương về cố quốc năm xưa. Tống Thái Tông biết chuyện, nổi giận ban rượu độc bắt ông phải quyên sinh. Bài từ chết người đó bèn được nổi tiếng và lưu truyền rộng rãi trong dân gian và mãi cho đến hiện nay. 

Ta hãy cùng đọc bài từ đau lòng của kẻ mất nước này nhé !
               花秋月何時了?            Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
              往事知多少?              Vãng sự tri đa thiểu?
              小樓昨夜又東風,       Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
              故國不堪回首月明中。 Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
              雕欄玉砌應猶在,       Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
              只是朱顏改,              Chỉ thị chu nhan cải.
              問君能有幾多愁?       Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
              恰似一江春水向東流!   Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu!
Ý bài từ là :
      Cái cảnh hoa của mùa xuân và trăng của mùa thu là cảnh đẹp nhất trong năm, sẽ hiển hiện mãi hằng năm. Nhưng đối với ta thì cảnh hoa xuân trăng thu này bao giờ sẽ chấm dứt đây ? Biết bao nhiêu là chuyện tốt đẹp cũ đã đi qua (một cách oan uổng). Nay thì, trong căn lầu nhỏ này, tối hôm qua gió xuân lại thổi như nhắc nhở đến thuở xa xưa. Nhưng cố quốc đâu rồi ? Ta khó có thể quay đầu nhìn lại đất nước xưa trong cảnh trăng sáng đẹp như thế này. Ôi, thềm ngọc lan can trạm trổ dát ngọc xinh đẹp (ý chỉ Cung vàng Điện ngọc) năm xưa chắc vẫn còn đó. Chỉ là những người trẻ trung của thuở đó thì dung nhan đã thay đổi cả rồi ! Thử hỏi xem qua bao tang thương sao dời vật đổi thế kia, lòng bạn đã phát sinh được bao nhiêu mối sầu ? Và vô số những mối sầu đó như là những dòng sông xuân tất cả đều tuôn chảy về biển đông rồi mất hút luôn không bao giờ trở lại được nữa !

     Qủa là tâm sự não lòng của một đấng quân vương mất nước, lòng luôn canh cánh nhớ về thuở vàng son của quá khứ xa xưa mà nuối tiếc, sầu muộn, ưu phiên... rồi trải lòng qua những lời từ diễm lệ ưu sầu...

                   Xuân hoa thu nguyệt thuở nào vơi ?
                   Chuyện cũ biết bao rồi ?
                   Lầu nhỏ đêm qua gió xuân thổi,
                   Nước cũ đau lòng, quay đầu chỉ thấy bóng trăng trôi !
                   Cung vàng điện ngọc vẫn còn thôi,
                   Chỉ tuổi xuân qua rồi !
                   Hỏi người bao nả sầu vong quốc ?
                   Tựa như một dòng xuân thủy hướng đông trôi !
   Lục bát :
                  Xuân hoa thu nguyệt hết rồi !
                  Bao nhiêu chuyện cũ bồi hồi lòng ta.
                  Gió xuân lầu nhỏ đêm qua,
                  Nặng lòng cố quốc xót xa hồi đầu.
                  Cung vàng điện ngọc nay đâu,
                  Dung nhan đã đổi theo mầu thời gian.
                  Biết bao sầu muộn miên man...
                  Tuôn theo dòng nước ngút ngàn về đông !
                                                          Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

      Nặng lòng với cố quốc là thế, đau lòng với cảnh trí trước mắt là thế, chả trách Tống Thái Tông sau khi nghe bài từ của ông đã phải lo lắng, kinh sợ, nên đã quyết định ban rượu độc để giết chết ông hầu chấm dứt đi mối lo hậu hoạn sau nầy.
    Nặng lòng với cố quốc là thế, đau lòng với cảnh trí trước mắt là thế, chả trách Tống Thái Tông sau khi nghe bài từ của ông đã phải lo lắng, kinh sợ, nên đã quyết định ban rượu độc để giết chết ông hầu chấm dứt đi mối lo hậu hoạn sau nầy.
 
Lý Hậu Chúa và bài từ Tương Kiến Hoan

                
無言獨上西樓,                Vô ngôn độc thướng tây lâu,
             月如鉤。                        Nguyệt như câu.
             寂寞梧桐深院鎖清秋。       Tịch mịch ngô đồng thâm viện toả thanh thu.
             剪不斷,理還亂,是離愁。 Tiễn bất đoạn, lý hoàn loạn, thị ly sầu.
             別是一般滋味在心頭。       Biệt thị nhất ban tư vị tại tâm đầu !  
Ý bài từ là :
          Cô thân chiếc bóng, lặng thinh chẳng một lời nào, rảo bước lên lầu phía tây. Ngẩn đầu nhìn lên chỉ thấy một vầng trăng lưỡi liềm cô độc. Cuối đầu nhìn xuống chỉ thấy bóng của cây ngô đồng lặng lẽ đứng trong sân đình bị bao phủ bởi hơi thu lạnh lẽo. Lòng ta đang rối loạn với một nỗi sầu cắt cũng không đứt, bứt cũng không rời, đó là nỗi ly sầu của người vong quốc. Qủa là có một nỗi niềm riêng cứ vương vấn mãi ở trong lòng !

                     Âm thầm lặng lẽ bước lầu tây,
                     Như móc câu, bóng nguyệt gầy !
                     Lặng lẽ ngô đồng trong sân vắng...
                     Hơi thu mát lạnh gợi niềm tây,
                     Cắt chẳng đứt, bứt chẳng rời, sầu vong quốc là đây.
                     Nỗi lòng chan chứa vơi đầy !
      Lục bát :
                     Một mình rảo bước lầu tây,
                     Ngẩn trông một mảnh trăng gầy cong cong.
                     Trong sân lặng lẽ ngô đồng,
                     Hơi thu mát lạnh cõi lòng đầy vơi.
                     Cắt không đứt, bứt không rời,
                     Nỗi sầu vong quốc ai người hiểu cho !
                                                                Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

       Đối với non sông đất nước, Lý Hậu Chúa là một hôn quân bất tài vong quốc, nhưng trên thi đàn thì ông xứng đáng là một ông vua muôn thuở của giới ca từ, chả trách ông được sử sách tôn xưng là "Thiên cổ từ đế 千古詞帝" (Ông Vua Từ của ngàn đời).

Lý Hậu Chúa qua điện ảnh

Bài từ NGU MỸ NHÂN 虞美人: Ngu Mỹ Nhân tức là Ngu Cơ 虞姬, người hầu thiếp đẹp đẽ của Sở Bá Vương Hạng Võ 楚霸王項羽. Nhưng là tên của một khúc hát trong giáo phường; và cũng là tên của một loại Từ Loại 詞類 thịnh hành ở đời Tống. 
        Từ khóa Ngu Mỹ Nhân còn có những tên khác như《Ngu Mỹ Nhân Lệnh 虞美人令》、《Ngọc Hồ Băng 玉壶冰》、《Nhất Giang Xuân Thủy 一江春水》... Có rất nhiều bài từ có tựa là Ngu Mỹ Nhân, nên sau từ NGU MỸ NHÂN thường phải kèm theo một câu hoặc một vế của câu đâu bài từ đó để phân biệt với bài từ Ngu Mỹ Nhân của các tác giả khác. Ví dụ : Trong bài này là "NGU MỸ NHÂN, XUÂN HOA THU NGUYỆT 虞美人·春花秋月" Ngoài ra ta còn có :
      - "NGU MỸ NHÂN. Ngọc câu loan trụ điều anh vũ" của Phùng Diên Tỵ đời Đường 唐·冯延巳《虞美人·玉钩鸾柱调鹦鹉》.
      - " NGU MỸ NHÂN. Phong hồi tiểu viện đình vu lục" cũng của Nam Đường Lý Dục南唐·李煜《虞美人·风回小院庭芜绿.
      - " NGU MỸ NHÂN. Thuật Hoài" của Tô Thức (Tô Đông Pha) đời Bắc Tống.北宋·苏轼《虞美人·述怀》
      - " NGU MỸ NHÂN. Bích Đài Thiên Thượng Tài Hòa Lộ" của Tần Quan đời Bắc Tống 北宋·秦观《虞美人·碧桃天上栽和露》
      - " NGU MỸ NHÂN. Đồng Phụ Kiến hòa Tái dụng vận Đáp Chi" của Tân Khí Tật đời Nam Tống 南宋·辛弃疾《虞美人·同父见和再用韵答之》
        .....................................

      Giống như bài ca cổ "LÝ CON SÁO" của ta vây : 

     - "LÝ CON SÁO" trong Truyện tình Lan và Điệp. "
     - "LÝ CON SÁO" trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa.
     - "LÝ CON SÁO" trong tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn.....

      Nói chung, NGU MỸ NHÂN trong từ là tên của một từ loại, toàn bài có 8 câu có thể là 56 hoặc 58 chữ và gieo cả hai vần Bằng và vần Trắc. Nhưng vì cái bóng của Lý Hậu Chúa qúa lớn, nên hễ nhắc đến ba chữ "NGU MỸ NHÂN" là người ta lại nghĩ ngay đến bài "Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu" ngay, vì...
       Đó là bài từ tiêu biểu nhất cho Lý Hậu Chúa Lý Dục và cũng là bài từ đoạt mệnh của vị vua tài hoa rất mực nầy.

Đỗ Chiêu Đức 杜紹德